24 tấm gương hiếu hạnh (P-5): Lão Lai Tử giả làm con trẻ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với cha mẹ thì con cái mãi mãi vẫn là bé nhỏ. Lão Lai Tử tuổi ngoài 70 vẫn luôn tìm cách bắt chước điệu bộ của một em bé để cha mẹ vui lòng...

Lão Lai Tử là người nước Sở, sống trong thời kỳ Xuân Thu. Cuộc đời của ông có rất nhiều huyền bí. Sử ký còn cho rằng Lão Lai Tử chính là Lão Tử. Nhưng trong lịch sử không tìm ra khảo chứng, do đó tên thực sự của ông là gì thì không có ai biết.

Lão Lai Tử bản tính vô cùng hiếu thuận, những thức ăn ngon nhất, trang phục, vật dụng đẹp nhất của ông thì đều được dùng để phụng dưỡng song thân. Từng chút từng tý trong cuộc sống của cha mẹ, ông đều dốc hết tâm sức quan tâm chăm sóc vô cùng chu đáo. Nhờ sự hiếu thuận của Lão Lai Tử, cha mẹ ông đã được sống cuộc sống an lạc hạnh phúc, trong gia đình tràn đầy niềm vui và sự hòa ái. Con người trong những năm tuổi già có thể vui vẻ hưởng thụ hạnh phúc gia đình thì cuộc đời như thế quả là có ý nghĩa biết bao, khiến người ta vui thích.

Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng trước mặt cha mẹ, Lão Lai Tử chưa bao giờ nói đến chữ "già". Bởi vì trên còn có mẹ cha, tuổi tác song thân nhiều hơn bản thân nhiều, mà người làm con nếu mở miệng nói già, thế thì cha mẹ càng cảm thấy họ đã như ngọn đèn trước gió, già cả lắm rồi đó sao? Hơn nữa, rất nhiều người tuy tuổi đã cao, con cháu đầy nhà, nhưng họ vẫn mãi coi con cái như còn bé vậy.

Có thể thấy một người đã qua tuổi cổ lai hy thì cha mẹ người đó ắt phải ngoài 90 tuổi rồi. Đối với đại đa số người tuổi cao gần trăm tuổi mà nói thì thân thể khá yếu nhược, hành động cử chỉ chậm chạp khó khăn, tai nghễnh ngãng, mắt lòa. Nếu nói với họ thì có thể không cách nào khiến họ nghe rõ ràng được. Do chân tay không còn linh hoạt nữa, cho dù muốn đưa họ đi dạo chơi thăm thú thì cũng không phải là chuyện dễ dàng chút nào. Do đó cuộc sống của người già luôn luôn có cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Lão Lai Tử thấu hiểu lòng cha mẹ, quan tâm đến tâm tình của song thân. Để khiến cha mẹ vui vẻ, ông đã làm ra rất nhiều bộ dạng hoạt bát đáng yêu để khiến cha mẹ vui thích. Có thể nói ông đã vận dụng hết tâm sức.

Để khiến cha mẹ vui vẻ, ông đã làm ra rất nhiều bộ dạng hoạt bát đáng yêu để khiến cha mẹ vui thích. Có thể nói ông đã vận dụng hết tâm sức.
Để khiến cha mẹ vui vẻ, ông đã làm ra rất nhiều bộ dạng hoạt bát đáng yêu để khiến cha mẹ vui thích. Có thể nói ông đã vận dụng hết tâm sức. (Wikimedia Commons)

Về phương diện hiếu thuận với cha mẹ, Lão Lai Tử cũng có những việc đối đãi khác người. Một lần ông lựa chọn bộ y phục vằn ngũ sắc, rất rực rỡ. Vào ngày sinh nhật phụ thân, ông mặc bộ y phụ này, làm dáng vẻ một em bé, nhảy nhót lăng xăng, nhảy múa ca hát trước mặt cha mẹ. Vừa vui đùa vừa nhảy múa hồn nhiên, quả thực giống như ông lão có trái tim trẻ thơ, khiến cha mẹ rất vui thích.

Từ những động tác thanh thoát, linh động của ông có thể nhìn ra rằng, để cha mẹ khỏi lo nghĩ, Lão Lai Tử thiên tính hiếu thuận đã vô cùng chú ý đến sức khỏe của bản thân. Do đó tuy đã tuổi ngoài 70 nhưng ông mới có thể nhảy múa vui vẻ nhẹ nhàng hoạt bát trước mặt song thân như vậy. Một hôm bên nhà có một đàn gà con, Lão Lai Tử bỗng hứng khởi liền học động tác quạ bắt gà để diễn trò cho cha mẹ vui. Thế là gà bay chó sủa, náo nhiệt ầm ĩ. Gà con nghiêng ngả chạy tán loạn khắp nơi, trông rất đáng yêu. Còn Lão Lai Tử cố ý làm ra vẻ ngốc nghếch chậm chạp, dốc hết tâm sức mà chẳng thể bắt được con gà nào. Nhìn thấy tình cảnh này, song thân cười không nén nổi. Cảnh tượng đầm ấm này đã bừng lên ánh sáng của người con chí hiếu.

Lại có một lần Lão Lai Tử gánh nước, mỗi bước đi loạng choạng, đi qua trước cửa nhà. Đột nhiên "xoạch" một tiếng, ông làm động tác ngã rất hài hước.

Phụ thân cười ha hả, còn mẫu thân cũng vừa cười vừa nói: "Cái thằng bé này quả là nuôi mãi không lớn, chẳng có chút tài cán gì, việc cỏn con cũng làm không nổi".

Lại có một lần Lão Lai Tử gánh nước, mỗi bước đi loạng choạng, đi qua trước cửa nhà. Đột nhiên "xoạch" một tiếng, ông làm động tác ngã rất hài hước. 
Lại có một lần Lão Lai Tử gánh nước, mỗi bước đi loạng choạng, đi qua trước cửa nhà. Đột nhiên "xoạch" một tiếng, ông làm động tác ngã rất hài hước. (baike.baidu.com)

Người già cả mắt mờ tai nghễnh ngãng, hành động bất tiện. Lão Lai Tử ở nhà đóng vai chú hề vui vẻ. Ông không coi mình là người tuổi tác đã cao, trước mặt cha mẹ, ông mãi mãi vẫn giống như đứa trẻ hoạt bát đáng yêu.

Trong Lễ ký có chép câu nói của Lão Lai Tử rằng: "Hằng ngôn bất xưng lão", nghĩa là "bình thường nói chuyện không bao giờ nói mình đã già". Là người con, trước mặt cha mẹ thì vĩnh viễn không bao giờ nói mình đã già. Một người con hiếu thuận sẽ luôn nghĩ phương cách khiến cha mẹ không cảm thấy tháng ngày trôi qua, tuổi tác đã tăng. Bởi dân gian vẫn nói: "Mẹ già như chuối chín cây" mà! Câu nói này của Lão Lai Tử cho thấy ông rất thấu hiểu lòng cha mẹ. Gia đình hạnh phúc mà Lão Lai Tử từng tạo dựng, trải qua hàng ngàn năm nay vẫn khiến mọi người ngưỡng mộ, ngợi ca mãi.

Người đời sau có thơ khen ngợi Lão Lai Tử rằng:

Lão Lai bảy mươi,
Muốn cha mẹ vui.
Giả làm em bé,
Chất phác thơ ngây.

Nguyên văn:

Lão Lai thất thập,
Hí thái ngu thân.
Tác anh nhi trạng,
Lạn mạn thiên chân.

Thanh Hà
Theo Đại Phương Quảng



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh (P-5): Lão Lai Tử giả làm con trẻ