Trí tuệ người xưa giúp bạn thành cao thủ trong giao tiếp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói chuyện là một nghệ thuật. Người biết nói chuyện không những có thể thêm bạn bớt thù, mang lại thành công trong cuộc sống... mà còn giúp tu dưỡng đạo đức, tạo phúc giải nghiệp

Nói chuyện là một nghệ thuật. Người trí tuệ thận trọng ngôn từ, lời nói sinh ra từ trái tim, đáng nói thì nói, đúng lúc mới nói. Người biết cách nói chuyện, viên dung chu toàn, không để lạc lõng bất cứ người nào, là người mà ai ai cũng muốn kết bạn.

  1. Quân tử không lỡ chân với người, không thất sắc với người, không lỡ miệng với người

Nguyên văn: Quân tử bất thất túc ư nhân, bất thất sắc ư nhân, bất thất khẩu ư nhân (Lễ ký - Biểu ký)

Người quân tử trước mặt người khác thì cử chỉ cần thận trọng, dung mạo và nói năng đoan chính, trang trọng, không được nói lời sai trái và những lời không đáng nói.

Cảm ngộ:

Người biết cách nói chuyện là người cẩn thận lời nói, hành vi và nét mặt, dung mạo, không nói lời không nên nói, không làm việc không nên làm, không tỏ thái độ không đáng có. Đây là tu dưỡng của người quân tử. Sự tình thành bại được mất, rất nhiều khi lại quyết định bởi người nói chuyện có nói đúng lời, đúng lúc hay không.

  1. Việc công không bàn riêng

Nguyên văn: Công sự bất tư nghị (Lễ ký - Khúc lễ hạ)

Việc chung của mọi người thì không thể ngấm ngầm bàn luận riêng.

Cảm ngộ:

Việc công nên bàn chung, làm chung, nếu bàn luận riêng thì sẽ bị hiềm nghi gian tà mưu đồ cá nhân. Người biết nói chuyện không chỉ nói lời nên nói mà còn phải biết nói nơi thích hợp. Khổng Tử nói: "Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính" nghĩa là không ở vị trí ấy thì không bàn luận mưu tính việc ấy. Nó còn có nghĩa không ở quan phủ thì chớ bàn việc quan phủ, không ở chốn công đường thì chớ bàn việc công đường.

nói chuyện
Việc công không bàn riêng. (Ảnh: Wikipedia)
  1. Ở triều đình thì không nói chuyện chó ngựa

Nguyên văn: Triều ngôn bất cập khuyển mã (Lễ ký - Khúc lễ thượng)

Triều đình là nơi mưu tính chính sự, bàn chuyện chính sự. Khi làm việc công thì không nói đến những vui chơi giải trí như thi chó đua ngựa. Khi làm việc cần có tinh thần yêu kính nghề nghiệp, và càng cần tự giác kỷ luật.

Cảm ngộ:

Nơi làm việc, khi rảnh rỗi cũng chớ nói chuyện vui chơi giải trí, nó sẽ tạo ra một thói quen và một không khí không nghiêm túc trong công việc. Nghiêm trọng hơn là nó ảnh hưởng đến suy nghĩ của người khác và có thể tạo thành tác phong thiếu chuyên nghiệp, dễ tạo ra trào lưu đua nhau các trò tiêu khiển mà dần dần trở nên phóng túng. Thời gian rỗi nếu tận dụng vào nghiên cứu chuyên sâu, đọc thêm sách, hoặc tĩnh tâm tu tâm dưỡng thân sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

  1. Chốn công đình không nói về phụ nữ

Nguyên văn: "Công đình bất ngôn phụ nữ" (Lễ ký - Khúc lễ hạ)

Khi làm việc thì không được nói đến chuyện nữ sắc, giải trí, đùa giỡn. Nói chuyện cần phải nắm bắt thời cơ, vào thời cơ thích hợp nói những chuyện thích đáng.

Cảm ngộ:

Sắc dục là một trong những ham dục lớn của con người. Người xưa nói "tửu, sắc, tài, khí" là "tứ đổ tường" - nghĩa là 4 bức tường giam hãm con người. Những ham dục này cần phải dùng lý trí và nghị lực chế ngự thì mới có thể có cuộc đời tự do lành mạnh, muốn ức chế được nó thì phải ức chế từ suy nghĩ và lời nói. Kinh điển Đông y Hoàng Đế Nội Kinh viết: "Điềm đạm hư vô thì chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi bệnh tật. Đó là một sự thanh nhàn và ít ham muốn, tâm an thì không sợ hãi, sở thích không thể làm khổ đôi mắt, dâm tà không thể mê hoặc cái tâm. Những người sống lâu 100 tuổi mà không suy yếu là do họ không mạo hiểm cái đức của mình".

  1. Ở quan nói chuyện quan, ở phủ nói chuyện phủ, ở khố nói chuyện khố, ở triều nói chuyện triều.

Nguyên văn: Tại quan ngôn quan, tài phủ ngôn phủ, tại khố ngôn khố, tại triều ngôn triều (Lễ ký - Khúc lễ hạ)

Ở triều đình, lời nói hành động đều phải hợp lý. Quan, phủ, khố, triều đều là những nơi làm việc công. Ở những nơi làm việc tương ứng thì đàm luận về sự việc tương ứng cần xử lý.

Cảm ngộ:

Một người không thể chu toàn hoàn mỹ nhưng cần phải viên dung. Học cách ứng đối thích hợp tùy theo thời thế, tùy theo địa điểm, dùng lời nói để viên dung mối quan hệ giữa người với người. Ở chốn quan trường nói những lời ở chốn quan trường, thấy người làm ăn nói chuyện làm ăn. Một người có tu dưỡng nói chuyện với những người khác nhau thì chủ đề đều phải hợp với thân phận của đối phương, nói chuyện đều là những sự tình hợp với đạo lý. Như thế sẽ khiến đối phương thụ ích.

  1. Chịu tang không nói chuyện vui, tế lễ không nói chuyện dữ

Nguyên văn: Cư tang bất ngôn lạc, tế sự bất ngôn hung (Lễ ký - Khúc lễ hạ)

Trong thời gian chịu tang thì không được nói đến những chuyện vui vẻ đùa vui. Khi tế lễ thì không được nói đến những chuyện dữ, chuyện chẳng lành.

Cảm ngộ:

Nói chuyện dông dài, đùa cợt ầm ĩ là bất kính đối với người chết và gia quyến. Thế nên cần hạ thấp giọng, cử chỉ nhẹ nhàng, chậm rãi trầm tĩnh mới thể hiện ra sự thành ý và phong độ của bạn.

  1. Ở vị trí đó mà không nói về việc đó, người quân tử lấy làm hổ thẹn. Nói về việc đó mà không làm về việc đó, người quân tử lấy làm hổ thẹn.

Nguyên văn: Cư kỳ vị, vô kỳ ngôn, quân tử sỉ chi. Hữu kỳ ngôn, vô kỳ hành, quân tử sỉ chi. (Lễ ký - Tạp ký hạ)

Ở một ví trí chức vụ nhất định mà không đưa ra ý kiến cần có ở vị trí ấy thì người quân tử cảm thấy đó là điều hổ thẹn. Nhưng nếu có nói bàn về công việc của vị trí đó mà không thực hiện, không có hành động thì người quân tử cũng cảm thấy đó là điều hổ thẹn.

Cảm ngộ:

Ở vị trí địa vị chức vị nhất định thì cần phải có bàn luận và hành động tương ứng với phạm vi chức trách của vị trí đó. Nếu không thì đó chính là người lợi dụng chức trách, tắc trách, không làm mà hưởng. Còn có vấn đề quan trọng nữa là ngôn hành. Có người thích nói nhiều nói lớn, nhưng lại thiếu hành động, nên chẳng có kết quả gì. Người xưa vô cùng coi thường loại người này. Trong cuộc sống, công tác, nên nói ít, chất phác, khiêm tốn, chớ tự khoe khoang.

  1. Người bề trên không đề cập đến thì chớ sàm ngôn.

Nguyên văn: Trưởng giả bất cập, vô sàm ngôn. (Lễ ký - Khúc lễ thượng)

Chuyện mà người bề trên không nhắc đến thì đừng đề cập. Khi nói chuyện với người bề trên, cần để họ chủ động dẫn dắt câu chuyện, đưa ra các vấn đề.

Cảm ngộ:

Nói chuyện với người lớn tuổi, người bề trên thì không chủ động đưa vấn đề, đó là tỏ ý tôn kính họ. Có tôn kính người thì mới được người tôn kính, có tôn kính người bề trên thì mới tôn trọng người khác được. Đương nhiên không có nghĩa là hỏi gì nói đấy, bảo gì làm đấy hay a dua phụ họa, mà vẫn cần có kiến giải riêng, chỉ là không chủ động đưa vấn đề. Tuy nhiên khi có vấn đề cần thỉnh giáo thì hoàn toàn có thể khiêm tốn xin được chỉ bảo. Khổng Tử là bậc Thánh nhân còn phải học cậu thiếu niên, gọi cậu thiếu niên Hạng Thác là thầy. Khiêm tốn học hỏi thì sẽ tăng trưởng tri thức, trí tuệ.

  1. Hầu chuyện người bề trên, người bề trên hỏi, hỏi xong rồi mới trả lời

Nguyên văn: Thị tọa ư tiên sinh, tiên sinh vấn yên, chung tắc đối. (Lễ ký - Khúc lễ thượng)

Khi hầu chuyện những người bề trên, nếu họ hỏi thì nhất định phải đợi họ nói hết rồi mới trả lời. Không được cắt ngang lời họ, cũng không được nói xen vào. Khi giao tiếp với người khác cũng như vậy, để biểu thị tôn trọng họ thì tốt nhất là không được cắt ngang lời.

nói chuyện
Hầu chuyện người bề trên, người bề trên hỏi, hỏi xong rồi mới trả lời. (Ảnh: Wikipedia)

Cảm ngộ:

Trong lúc trò chuyện không tránh khỏi bản thân mình có quan điểm ý kiến khác, cần bày tỏ, hoặc đối phương nói nhiều quá, lặp đi lặp lại, khiến bản thân cảm thấy sốt ruột. Tuy nhiên, với người bề trên thì cần tôn trọng, dù thế nào đi nữa cũng cần nhẫn nại tôn kính lắng nghe. Người có tu dưỡng khác biệt chính là ở chỗ đó.

  1. Nói chuyện với người quân tử, không xem xét mọi người xung quanh mà trả lời thì đó không hợp với lễ.

Nguyên văn: Thị ư quân tử, bất cố vọng nhi đối, phi lễ dã. (Lễ ký - Khúc lễ hạ)

Lễ coi trọng khiêm hạ. Nếu nhiều người cùng hầu chuyện bậc trưởng giả, người quân tử thì khi bậc trưởng giả đưa ra câu hỏi, trước hết hãy xem mọi người xung quanh, đợi người khác trả lời, không nên mạo muội vội vàng tranh trả lời trước. Cần quan sát mọi người để đối đáp. Nếu không có người nói thì mình mới trả lời câu hỏi.

Cảm ngộ:

Lời nói xuất phát từ trái tim, cần chân thành, người trí tuệ thận trọng lời nói, nên nói thì nói, nói hợp thời điểm, hợp địa điểm. Nói chuyện với người bề trên, nếu chưa đến lượt mình mà đã nói thì đó là hấp tấp. Nếu không quan sát sắc mặt mọi người mà nói thì dễ khinh suất nói bừa, hoặc nói lời tổn hại đến người khác. Điều mình nên nói mà lại không nói thì đó là che dấu. Làm người có tu dưỡng đạo đức thì lời nói hành vi đường hoàng, chân chính nhưng khiêm tốn, chừng mực, thích hợp.

Trung Dung (biên dịch)

Theo aboluowang.com



BÀI CHỌN LỌC

Trí tuệ người xưa giúp bạn thành cao thủ trong giao tiếp