24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-4): Tăng Sâm nuôi chí

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử biết Tăng Tử là một người con rất có hiếu, do đó đã đem học vấn của Hiếu Kinh truyền thụ cho ông...

Tăng Tử tên Sâm, tự Tử Dư, là người nước Lỗ thời Xuân Thu. Tăng Tử cùng với phụ thân là Tăng Điểm đều là học trò ưu tú của Khổng Phu Tử. Tăng Tử rất hiếu kính với song thân, hết lòng phụng dưỡng và chưa bao giờ làm trái ý mẹ cha. Trong đời sống hàng ngày, mỗi lần ăn cơm, Tăng Tử đều cẩn thận quan sát thói quen và khẩu vị ăn uống của cha mẹ, đồng thời ghi nhớ kỹ những thức ăn mà cha mẹ thích. Vì vậy, mỗi ngày ba bữa, ông luôn chuẩn bị những món ăn thịnh soạn mà cha mẹ thích ăn nhất.

Phụ thân là Tăng Điểm thấm nhuần giáo hóa của Thánh hiền, thường vui thích làm việc thiện, thí xả, thường tiếp tế bà con láng giềng nghèo khó. Đối với thói quen này của cha, Tăng Tử cũng ghi nhớ trong lòng. Do đó mỗi lần cha mẹ dùng bữa xong, ông đều cung kính hỏi ý kiến cha, thức ăn và cơm còn thừa thì đem cho ai? Trong tâm Tăng Tử, từng giờ từng phút đều nghĩ đến nhu cầu của cha mẹ. Tất cả những sự vật mà cha mẹ thích, ông đều ghi nhớ trong lòng, để có thể bất kỳ lúc nào cũng thỏa mãn tâm nguyện của song thân. Bình thường phụ thân rất thích ăn dương táo (một loại táo núi). Bởi vậy mỗi khi Tăng Tử đi ra ngoài đều cố gắng đem một ít dương táo về cho cha. Sau khi phụ thân qua đời, Tăng Tử nhìn thấy dương táo liền nhớ đến tình cảnh khi phụ thân còn sống, trong lòng bất giác đau buồn vô hạn. Bởi vậy từ đó trở đi ông không có lòng dạ nào ăn dương táo nữa.

Một lần Tăng Tử vào trong núi chặt củi, chỉ có mẫu thân ở nhà. Đột nhiên nhà có khách đến chơi, mẫu thân nhất thời không biết làm thế nào, chỉ sợ tiếp đãi khách không chu đáo mà thất lễ. Trong lúc cấp bách, bà bèn cắn đầu ngón tay mình, hy vọng Tăng Tử ở trong núi có cảm ứng trong lòng, mau chóng trở về nhà. Quả nhiên, mẹ con tâm liên thông. Tăng Tử đang ở trong núi chặt củi, bỗng cảm thấy tim đau nhói, liền lập tức nghĩ đến mẹ. Thế là ông vội vàng cõng củi về nhà.

Tăng Tử đang ở trong núi chặt củi, bỗng cảm thấy tim đau nhói, liền lập tức nghĩ đến mẹ. Thế là ông vội vàng cõng củi về nhà.
Tăng Tử đang ở trong núi chặt củi, bỗng cảm thấy tim đau nhói, liền lập tức nghĩ đến mẹ. Thế là ông vội vàng cõng củi về nhà. (Ảnh: Miền công cộng)

Còn có một lần vợ Tăng Tử hấp lê cho mẹ chồng tuổi tác già nua ăn. Khi đó lê hấp chưa kịp chín, cô đã đem lên cho mẹ chồng ăn. Tăng Tử trông thấy thì vô cùng tức giận, và cũng rất buồn phiền, liền đuổi vợ ra khỏi nhà. Từ đó Tăng Tử làm cha kiêm việc người mẹ, không tái giá. Ông thông qua lời nói và việc làm của chính bản thân mình để giáo dục con, chăm sóc dạy dỗ Tăng Nguyên ngay từ nhỏ đã rất ngoan, khiến Tăng Nguyên sau này cũng trở thành người hiền năng hiển đạt.

Sau khi Tăng Nguyên trưởng thành, vì nhớ đến mẫu thân nên đã cầu xin phụ thân đón mẫu thân về, nhưng Tăng Tử vẫn không đồng ý. Ông nói với con trai rằng: "Điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người, không gì bằng đức hạnh, mà gốc rễ của đức hạnh là ở đạo hiếu. Một người phụ nữ gả đến nhà chồng thì điều quan trọng nhất là phải khiến cho gia đình này thừa kế đức hạnh đời trước, khai mở đức hạnh cho đời sau, cũng chính là hiếu kính với cha mẹ chồng, dạy bảo con cái, phụ giúp chồng".

Do đó có thể thấy Tăng Tử cực kỳ coi trọng đạo hiếu. Ông cho rằng vợ ông ngay cả hấp trái lê là một việc nhỏ như thế mà cũng xử lý không tốt thì sao có thể gánh vác trách nhiệm của cả một gia đình? Sao có thể làm tròn bổn phận của người con dâu, người vợ và người mẹ? Người như vậy sẽ tổn hại đến gia phong, dẫn đến gia môn không được tu dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến con cháu đời sau. Do đó ông chia tay với vợ quả thực cũng là việc bất đắc dĩ. Tăng Nguyên nghe được những lời có ý nghĩa sâu sắc đó của cha, tự nhiên cũng đồng cảm với phụ thân.

Ông cho rằng vợ ông ngay cả hấp trái lê là một việc nhỏ như thế mà cũng xử lý không tốt thì sao có thể gánh vác trách nhiệm của cả một gia đình?
Ông cho rằng vợ ông ngay cả hấp trái lê là một việc nhỏ như thế mà cũng xử lý không tốt thì sao có thể gánh vác trách nhiệm của cả một gia đình? (Ảnh: Miền công cộng)

Lại có một lần, Tăng Tử trên đường đi qua một địa phương có tên là Thắng Mẫu. Ông rất kỵ húy cái tên này, do đó nhất định không bước vào địa phận địa phương đó.

Khổng Phu Tử biết Tăng Tử là một người con rất có hiếu, do đó đã đem học vấn của Hiếu Kinh truyền thụ cho ông. Trong Hiếu Kinh, Phu Tử và Tăng Tử dùng hình thức hỏi - đáp thể hiện và giải nghĩa đầy đủ đạo hiếu. Khổng Tử căn dặn Tăng Tử nhất định phải hồng dương đạo hiếu. Do đó có thể thấy, Tăng Tử là người có lòng hiếu kính, hiếu hạnh hơn hẳn người bình thường.

Tăng Tử không chỉ vô cùng coi trọng việc phụng dưỡng sức khỏe song thân, mà từ lời ăn tiếng nói và hành vi trong cuộc sống hàng ngày ông cũng hết sức cẩn thận, chỉ sợ phụ ân dưỡng dục của cha mẹ, lo lắng vì biểu hiện của mình không tốt khiến song thân chịu nhục.

Tăng Tử cũng rất lưu ý việc làm thế nào để dạy bảo học trò. Ông từng giờ từng phút lấy việc tu dưỡng của chính bản thân mình làm tấm gương mẫu mực về hành vi cho học trò noi theo. Do đó học trò của ông là Tử Tư đã kế thừa được tinh thần "nuôi chí" của ông, không chỉ khiến bản thân Tử Tư trở thành Thánh nhân, mà học trò của Tử Tư là Mạnh Tử sau này cũng trở thành bậc Á Thánh.

Tăng Tử cũng rất lưu ý việc làm thế nào để dạy bảo học trò. Ông từng giờ từng phút lấy việc tu dưỡng của chính bản thân mình làm tấm gương mẫu mực về hành vi cho học trò noi theo.
Tăng Tử cũng rất lưu ý việc làm thế nào để dạy bảo học trò. Ông từng giờ từng phút lấy việc tu dưỡng của chính bản thân mình làm tấm gương mẫu mực về hành vi cho học trò noi theo. (Ảnh: miền công cộng)

Tăng Tử cả đời tuân thủ những lời dạy bảo của Khổng Tử, thực thi theo đúng lời dạy của thầy, chuyên tâm dốc sức thực hiện đạo hiếu. Cả đời ông ra sức thực thi hiếu đạo, những ngôn hành của ông đã khiến cho thế nhân thấy được làm thế nào là thuận theo ý nguyện của cha mẹ, làm thế nào để thực hiện đạo hiếu trong đời sống thường nhật. Ông không chỉ làm được "nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ" (Ở nhà thì hiếu kính cha mẹ, ra ngoài thì hữu hảo với anh em bạn bè), mà còn làm được "cẩn nhi tín" (luôn cẩn thận và giữ thành tín), đồng thời còn đem những đức hạnh đã được Khổng Tử dạy dỗ lưu truyền cho hậu thế, bồi dưỡng, giáo dục học trò. Bộ "Hiếu Kinh" do Tăng Tử truyền thuật lại cũng lưu truyền thiên cổ, được gìn giữ cho đến tận ngày nay. Bộ sách đã tạo phúc cho không biết bao nhiêu gia tộc ở các triều đại lịch sử.

Tấm lòng của những bậc làm cha làm mẹ trong thiên hạ đều hy vọng con cái mình có thể "thành rồng thành phượng", đều hy vọng con cháu có thành tựu. Nhưng thành tựu "công danh lợi lộc" thì không phải thành tựu thực sự, mà thành tựu "đạo đức học vấn" mới là thành tựu đích thực.

Tăng Sâm nuôi chí thành tựu đạo hiếu được người đời sau ca ngợi rằng:

Tăng Sâm nuôi chí
Hỏi cha, giúp người
Mẹ cắn ngón tay
Về ngay gặp mẹ.

Nguyên văn:
Tăng Sâm dưỡng chí,
Thỉnh dữ hữu dư.
Mẫu khiết kỳ chỉ,
Phụ tân quy lư.

Thanh Hà
Theo guoloujiang.com.



BÀI CHỌN LỌC

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-4): Tăng Sâm nuôi chí