12 chùa trấn ma thay đổi phong thuỷ Tây Tạng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xuất phát điểm của xây dựng chùa trấn ma thay đổi phong thuỷ, hoàn toàn giống với việc sau mỗi khi thay đổi vương triều ở Trung Nguyên, nhất định và đào cắt long mạch của triều đại trước, chặt đứt khí mạch của vương triều trước đó, để người dân của khu vực bị chinh phục không làm phản.

Nhắc tới Lhasa thủ phủ của Tây Tạng, điều đầu tiên không thể không đề cập đến là cung điện Potala hùng vĩ, tiêu điểm của các cuộc hành hương. Nó được quân chủ đế quốc Thổ Phồn - Songtsen Gampo xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Quân chủ của Thổ Phồn được gọi là Tán Phổ. Trong tiếng Tây Tạng, Tán Phổ có ý nghĩa là bậc nam tử hán cường tráng. Những người hành hương trong quá khứ sẽ đi theo con đường vòng quanh cung điện, cứ thế đi từng vòng từng vòng để bày tỏ sự kính trọng trong tâm. Thông thường những người hành hương mất vài tuần đi quanh các phố. Hiện tại rất nhiều khu phố ở đây đã bị phá dỡ, thay vào đó là các cửa tiệm lớn nhỏ. Đường duy nhất những người hành hương có thể đi đó là phố Barkhor cách đó 2km.

Các viên đá lát trên phố Barkhor đều được mài bóng nhoáng, góc phố nghi ngút hương hoả. Mùi khói từ cành bách xù lan tỏa ra khắp nơi. Trên phố, người ta thường nhìn thấy những người hành hương quay quay vòng cầu nguyện trên tay, họ vừa đi vừa tụng kinh. Nằm ở trung tâm của Barkhor là đền Jokhang. Ngôi đền có tuổi cũng gần bằng với cung điện Potala, cũng được xây vào thời của quân chủ Songtsen Gampo. Kiến trúc trọng tâm của ngôi đền này là quần thể 3 tầng lớp đền miếu bên trong. Đền Jokhang có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong Tạng truyền Phật giáo, thậm chí ngang với cung điện Potala, bởi vì nó là một trong chuỗi 12 đền trấn ma của Tây Tạng, là một phần cực kỳ quan trọng.

Jokhang, với Quảng trường Barkhor ở phía trước. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 2.0)

Chùa trấn ma Tây Tạng

Năm 641 tức năm Trinh Quán 15 của hoàng đế Đường Thái Tông, một đoàn đưa dâu khổng lồ xuất phát từ Trường An, lặn lội một chặng đường dài để tới Lhasa. Đó chính là đoàn đưa dâu của công chúa nổi tiếng trong lịch sử - Văn Thành công chúa. Công chúa được gả cho quân chủ Songtsen Gampo. Văn Thành công chúa không phải là con gái ruột của Đường Thái Tông, mà là cháu gái xa của ông. Toàn bộ các công chúa triều Đường được gả cho ngoại bang đều không phải là con gái ruột của hoàng đế. Do xuất phát từ yêu cầu chính trị nên họ đột nhiên được tấn phong làm công chúa. Nhưng đối với một Thổ Phồn mới nổi dậy đầy lòng tự tôn, không phải cứ tuỳ tiện gả một công chúa giả là sẽ được chấp nhận. Trong số rất nhiều phụ nữ trong hoàng gia, công chúa Văn Thành đã được chọn, là có nguyên do.

Theo các tài liệu của Phật giáo Tạng truyền, Văn Thành công chúa tinh thông coi bói, tinh tượng, phong thủy kham dư, là một tài nữ đích thực.

Trước Văn Thành công chúa, Songtsen Gampo đã cưới công chúa Nepal Bhrikuti Devi. Nepal là một quốc gia tín ngưỡng Phật giáo nhưng đương thời tại Thổ Phồn chiếm địa vị chủ đạo không phải là Phật giáo, mà là Bôn giáo. Ban đầu công chúa Devi không vui trước sự xuất hiện của công chúa Văn Thành. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng hai công chúa không chỉ rất hợp nhau, mà sau này họ còn được chôn cùng với Tán Phổ Songtsen Gampo.

Phong thuỷ và chùa trấn ma

Khi đó công chúa Devi muốn xây một ngôi đền trước núi Mã Bố Nhật, đó cũng là nơi hiện tại của Cung điện Potala. Nhưng kỳ lạ là ban ngày vừa xây tường xong xuôi thì tới đêm lại bị ma quỷ phá hoại, hơn nữa các tu viện được xây ở những nơi khác cũng bị thế lực bí ẩn như thế tấn công. Điều này khiến công chúa Devi vô cùng buồn phiền. Sau đó cô nghe nói Văn Thành công chúa rất giỏi về kham dư. Công chúa Devi phái nữ hầu thân thiết của mình mang vàng tới làm lễ vật để thỉnh giáo công chúa Văn Thành. Văn Thành công chúa không chút giấu giếm, và tiết lộ hết huyền cơ. Hoá ra tổng thể địa hình vĩ mô của Tây Tạng chính là hình dạng quỷ Rakshasa (La Sát) nằm ngửa. Trong kham dư thuật, đây được gọi là ‘ma nữ tắm nắng’, có ý chỉ đây là vùng đất hung hiểm. Rakshasa là tiếng Phạn, tiếng Ấn Độ cổ, là tên gọi của một loại ác quỷ.

Toàn bộ địa hình của Tây Tạng chính là hình dạng nữ ma La Sát đang nằm ngửa, thuật kham dư gọi là “Ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây). (Ảnh chụp màn hình video youtube)

Công chúa Văn Thành nhận thấy địa hình Tây Tạng có cả hung và cát hỗn tạp, vùng đông bộ có địa hình cát tường trông giống như cột đèn, và cũng có hung sát như núi Thiết Mã Sơn. Vùng phía nam có địa hình cát tường giống như bảo tháp, lại cũng có địa hình hung hiểm như hình con bọ cạp săn mồi. Phía Bắc có ngọn núi Thánh giống như hoa sen khai nở, lại có dãy núi trông như chiến trận, còn có hình dạng của núi Cống Ba trông như cá sấu. Bầu trời của khe núi hẹp Lãng Nga Gia trông giống như một thanh kiếm sắc, địa hình của Tát Nga Gia lại trông như mũi con lợn… Đây đều là những phong thuỷ xấu.

Nếu muốn hoá giải hung sát, cần phải xây dựng những ngôi chùa Phật tại những vị trí quan trọng để trấn áp La Sát. Đây chính là nguồn gốc của chùa trấn ma Tây Tạng. Những lời tiết lộ này của công chúa Văn Thành được Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 Ngawang Lobsang Gyatso ghi chép lại trong cuốn ‘Tây Tạng vương thần hộ Pháp ký’.

Tương truyền, công chúa Devi nghe công chúa Văn Thành giải thích, đột nhiên cảm thấy như tìm thấy con đường sáng. Vậy là hai người quyết định cùng nhau xây dựng chùa trấn ma.

Xây dựng chùa trấn ma

Đầu tiên, quân chủ Songtsen Gampo và hai vị vương phi cùng tới Thánh địa Bạt Bang Khách của vương quốc Thổ Phồn để học Phật Pháp. Sau khi họ nhận được tín hiệu tốt, liền bắt đầu xây chùa. Nhóm xây dựng lần lượt tại phía vai trái của ma nữ dựng chùa Xương Châu, ở vị trí chân trái xây đền Trọng Ba Giang, tại vai và chân phải lần lượt xây đền Cát Tắc và Tàng Chương. Sau đó ở khuỷu tay trái và phải, đầu gối trái và phải của ma nữ xây 4 ngôi chùa lớp thứ 2. Tiếp đó ở lòng bàn tay, lòng bàn chân trái và lòng bàn tay, lòng bàn chân phải lại xây tiếp 4 ngôi chùa lớp thứ 3. Vậy là trong ngoài 3 lớp, tổng cộng 12 ngôi chùa trấn ma đã được dựng lên.

Nhưng vẫn chưa đủ, 12 chùa trấn ma chỉ mới khống chế được tứ chi của ma nữ, Văn Thành công chúa cho biết còn một nơi phải trấn yểm trước tiên. Nơi này chính là Ngoạ Đường Hồ dưới chân núi Mã Bố Nhật Sơn, bởi theo lời công chúa dưới hồ là tim của ma nữ. Nếu không trấn tốt nơi này, dù ở các chỗ khác có làm gì cũng không được, chỉ cần tim của ma nữ vẫn còn đập, bất kỳ đền chùa nào cũng không thể xây dựng được. Vì thế đội thi công dùng bầy dê núi khổng lồ thồ đất đá đổ lấp xuống Ngoạ Đường Hồ, bên trên xây dựng một ngôi đền - chính là đền Jokhang (Đại Chiêu).

Quần thể kiến trúc của ngôi chùa ba lớp trong tu viện dựng thẳng chính tại tim của ma nữ. Cái tên Lhasa (Rasa) cũng xuất phát từ công trình này. Trong tiếng Tây Tạng, Ra có nghĩa là dê núi, Sa có nghĩa là đất. Hai từ hợp lại có nghĩa là nơi được sơn dương xây dựng. Tên gốc của đền Jokhang (Đại Chiêu) thực ra là đền Thần Biến, bởi vì trong quá trình xây dựng đền đã phát sinh rất nhiều Thần tích không thể tưởng tượng. Từ ‘chiêu’ trong tiếng Tạng có nghĩa là ‘phi tử’ (phi tần). Trong đền Jokhang thờ cúng bức tượng vàng Phật Đà 8 tuổi, do Devi công chúa mang tới. Cách đền Jokhang về phía bắc 500 m là đền Ramoche (Tiểu Chiêu), nơi này thờ cúng bức tượng Phật 12 tuổi bằng vàng từ thời Đường, do công chúa Văn Thành mang tới. Từ đó, phong thuỷ xấu của Tây Tạng đã được thay đổi.

Bản đồ chùa Đại Chiêu. (Phạm vi công cộng)

Góc nhìn mới về Thổ Phồn

Thế kỷ 6-7 sau Công nguyên, Thổ Phồn nổi dậy ở khu vực Nhã Long (Yalong), phía cực đông nam của cao nguyên Thanh Tạng ngày nay, tới cuối thế kỷ thứ 8, khi đang ở đỉnh cao, lãnh thổ đi thẳng về phía nam của dãy núi Thiên Sơn, kéo dài tới cực tây bắc của tỉnh Vân Nam ngày nay, còn có gồm cả Tây tạng, Thanh Hải, Tứ Xuyên Khang Ba, Cam Túc, Tân Cương, lưu vực Tarim. Thời đó, Thổ Phồn là cường quốc lớn thứ hai của châu Á, chỉ xếp sau Đại Đường. Sự bành trướng của Thổ Phồn là quá trình kéo dài từ nam đến bắc, vừa là quá trình mở rộng lãnh thổ, vừa chinh phục văn hoá cư dân gốc những nơi này, quá trình đồng hoá tư tưởng và phong tục.

Lãnh thổ Thổ Phồn thời cực thịnh. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 3.0)

Đối với quốc gia quân sự mới nổi, có nền tảng văn hoá còn yếu kém, vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể đứng vững ở những khu vực mới chinh phục được, làm sao kiến lập được sự thống trị có hiệu quả, khiến dân chúng những nơi này bị thuyết phục và thừa nhận? Cần làm được điều này đầu tiên, mới có thể tiếp tục mở rộng lãnh thổ, nếu không, một vùng rộng sẽ có thể nổi dậy bất cứ lúc nào. Vì thế, làm sao để xây dựng được sự thống trị tốt là nhiệm vụ hàng đầu đối với các quân chủ Thổ Phồn. Đế quốc Thổ Phồn giáp Nepal và Bắc Ấn Độ, nên hướng tiến công là phía bắc Tây Tạng và Thanh Hải. Phật giáo trở thành nguồn tài nguyên văn hóa đáng tin cậy nhất của những Tán Phổ. Nên nói phong thuỷ Tây Tạng xấu là xấu đối với Thổ Phồn - kẻ chinh phục mới, muốn kiến lập thống trị ổn định là việc không dễ dàng.

Xuất phát điểm của xây dựng chùa trấn ma thay đổi phong thuỷ, hoàn toàn giống với việc sau mỗi khi thay đổi vương triều ở Trung Nguyên, nhất định và đào cắt long mạch của triều đại trước, chặt đứt khí mạch của vương triều trước đó, để người dân của khu vực bị chinh phục không làm phản.

Văn hoá tâm linh Tây Tạng thời đại trước Thổ Phồn

Khu vực tự trị Tây Tạng ngày nay xưa được gọi là “Vệ Tạng”. Trong một thời gian dài, ở nơi đây không có tôn giáo, chỉ có Tát Mãn nguyên thuỷ - chính là thầy đồng. Thầy đồng giúp mọi người trừ tà, trị bệnh, rất giống với phong tục tập quán của người Maya châu Mỹ và người Aztec. Trong cộng đồng, thầy đồng rất được tôn kính. Cho tới 3.700 năm trước, một người tên là Shenrab Miwo dựng nên văn minh Tượng Hùng, sáng lập ra Bôn giáo. Shenrab Miwo đem ‘pháp môn tu hành cửu thừa’, kết hợp cùng với các yếu tố Tát mãn, phù hợp với phong tục địa phương, thực tế, nên khiến con người dễ tiếp nhận hơn, và sáng lập nên hệ thống tôn giáo.

Người ta thường gọi Bôn giáo xưa kia trước Shenrab Miwo là Bôn giáo nguyên thủy, và gọi Bôn giáo sau Shenrab Miwo là Bôn giáo Ung Trọng. Đây là lần thăng cấp đầu tiên của văn minh cao nguyên tuyết. Nhưng pháp môn tu hành cửu thừa trong Bôn giáo Ung Trọng không được lưu truyền rộng. Thực sự phổ biến lại là Tát mãn, thường được gọi là Hắc Bôn, có quan hệ rất mật thiết với đời sống con người. Họ là những thầy thuốc, thầy phù thuỷ, thầy xem bói, thầy pháp thuật của Tây Tạng. Ngoài việc trị bệnh, họ còn mượn pháp thuật để gọi mưa, làm mưa đá. Đôi lúc họ dùng bùa chú xua đuổi La Sát, ma quỷ và những linh hồn thấp kém. Họ có thể được coi như tổng hợp của thầy bói toán, thầy thuốc Đông y và Đạo sĩ Lao Sơn. Đó là tình huống của cao nguyên Thanh Tạng trước thế kỷ thứ 6 sau công nguyên.

Văn hoá tâm linh Tây Tạng thời đại Thổ Phồn

Vào thế kỷ thứ 6-7 sau công nguyên, khi Thổ Phồn mới nổi dậy ở vùng đông nam bộ cao nguyên Thanh Tạng, nó cũng tiếp nhận ảnh hưởng của văn minh Tượng Hùng và văn hoá Bắc Ấn Độ. Chữ viết Tây Tạng có nguồn gốc từ Tượng Hùng nên Bôn giáo cũng là tín ngưỡng phổ biến của khu vực. Khi Songtsen Gampo trở thành vị vua thứ 33 của Thổ Phồn, Phật giáo đã truyền nhập vào Tây Tạng nhưng không có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như Bôn giáo.

Tới khi công chúa Devi của Nepal và công chúa Văn Thành của nhà Đường xuất hiện, Phật giáo mới chính thức được giới thiệu tới xã hội thượng lưu của Thổ Phồn, nhưng vẫn không chiếm được vị trí chủ đạo. Nhìn vào hình thức kiến trúc của đền Jokhang và Ramoche, với những bức bích họa trên tường, đều vẫn sử dụng đặc điểm của Bôn giáo.

Thái độ của quân chủ Songtsen Gampo cũng khá mập mờ. Những ca ngợi về việc ông đại hưng Phật giáo, sùng tín Phật Pháp bắt nguồn từ chuyện kể một chiều Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên trong tài liệu lưu trữ Biên niên sử Thổ Phồn, dường như không có đề cập tới việc ông tham gia vào bất kỳ hoạt động Phật sự nào. Ông có vai trò giống như một người hỗ trợ hơn, lặng lẽ ủng hộ hai vương phi phát triển Phật giáo, xây chùa trấn ma ở khắp nơi.

Quá trình xây dựng chùa trấn ma liên tục gặp phải các can nhiễu. Đặc biệt quá trình lấp hồ vô cùng không thuận lợi. Giám sát xây dựng chùa Jakhong là công chúa Devi, ban đầu đổ các sọt đất xuống giống như đổ vào cái hố không đáy, chỉ thấy nước hồ gợn sóng đục ngầu, không nhìn thấy đất đi đâu, hoàn toàn không có tác dụng. Công chúa Devi cho rằng cách công chúa Văn Thành hướng dẫn lấp hồ không tác dụng, chỉ khiến mọi người phí công vô ích, liền phàn nàn với Songtsen Gampo.

Thấy hai vương phi phối hợp không tốt, Songtsen Gampo bèn nghĩ cách. Ông bước tới trước tượng Phật, thành tâm thỉnh cầu được gia trì rồi cùng công chúa Devi tới nơi công trường bên hồ. Ông ném chiếc nhẫn vàng trong tay lên không trung, đồng thời thành tâm cầu nguyện Thần Phật. Nhìn vào nơi chiếc nhẫn rơi xuống, Songtsen Gampo chỉ tay và nói với công chúa Devi bắt đầu lấp hồ từ vị trí đó. Quả nhiên lần này, từng giỏ đất đổ xuống đã thấy nó chất đống lên chứ không bị trôi mất. Sau đó công chúa Devi làm theo cách công chúa Văn Thành chỉ, và dựng một tháp đá ở đó, trấn yểm chắc trái tim của ma nữ. Từ đó việc xây dựng trở nên thuận lợi hơn. Một trong những khả năng đặc biệt của thầy đồng Hắc Bôn là làm phép để xua đuổi sự phá hoại của ma quỷ.

Bôn giáo với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên nghìn năm, sau khi không thể xây dựng được chùa trấn ma, Bôn giáo vẫn không lập tức thuần phục. Sau khi quân chủ Songtsen Gampo tạ thế, Bôn giáo vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng trong thời gian dài. Mãi tới hơn 100 năm sau, vị Tán Phổ Thổ Phồn thứ 37 là Trisong Detsen tại vị, thì sự cân bằng giữa Bôn giáo và Phật giáo mới được phá vỡ. Trisong Detsen đã thỉnh mời hai cao tăng Phật giáo là Liên Hoa Sinh đại sĩ và Tịch Hộ đại sư từ Ấn Độ tới. Họ đã xây dựng tu viện tu hành chuyên nghiệp đầu tiên - Samye. Trisong Detsen đã tổ chức cả về nhân lực và vật lực, dốc sức dịch kinh Phật và hồng dương Phật Pháp.

Tượng Đức Liên Hoa Sinh tại công viên hòa bình Ghyoilisang, Boudhanath, Nepal (Nguồn wikipedia/ CC BY-SA 4.0)
Tịch Hộ đại sư
Tịch Hộ Đại sư. (phạm vi công cộng)

Nhưng Bôn giáo đối với từ dân thường cho tới lớp quý tộc vẫn có lượng người ủng hộ. Đối diện với sự phản kháng của nhóm người ủng hộ đó, cuối cùng đã nổ ra cuộc tranh luận lớn giữa Bôn giáo và Phật giáo. Cuộc tranh luận này do Tịch Hộ đại sư của phía Phật giáo khởi xướng, và Hương Nhật Ô Kim đại sư đứng ra đại diện cho Bôn giáo, Trisong Detsen thì như một trọng tài. Lần tranh luận này xảy ra vào khoảng năm 785 sau công nguyên. Có người cho rằng cuộc tranh luận lớn không chỉ diễn ra một lần, mà là một loạt các cuộc tranh luận. Trong quá trình Phật giáo được truyền bá tại các tiểu bang ở Ấn Độ, cũng thường dùng cách tranh luận này. Vương triều Trung Nguyên cũng thường có những đại hội tranh luận giữa Phật giáo và Đạo giáo. Tán Phổ Trisong Detsen cũng học dùng biện pháp tranh luận này.

Liên Hoa Sinh đại sĩ và đại sư Tịch Hộ đã thể hiện bản sắc bậc đại sư với công năng đặc dị và học vấn sâu rộng, đã áp đảo đối thủ về giáo lý, học thức, và còn thắng cả về phương diện thần thông. Trong một loạt các cuộc thi giữa Phật giáo và Bôn giáo, Liên Hoa Sinh đại sĩ đã nhiều lần triển hiện thần tích. Ví dụ, trong một đêm, ông đã lấy ngón tay chỉ vào vách đá của núi Thần Hải Bố Nhật, khắc hoạ 108 tòa tháp Phật, biến tất cả những quỷ thần do Bôn giáo đại sư dùng thần chú điều khiển thành đá. Sau nhiều lần thi đấu biện luận và thần thông, Trisong Detsen phán quyết Phật giáo giành chiến thắng. Ông đưa cho Bôn giáo ba lựa chọn:

  1. Chuyển sang Phật giáo, trở thành tăng nhân Phật giáo
  2. Vứt bỏ chức vụ tôn giáo, trở thành người dân thường của Thổ Phồn
  3. Lưu đày nơi biên ải, phát triển biên giới

Đây là lần chiến thắng đầu tiên của Phật giáo, cũng là Pháp nạn nghiêm trọng lần đầu tiên của Bôn giáo.

Dù cách thời công chúa Văn Thành và công chúa Devi xây chùa trấn ma hơn 100 năm sau, nhưng có thể thấy quá trình thiết lập một tín ngưỡng mới quả thực rất gian nan. Đây là lần nâng cấp thứ 2 của văn minh khu vực tuyết này.

Một cách tổng quát, biện luận tranh giành giữa Bôn giáo và Phật giáo bắt nguồn từ văn minh Tượng Hùng thượng cổ. Nó rất có thể bắt đầu từ trước Đại hồng thuỷ. Văn minh Tượng Hùng và văn minh Thổ Phồn của nhân loại lần này từng cạnh tranh với nhau ở cao nguyên khu vực tuyết này, là quá trình hoà hợp, thay thế và thay đổi lẫn nhau. Nhưng Bôn giáo không biến mất từ đó.

Sau khi quân chủ Trisong Detsen qua đời khoảng nửa thế kỷ, Tán Phổ cuối cùng của Phồn Thổ là Langdarma đã phát động việc diệt Phật, phục hưng Bôn giáo. Lần này Phật giáo lại bị rơi xuống vực thẳm, kinh điển Phật giáo đã từng bị thất truyền hoàn toàn. Vậy sau này Phật giáo làm sao có thể phục hưng lại ở khu vực tuyết. Điều này có liên quan tới một phần khác vô cùng huyền bí của văn hoá Tây Tạng - gọi là Phục Tàng, chúng ta sẽ tìm hiểu ở những phần sau này.

Minh An
Theo Wenzhao



BÀI CHỌN LỌC

12 chùa trấn ma thay đổi phong thuỷ Tây Tạng