1 chiêu thắng 5 cao thủ: Võ Thánh triển hiện võ thuật cao thâm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối thời triều Thanh đầu thời Dân Quốc, thế cuộc Trung Hoa đầy biến động, người Trung Quốc bị gọi là Đông Á Bệnh Phu. Nhưng đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều cao thủ võ lâm như Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Đại Đao Vương Ngũ, Yến Tử Lý Tam… đều là những cái tên quen thuộc. Tuy nhiên, nếu luận đệ nhất võ công thì không phải những người này. Vậy đó là ai?

Trong tiểu thuyết, các cao thủ võ lâm bay trên mái nhà chạy tường thành, khiến rất nhiều thiếu niên say mê, coi họ là anh hùng, là thần tượng của mình, đáng tiếc là dẫu võ thuật cao cường thế nào cũng không địch nổi súng đạn. Có thực như vậy không?

Võ sư Vịnh Xuân thách đấu

Một ngày nọ năm 1883, trên võ trường bên ngoài Sùng Văn Môn ở Bắc Kinh, một võ sư Nam quyền uy phong lẫm liệt đến một võ quán, tỏ ý muốn thách đấu. Đó là cao thủ Vịnh Xuân, người mà mấy ngày trước đã thách đấu các võ sư nổi tiếng khắp Bắc Kinh, nhưng vẫn chưa gặp cao thủ. Hôm nay, ông lại đến đây thách đấu với Trình Đình Hoa - đệ tử chân truyền của người sáng lập Bát Quái Chưởng Đổng Hải Xuyên.

Từ khi Đổng Hải Xuyên quy tiên, Trình Đình Hoa với Trình phái Bát Quái Chưởng đã nổi danh đứng đầu kinh thành, và chưa từng gặp địch thủ tương xứng. Thấy võ sư Vịnh Xuân đến thách đấu, đầu tiên, Trình Đình Hoa cử mấy cao đồ ra đọ sức, nào ngờ tất cả đều đại bại. Trình Đình Hoa không nén nổi kinh ngạc, thầm nghĩ: “Xem ra chỉ có ta đích thân xuất trận thì mới có thể hạ bớt uy phong của người này được, nhưng thắng bại ra sao thì cũng khó nói”.

Trình Đình Hoa định bước ra thì có một tiếng nói từ phía sau cất lên: “Để con thử sức xem ra sao?”.

Trình Đình Hoa nhìn về phía tiếng nói, thấy một thanh niên thân hình vừa phải đang ôm quyền hướng về phía ông hành lễ. Trình Đình Hoa bỗng ngây người, bởi vì khi đó Trình Đình Hoa mới chỉ dạy người thanh niên này một vài chiêu thức, thậm chí còn chưa chính thức thu nhận anh ta làm đồ đệ.

Cao thủ Vịnh Xuân thách đấu đó đã ngoài 40 tuổi, thấy đối phương liên tiếp thất bại mấy trận liền, mà lần này lại cử một thanh niên ngoài 20 tuổi ra tỉ võ, thì bất giác nổi giận: “Ngươi xem thường ta quá!”

Ông ta lập tức ra đòn tung quyền đánh. Nào ngờ, người thanh niên này chỉ hơi lắc người giống như rồng lượn vậy, quay người lại là một đòn "băng quyền" trong Hình Ý Quyền. Chỉ nghe thấy một tiếng ‘phịch’, thì thấy vị võ sư kia đã bi đánh bay ra ngoài cửa sổ rồi.

Cũng may, đòn đánh này cũng không quá mạnh, vị võ sư kia hai chân tiếp đất. Thấy đối phương chỉ dùng một quyền liền đánh mình bay ra ngoài cửa sổ, vị võ sư Vịnh Xuân này kinh ngạc thất sắc, quả đúng là ‘nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên’. Trong tâm bất giác sinh lòng kính phục, hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

undefined
Võ sư Vịnh Xuân Lô Văn Cẩm đang luyện quyền. (Wikipedia)

Người thanh niên cao thủ này là ai?

Đó chính là Tôn Lộc Đường (1860 - 1933) - một đại sư võ thuật, người được ca ngợi là Thiên Hạ Đệ Nhất Thủ, Võ Thánh, Hổ Đầu Thiếu Bảo. Khi đó, Tôn Lộc Đường mới 23 tuổi, nhưng ông chưa từng thua một trận tỉ võ nào, nên thực tế ông đã là vô địch võ lâm Trung Hoa thời đó rồi.

Tôn Lộc Đường tuổi còn trẻ măng, làm thế nào mà luyện được kungfu đỉnh cao như vậy?

Con đường học võ thuật

Năm 1860, Tôn Lộc Đường ra đời ở huyện Hoàn, Hà Bắc. Phụ thân là quan thất phẩm Văn lâm lang, tương đương quan văn cấp phòng hiện nay. Ông là người vui làm việc thiện thích bố thí nổi tiếng trong làng, nhưng đáng tiếc là chết sớm. Sau khi phụ thân qua đời, Tôn Lộc Đường và mẫu thân nương tựa vào nhau mà sống. Lộc Đường cực kỳ hiếu thuận với mẫu thân. Một lần mẫu thân bị bệnh, do gia cảnh nghèo khó, Tôn Lộc Đường tự trách mình chưa chăm sóc tốt mẫu thân, nên đã treo cổ tự tử, may mà được phát hiện và cứu kịp thời.

Khi hơn 10 tuổi, Tôn Lộc Đường lúc đó đã hội đủ nhân duyên, được một võ sư Hình Ý Quyền là Lý Khuê Nguyên để mắt tới, và thu nhận làm đồ đệ, được truyền thụ cả văn lẫn võ.

Chỉ sau 3 năm ngắn ngủi, kungfu của Tôn Lộc Đường đã cao hơn sư phụ rồi. Sau đó anh được sư phụ Lý Khuê Nguyên dẫn đi giới thiệu với đại sư Hình Ý Quyền Quách Vân Thâm, và tiếp tục đi sâu nghiên cứu võ thuật.

Hơn 1 năm sau, Quách Vân Thâm khen ngợi rằng: “Con là sự may mắn của Hình Ý Quyền”.

Tôn Lộc Đường được Quách Vân Thâm dốc hết sở học ra truyền thụ, còn được sư phụ thường xuyên dẫn đi khắp nơi bái kiến các bậc tiền bối và các cao thủ võ lâm để thảo luận, thử sức giao lưu và nghiên cứu võ thuật.

Tôn Lộc Đường luyện Hình Ý Quyền. (Wikipedia)

Khinh công của Tôn Lộc Đường rất xuất sắc. Khi đó Quách Vân Thâm thường cưỡi ngựa phi trên đường, còn Tôn Lộc Đường dùng khinh công chạy theo sau. Quách Vân Thâm phi ngựa được mấy chục dặm đến cả trăm dặm, quay đầu nhìn lại, lúc nào cũng ở phía sau ngay sát đuôi ngựa.

Tôn Lộc Đường có ngộ tính cực cao, hễ học liền biết, tính tình lại điềm đạm, khiêm tốn, lễ phép, nên các bậc tiền bối đều vui lòng dốc hết sở học ra truyền thụ. Khi giao lưu đọ sức với người khác, Tôn Lộc Đường lần nào cũng thắng, nhưng lại chưa bao giờ làm người khác bị thương. Quách Vân Thâm tán thán rằng: “Chàng trai này quả không làm sư phụ hổ thẹn”.

8 năm sau, võ công của Tôn Lộc Đường đã thâm sâu khôn lường. Lộc Đường đã có võ công cao siêu như vậy, tại sao lại đến học Bát Quái Chưởng của Trình Đình Hoa?

undefined
Trình Đình Hoa. (Wikipedia)

Bát Quái Chưởng

Ngay thời tuổi trẻ, võ công của Tôn Lộc Đường đã khiến ông trở thành hiệp khách độc hành trong giới võ lâm rồi, nhưng ông không thỏa mãn với công phu quyền cước, mà còn muốn tìm tòi đạo lý cao nhất trong võ học.

Khi đó, ông tìm đến Trình Đình Hoa để học Bát Quái Chưởng, cũng là để tham ngộ mối quan hệ giữa võ công và Dịch học. Lúc đó Trình Đình Hoa 36 tuổi, tự biết nếu luận về võ công, thì bản thân ông cũng không hơn Tôn Lộc Đường, nên đề nghị kết huynh đệ, và ông là sư huynh thay mặt sư phụ truyền thụ võ nghệ cho sư đệ. Tuy nhiên, Tôn Lộc Đường kiên quyết bái Trình Đình Hoa làm sư phụ. Thế nên Trình Đình Hoa đành phải thu nhận Lộc Đường làm đồ đệ, truyền thụ hết cho Lộc Đường những nguyên lý và những tuyệt chiêu của Bát Quái Chưởng.

Tôn Lộc Đường học được hết những tinh túy của Bát Quái Chưởng. Sau đó ông đến thăm Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi, trong 3 năm đã đi khắp 11 tỉnh, đã gặp rất nhiều các cao nhân dị sĩ, và được truyền thụ phép tu tâm dưỡng khí. Tại Tứ Xuyên, Lộc Đường đã theo học nghiên cứu Kinh Dịch với một vị cao tăng trong mấy tháng. Ông dung hợp những sở học, khiến các kỹ thuật và các đòn thế hợp với đạo, trong sinh hoạt ăn ở ngủ nghỉ đi lại, đều dựa theo Thiên lý, kungfu dần lên đến cảnh giới tối thượng.

Tôn Lộc Đường luyện Bát Quái Chưởng. (Wikipedia)

Năm 1888, Tôn Lộc Đường 28 tuổi, ông trở về cố hương, sáng lập ra Phủ Dương Quyền Xã, thu nhận đồ đệ rộng rãi. Nội dung truyền thụ gồm cả văn lẫn võ, chú trọng tu thân, với tôn chỉ là khai mở năng lượng của lương tri, cải thiện nhân tâm, hoàn thiện nhân cách.

Năm 1900 nổ ra sự kiện Canh Tý, liên quân 8 nước tiến vào Trung Quốc. Sự kiện này đã có ảnh hưởng lớn đối với Tôn Lộc Đường. Ông cảm nhận sâu sắc rằng, những kỹ thuật quyền cước cao thâm cũng không thể nào chống lại được uy lực của súng đạn. Vậy công dụng tối thượng của quyền thuật là ở đâu?

Tôn Lộc Đường chỉ ra rằng: “Người học võ nghệ không phải là muốn dùng võ nghệ để thắng người, bậc chí sĩ nhân nhân nuôi dưỡng khí hạo nhiên, có đủ sức lực thực hiện những nguyện vọng của chí hướng, như thế mà thôi”.

Điều đó có nghĩa là, học võ không phải là để cạnh tranh so tài cao thấp, mà là để nuôi dưỡng khí hạo nhiên, nâng cao cảnh giới tinh thần.

Thái Cực Quyền

Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng đều thuộc về kungfu nội gia, bao gồm cả Thái Cực Quyền, đều là những kungfu quyền cước mà mắt thường không nhìn thấy được. Đằng sau quyền pháp còn có một bộ tâm pháp nội công có nội hàm rất sâu.

Năm 52 tuổi, Tôn Lộc Đường gặp được danh gia Thái Cực Hác Vi Chân. Hai người vừa gặp nhau đã cảm thấy như là cố tri. Tôn Lộc Đường hỏi về ý của Thái Cực Quyền, sau đó hai người bắt đầu giao lưu, đọ chiêu. Hác Vi Chân bỗng cảm thấy công lực không chịu đựng được, gần ngã, tự than là không bằng Lộc Đường. Tôn Lộc Đường vội vàng nói: “Đó là kình lực xuất ra chiểu theo ý của Thái Cực Quyền mà thầy vừa mới chỉ bảo đó ạ”.

Hác Vi Chân cảm thán rằng: “Lạ thật, một câu nói đó của tôi mà ông lại ngộ ra được kungfu còn hơn người chuyên luyện Thái Cực Quyền mấy chục năm như tôi”.

Sau này, Hác Vi Chân bị bệnh nặng ở Bắc Kinh, nhờ Tôn Lộc Đường ra tay tương trợ nên đã hồi phục. Hác Vi Chân đề nghị đem hết pháp lý và những sở học tâm đắc về Thái Cực Quyền của ông ra tặng Lộc Đường. Tôn Lộc Đường vui mừng lập tức hành lễ đệ tử bái Hác Vi Chân làm thầy.

Sau này Hác Gia Tuấn, học trò của Tôn Lộc Đường nhớ lại: “Các đòn Thái Cực Quyền của sư phụ tinh diệu tuyệt luân, hoàn toàn thể hiện được cảnh giới vô vi nhi vô bất vi, thường chỉ dùng hai ngón tay, động một cái là đối phương không thể cử động được nữa rồi, muốn lùi cũng không lùi được, muốn tiến cũng chẳng tiến nổi, cảm giác như là lục phủ ngũ tạng bị vô số sợi dây thép quấn chặt, cử động là sẽ bị vỡ vụn, nhưng thủ pháp của sư phụ Lộc Đường lại cực kỳ nhẹ nhàng”.

Võ Thánh

Tôn Lộc Đường không chỉ biết kungfu quyền cước, mà còn là bậc văn võ song toàn. Bất kể là thư pháp, học vấn hay tu dưỡng, ông đều đạt đến trình độ rất cao. Từ Thế Xương - người xuất thân hàn lâm, vô cùng kính trọng Lộc Đường. Năm 1907, Từ Thế Xương mời Tôn Lộc Đường làm cố vấn cho mình.

Từ Thế Xương hiệu Thao Trai, ông đề nghị Tôn Lộc Đường đặt hiệu tương đương với mình là Hàm Trai, Tôn Lộc Đường vui vẻ tiếp nhận. Mỗi dịp năm mới, hai người viết một bức thư pháp tặng nhau, để bày tỏ mối kết giao của người quân tử. Từ Thế Xương còn đứng ra bảo lãnh, tiến cử Tôn Lộc Đường đảm nhiệm chức tri huyện, chi châu. Tôn Lộc Đường nói: “Chí bình sinh của tôi không phải là quan lộ, mà là nâng cao văn hóa võ học”.

{{}}
Từ Thế Xương - Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc. (Miền công cộng)

Tháng 10 năm 1918 đến năm 1922, Từ Thế Xương nhậm chức Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Lộc Đường nhậm chức võ quan phủ Tổng Thống, phụ trách công tác bảo vệ Tổng thống. Trong thời gian đó, một võ sư Judo của Nhật là Itagaki đã thách đấu với Tôn Lộc Đường. Tôn Lộc Đường bị ép buộc không từ chối được, đành đồng ý đùa vui với Itagaki theo cách mà Itagaki đặt ra.

Hai người cùng ngồi trên tấm thảm, hai chân Itagaki kẹp chặt hai chân Tôn Lộc Đường, hai tay ôm chặt vai trái của Lộc Đường và nói: “Tôi dùng Judo, chỉ cần hai tay vặn một cái là vai của ông sẽ bị gãy”.

Tôn Lộc Đường cười và nói: “Vậy ông hãy thử đi, tôi chỉ cần dùng ý niệm là có thể chế ngự được tay của ông”.

Itagaki cả cuộc đời chưa từng nghe thấy câu nói như thế này, chưa kịp phản ứng câu nói đó có nghĩa là gì, vừa mới bắt đầu sử dụng lực thì cảm thấy như động vào tấm thép, tức thì toàn thân rung động và bay ra phòng ngoài, va vào góc tường mới dừng lại.

Các đồ đệ của Tôn Lộc Đường reo hò. Itagaki bò dậy, xấu hổ quá hóa tức giận, liền rút súng lục ra bắn hai phát vào Tôn Lộc Đường.

Lẽ nào vị nhất đại tông sư lại kết thúc như thế này sao?

Sau hai tiếng súng nổ, Itagaki định thần nhìn lại thì không thấy bóng dáng Tôn Lộc Đường đâu, ông ta đang còn kinh ngạc thì từ phía sau vang lên tiếng cười của Tôn Lộc Đường. “Nhật báo Thế giới” khi đó đã miêu tả chi tiết về tình hình của Tôn Lộc Đường khi đó.

10 năm sau, 5 cao thủ Nhật Bản khí thế như thiên quân vạn mã đã tìm đến Trung Hoa chỉ để muốn tỷ võ với Tôn Lộc Đường để phục thù rửa hận. Tôn Lộc Đường khi đó đã ở tuổi cổ lai hi, tay vuốt râu mỉm cười và bảo cả 5 cao thủ hãy ra tay cùng một lúc, sức lực mạnh đến đâu thì hãy dùng hết sức đến đó.

5 cao thủ Nhật Bàn cùng nhau khóa chặt thân Tôn Lộc Đường, viên quan phiên dịch ở bên bắt đầu đếm: “1, 2…”. Còn chưa kịp đếm đến 3 thì đã thấy cả 5 cao thủ bị văng đi xa. Điều này đã khiến người Nhật hoàn toàn kính phục, tôn xưng Tôn Lộc Đường là Võ Thánh. Họ dự định bỏ khoản tiền lớn mời Tôn Lộc Đường đến Nhật Bản truyền thụ võ thuật, nhưng bị ông từ chối.

Không thể tưởng tượng nổi

Những năm cuối đời, danh tiếng của Tôn Lộc Đường đã truyền khắp thiên hạ, chấn động trong và ngoài Trung Quốc.

Một ngày nọ, trong tòa nhà chính quyền huyện Định Hưng, bằng hữu ngồi đầy nhà. Tôn Lộc Được được mọi người vây quanh. Một nhà vật lý du học phương Tây trở về thỉnh cầu được thưởng thức kungfu của ông, để làm thí nghiệm vật lý.

Tôn Lộc Đường không từ chối được, đành phải miễn cưỡng đồng ý. Ông vui vẻ nói với mọi người rằng: “Các vị, hôm nay cảm thấy thân thể như thế nào? Có chỗ nào khó chịu không?”

Mọi người đều nói: “Không có chỗ nào khó chịu cả”.

Trong tích tắc sau đó, Tôn Lộc Đường lại hỏi: “Thế bây giờ thế nào?”

Lúc này, chỉ thấy mọi người khắp trong phòng ai nấy đều đổ mồ hôi, mềm như bún không đứng dậy nổi, ai nấy đều nói khó chịu trong tâm.

Thấy vậy, Tôn Lộc Đường gật gật đầu nhè nhẹ, rồi lại hỏi: “Bây giờ dễ chịu rồi chứ?”

Mọi người khi đó mới thở nhẹ, cảm giác dễ chịu nhiều rồi.

Lúc này, Tôn Lộc Đường mới nói với vị học giả: “Vừa rối đó là tác dụng của nhất khí, không biết vật lý học có thể giải thích được một chút không?”.

Nhà vật lý vừa mới định thần lại, trong lòng vẫn không hiểu còn đang tự hỏi: “Vừa rồi rốt cuộc là đã xảy ra điều gì?”

Nghe thấy Tôn Lộc Đường nói như thế, nhà vật lý học thầm nghĩ: “Mình vốn cho rằng mình có kiến thức sâu rộng, giờ mới thấy mình quá nông cạn”.

Thế là vị này liên tiếp thốt lên: “Thần nhân! Thần nhân!”.

Có thể thấy, kungfu của Tôn Lộc Đường đã đến cảnh giới xuất thần nhập hóa, không thể tượng tượng nổi rồi, có thể sát nhân trong vô hình. Tuy nhiên võ thuật truyền thống hoàn toàn không phải dùng để giết chóc.

Võ thuật truyền thống chân chính thì nhất định phải coi trong tu hành

Người bình thường cho rằng, người luyện võ chỉ là luyện kungfu quyền cước, thực ra các võ sư tầng thứ cao không ai là không từ kỹ thuật bước vào Đạo, chú trọng nâng cao đức tính và trí huệ hơn kỹ thuật. Rất nhiều võ sư có thể ngộ trong việc tu hành tâm tính, dường như có thể sánh với các đại sư trong Tam giáo - Nho, Phật, Đạo. Tôn Lộc Đường từng răn dạy con cái rằng: "Luyện võ thuật thì trước tiên ắt phải coi trọng võ đức. Võ đức chia làm 2 phương diện, một là khẩu đức, hai là thủ đức, cần phải dùng đức khiến người ta phục, dùng lý khiến người ta phục, không được dùng sức mạnh để chế phục người ta, như thế mới có thể khiến người ta tâm phục khẩu phục”.

Tôn Lộc Đường không những có võ công trác việt, mà phẩm đức của ông lại càng khiến người ta khâm phục. Học trò của ông - Dương Thế Hoàn, sinh viên Đại học Nam Khai ở Thiên Tân nhớ lại: “Một lần vào kỳ nghỉ Tết, tuyết rơi nhiều, tôi trông thấy sư phụ Tôn Lộc Đường cầm đèn lồng, không nỡ giẫm lên lớp thảm tuyết trắng như bạc, bèn tung người nhảy. Tôi cầm thước cuộn ra đo, mỗi bước nhảy 3 trượng 5 thước (khoảng 10 mét). Sau đó nói chuyện này với các sư huynh sư đệ, có người nói: ‘Lão tiên sinh Quách Vân Thâm nhảy một cái cũng trên 3 trượng rồi’”.

Dương Thế Hoàn nói tiếp: “Sư phụ nghe được những lời bàn luận này, lập tức nói: ‘thầy cố gắng lắm cũng chỉ nhảy được trên 2 trượng thôi’. Nói rồi, sư phụ dùng hổ hình nhảy, dùng thước đo thì quả nhiên chỉ có 2 trượng 5 thước. Tôi cảm thấy hơi buồn. Sau này một vị sư huynh nói với tôi rằng: ‘Đây là đức kính thầy của sư phụ chúng ta. Chúng ta đem sư phụ ra so sánh với sư tổ Quách Vân Thâm, thì tất nhiên sư phụ sẽ có ý khiêm nhường, cố ý nhảy không được 3 trượng”.

Năm 1933, vùng Hoa Bắc xảy ra lũ lụt, Tôn Lộc Đường muốn cứu tế bà con dân làng. Tất cả tiền tiết kiệm của ông đều gửi ở Ngân hàng Trung Quốc - nơi đệ tử của ông là Lôi Sư Mặc đang công tác, tổng cộng là 60.000 đồng bạc Tây.

Ở nhà, Tôn Lộc Đường không quản lý tiền, cũng không biết là ông có bao nhiêu tiền. Lôi Sư Mặc lẳng lặng chia khoản tiền tiết kiệm đó làm 2 phần, 1 phần 50.000 đồng, và 1 phần 10.000 đồng, sau đó đem phần tiền tiết kiệm 50.000 đồng đó đưa riêng cho sư mẫu, căn dặn sư mẫu dùng để dưỡng lão sau này, và đem phần tiền 10.000 đồng đó giao cho sư phụ. Tôn Lộc Đường liền rút hết số tiền đó để cứu tế người bị thiên tai.

1930 sun lutang.jpg
Tôn Lộc Đường. (Wikipedia)

Nhất đại tông sư từ võ tiến vào Đạo

Triệu Bích Trần tiên sinh - thầy dạy Đạo của Đỗ Tâm Võ, danh nhân giới võ thuật thời Dân Quốc, cho rằng, Tôn Lộc Đường là nhà tu hành cận đại từ võ tiến vào Đạo. Trước khi Tôn Lộc Đường qua đời, người nhà ông ai nấy đều khóc lóc, ông nghiêm giọng nói: “Nếu không vì các người thì ta đã ra đi từ lâu rồi, chứ đâu kéo dài đến ngày hôm nay. Các người còn khóc lóc cái gì!”.

Theo ghi chép trong sách “Tôn Lộc Đường niên phổ”, một ngày tháng 9 năm 1933, tiên sinh Tôn Lộc Đường 73 tuổi, đã nói trước với phu nhân ngày ông sẽ cưỡi hạc quy tiên. Phu nhân kinh hãi, lệnh con con gái đưa tiên sinh đến bệnh viện khám. Tiên sinh cười và nói: “Tôi không có bệnh tật nào cả, đi bệnh viện làm gì! Chỉ là đến lúc đó thì sẽ có Tiên Phật tiếp dẫn, tôi muốn đi ngao du thôi”.

Người nhà không tin, tiên sinh không biết làm thế nào đành phải để con gái út đưa đến bệnh viện khám sức khỏe. Kết quả là, bác sĩ người Đức nói: “Thân thể của Tôn tiên sinh không hề có bất kỳ dấu nào cho thấy hiệu sức khỏe không tốt, cơ thể còn tốt hơn những người trẻ tuổi”.

Phu nhân lại mời danh y Khổng Bá Hoa đến nhà khám bệnh cho tiên sinh. Sau khi bắt mạch, danh y Khổng Bá Hoa nói: “6 mạch của Tôn tiên sinh đều điều hòa, không có một chút dấu hiệu nhỏ nào không tốt. Mạch tượng tốt như thế này, đây là lần đầu tiên tôi gặp”.

Lúc này người nhà mới yên tâm.

Mùa thu năm đó, Tôn tiên sinh trở về quê nhà, ông không ăn cơm 20 ngày, nhưng ngày ngày đều luyện quyền và luyện viết thư pháp, không ngày nào gián đoạn.

Buổi sáng ngày 16 tháng 12, Tôn Lộc Đường nói với người nhà rằng: “Tiên Phật đến tiếp dẫn rồi”. Ông liền sai người nhà ra bên ngoài đốt tiền giấy, tụng niệm Phật hiệu. 6 giờ 5 phút, Tôn Lộc Đường quay mặt về hướng đông nam, lưng quay về hướng tây bắc, ngồi ngay ngắn trong nhà, căn dặn người nhà không được khóc lóc, và nói: “Ta coi sống chết như là trò chơi thôi”.

Nhất đại tông sư mỉm cười ra đi. Tôn Lộc Đường không chỉ mở võ quán, dạy võ thuật Trung Hoa, mà còn viết các trước tác võ học như “Hình Ý Quyền học”, “Bát Quái Chưởng học”, “Thái Cực Quyền học”, “Quyền Ý thuật chân”, “Bát Quái Kiếm học” nhằm hoằng dương võ học Trung Hoa. Đáng tiếc là đúng lúc cái gọi là phong trào văn hóa mới dấy lên, mọi người bắt đầu phê phán và phủ nhận văn hóa truyền thống Trung Hoa, Tôn Lộc Đường cũng đành nuối tiếc cảm khái rằng: “Những lời của tôi tuy đã chi tiết và đã nói ra hết, nhưng vẫn còn lo rằng trong trăm người thì chỉ có 1, 2 người có thể hiểu được. Ta sợ những thuật này sẽ bị thất truyền".

Sau thời Tôn Lộc Đường, võ học truyền thống đã xuất hiện dấu hiệu trượt dốc rõ rệt. Đến nay, người hiện đại chỉ còn biết dốc sức vào luyện động tác võ thuật, rất ít người ý thức được rằng, võ thuật chân chính là dựa vào tu nội, coi trọng võ đức thì mới sinh tồn và luyện được tuyệt học võ công.

Wenshidaguanyuan
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

1 chiêu thắng 5 cao thủ: Võ Thánh triển hiện võ thuật cao thâm