‘Xâm nhập hung hãn’: Cách ĐCSTQ mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công tới Canada trong 21 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các học giả và các nhóm nhân quyền, chiến dịch bức hại mà Bắc Kinh tiến hành chống lại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ đã xâm nhập cả vào trong Canada.

“Trong thời hiện đại, không có nhóm [đức tin] nào ở Trung Quốc bị bức hại nghiêm trọng và liên tục không ngừng nghỉ như Pháp Luân Công,” trích từ cuốn sách “Cuộc xâm lược thầm lặng” của học giả người Úc Clive Hamilton phát hành năm 2018.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình là học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) ở Quảng trường Thiên An Môn khi một đám đông đứng tụ tập theo dõi ở Bắc Kinh vào năm 2001.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình là học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) ở Quảng trường Thiên An Môn khi một đám đông đứng tụ tập theo dõi ở Bắc Kinh vào năm 2001. (Wikipedia)

Nhà báo Jonathan Manthorpe viết trong cuốn sách năm 2019 có tên “Claws of the Panda” (Móng vuốt của Gấu trúc) rằng, các học viên Pháp Luân Đại Pháp không chỉ bị đàn áp toàn diện ở Trung Quốc mà còn là mục tiêu chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên đất Canada, và theo nhiều cách khác nhau.

“Pháp Luân Công nằm trong top đầu của danh sách các mục tiêu của ĐCSTQ ở Canada”, cuốn sách viết.

Và điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các học viên của Pháp Luân Công là, ĐCSTQ đang cố gắng vươn dài bộ vuốt đẫm máu của mình tới các nước phương Tây như Canada trong những năm gần đây.

“[Móng vuốt] của [ĐCSTQ] hiện đã đủ dài để hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công ở các nước khác, bao gồm cả Canada, mặc dù thực tế là các hoạt động của tổ chức này hoàn toàn hợp pháp và được thực hiện bởi những người là công dân, cử tri và người nộp thuế ở các khu vực pháp lý của nước sở tại”, ông David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho biết trong cuốn sách phát hành năm 2015 với tựa đề “Quyền lực trung bình, Vương quốc trung lưu”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện khí công rèn luyện tâm và thân dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. Trong một phán quyết năm 2006, Tòa án Nhân quyền Ontario đã khẳng định, Pháp Luân Công là một “tín ngưỡng cần được bảo vệ” theo Bộ luật Nhân quyền của Ontario, khi trích dẫn bằng chứng từ các chuyên gia cho thấy rằng các bài giảng của pháp môn này đều hàm chứa những triết lý “đạo đức sâu sắc”.

Ngay sau khi môn tập này được giới thiệu với công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992, Pháp Luân Công bắt đầu nhận được sự công nhận chính thức của chính phủ Trung Quốc vì những lợi ích về mặt đạo đức và sức khỏe mà pháp môn mang lại cho xã hội.

Các điểm luyện Pháp Luân Công nhóm là những địa điểm phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, với hàng nghìn học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hành các bài công pháp ở nơi công cộng. 
Các điểm luyện Pháp Luân Công nhóm là những địa điểm phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, với hàng nghìn học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hành các bài công pháp ở nơi công cộng. (Epoch Times)

Tờ Tin tức Công an Nhân dân - tờ báo chính thức của Bộ Công an Trung Quốc, vào năm 1993 đã ca ngợi Pháp Luân Công vì đã thúc đẩy các đức tính truyền thống chống lại cái ác của người dân Trung Quốc”.

Một quan chức từ Ủy ban Thể thao Quốc gia Trung Quốc nói với US News & World Report vào năm 1999 rằng pháp môn này “có thể tiết kiệm cho mỗi người [dân Trung Quốc] 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,33 triệu VNĐ) tiền chi phí y tế hàng năm”. Uỷ ban này còn nói thêm rằng “nếu 100 triệu người tập [Pháp Luân Công], tức là [Trung Quốc] tiết kiệm được 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 332,7 nghìn tỷ VNĐ) chi phí y tế mỗi năm".

Vào thời điểm đó, các cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc cho thấy có từ 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc đang tập Pháp Luân Công khi pháp môn tu luyện này đã lan truyền nhanh chóng trên khắp đất nước vào những năm 1990.

Tuy nhiên, sự phổ biến của Pháp Luân Công đã trở thành mối ám ảnh vô căn cứ với lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân. Trước mối e ngại gia tăng trong lòng mỗi ngày, ông Giang đã phát động một chiến dịch lớn trên toàn quốc nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999.

Tác giả Hamilton đã viết trong cuốn sách “Cuộc xâm lược thầm lặng” rằng: “Đối với những người bên ngoài, thật kỳ lạ khi một tổ chức lỏng lẻo quảng bá cho một pháp môn tu luyện chỉ dựa vào khí công truyền thống của Trung Quốc và không có mục đích chính trị, cớ sao lại phải kích động một cuộc đàn áp tàn nhẫn như vậy”.

“Nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cảm thấy bị đe dọa bởi một phong trào có nhiều thành viên hơn [ĐCSTQ] và khiến người dân quan tâm hơn.”

Khi Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) - Tổng Bí thư kiêm Lãnh sự của Bắc Kinh phụ trách các vấn đề chính trị ở Sydney, Australia - đào thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2005, ông đã tiết lộ nhiều bí mật về cách thức vận hành của ĐCSTQ. Trong số đó có chi tiết về cách tất cả các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc trên toàn thế giới có nhiệm vụ tác động đến các chính trị gia và quan chức chính phủ địa phương, cũng như huy động sinh viên Hoa kiều và các thành viên của cộng đồng người Hoa để nâng cao tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ.

“Cuộc chiến chống Pháp Luân Công chiếm hơn một nửa tổng số công việc của các phái bộ ngoại giao điển hình của Trung Quốc,” ông Trần nói. Ông còn nói thêm rằng đó là “ưu tiên hàng đầu” của các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc.

Theo ông Trần, mỗi đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc “có ít nhất một nhân viên ngoại giao mà công việc chính là thực hiện các biện pháp bức hại học viên Pháp Luân Công”.

Ông nói: “Việc kiểm soát cộng đồng Hoa kiều là một mục tiêu chiến lược nhất quán của ĐCSTQ như một biện pháp để thâm nhập vào giới chủ lưu của nước sở tại. Nó không chỉ diễn ra ở Úc. Nó cũng được thực hiện theo cách như vậy ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Canada."

Ông Trần trước đó từng là người phụ trách giám sát các học viên Pháp Luân Công. Ông cũng cho biết các đặc vụ của ĐCSTQ sử dụng tài chính và các biện pháp khuyến khích khác để đạt được ảnh hưởng đối với các chính trị gia tại Canada. Điều này bao gồm cung cấp các chuyến đi tới Trung Quốc do ĐCSTQ thanh toán toàn bộ chi phí; tại đây các nhà lãnh đạo chính trị được hưởng những ưu đãi xa hoa nhất.

Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), người đã đào thoát sang Úc năm 2005, phát biểu tại một sự kiện trên Đồi Quốc hội (Parliment Hill) ở Ottawa. (The Epoch Times)
Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), người đã đào thoát sang Úc năm 2005, phát biểu tại một sự kiện trên Đồi Quốc hội (Parliment Hill) ở Ottawa. (The Epoch Times)

Grace Wollensak, một điều phối viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, nói rằng mô hình can thiệp chống Pháp Luân Công và gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Canada giống với những gì ông Trần mô tả.

Điều phối viên Wollensak nói với The Epoch Times rằng: “Cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Canada đã lan rộng và trở nên hung hãn”.

Bà giải thích, các động thái của ĐCSTQ chống lại pháp môn này ở Canada dưới nhiều hình thức, bao gồm quấy nhiễu, gián điệp, phân biệt đối xử và phổ biến tuyên truyền chống đối cũng như các hoạt động tinh vi nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.

Bà Wollensak cho biết, bà hy vọng giờ đây, sau 21 năm trôi qua kể từ khi ĐCSTQ phát động chiến dịch man rợ của mình, “các nhà lãnh đạo Canada có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại ở cả Canada và cả ở Trung Quốc”.

Kiểm soát việc di cư

Terry Russell - một học giả cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Manitoba cho biết, một trong những cách chính mà ĐCSTQ đã mở rộng chiến dịch bức hại Pháp Luân Công sang Canada, đó là giành quyền kiểm soát và gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Trung Quốc di cư.

Ông Russell là người đã tiến hành nghiên cứu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Ông cho biết: “[ĐCSTQ] thuyết phục những cộng đồng [Hoa kiều] đó rằng họ sẽ có lợi khi tuân theo chương trình nghị sự bức hại dân thường của ĐCSTQ”.

Một tài liệu của ĐCSTQ gần đây do The Epoch Times thu được cho thấy bằng chứng về một trường hợp mà một tổ chức khét tiếng của ĐCSTQ đã tổ chức các hoạt động để định hình quan điểm của cộng đồng người Trung Quốc ở Canada về Pháp Luân Công.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hiện các bài tập luyện của pháp môn khí công ở Washington. (The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hiện các bài tập luyện của pháp môn khí công ở Washington. (The Epoch Times)

Tài liệu này cho biết, các đặc vụ từ Phòng 610 - tổ chức tương tự như mật vụ của Bắc Kinh có nhiệm vụ chuyên tiêu diệt Pháp Luân Công - đã đến Canada vào năm 2018 để tổ chức các cuộc hội thảo tại các cộng đồng người Hoa ở các thành phố Montreal, Toronto và Ottawa, nhằm tiến hành các hoạt động chống lại Pháp Luân Công.

Nhưng bên cạnh những loại hành động trực tiếp này, một phương pháp đặc biệt hiệu quả được ĐCSTQ sử dụng để tác động đến quan điểm của cộng đồng Hoa kiều di cư về pháp môn này, đó là thông qua sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các phương tiện truyền thông Trung Quốc trên cả báo in và trực tuyến, bà Wollensak nói.

Theo nhiều học giả, bao gồm bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue) là một tác giả người Canada gốc Hoa và là nhà hoạt động dân chủ ở khu vực Toronto, ĐCSTQ kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông bằng tiếng Trung ở Canada, ngoại trừ một số ít mà một trong số đó là ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Học giả Hamilton nói rằng chiến dịch bôi nhọ và phỉ báng Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở các nước như Canada đã hoạt động rất hiệu quả đúng như chế độ này mong muốn.

“Trong thời đại mà tất cả mọi người trong xã hội chính thống đều đang rơi vào tình trạng kết nối hoàn toàn với Bắc Kinh, họ [một số thành viên của cộng đồng người Hoa] do đó trở nên rất miễn cưỡng khi kết giao với một người mà Bắc Kinh [chống lại],” ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

“Điều đó thực sự là một thảm họa đối với Pháp Luân Đại Pháp, bởi vì điều đó có nghĩa là mọi người trong các bộ phận của cộng đồng đều không muốn ủng hộ [pháp môn này]”.

'Sự cân bằng giả'

Bà Wollensak cho biết, một cách thức phổ biến để bức hại, biến các học viên Pháp Luân Công thành “kẻ ngoài lề”, đó là liên tục lặp lại các thông điệp thù địch của ĐCSTQ trong các bản tin.

“Khi các phương tiện truyền thông chỉ trích dẫn những tuyên truyền mang ý thù địch của ĐCSTQ dùng để biện minh cho cuộc bức hại Pháp Luân Công, điều đó tạo ra sự nghi ngờ về pháp môn tu luyện này trong tâm trí mọi người đúng theo dự tính của ĐCSTQ; điều này cực kỳ có hại cho cộng đồng của chúng tôi,” bà cho biết.

Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc ông Trần nói rằng, các nhà ngoại giao Trung Quốc trên khắp thế giới phải nói với các chính trị gia ở các nước sở tại rằng Pháp Luân Công là một “tà giáo” và họ nên giữ khoảng cách với pháp môn này.

“ĐCSTQ sử dụng chiến thuật này để bôi nhọ Pháp Luân Công, như một cách để bịt miệng mọi chỉ trích về cuộc bức hại,” học viên Wollensak nói.

Hai cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh vào năm 2000.
Hai cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh vào năm 2000. (Epoch Times)

Một báo cáo của Freedom House có trụ sở tại Washington cho biết, Pháp Luân Công đã bị các quan chức ĐCSTQ quy chụp là “tà giáo” như một cách để chính quyền độc tài này biện minh cho chiến dịch chống lại pháp môn này.

“Nhưng những tuyên bố như vậy đi ngược lại với các tài liệu nội bộ của [ĐCSTQ] và thiếu đi các kết quả có hại ở các quốc gia khác nơi Pháp Luân Công đã được truyền bá”, bản báo cáo viết.

Theo Freedom House, ngôn từ có tính quy chụp “tà giáo” chỉ bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu và bài diễn thuyết về Pháp Luân Công của ĐCSTQ vào tháng 10/1999, 3 tháng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu ở Trung Quốc, “khi bộ máy tuyên truyền lợi dụng một bản dịch tiếng Anh sai của thuật ngữ tiếng Trung ‘xiejiao’”, tức tà giáo.

Ông David Ownby - một học giả tại Montreal về các tôn giáo Trung Quốc - đã nói rằng thuật ngữ có tính quy chụp này đã “bị nhà nước Trung Quốc khéo léo lợi dụng để làm giảm sức hấp dẫn của Pháp Luân Công và hiệu quả của các hoạt động của nhóm [học viên] ở bên ngoài Trung Quốc”.

Bà Wollensak nói rằng, đôi khi các phóng viên dùng lại thuật ngữ đặc biệt mang tính xúc phạm này, họ trích dẫn nó đồng thời giải thích rằng Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc. Bằng cách đóng khung pháp môn bằng thuật ngữ này, trên thực tế họ đã lặp lời biện minh của ĐCSTQ cho cuộc đàn áp, cũng như cung cấp cho ĐCSTQ một nền tảng miễn phí để truyền bá các cuộc tấn công chống lại các học viên Pháp Luân Công cho độc giả Canada.

Bà lập luận rằng điều này không tuân thủ nguyên tắc đưa tin trung lập, khách quan: “Đây là một sự cân bằng sai lệch. Đó không phải là làm báo có trách nhiệm."

Phó hiệu trưởng kiêm giáo sư công tác xã hội tại Đại học Manitoba là bà Maria Cheung nói rằng, khi các phóng viên lặp lại những thuật ngữ gây thù hận mà những kẻ xâm hại nhân quyền sử dụng, “họ đang đổ lỗi cho nạn nhân”.

“Ví dụ, khi phụ nữ bị ném đá đến chết ở Afghanistan, chúng tôi sẽ không lặp lại những câu chữ mang đậm tính thù hận mà thủ phạm dùng để mô tả những người phụ nữ đó, giúp củng cố thêm lời biện minh của thủ phạm. Chúng tôi sẽ nêu tên của những thủ phạm đó”, chuyên gia nhân quyền Cheung giải thích.

Đài CBC đã thường xuyên sử dụng thuật ngữ mang hàm nghĩa xấu này trong cả các bài báo gần đây và trước đó liên quan đến Pháp Luân Công.

Luật sư nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Winnipeg là David Matas trực tiếp nhắc tới một bài báo của CBC đăng năm 2006. Đó là một bản báo cáo mà ông là đồng tác giả, viết về nạn mổ cướp nội tạng của học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas trong một bức ảnh.
Luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas trong một bức ảnh. (Getty)

Bài báo cho biết, “Những học viên Pháp Luân Công nói rằng đây là một phong trào tinh thần để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, nhưng chính phủ Trung Quốc lại coi đây là một [lặp lại thuật ngữ thù địch của ĐCSTQ], và đã ra lệnh cấm vào năm 1999”.

Luật sư Matas nhận định, điều này giống như lặp lại những mô tả tiêu cực về người Do Thái của chính phủ Đức Quốc xã như một cách biện minh cho cuộc diệt chủng Holocaust. Bản thân ông Matas cũng là người có nguồn gốc Do Thái và đó là động lực thúc đẩy ông hoạt động tích cực vì nhân quyền, nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự như Holocaust tái diễn.

Trao đổi với The Epoch Times, luật sư Matas cho biết: “Sự đối xứng sai lệch giữa kẻ bức hại và nạn nhân kết hợp với sự thiếu chính xác thực tế đang xảy ra phổ biến trong các tin tức của CBC về Trung Quốc”.

Phó hiệu trưởng Cheung cũng nhấn mạnh rằng các bài báo gần đây của CBC còn có nhiều vấn đề khác nữa.

Một bài báo gần đây của CBC dẫn lời một học giả nói: “Có rất nhiều câu chuyện về việc các thành viên trong nhóm [các học viên Pháp Luân Công] đã bị bức hại ở Trung Quốc. Có thể có những cường điệu nhất định nhưng… chắc chắn, có sự đàn áp, và có những vi phạm nhân quyền”.

Vị học giả đưa ra những phát biểu này vốn không phải là chuyên gia về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bà Cheung nói rằng, khi CBC lựa chọn trích dẫn từ một người không phải là chuyên gia về chủ đề này, sau đó lại đưa ra những tuyên bố rằng có thể có sự "cường điệu", điều đó ngụ ý rằng có sự không chắc chắn về mức độ nghiêm trọng của một vi phạm nhân quyền thực sự rất nghiêm trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Trên thực tế, đài này đã tiếp nhận những tường thuật của ĐCSTQ về cuộc bức hại “theo ý nghĩa ở bề mặt”.

Bà Cheung cho biết, các phóng viên CBC và học giả mà họ phỏng vấn đã có thể đã đưa tin về tình hình theo cách khác, nếu họ thực sự nghiên cứu các phát hiện của Tòa án Trung Quốc vào năm 2019 — một tòa án nhân dân độc lập ở London, Anh — và các báo cáo khác do các tổ chức nhân quyền đưa ra.

Tòa án do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa đã tuyên bố, việc ĐCSTQ liên tục cưỡng bức mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm là các học viên Pháp Luân Công đã cấu thành tội ác chống lại nhân loại. Ông Geoffrey Nice QC là người đã đứng đầu vụ truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic về tội ác chiến tranh tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ngài Geoffrey Nice QC (ngoài cùng bên phải), chủ tịch Tòa án Trung Quốc, đưa ra phán quyết của tòa tại London vào ngày 17/6/2019. (Minh họa: Getty)
Ngài Geoffrey Nice QC (ngoài cùng bên phải), chủ tịch Tòa án Trung Quốc, đưa ra phán quyết của tòa tại London vào ngày 17/6/2019. (Minh họa: Getty)

“Khi có một vụ giết người quy mô lớn được giấu kín như vậy xảy ra, hung thủ sẽ cố gắng phủ nhận những gì nó đang làm. Các phương tiện truyền thông ở phương Tây, với tư cách là những người ngoài cuộc, phải xem xét những bối cảnh này khi họ đưa ra báo cáo của mình”, bà Cheung nói.

Cũng có những trường hợp khác về các tin tức của CBC đưa tin về Pháp Luân Công khiến người xem phải nhướng mày. Trong một ví dụ tai tiếng vào năm 2007, đài truyền hình quốc gia Canada này đã hủy phát sóng một bộ phim tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào phút cuối, sau khi vấp phải sự phản đối của các quan chức đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc. Một ngày sau đó, đài này đã phát sóng một phiên bản sửa đổi của bộ phim tài liệu.

Vào thời điểm đó, CBC cho biết việc này được thực hiện để đảm bảo bộ phim có tựa đề “Vượt qua bức Tường Đỏ: Cuộc đàn áp Pháp Luân Công” (Beyond the Red Wall: The Persecution of Falun Gong), là một “tác phẩm vững chắc” và có thể chịu được “sự giám sát gắt gao”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, đạo diễn bộ phim tài liệu Peter Rowe nói, ông cho rằng nhà đài này đã áp dụng biện pháp đó do lo ngại nguy cơ mất quyền phát sóng Thế vận hội Olympics Bắc Kinh 2008.

Ông Rowe nói: “Mặc dù vậy, họ [CBC] vẫn thua. Người Trung Quốc đã khóa trang web của họ ở Trung Quốc trong khoảng 3 tháng. Cuối cùng, nó đã được trả lại cho [CBC]”.

Các nhân vật quan trọng và chính trị gia

Đã có một số trường hợp các chính trị gia có những động thái chối bỏ Pháp Luân Công sau khi đến thăm Trung Quốc.

Khi ông Sam Sullivan còn là thị trưởng thành phố Vancouver, ông đã theo đuổi vụ kiện của tòa án để dẹp bỏ một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa duy trì bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố này. Mục đích chính của cuộc thỉnh nguyện là để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vào năm 2006, ông Sullivan nói với Vancouver Sun rằng: "Khi tôi đến Trung Quốc, họ đối xử với tôi như một hoàng đế".

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn một cái gai đối với các quan chức Trung Quốc. Cựu quan chức ngoại giao Trần nói rằng “tất cả các nhân viên ngoại giao tại mọi đại sứ quán và lãnh sự quán trên khắp thế giới” đều nhận thức được về cuộc thỉnh nguyện này ở Vancouver, nói rằng đó là “một sự hổ thẹn lớn cho chính phủ Trung Quốc”.

Một học viên Pháp Luân Công đứng tại địa điểm thỉnh nguyện 24/7 bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver vào năm 2008. (The Epoch Times)
Một học viên Pháp Luân Công đứng tại địa điểm thỉnh nguyện 24/7 bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Vancouver vào năm 2008. (The Epoch Times)

Vào năm 2010, Thị trưởng thủ đô Ottawa là ông Larry O’Brien, đã rút lại sự ủng hộ đã hứa trước đó về một tuyên bố công nhận các học viên Pháp Luân Công địa phương, sau khi ông trở về từ một chuyến đi thăm Trung Quốc. Ông nói với một ủy viên hội đồng thành phố Ottawa rằng ông đã từ bỏ vì “cam kết” mà ông đã thực hiện, theo báo Ottawa Citizen. Hội đồng thành phố sau đó đã bỏ qua thị trưởng và vẫn đưa ra bản tuyên bố công nhận các học viên Pháp Luân Công.

Một bài báo của Global News xuất bản vào tháng 3/2020 đưa tin về cách chính quyền Bắc Kinh cố gắng gây ảnh hưởng lên các chính trị gia, để định hình hành động của họ cho phù hợp với mong muốn của ĐCSTQ khi các chính trị gia này nhắc đến Pháp Luân Công. Bài báo kể về một chuyến đi Trung Quốc được đài thọ toàn bộ chi phí năm 2007, do doanh nhân Trung Quốc kiêm cựu sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) Li Zhe tổ chức, trong đó 7 thị trưởng khu vực Vancouver đi cùng các quan chức của ĐCSTQ.

Một câu chuyện trên tờ ngôn luận của ĐCSTQ Nhân dân Nhật báo cho biết, cựu sĩ quan quân đội Li Zhe đã đến Canada để thuyết phục các chính trị gia Canada có cái nhìn thiện cảm hơn về Bắc Kinh, báo Global đưa tin.

Sau chuyến đi, một trong các thị trưởng đã ngừng đưa ra lời chúc vào Ngày Pháp Luân Đại Pháp, mặc dù trước đó người này vẫn thực hiện đều đặn hàng năm.

Một trường hợp khác liên quan đến cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Học khu Toronto (TDSB) - ông Chris Bolton. Ông là người đã tìm cách đưa chương trình Viện Khổng Tử đến Toronto trong khi giữ bí mật về danh tinh của những người được ủy thác còn lại. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Bolton cho biết ông ấy “rất hài lòng với Viện Khổng Tử và nói chung những người phàn nàn về Viện Khổng Tử đều có liên kết với Pháp Luân Công”.

Nhắc đến bình luận của ông Bolton, người dẫn chương trình trực tuyến "Trung Quốc không kiểm duyệt" Chris Chappell châm biếm: "Từ khi nào các quan chức do các công dân Canada bầu chọn bắt đầu phát ngôn giống các quan chức ĐCSTQ vậy?"

Người biểu tình phản đối quan hệ đối tác của Hội đồng trường học quận Toronto với Viện Khổng Tử do Bắc Kinh kiểm soát bên ngoài TDSB vào ngày 18/6/2014. (The Epoch Times)
Người biểu tình phản đối quan hệ đối tác của Hội đồng trường học quận Toronto với Viện Khổng Tử do Bắc Kinh kiểm soát bên ngoài TDSB vào ngày 18/6/2014. (The Epoch Times)

Nỗ lực của ông Bolton nhằm đưa các Viện Khổng Tử này vào hệ thống giáo dục của Canada đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng cư dân Toronto. Cuối cùng, các ủy viên TDSB đã bỏ phiếu không đưa chương trình này vào trường học. Ông Bolton đã từ chức trong bối cảnh tranh cãi này. Các cơ quan tình báo đánh giá Viện Khổng Tử là một phần của bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu “Mạo danh Khổng Tử”, ông Bolton nói rằng ông ấy thường xuyên đến Trung Quốc và rằng “chính phủ Trung Quốc tin tưởng mạnh mẽ vào việc thể hiện bản thân tốt nhất có thể, và chúng tôi chắc chắn đã được tiếp đãi với rượu và thức ăn ngon ở đó.”

Áp lực lên chính phủ

Theo cuốn sách “Bàn tay ẩn” phát hành năm 2020 của 2 tác giả Hamilton và Mareike Ohlberg, ĐCSTQ phát triển các mối quan hệ địa phương “có thể được tận dụng để gây áp lực với các chính phủ quốc gia”.

Cuốn sách viết: “Các chính trị gia địa phương thường ít biết về Trung Quốc và không có trách nhiệm đối với an ninh quốc gia. Bởi vì những thông dịch viên tiếng Trung của họ thể hiện mình là người cung cấp các hoạt động giao lưu giữa người với người và ‘cơ hội kinh doanh địa phương’, các chính trị gia này càng có động cơ mạnh mẽ để không tìm hiểu thêm”.

Cuốn sách đi sâu vào chi tiết về cách thức ĐCSTQ đã có thể thúc đẩy lợi ích của mình ở các nước như Canada bằng cách “lật đổ các thể chế ở các nước phương Tây và thuyết phục giới tinh hoa của họ”.

Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) ngồi đả tọa trong một công viên ở Toronto vào năm 2014. (The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) ngồi đả tọa trong một công viên ở Toronto vào năm 2014. (The Epoch Times)

“Các mục tiêu của [ĐCSTQ] sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị trong quá khứ, hiện tại và tương lai ở mỗi cấp chính quyền — cấp quốc gia, tỉnh hoặc thành phố. Các quan chức cấp cao có vai trò cố vấn và gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo chính trị cũng rất được quan tâm”, cuốn sách cho biết.

Nghị sĩ đảng Bảo thủ Peter Kent, đồng chủ tịch Quốc hội Những người bạn của Pháp Luân Công, nói rằng trong các nền dân chủ như Canada, Úc và Anh, “ảnh hưởng của giới tinh hoa và các thành viên khác nhau của các chính phủ đã phủ nhận mọi chỉ trích có thể có về lạm dụng nhân quyền trong Trung Quốc".

Trong một cuộc phỏng vấn, nghị sĩ Kent cho biết: “Chúng tôi biết rằng có những đặc phái viên chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Những người này thường là những người bạn [thân thiết] của Trung Quốc ở các nước như Canada, và mức thù lao càng cao thì càng có nhiều khả năng những người đó đang thực sự hành động, chủ ý hoặc vô ý, nhằm thúc đẩy không chỉ các mục tiêu ngoại giao của Trung Quốc mà cả các mục tiêu kinh tế và mục tiêu an ninh của [ĐCSTQ]”.

Gián điệp

Bên cạnh việc cố gắng gây ảnh hưởng đến các tổ chức của Canada, ĐCSTQ đã sử dụng rất nhiều các kỹ thuật gián điệp và quấy nhiễu chống lại các học viên Pháp Luân Công ở Canada.

Ông Hao Fengjun là một cựu quan chức của Phòng 610 - tổ chức trực thuộc ĐCSTQ được trao quyền không hạn chế để tiêu diệt Pháp Luân Công. Khi ông Hao đào thoát khỏi Trung Quốc sang Úc, ông nói rằng có hơn 1.000 điệp viên đang hoạt động để đàn áp Pháp Luân Công ở Canada, nhiều hơn con số điệp viên ở Hoa Kỳ, Úc hoặc New Zealand.

Ông Hao tiết lộ rằng những điệp viên này hoạt động tích cực nhất ở Vancouver và Toronto, để thu thập thông tin về các học viên và nghe lén điện thoại của họ.

Cựu sĩ quan phòng 610 Trung Quốc Hao Fengjun, người đã đào tẩu sang Úc, trong một bức ảnh hồ sơ. (The Epoch Times)
Cựu sĩ quan phòng 610 Trung Quốc Hao Fengjun, người đã đào tẩu sang Úc, trong một bức ảnh hồ sơ. (The Epoch Times)

Trong một trường hợp, học viên Pháp Luân Công ở Toronto là bà Jillian Ye đã bị bất ngờ sau khi đọc nội dung của một tài liệu bí mật do cựu sĩ quan Hao tiết lộ. Nó chứa thông tin về kế hoạch thành lập công ty truyền thông của bà ở Toronto, điều mà bà chỉ trao đổi trong các cuộc nói chuyện riêng tư.

Cuốn sách “Cuộc xâm lược thầm lặng” giải thích rằng ngoài “các loại hình gián điệp truyền thống”, chính quyền Bắc Kinh còn tuyển mộ một số lượng lớn các thành viên của cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài để thu thập thông tin về các nhóm mà ĐCSTQ nhắm tới, ví dụ như Pháp Luân Công.

“Đại sứ quán đối chiếu thông tin và gửi đến Bắc Kinh hoặc sử dụng thông tin đó trong các hoạt động của riêng mình trong nước sở tại”, cuốn sách cho biết.

Quấy nhiễu

Các chiến dịch quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ bao gồm nhiều trường hợp đột nhập vào máy tính của các học viên, các cuộc gọi điện thoại đến từng học viên để gửi lời đe dọa đến tính mạng họ, gửi các tin nhắn với nội dung thù địch, và thậm chí là xô xát trực tiếp có đe dọa bạo lực và phá hủy tài sản, theo một báo cáo từ Liên minh Canada về Nhân quyền ở Trung Quốc (CCHR), bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và các nhóm bất đồng chính kiến.

Vào năm 2018, khi 2 học viên Pháp Luân Công đang thực hiện các bài tập thiền trong công viên ở Winnipeg, họ đã được một người đàn ông nói tiếng Quan Thoại tiếp cận. Họ mời ông ta tham gia tập luyện, nhưng người này đã mắng chửi họ, đe dọa sẽ đánh họ đến chết, và bắt đầu ghi hình họ.

Trong một vụ việc khác vào năm trước đó, khi các học viên đang tổ chức một cuộc thỉnh nguyện trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary, 2 người đàn ông đã đến gây rối trong cuộc thỉnh nguyện. Họ xé nát các tấm biểu ngữ trưng bày và chửi thề với các học viên. Sau khi cảnh sát được gọi đến, 2 người đàn ông đã rời khỏi hiện trường. Các nhân chứng nhìn thấy một trong 2 người đàn ông nói chuyện với những người đi ra từ Lãnh sự quán Trung Quốc.

Một người đàn ông phá rối cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary vào ngày 21/8/2017. (The Epoch Times)
Một người đàn ông phá rối cuộc thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary vào ngày 21/8/2017. (The Epoch Times)

Cũng tại Calgary vài năm trước đó, vào năm 2014, chiếc xe của một người tổ chức sự kiện nhân quyền ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp đã bị một lưỡi dao và các vật sắc nhọn khác phá hoại tại nhiều địa điểm khác nhau.

Tại Khu phố Tàu của Toronto, nơi các học viên Pháp Luân Công thường xuyên tổ chức các sự kiện để nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp ở Trung Quốc, đã xảy ra rất nhiều trường hợp quấy nhiễu và đe dọa trong những năm qua. Một báo cáo gửi cho cảnh sát về những trường hợp này cho biết, một kho chứa đồ có khóa chứa các biểu ngữ và các tài liệu trưng bày khác đã bị đột nhập nhiều lần, với giá trị tích lũy của những món đồ bị đánh cắp lên tới hơn 4.000 USD (khoảng 92,7 triệu VNĐ).

Bôi nhọ phỉ báng

Theo cuốn sách “Móng vuốt của Gấu trúc” (Claws of the Panda), “Pháp Luân Công là mục tiêu của vụ việc rõ ràng nhất về các quan chức ngoại giao Trung Quốc phát tán tuyên truyền sự thù hận ở Canada”.

Năm 2007, bà Zhang Jiyan cho biết bản thân bà đã xem các tài liệu tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Ottawa có nội dung kích động lòng căm thù đối với Pháp Luân Công. Bà Zhang là vợ của một nhà ngoại giao Trung Quốc và là một học viên Pháp Luân Công đã đào thoát sang Canada.

“Đại sứ quán có một đơn vị đặc biệt chuyên thu thập thông tin, đặc biệt là về các học viên Pháp Luân Công,” bà nói vào thời điểm đó.

Năm 2005, cảnh sát thành phố Edmonton kết luận rằng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Calgary đã vi phạm luật tội phạm thù địch bằng cách phát tờ rơi tấn công pháp môn tu luyện này ở Edmonton một năm trước đó.

Kể từ đầu năm 2001, ấn phẩm tiếng Trung ở Montreal Les Presses Chinoises đã xuất bản một số trang trong ấn phẩm hàng tuần — và đôi khi trong các ấn bản đặc biệt trên toàn quốc — có nội dung phỉ báng Pháp Luân Công. Nội dung lặp lại nguyên văn tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc chống lại pháp môn này, bao gồm cả tuyên bố rằng những học viên Pháp Luân Công là những kẻ "tà ác" và là "kẻ thù của nhà nước".

Cảnh sát Toronto thẩm vấn Lu Ping về việc anh ta giao một tờ báo lá cải chống Pháp Luân Công mới nhất được xuất bản bởi Les Presses Chinoises vào ngày 30/6/2007, tại cửa hàng tạp hóa Asian Farm ở đông bắc Toronto. (NTDTV)
Cảnh sát Toronto thẩm vấn Lu Ping về việc anh ta giao một tờ báo lá cải chống Pháp Luân Công mới nhất được xuất bản bởi Les Presses Chinoises vào ngày 30/6/2007, tại cửa hàng tạp hóa Asian Farm ở đông bắc Toronto. (NTDTV)

Một tài liệu về ĐCSTQ năm 2018 mà The Epoch Times thu được gần đây cho thấy, các đặc vụ từ Phòng 610 đã cộng tác với báo Les Presses Chinoises để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tài liệu nêu chi tiết các khoản tài chính được các đặc vụ sử dụng hỗ trợ tờ báo này.

Vào năm 2015, tờ báo tiếng Trung Today Commercial News đã buộc phải rút lại bài báo và đưa ra lời xin lỗi, sau khi đăng lại một bài báo công kích Pháp Luân Công của cơ quan ngôn luận trực thuộc ĐCSTQ Nhân dân Nhật báo. Mặc dù vậy, nó lại tiếp tục đăng tải một bài báo khác công kích pháp môn này vào đầu năm nay.

Email giả mạo để thao túng các chính trị gia

Bắt đầu từ khoảng năm 2010, nhiều nghị sĩ và Bộ trưởng của Canada bắt đầu nhận được các email được cho là do các học viên Pháp Luân Công gửi, theo báo cáo của CCHR. Theo báo cáo, các email chứa “những thông điệp lạ và đôi khi mang tính đe dọa”.

Học viên Wollensak nói rằng Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp chỉ biết về các email này khi một số nghị sĩ nghi ngờ có điều gì đó không đúng và đã chuyển chúng đến các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Những học viên này đã xác nhận những người gửi đã mạo danh học viên Pháp Luân Công để bôi nhọ danh dự của họ. Bà Wollensak nói rằng trong quá khứ, họ đã truy tìm nguồn gốc của những email như vậy và phát hiện các địa chỉ IP đều ở Trung Quốc.

Bà nói: “Các quan chức chính phủ các cấp ở nhiều quốc gia đã bị nhắm mục tiêu một cách có hệ thống và liên tục nhận được các email lừa đảo từ những người tự xưng là học viên Pháp Luân Công.

“Các email thường thể hiện người gửi là người bị ám ảnh, phi lý và thô lỗ, cố gắng cho thấy tính hợp pháp trong những tuyên bố của [ĐCSTQ] rằng Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với xã hội và làm lung lay sự ủng hộ của các quan chức chính phủ phương Tây” đối với pháp môn này.

Một báo cáo của Freedom House cho biết, các đặc vụ nghi ngờ thuộc ĐCSTQ sử dụng email mạo danh như một chiến thuật để đánh lừa các chính trị gia và làm tổn hại danh tiếng của các nhóm mà ĐCSTQ nhắm tới.

Báo cáo cho biết các vụ việc tương tự liên quan đến các email giả mạo có chủ đích từ các học viên Pháp Luân Công đã được gửi đến các chính trị gia ở Úc cùng thời điểm khi sự việc này xảy ra ở Canada.

Theo luật sư nhân quyền Matas, những email giả mạo này là một phần của “các thiết bị, cơ chế và thể chế tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm gây rối và gây nhầm lẫn cho mọi người”.

Nghị sĩ Tự do Judy Sgro, đồng chủ tịch Quốc hội Những người bạn của Pháp Luân Công, đã nhận được một email như vậy vào năm 2018. Trong đó có một hình ảnh của bà ấy được chồng lên trên một phông nền thiếu đứng đắn, với những lời bình luận rằng nó sẽ được dán khắp nơi để thể hiện sự ủng hộ của bà ấy đối với Pháp Luân Công.

“Đó thực sự là một nỗ lực nhằm bôi nhọ những học viên Pháp Luân Công”, bà Sgro nói với tờ National Post.

Bà Judy Sgro là một nghị sĩ thuộc Đảng Tự do và là cựu Bộ trưởng Nội các Canada, đang phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp tại Parliament Hill ở Ottawa vào ngày 8/5/2019. (The Epoch Times)
Bà Judy Sgro là một nghị sĩ thuộc Đảng Tự do và là cựu Bộ trưởng Nội các Canada, đang phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp tại Parliament Hill ở Ottawa vào ngày 8/5/2019. (The Epoch Times)

Phân biệt đối xử

Học giả cấp cao Russell của Đại học Manitoba nói rằng, do ảnh hưởng của ĐCSTQ trong các cộng đồng Hoa kiều địa phương, các học viên Pháp Luân Công bị loại khỏi các cộng đồng đó theo nhiều cách khác nhau.

Điều này được thể hiện, ví dụ, khi Pháp Luân Công bị cấm tham gia các cuộc diễu hành trong các cộng đồng Trung Quốc, điều này xảy ra rất thường xuyên.

Năm 2011, một người học viên Pháp Luân Công lớn tuổi ở Ottawa đã thắng một vụ kiện do Tòa án Nhân quyền Ontario phán quyết sau khi bà bị đuổi khỏi Hiệp hội Người cao niên Trung Quốc Ottawa vì tu luyện Pháp Luân Công. Tòa án xác định bà là nạn nhân của sự phân biệt đối xử.

Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc ông Trần đã nói rằng, khi các quan chức Lãnh sự quán Trung Quốc tham dự các sự kiện do cộng đồng người Hoa địa phương tổ chức, họ yêu cầu đảm bảo rằng “không có [học viên] Pháp Luân Công” tại đó.

“Nhiều lần lãnh sự quán đã thảo luận với cộng đồng về cách chống lại Pháp Luân Công, và thậm chí còn bắt đầu các chiến dịch trong đó mọi người ký đơn khiếu nại chống lại Pháp Luân Công,” ông nói trong một tuyên bố.

Trong một dấu hiệu đáng lo ngại, sự phân biệt đối xử thậm chí còn vượt ra ngoài cộng đồng người Hoa.

Tại Lễ hội Thuyền rồng Ottawa năm 2019, Giám đốc điều hành của lễ hội là ông John Brooman đã yêu cầu học viên Pháp Luân Công Gerry Smith cởi bỏ chiếc áo có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp”. Dường như yêu cầu này là để tránh xúc phạm tới Đại sứ quán Trung Quốc, vốn là nhà tài trợ vàng của lễ hội này.

Học viên Pháp Luân Công Gerry Smith đã bị Giám đốc điều hành Lễ hội Thuyền rồng Ottawa yêu cầu cởi bỏ áo phông có in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp” vào ngày 22/6/2019, tại buổi lễ. Giám đốc điều hành John Brooman nói với học viên Smith rằng Đại sứ quán Trung Quốc là nhà tài trợ cho lễ hội và không muốn Pháp Luân Công xuất hiện tại sự kiện này. (The Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Công Gerry Smith đã bị Giám đốc điều hành Lễ hội Thuyền rồng Ottawa yêu cầu cởi bỏ áo phông có in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp” vào ngày 22/6/2019, tại buổi lễ. Giám đốc điều hành John Brooman nói với học viên Smith rằng Đại sứ quán Trung Quốc là nhà tài trợ cho lễ hội và không muốn Pháp Luân Công xuất hiện tại sự kiện này. (The Epoch Times)

Học viên Smith sau đó đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền Ontario.

Ông nói: “Đây là Canada, và người Canada không nên nhận chỉ đạo từ Đại sứ quán Trung Quốc”.

Cũng tại Ottawa, trong cả năm 2010 và 2011, đơn đăng ký của các học viên Pháp Luân Công để tham gia một buổi biểu diễn sức khỏe trong khuôn khổ Tháng Di sản Châu Á đã bị từ chối. Sau khi đưa vụ việc lên Tòa án Nhân quyền Ontario, các học viên đã nhận được lời xin lỗi và bồi thường.

Năm 2008, các nhà tổ chức Lễ hội hoa Tulip Canada ở Ottawa đã đưa ra lời xin lỗi vì đã cấm một ban nhạc diễu hành mặc đồng phục có tên Pháp Luân Công. Ban tổ chức lo ngại rằng những chiếc áo này sẽ khiến Đại sứ quán Trung Quốc, một trong các nhà tài trợ cho sự kiện này, trở nên khó xử.

Sự phân biệt đối xử cũng đã diễn ra trong các tình huống tại nơi công sở.

Vào năm 2013, Đại học McMaster đã đóng cửa chương trình Viện Khổng Tử vì các đối tác Trung Quốc từ chối loại bỏ một điều khoản khỏi yêu cầu tuyển dụng của họ. Điều khoản này nêu rõ rằng giáo viên của Viện Khổng Tử không thể tập Pháp Luân Công. Giảng viên Sonia Zhao, hiện đang sống ở Canada, đã bị buộc phải ký vào một mẫu đơn có điều khoản đó trước khi đi từ Trung Quốc đến để giảng dạy tại Viện Khổng Tử của trường McMaster. Cô ấy lo lắng rằng nếu cô ấy từ chối ký, cô ấy sẽ bị loại bỏ vì là một học viên Pháp Luân Công và phải đối mặt với sự bức hại, giống như những gì đã xảy ra với mẹ cô.

Giảng viên Sonia Zhao có bài phát biểu về cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc tại một cuộc biểu tình ở Toronto vào tháng 8/2011. Cô Zhao là cựu giảng viên tại Viện Khổng Tử thuộc Đại học McMaster, đã phải ký vào một tuyên bố hứa sẽ không tập Pháp Luân Công khi cô ấy còn ở Trung Quốc trước khi tới Canada. (Epoch Times)
Giảng viên Sonia Zhao có bài phát biểu về cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc tại một cuộc biểu tình ở Toronto vào tháng 8/2011. Cô Zhao là cựu giảng viên tại Viện Khổng Tử thuộc Đại học McMaster, đã phải ký vào một tuyên bố hứa sẽ không tập Pháp Luân Công khi cô ấy còn ở Trung Quốc trước khi tới Canada. (Epoch Times)

Nhiều năm trước, vào năm 2004, một học viên Pháp Luân Công sống ở Edmonton tên Chunyan Huang đã nhận được lời xin lỗi và khoản bồi thường từ Bộ Quan hệ Quốc tế và Liên chính phủ của Alberta, vì đã bị sa thải với lý do bà tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Huang đã từng làm thông dịch viên cho Bộ này nhưng đã bị cho thôi việc theo yêu cầu của các quan chức Trung Quốc mà bà được giao nhiệm vụ làm phiên dịch viên, sau khi họ biết bà là một học viên Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp ở Trung Quốc

Học giả Hamilton nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc là “đặc biệt tàn bạo và không thể tha thứ.”

Bên cạnh thực tế là ĐCSTQ đã mở rộng chiến dịch đàn áp sang Canada, một số người Canada thậm chí còn bị bức hại trực tiếp ở Trung Quốc.

Sun Qian, một công dân Canada, đã bị giam giữ ở Trung Quốc vào năm 2017 vì cô ấy tu luyện Pháp Luân Công. Gần đây cô đã bị kết án 8 năm tù.

“Cô [Sun] đã bị giam giữ bất hợp pháp và bị tra tấn về thể xác và tinh thần, với các báo cáo về việc cô ấy bị cùm chân, còng tay vào ghế thép, bị xịt hơi cay vào mặt, và bị tẩy não liên tục và thao túng tâm lý”, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp cho biết trong một tuyên bố.

Sun Qian, một học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) và là công dân Canada bị giam giữ ở Trung Quốc từ tháng 2/2017, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (The Epoch Times)
Sun Qian, một học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) và là công dân Canada bị giam giữ ở Trung Quốc từ tháng 2/2017, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (The Epoch Times)

Hiện còn có 8 thành viên gia đình người Canada khác bị giam giữ ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công, họ phải chịu án tù giam lên đến 16 năm.

Một phương pháp bức hại khác được ĐCSTQ sử dụng là uy hiếp các thành viên trong gia đình sống ở Trung Quốc của học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài. Anastasia Lin, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015 và là người lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, cho biết cha cô ở Trung Quốc đã bị chính quyền đe dọa do hoạt động nhân quyền tích cực của cô.

Sau khi chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu ở Canada, cô Lin đã dự định đến Trung Quốc để tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2015. Nhưng tại sân bay Hong Kong, cô Lin nhận được thông báo rằng cô đã bị ĐCSTQ phân loại là người không được hoan nghênh.

Nghị sĩ Kent nói rằng một phần lý do khiến chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của Bắc Kinh có thể kéo dài là do “các nền dân chủ trên thế giới đã không cùng hành động” để gây áp lực buộc chế độ chuyên quyền này phải dừng lại.

Ông nói rằng đại đa số người Canada giờ đây không chỉ coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế mà còn là “mối đe dọa đối với an ninh và nền dân chủ của Canada”.

Một cuộc thăm dò của Angus Reid vào tháng Ba cho thấy, chỉ 14% người Canada nói rằng họ có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, cao bằng một nửa so với chỉ số 6 tháng trước đó.

“Chúng ta phải tiếp tục làm việc và hy vọng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tôn trọng pháp quyền; quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo; và tất cả các quyền dân chủ mà chúng ta thường thừa nhận ở Canada — một ngày mà các nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp và Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn có thể được hô to tại Quảng trường Thiên An Môn", nghị sĩ Kent nói.

Du Miên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Xâm nhập hung hãn’: Cách ĐCSTQ mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công tới Canada trong 21 năm