24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-3): Áo bông lau của Mẫn Tổn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cha mẹ đối xử phân biệt, bất công đối với con cái thì con cái xử sự thế nào? Mẫn Tử Khiên, một học trò của Khổng Tử đã cho chúng ta lời giải đáp...

Nước Lỗ triều nhà Chu có một người họ Mẫn, tên Tổn, tên chữ là Tử Khiên. Khi cậu còn rất nhỏ thì mẫu thân đã không may qua đời. Phụ thân lấy vợ kế và liên tiếp sinh được hai người em trai. Con người đều có tư tâm, bởi vì Tử Khiên không phải là con đẻ nên mẹ kế đối xử rất không tốt với cậu. Mùa đông lạnh giá, mẹ kế cho hai con đẻ mặc áo bông ấm áp, hai đứa trẻ cho dù ra ngoài trời nô đùa thì đôi má vẫn đỏ hây hây. Còn Tử Khiên đáng thương thì co ro trong chiếc áo làm bằng bông lau mỏng tanh. Gió tuyết rét thấu xương khiến Tử Khiên thường bị cóng đến mức chân tay tê cứng, sắc mặt tím tái.

Nhưng dù sống trong hoàn cảnh khác biệt cực lớn như vậy, Tử Khiên chưa bao giờ có lời oán trách mẹ kế. Vào một ngày mùa đông giá rét, phụ thân của Tử Khiên đi ra ngoài giải quyết công việc, muốn Tử Khiên đánh xe. Băng tuyết đầy trời đất, trên thân Tử Khiên là chiếc áo làm bằng bông lau, làm sao có thể chống chọi nổi giá lạnh mùa đông. Tử Khiên bị lạnh, hai tay cứng đờ, môi tím tái. Một trận gió lạnh thổi tới, Tử Khiên run lẩy bẩy, thực sự không thể nào nắm chắc, lỡ tay để rơi dây cương, khiến cho ngựa lồng lên, xe ngựa rung lắc dữ dội.

Phụ thân ngồi phía sau, thân thể chao đảo, rất tức giận, trong lòng nghĩ: "Lớn ngần này rồi mà xe ngựa cũng không điều khiển được". Ông liền xuống xe quát mắng. Đột nhiên phát hiện ra Tử Khiên sắc mặt tím tái, toàn thân run cầm cập. Ông thấy thật lạ liền bước tới kéo vạt áo của Tử Khiên, bỗng nét mặt ông biến sắc, mắt ngân ngấn lệ, trong lòng nghĩ: "Thì ra 'áo bông' của Tử Khiên bên trong toàn là những bông lau, không có một nhúm bông nào. Trời lạnh giá như thế này, làm sau có thể chịu nổi. Để con phải chịu lạnh chịu khổ trong những ngày đông hàn như thế này là ta chưa làm tròn được trách nhiệm của người cha".

Mẫn Tổn kéo xe cho cha trong tiết trời giá rét. (Ảnh: Miền công cộng)
Mẫn Tổn kéo xe cho cha trong tiết trời giá rét. (Ảnh: Miền công cộng)

Phụ thân Tử Khiên nổi giận đùng đùng, không ngờ người vợ chung giường chung gối lại xấu xa đến thế, lại đối xử với một đứa bé độc ác như vậy. Ông lập tức quyết định đuổi người vợ ra khỏi nhà. Tử Khiên nghe thấy liền quỳ sụp xuống đất, rơi lệ ôm chân phụ thân nói: "Mẫu thân còn ở nhà thì chỉ có mình con lạnh, nhưng nếu mẫu thân không còn ở nhà nữa thì cả 3 chúng con đều bị lạnh bị đói".

Những lời này của Tử Khiên khiến người cha vô cùng cảm động, thế là ông không đuổi người mẹ kế đi nữa.

Thấy Mẫn Tử Khiên không có chút tâm oán hận nào, người mẹ kế vô cùng cảm động, bà cảm thấy rất hối hận về hành vi của mình. Cuối cùng bà đã yêu thương chăm sóc Tử Khiên như con đẻ của mình.

Những lời Tử Khiên nói để lưu giữ người mẹ kế rất thê lương, rất khẩn thiết, đầy lòng thương xót, hoàn toàn là những lời từ đáy lòng, khiến sắt đá cũng phải mềm lòng. Qua đó đã bộc lộ rõ thiên tính của Tử Khiên, đó là hiếu kính, thuần khiết, đôn hậu và thiện lương.

Khi đó nếu cha Tử Khiên nổi giận đuổi mẹ kế đi, thế thì gia đình này từ đó trở đi sẽ không còn cuộc sống hạnh phúc nữa, vợ chồng con cái ly tán, chỉ có bi thảm mà thôi. Nhưng vì có một người con hiếu như Tử Khiên mới khiến sự việc có chuyển biến tốt đẹp, từ một gia đình có khả năng rơi vào hoàn cảnh bi thảm thay đổi thành gia đình ấm êm hạnh phúc. Đó chính là sức mạnh của chữ hiếu thuần khiết mà ai ai cũng có trong bản tính thiện lương của mình.

"Mẫu thân còn ở nhà thì chỉ có mình con lạnh, nhưng nếu mẫu thân không còn ở nhà nữa thì cả 3 chúng con đều bị lạnh bị đói".
"Mẫu thân còn ở nhà thì chỉ có mình con lạnh, nhưng nếu mẫu thân không còn ở nhà nữa thì cả 3 chúng con đều bị lạnh bị đói". (Ảnh: ntdtv.com)

"Mẫu thân còn ở nhà thì chỉ có mình con lạnh, nhưng nếu mẫu thân không còn ở nhà nữa thì cả 3 chúng con đều bị lạnh bị đói", câu nói này đã lưu truyền hàng ngàn năm khiến người đời sau đều ca ngợi lòng hiếu kính, hiếu hạnh của Mẫn Tử Khiên. Nếu có thể học tập tấm lòng thuần hậu, hiếu thiện của Tử Khiên thì tin rằng trong cuộc sống của mỗi gia đình, nhất định sẽ tránh được rất nhiều hiểu lầm, tranh chấp và những điều không vui. Con người đều có bản tính thiện, có lòng hiếu kính, hiếu hạnh. Thiên hạ không có người nào có trái tim bằng sắt đá, chỉ cần chúng ta dụng tâm, dùng chữ hiếu phát ra từ nội tâm phụng dưỡng cha mẹ thì dẫu cha mẹ có không tốt thế nào chăng nữa cũng sẽ có ngày cảm động.

Người đời sau có thơ ca ngợi Mẫn Tử Khiên rằng:

Hiếu thay Mẫn Tử
Áo lau đánh xe
Cảm cha cứu mẹ
Ngàn năm ngợi ca

Nguyên văn:

Hiếu tai Mẫn Tử,
Y lô ngự xa.
Cảm phụ cứu mẫu,
Thiên cổ lệnh dự.

Thanh Hà
Theo Đại Phương Quảng



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-3): Áo bông lau của Mẫn Tổn