12 ngôi chùa trấn ma thay đổi phong thủy Tây Tạng như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Văn Thành Công chúa không hề giấu nghề, đã nói rõ hết những huyền cơ. Thì ra, toàn bộ địa hình của Tây Tạng chính là hình dạng nữ ma La Sát đang nằm ngửa, thuật kham dư gọi là “Ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây). Nó có nghĩa là, đây là một vùng đất hung hiểm. La Sát tiếng Phạn, ngôn ngữ Ấn Độ cổ nghĩa là tên gọi của một loài ác quỷ. 

Nói đến Lhasa Tây Tạng, mọi người có thể nghĩ ngay đến Cung điện Potala, một cung điện nguy nga, là tiêu điểm lễ bái của Lhasa, được quốc vương Thổ Phồn Tùng Tán Cán Bố xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Quân vương của Thổ Phồn được gọi là Tán Phổ, tiếng Tạng có nghĩa là Người đàn ông cường tráng.

Xưa những người lễ bái, đi theo tuyến đường hình tròn xung quanh Cung điện hết vòng này đến vòng khác để bày tỏ sự kính ngưỡng trong tâm. Những người lễ bái thường đi dạo phố vài tuần. Hiện nay các khu phố đều đã bị phá dỡ, và xây dựng thành các cửa hàng cửa hiệu lớn nhỏ.

Giờ đây, những người lễ bái còn chỗ duy nhất đi dạo phố là phố Bát Quách cách đó 2km. Những viên đá lát ở phố Bát Quách đã bị mài mòn nhẵn bóng, trên các góc phố đầy hương hỏa, mùi khói của cây bách kim bay khắp nơi. Trên đường phố, thường thấy những người lễ bái tay cầm bánh xe cầu nguyện, vừa đi vừa tụng kinh.

Trung tâm phố Bát Quách là chùa Đại Chiêu (Jokhang), ngôi chùa này có tuổi đời xấp xỉ với Cung điện Potala, cũng được xây dựng vào thời Tùng Tán Cán Bố. Kiến trúc trung tâm của chùa là quần thể kiến trúc nội viện 3 tầng.

Jokhang, với Quảng trường Barkhor ở phía trước. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 2.0)

Cần biết rằng, ý nghĩa đặc biệt của chùa Đại Chiêu trong Phật giáo Tây Tạng, thậm chí không kém Cung điện Potala, bởi vì nó là một khâu vô cùng quan trọng trong một loạt 12 ngôi chùa trấn ma của Tây Tạng.

Chùa trấn ma Tây Tạng

Năm 641, là năm Trinh Quán thứ 15 đời Đường Thái Tông, một đội quân đưa dâu lớn, rầm rộ xuất phát từ kinh thành Trường An, rong ruổi đường xa đến Lhasa. Công chúa được đưa đến chính là Văn Thành Công chúa danh tiếng lẫy lừng. Cô được gả cho Tùng Tán Cán Bố.

Văn Thành Công chúa không phải là con gái ruột của Đường Thái Tông, mà là một cô cháu họ xa. Toàn bộ các Công chúa triều Đường lấy chồng ngoại bang, cơ bản đều không phải là con gái ruột của Hoàng đế, vì nhu cầu chính trị mà phong làm Công chúa.

Nhưng đối với nước Thổ Phồn vừa mới nổi dậy, đầy lòng tự tôn mà nói, thì cũng không được tùy tiện đối phó bằng cách gả một cô công chúa giả, là họ có thể vui mừng đón nhận. Trong số rất nhiều các cô gái của Hoàng thất, triều đình đã chọn ra Văn Thành Công chúa, cũng là có nguyên nhân.

Theo những văn hiến của Phật giáo Tây Tạng, Văn Thành Công chúa tinh tông chiêm bói, tinh tượng và phong thủy kham dư, là một tài nữ có học thức cao. Trước Văn Thành Công chúa, Tùng Tán Cán Bố đã cưới Công chúa Xích Tôn của nước Nê Bà La, tức Nepal ngày nay. Công chúa Xích Tôn cung có nơi phiên dịch là Xích Chuẩn. Nepal là quốc gia tín ngưỡng Phật giáo, mà tôn giáo chủ đạo ở Thổ Phồn khi đó không phải là Phật giáo, mà là Bôn giáo.

Ban đầu, Công chúa Xích Tôn không vui vẻ gì lắm đối với sự hiện diện của Văn Thành Công chúa. Nhưng lịch sử đã minh chứng hai người họ không chỉ sống với nhau rất tốt, mà sau này còn hợp táng cùng với Tùng Tán Cán Bố. Tại sao có sự chuyển biến này?

Phong thủy và chùa trấn ma

Khi đó, Công chúa Xích Tôn muốn xây một ngôi chùa trước núi Mã Bố Nhật, chính là quả núi có Cung điện Potala hiện nay. Nhưng điều kỳ lạ là, ban ngày vừa mới xây xong bức tường thì đến đêm bị ác quỷ phá hoại. Hơn nữa mấy ngôi chùa đang xây dựng ở các nơi khác cũng bị lực lượng thần bí này tấn công.

Việc này khiến Công chúa Xích Tôn vô cùng khổ não. Sau đó cô nghe nói Văn Thành Công chúa là cao thủ phong thủy kham dư, thế là do dự cân nhắc mãi, cuối cùng Công chúa Xích Tôn cắn răng sai thị nữ thân tin đem theo một thưng vàng cám làm lễ vật, xin Văn Thành Công chúa chỉ giáo.

Văn Thành Công chúa không hề giấu nghề, đã nói rõ hết những huyền cơ. Thì ra, toàn bộ địa hình của Tây Tạng chính là hình dạng nữ ma La Sát đang nằm ngửa, thuật kham dư gọi là “Ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây). Nó có nghĩa là, đây là một vùng đất hung hiểm. La Sát tiếng Phạn, ngôn ngữ Ấn Độ cổ nghĩa là tên gọi của một loài ác quỷ.

Toàn bộ địa hình của Tây Tạng chính là hình dạng nữ ma La Sát đang nằm ngửa, thuật kham dư gọi là “Ma nữ sái thi” (ma nữ phơi thây). (Ảnh chụp màn hình video youtube)

Văn Thành Công chúa cho rằng, địa hình Tây Tạng là cát hung hỗn tạp. Phía Đông là địa hình cát tường hình cột đèn, nhưng cũng có hung sát như núi Thiết Mã. Phía Nam có địa hình cát tường hình bảo tháp, nhưng cũng có địa hình hung hiểm giống như bò cạp bắt mồi. Phía Bắc có ngọn núi Thánh giống như đóa hoa sen nở, nhưng cũng có những quả núi hình chiến trận, và có núi Cống Ba hình dáng giống như một con cá sấu lớn. Bầu trời nhỏ hẹp của thung lũng Lãng Nga Ca Hiệp, trông giống như một thanh gươm sắc. Địa hình Tát Nga Ca trông giống như một cái mũi lợn… Đây đều là phong thủy xấu.

Muốn hóa giải những hung sát này thì ắt phải xây chùa Phật, xây các ngôi chùa trấn áp La Sát ở những địa điểm then chốt. Đó chính là nguồn gốc của những ngôi chùa trấn ma Tây Tạng. Những lời nói của Văn Thành Công chúa được Đạt lai Lạt ma đời thứ 5 là A Vượng La Tang Gia Thố ghi chép trong trước tác “Tây Tạng vương thần hộ Pháp ký”.

Công chúa Xích Tôn nghe những lời này của Văn Thành Công chúa thì bỗng cảm thấy như thoát khỏi đám mây đen, bỗng nhiên sáng tỏ, cảm thán: “Quả thật là gặp được cao thủ rồi”.

Thế là cả hai Công chúa quyết định bắt tay cùng xây dựng những ngôi chùa trấn ma, và không xảy ra chuyện ghen ghét đấu đá cung đình. Việc cải tạo phong thủy có lợi cho đế quốc Thổ Phồn, nhưng cụ thể cần làm những việc gì?

Xây dựng những ngôi chùa trấn ma

Đầu tiên, Tùng Tán Cán Bố và hai vị vương phi cùng đến Thánh địa nước Thổ Phồn là Bạt Bang Khách cùng tu tập Phật Pháp. Sau khi họ có được điềm báo tốt, liền bắt đầu thực hiện.

Đội xây dựng lần lượt xây chùa Xương Châu trên vai trái ma nữ, chùa Trọng Ba Giang ở vị trí chân trái ma nữ, xây chùa Cát Tắc ở vai phải ma nữ và chùa Tàng Chương ở chân phải ma nữ, đồng thời xây dựng 4 ngôi chùa vòng 2 ở khuỷu tay trái, khuỷu tay phải, đầu gối trái, đầu gối phải của ma nữ. Sau đó lại xây 4 ngôi chùa vòng 3 ở lòng bàn tay trái, lòng bàn chân trái, lòng bàn tay phải và lòng bàn chân phải của ma nữ. Do đó từ trong ra ngoài tổng cộng 3 vòng 12 ngôi chùa trấn ma.

12 ngôi chùa trấn ma chỉ trói được tứ chi của ma nữ. Văn Thành Công chúa nói, có một nơi ắt phải được trấn trước tiên, nơi đây chính là hồ Ngọa Đường ở dưới núi Mã Bố Nhật. Văn Thành Công chúa nói, bởi vì ở dưới hồ nước này chính là trái tim của ma nữ. Nơi này không trấn vững thì các nơi khác làm gì cũng không được. Chỉ cần mạch tim ma nữ còn động thì bất kỳ ngôi chùa nào cũng không thể nào xây dựng hoàn thành được.

Thế là đội xây dựng dùng đội quân vận chuyển khổng lồ là những con sơn dương, cõng đất đá đến lấp bằng hồ Ngọa Đường, sau đó xây chùa Đại Chiêu ở trên đó. Quần thể kiến trúc nội viện 3 tầng trong chùa vừa vặn tọa lạc trên trái tim của ma nữ. Và cái tên Lhasa, vốn là Rasa, cũng ra đời từ công trình xây dựng chùa này. “Ra” trong tiếng Tạng có nghĩa là sơn dương, còn “Sa” nghĩa là đất, “Rasa” (Lhasa) nghĩa là mảnh đất do sơn dương xây dựng nên.

Bản đồ chùa Đại Chiêu. (Phạm vi công cộng)

Tên gốc của chùa Đại Chiêu là chùa Thần Biến, là vì trong quá trình xây dựng, đã xảy ra rất nhiều Thần tích không thể nào tưởng tượng nổi, những việc này sẽ nói đến ở phần cuối bài viết. Sau này chùa đổi tên thành chùa Đại Chiêu.

“Chiêu” trong tiếng Tạng có nghĩa là Phi tử. Trong chùa Đại Chiêu thờ cúng bức tượng Phật Đà lúc 8 tuổi, toàn thân bằng vàng do Công chúa Xích Tôn đem đến. Cách chùa Đại Chiêu 500m về phía Bắc có chùa Tiểu Chiêu (Jokhang). Chùa Tiểu Chiêu thờ cúng bức tượng Phật Đà lúc 12 tuổi, toàn thân bằng vàng, do Văn Thành Công chúa đem từ triều Đường đến. Từ đó, phong thủy xấu của Tây Tạng đã được cải biến.

Trên đây là câu chuyện trên được lưu truyền từ Phật giáo Tây Tạng, nhưng từ câu chuyện lịch sử có một số nghi vấn. Xin hỏi: Tại sao phong thủy Tây Tạng xấu? Xấu với người nào? Chúng ta đổi sang góc nhìn khác, xem xét lại đầu mối này.

Góc nhìn khác về Thổ Phồn

Thế kỷ thứ 6 và thứ 7, nước Thổ Phồn nằm ở vùng Nhã Long phía đông nam cao nguyên Thanh Tạng ngày nay, đã nổi lên mạnh mẽ. Đến cuối thế kỷ thứ 8 là thời cực thịnh, cương thổ Thổ Phồn khi đó mở rộng đến phía nam rặng núi Thiên Sơn. Các vùng đất Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Tây Tạng, Thanh Hải và Khang Ba Tứ Xuyên, Cam Túc, và bồn địa Tháp Lý Mộc Tân Cương đều nhập vào Thổ Phồn. Thổ Phồn khi đó là cường quốc thứ 2 châu Á, chỉ đứng sau Đại Đường.

Sự khuếch trương của Thổ Phồn là quá trình từ Nam sang Bắc, đó vừa là quá trình mở rộng lãnh thổ, vừa là sự chinh phục văn hóa đối với người bản địa của các địa phương, là quá trình đồng hóa tư tưởng và phong tục. Đối với một quốc gia quân sự mới nổi mà nói, nền tảng văn hóa yếu mỏng, thì các vấn đề sẽ xảy ra. Làm thế nào để đứng vững ở những vùng đất chinh phục rộng lớn đó? Làm thế nào để xây dựng được sự thống trị hữu hiệu, khiến bách tính ở những vùng đất bị chinh phục đó tâm phục, chấp nhận sự cai quản?

Lãnh thổ Thổ Phồn thời cực thịnh. (Ảnh: Wikipedia/CC BY 3.0)

Trước tiên cần phải làm được bước này thì mới tiếp tục mở rộng lãnh thổ được, nếu không những mảnh đất rộng lớn đó có thể trở thành những nơi tạo phản bất kỳ lúc nào. Do đó, làm thế nào xây dựng sự thống trị hữu hiệu, đã trở thành vấn đề lớn nhất trong tâm của các vị quân vương Thổ Phồn.

Vùng đất phát tích của Thổ Phồn gần với Nepal và Ấn Độ, hướng tiến quân là Tây Tạng và Thanh Hải ở phía Bắc, do đó Phật giáo đã trở thành cội nguồn văn hóa đáng tin cậy nhất mà các quân vương Thổ Phồn dựa vào đó để mở rộng lãnh thổ.

Thế nên, nói phong thủy Tây Tạng xấu là xấu đối với Thổ Phồn - kẻ chinh phục mới, muốn kiến lập sự thống trị ổn định sẽ không dễ dàng, do đó mới là xấu, chứ không phải là xấu đối với người dân bản địa sinh sống trên mảnh đất đó.

Việc xây dựng những ngôi chùa trấn ma cải tạo phong thủy, xuất phát điểm của nó là giống với các vương triều Trung Nguyên, sau khi sự thay triều đổi đại, đều nhất định phải đào đứt long mạch của triều đại trước, tức là cắt đứt khí mạch của triều đại trước, khiến cho người ở vùng đất bị chinh phục không thể tạo phản được. Đây chính là bối cảnh cơ bản để chúng ta hiểu nguyên nhân xây dựng 12 ngôi chùa trấn ma.

Văn hóa tính linh của Tây Tạng

Khu Tự trị Tây Tạng ngày nay, theo cách gọi truyền thống là Vệ Tạng. Trong một thời gian rất lâu dài, vùng đất này không có tôn giáo, chỉ có Sa mãn nguyên thủy, cũng chính là thầy mo. Thầy mo chữa bệnh đuổi tà cho mọi người, rất giống với phong tục của người Maya và người Aztec châu Mỹ. Thầy mo trong cộng đồng được mọi người tôn kính.

Cho đến khoảng 3700 năm trước (cũng có thể còn sớm hơn nữa), một vị tên là Tân Nhiêu Mễ Ốc (Shenrab Miwo) xây dựng lên văn hóa Tượng Hùng, sáng lập ra Bôn giáo. Tân Nhiêu Mễ Ốc kết hợp Pháp môn tu hành cửu thừa với những nguyên tố Tát mãn, vừa phù hợp với phong tục bản địa, để mọi người dễ tiếp nhận, lại vừa sáng lập ra một tôn giáo có hệ thống. Trước thời Tân Nhiễu Mễ Ốc, Bôn giáo gọi là Bôn giáo nguyên thủy, còn Bôn giáo sau đó gọi là Bôn giáo Ung Trọng. Đây chính là một lần thăng cấp đầu tiên của văn minh gốc của cao nguyên Tây Tạng.

Nhưng phép tu hành cửu thừa trong Bôn giáo Ung Trọng lưu hành không rộng, mà thứ thực sự thịnh hành là Tát mãn, nó thường được gọi là Hắc Bôn, nó gắn liền nhất với cuộc sống người dân. Tát mãn chính là các thầy thuốc, thầy mo, thầy bói, thầy ảo thuật của Tây Tạng. Ngoài việc chữa bệnh, họ còn dựa vào pháp thuật làm mưa, làm mưa đá. Có lúc họ sử dụng chú ngữ để sai khiến những linh thể tầng thấp như La Sát và ác quỷ để hành sự. Chúng ta có thể coi họ như là sự hợp nhất của thầy lang, thầy bói và đạo sĩ tiểu Đạo.

Thế kỷ thứ 6 và thứ 7, khi Thổ Phồn vừa mới nổi lên ở vùng đông nam cao nguyên Thanh Tạng, họ đồng thời chịu sự ảnh hưởng của văn minh Hùng Tượng, và văn hóa Bắc Ấn Độ. Văn tự Tạng khởi nguồn từ văn minh Hùng Tượng, do đó Bôn giáo cũng là tín ngưỡng chính của khu vực này.

Khi Tùng Tán Cán Bố trở thành quốc quân đời thứ 33 của vương triều Nhã Lỗ Thổ Phồn, thì Phật giáo đã truyền vào Tây Tạng, nhưng thực lực không thể nào sánh được với Bôn giáo, và không có ảnh hưởng lớn. Cho đến khi Công chúa Nepal Xích Tôn và Văn Thành Công chúa triều Đường đến, thì Phật giáo mới chính thức được giới thiệu đến xã hội thượng lưu của Thổ Phồn, nhưng cũng chưa chiếm địa vị chủ đạo.

Chúng ta xem kiến trúc chùa Đại Chiêu, Tiểu Chiêu và những bức bích họa trên tường, đều thấy các đặc điểm sử dụng từ Bôn giáo. Thái độ của bản thân Tùng Tán Cán Bố cũng không rõ ràng lắm. Ngày nay, chúng ta thấy mọi người ca ngợi ông phát triển Phật giáo, lại sùng tín Phật Pháp, là từ những câu chuyện của Phật giáo Tây Tạng. Nhưng từ những hồ sơ biên niên sử Thổ Phồn hiện có, thì dường như không có chỗ nào đề cập đến việc ông đã tham gia những hoạt động Phật sự gì. Vai trò của Tùng Tán Cán Bố giống như một nhà tài trợ, ông lặng lẽ ủng hộ hai vị vương phi phát triển Phật giáo, xây chùa trấn ma khắp nơi. Còn bản thân ông vẫn giữ một khoảng cách nhất định đối với việc “đào long mạch” phiên bản Tây Tạng này, không ra mặt đắc tội với người khác.

Bên trong chùa Đại Chiêu. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 2.5)

Hơn nữa trong quá trình xây chùa trấn ma, thực sự là có can nhiễu không ngừng. Tương truyền, quá trình lấp hồ cực kỳ không thuận lợi. Giám sát xây chùa Đại Chiêu là Công chúa Xích Tôn. Bắt đầu đổ từng sọt từng sọt đất, giống như đổ xuống một cái động không đáy, chỉ thấy nước hồ cuồn cuộn đục ngầu, không biết đất đã đi đâu mất, hoàn toàn không có tác dụng.

Công chúa Xích Tôn nhận định rằng, biện pháp lấp hồ mà Văn Thành Công chúa dạy không có tác dụng, khiến chúng ta tốn công vô ích, bèn báo cáo với Tùng Tán Cán Bố. Thấy hai vị vương phi không phối hợp được, sắp xảy ra tranh chấp, Tùng Tán Cán Bố nghĩ cách, ông đến trước tượng Phật, thành tâm thỉnh cầu gia trì, sau đó cùng với Công chúa Xích Tôn đến nơi thi công bên hồ. Tùng Tán Cán Bố tháo chiếc nhẫn vàng trên tay ra và ném lên không trung, đồng thời thành tâm cầu nguyện Thần Phật. Nhìn nơi chiếc nhẫn rơi, Tùng Tán Cán Bố liền chỉ tay và nói với Công chúa Xích Tôn rằng: “Hãy bắt đầu lấp đất từ chỗ này”.

Quả nhiên lần này, từng sọt đất đổ xuống, thực sự đã đầy dần lên, không bị chảy đi mất. Sau đó, Công chúa Xích Tôn lại tiếp tục lấp hồ theo phương pháp mà Văn Thành Công chúa dạy, và xây dựng một tòa tháp bằng đá ở đó, trấn vững trái tim ma nữ. Công trình sau đó cũng thuận lợi rất nhiều.

Một trong những kỹ thuật đặc biệt của thầy mo Hắc Bôn chính là dùng chú thuật sai khiến quỷ thần phá hoại. Từ câu chuyện này có thể thấy sự ngoan cường chống lại của Bôn giáo, nhưng dưới áp lực lớn, chùa trấn ma vẫn đã được xây dựng hoàn thành.

Tục ngữ nói: con rết trăm chân chết mà không cứng. Sức mạnh của Bôn giáo hàng nghìn năm không phải lập tức thuần phục sau khi xây xong chùa trấn ma. Sau khi Tùng Tán Cán Bố qua đời, Bôn giáo vẫn chiếm vị trí quan trong trong thời gian dài. Mãi cho đến hơn trăm năm sau, vị quân vương thứ 37 của Thổ Phồn là Xích Tùng Đức Tán tại vị thì sự cân bằng giữa Bôn giáo và Phật giáo mới bị phá vỡ.

Xích Tùng Đức Tán mời hai vị cao tăng Phật giáo là Đại sĩ Liên Hoa Sinh và đại sư Tịch Hộ từ Ấn Độ đến. Họ đã xây dựng chùa Tang Da - nơi tu hành chuyên nghiệp đầu tiên ở Tây Tạng. Xích Tùng Đức Tán đứng cùng bên Phật giáo, tổ chức nhân lực vật lực, phiên dịch kinh Phật số lượng lớn, dốc hết sức mình hoằng dương Phật Pháp.

Tượng Đức Liên Hoa Sinh tại công viên hòa bình Ghyoilisang, Boudhanath, Nepal (Nguồn wikipedia/ CC BY-SA 4.0)
Tịch Hộ đại sư
Tịch Hộ Đại sư. (phạm vi công cộng)

Nhưng từ bình dân đến quý tộc, Bôn giáo vẫn còn số người ủng hộ khá lớn. Đối diện với sự kháng cự do những người ủng hộ Bôn giáo tập hợp lại, cuối cùng đã nổ ra cuộc đọ sức toàn diện giữa Phật giáo và Bôn giáo, chín là cuộc Đại biện luận Phật-Bôn.

Lần đại biện luận này do đại sư Tịch Hộ của Phật giáo khởi đầu, và đại sư Bôn giáo Hương Nhật Ô Kim đại biểu cho Bôn giáo xuất kích, Xích Tình Đức Tán làm trọng tài. Cuộc biện luận này xảy ra vào khoảng năm 785. Cũng có người cho rằng, Đại biện luận không phải chỉ có một lần, mà là một loạt biện luận.

Biện luận công khai giữa các tôn giáo khác nhau xem ra là các làm rất văn minh và cởi mở, vấn đề tư tưởng thì giải quyết bằng tư tưởng. Trong quá trình Phật giáo truyền bá giữa các thành bang nhỏ ở Ấn Độ, thường sử dụng cách làm này. Các vương triều Trung Nguyên cũng thường xuyên có các Đại hội biện luận giữa Phật giáo và Đạo giáo.

Xích Tùng Đức Tán cũng học theo cách làm này. Cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Bôn giáo vừa là cuộc đọ sức tư tưởng, lại vừa là cuộc thi đấu Pháp. Trong các văn hiến chữ Tạng xưa nay đều hợp nhất hai sự việc này thành một, không phân biệt, coi là một sự việc.

Đại sĩ Liên Hoa Sinh và đại sư Tịch Hộ đã triển hiện hết bản sắc tuyệt học và công năng đặc dị của bậc đại sư, đè bẹp đối thủ về cả giáo lý và học thức, về thần thông cũng trên một bậc.

Trong một loạt cuộc đọ sức Phật-Bôn, Đại sĩ Liên Hoa Sinh đã nhiều lần triển hiện Thần tích, ví như, trong một đêm, Đại sĩ đã dùng ngón tay khắc họa 108 tòa tháp Phật lên tảng đá trên núi Thần Hải Bố Nhật, và biến tất cả những quỷ Thần do đại sư Bôn giáo dùng chú thuật sai khiến đến, thành những hòn đá.

Trải qua cuộc thi biện luận và thi thần thông, Xích Tùng Đức Tán phán quyết Phật giáo chiến thắng. Ông đã đưa ra 3 sự lựa chọn cho Bôn giáo. Thứ nhất, chuyển sang theo Phật giáo, làm tăng nhân Phật giáo. Thứ 2, từ bỏ nghề tôn giáo, làm người dân nộp thuế của vương triều Thổ Phồn. Thứ 3, nếu cả 2 điều trên đều không chọn, thì đi đày đến vùng biên cương, khai phá phát triển biên cương.

Đây là lần đầu tiên Phật giáo toàn thắng, và cũng là pháp nạn nặng nề nhất đầu tiên của Bôn giáo. Việc này xảy ra hàng trăm năm sau thời điểm xây chùa trấn ma do Văn Thành Công chúa và Công chúa Xích Tôn xây dựng. Có thể thấy, quá trình xác lập một tôn giáo mới gian nan biết nhường nào. Đây là lần thăng cấp thứ hai của nền văn minh Tây Tạng.

Tổng kết đơn giản, cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Bôn giáo là khởi nguồn từ nền văn minh Tượng Hùng thượng cổ, rất có thể khởi nguồn từ trước đại hồng thủy. Ở bài viết trước cũng đã nói sơ lược rằng, văn minh Tượng Hùng và văn minh Thổ Phồn của nhân loại lần này và sự cạnh tranh của chúng trên cao nguyên Tây Tạng, là quá trình dung hợp và thay thế lẫn nhau.

Tuy nhiên, Bôn giáo cũng không vì thế mà biến mất. Khoảng nửa thế kỷ sau khi Xích Tùng Đức Tán chết, vị quân vương cuối cùng của Thổ Phồn là Lãng Đạt Mã đã phát động phong trào diệt Phật, phục hưng Bôn giáo. Lần này lại đến lượt Phật giáo rơi xuống vực sâu. Các kinh điển Phật giáo đã từng có lần mất hết.

Sau này, Phật giáo phục sinh ở Tây Tạng như thế nào? Việc này liên quan đến một bộ phận vô cùng thần bí trong văn hóa Tây Tạng, gọi là Phục Tạng, và sẽ được đề cập đến vào dịp thuận lợi sau này.

Trung Hòa
Theo kênh wenzhao



BÀI CHỌN LỌC

12 ngôi chùa trấn ma thay đổi phong thủy Tây Tạng như thế nào