3 cấm địa bí ẩn, hiếm người bước vào mà có thể sống sót trở ra

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tục truyền, những người chăn cừu giàu kinh nghiệm địa phương thà để gia súc của họ chết đói vì không tìm thấy đồng cỏ, còn hơn để chúng chạy vào "thung lũng chết" để ăn cỏ, vì họ biết rằng hễ đã vào đây, nhất định sẽ một đi không có trở lại...

Ngày nay, nhờ kỹ thuật vệ tinh từ xa, chúng ta có thể quan sát được mọi nơi trên quả địa cầu mà chúng ta đang sinh sống như núi, sông, hồ. Nhưng thế giới này không đơn giản như những gì con người tưởng tượng, và có quá nhiều bí ẩn khó tin khiến con người phải đau đầu. Đứng trước những bí ẩn đó, cái gọi là trình độ công nghệ cao của nhân loại dường như cũng trở nên vô cùng hạn hẹp.

Những bí ẩn chưa có được lời giải đáp sau đây chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Thung lũng chết núi Côn Lôn

Đỉnh núi Côn Lôn cao vút, hùng vĩ, uy nghiêm. Đây là ngọn núi linh thiêng ở Trung Quốc cổ đại, được coi là thiên đường nơi các Thần Tiên cư ngụ, mang đầy màu sắc thần bí. Những câu chuyện như “Hằng Nga bay lên mặt trăng”, “Tây Du Ký” đều có liên quan đến núi Côn Lôn. Vật đổi sao dời, tới thời kỳ hiện đại với công nghệ tiên tiến, núi Côn Lôn vẫn là một trong những khu vực bí ẩn nhất Trung Quốc. Một trong những bí ẩn của bí ẩn đó, phải kể tới việc người dân địa phương coi vùng cấm núi Côn Lôn như Thung lũng chết.

Núi Côn Lôn (Ảnh: Alliance française de Wuhan / Wiki, CC BY-SA 3.0)

Tục truyền, những người chăn cừu giàu kinh nghiệm địa phương thà để gia súc và cừu của họ chết đói vì không tìm thấy đồng cỏ, còn hơn để chúng chạy vào thung lũng để ăn cỏ, vì họ biết rằng luôn có tin đồn rằng đây là nơi ma quỷ hay qua lại. Hễ đã vào đây, nhất định sẽ một đi không có trở lại...

Vào những năm 1990, một nhóm thám hiểm khoa học của Cục Địa chất Tân Cương đã vào hẻm núi để điều tra. Trùng hợp đúng lúc những con ngựa ở trang trại A Lạp Nhĩ tỉnh Thanh Hải gần sông Naringele chạy ra khỏi trang trại. Bầy ngựa trên đường tìm cỏ ăn vô tình đi vào hẻm núi Naringele.

Khi đang chuẩn bị đuổi theo bầy ngựa, người chăn ngựa tình cờ gặp đội thám hiểm khoa học. Nhóm thám hiểm khuyên anh nên rời nơi này càng sớm càng tốt. Nhưng người chủ trại không còn cách nào khác vẫn đành phải xông vào trong hẻm núi. Vài ngày sau, họ nhận thấy con ngựa của người chủ trại lại xuất hiện gần đó, nhưng lại không thấy người đàn ông đâu. Để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra, đoàn thám hiểm khoa học lần theo dấu chân ngựa, thì thấy cách đó không xa có xác chết của người chủ trại kia đang ngửa mặt lên trời, mặt đã hoàn toàn chuyển sang màu đen. Ngoài ra, không hiểu sao anh ta đang ở tư thế chuẩn bị bắn súng lại bị ngã xuống. Nguyên nhân cái chết của người này vẫn là một bí ẩn.

Vào tháng 7 năm 1983, một nhóm nghiên cứu địa chất từ Tân Cương đã đến "Thung lũng Chết" để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học. Bên ngoài thung lũng nóng vô cùng, không chịu nổi, nhưng khu vực gần đó lại xảy ra một trận bão tuyết. Sau đó là tiếng sấm nổ rền vang, đầu bếp của đội địa chất choáng váng ngất tại chỗ. Sau đó, ông kể lại rằng khi nghe thấy tiếng sấm, ông cảm thấy toàn thân tê dại, mắt tối đen lại và sau đó bất tỉnh. Ngày hôm sau, khi đội địa chất ra ngoài làm việc, họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng vùng đất vàng ban đầu đã biến thành một màu giống như tro tàn. Những sự kiện kỳ ​​lạ này càng làm tăng thêm màu bí ẩn cho "Thung lũng Chết".

Rắn độc tụ tập tại núi Mạc Can

Ở phía tây của huyện Đức Thanh, thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, có một thắng cảnh du lịch cấp quốc gia - Núi Mạc Canh. Nơi đây không chỉ có danh hiệu là một trong "tứ đại nghỉ mát thắng địa" của Trung Quốc, mà còn có truyền thuyết về thanh bảo kiếm ở đây.

Núi Mạc Can (Ảnh: Mushero / Wiki, CC BY 3.0)

Vào cuối mùa thu, độ cao của núi Mạc Can là từ 700m đến 750m. Mỗi năm chỉ vào thời điểm này, bạn mới có cơ hội nhìn thấy cảnh tượng huyền thoại như vậy, bạn sẽ không thể tìm thấy một cây tre, nhưng có hơn 30 loại rắn ở nơi này. Chúng tụ tập lại với nhau, và nhiều trong số chúng là rắn độc. Những người nông dân địa phương ở núi Mạc Can nói rằng trên đỉnh núi có một con "xà vương" màu đỏ. Một số người nói rằng họ đã nhìn thấy con rắn vua này. Vì thế, núi Mạc Can còn được gọi là “Núi rắn”.

Tương truyền, chỉ cần con người đến được nơi đó, trên đỉnh núi sẽ đột nhiên gió nổi mây đen kéo tới, và trời sẽ đổ mưa. Nhất là vào cuối thu là thời kỳ có nhiều rắn nhất trên đỉnh núi, bởi vì các loại rắn bắt đầu ngủ đông và chúng thích rủ nhau đi ngủ đông nên mùa này có thể thấy nhiều rắn nhất, cũng có thể chạm trán với “vua rắn”.

Theo những người dân địa phương, chỉ cần ai đó leo lên đỉnh núi thì chắc chắn sẽ gặp phải những cơn gió dữ dội, sấm chớp, dường như để cảnh báo và ngăn cản mọi người đến gần. Theo thời gian, dân làng địa phương coi đỉnh núi là cấm địa, không ai dám lên đó nữa.

Hồ Mê Hồn ở Ngõa Ốc Sơn

Ở quận Hồng Nhã, thành phố Mi Sơn, cách Thành Đô 180 km, có một nơi nghe tên đã làm người ta khiếp sợ, đó là ‘hồ Mê hồn’. Tương truyền rằng Trương Đạo Lăng, người sáng lập giáo phái Ngũ Đấu Mễ Giáo, đã truyền giáo tại Ngõa Ốc Sơn. Tại khu vực này ông đã lập một mê hồn trận bát quái dùng để bẫy những yêu ma quỷ quái hành ác nơi thế gian. Vùng núi này quanh năm bị bao phủ bởi sương mù đen và thường xảy ra một số thảm kịch ly kỳ. Nhiều người đã lên đây hái thuốc, săn bắn, hay tín nam tín nữ đều bị mê mất phương hướng và chết trên núi không rõ lý do.

Trương Đạo Lăng (Ảnh: Werner, ETC / gutenberg.org)

Hồ Mê Hồn Ngõa Ốc Sơn được mệnh danh là “Tam giác quỷ Bermuda”. Liên quan tới vùng đất này, có đủ loại truyền thuyết kỳ quái. Trong nhiều năm qua, nhiều chí sĩ đã có ý đồ vén màn bí ẩn, nhưng nơi đây vẫn lưu lại những bí ẩn khó giải. Bí ẩn lớn nhất là một Hồ Mê Hồn ở trên đỉnh núi. Nhiều người đã nhiều lần tìm cách vượt qua nhưng đều thất bại.

Một khi một người bước vào đây, sẽ không thể phân biệt được phương hướng, điện thoại không có tín hiệu, kim đồng hồ bị nhiễu bởi từ tính mạnh, không ngừng lắc lư trái phải... Vì vậy, có người nói rằng có một số thiên thạch khổng lồ ẩn dưới Hồ Mê Hồn này. Tất cả la bàn mất tác dụng, lại có rất nhiều ảo ảnh nơi này, khiến người lạc vào đây mất phương hướng, hít phải chướng khí độc hại mà mất mạng.

Vào ngày 26/10/2009, thủy quái xuất hiện ở Hồ chứa nước Ngõa Ốc Sơn và chúng thường xuyên xuất hiện. Nhiều dân làng đều tận mắt thấy một sinh vật lớn không rõ có hình dạng bơi dưới nước nhanh như phi thuyền. Sau 4 ngày, một người dân khác trong làng lại một lần nữa chứng kiến ​​sự xuất hiện của một "thủy quái" khoảng 20 m ở giữa hồ Ngõa Ốc Sơn. Sau khi sóng nước cao một mét nhô lên trên mặt nước, nó biến mất không dấu vết với tốc độ rất nhanh. Mặc dù cả bức ảnh chỉ vỏn vẹn 10 giây nhưng vẫn gây xôn xao dư luận.

Tin đồn về một con rồng trên núi Ngõa Ốc lan ra nhanh chóng, càng khiến Hồ Mê Hồn trở nên bí ẩn. Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia, khách du lịch và dân làng đi vào Hồ Mê Hồn đều mất tích một cách kỳ lạ khiến người ta cảm thấy vô cùng kỳ dị và sợ tới lạnh sống lưng. Vĩ độ của Hồ Mê Hồn nằm chính xác trong khoảng 29°32'- 29°34' vĩ độ Bắc. Vĩ độ này hoàn toàn tương tự một cách kỳ lạ với Tam giác quỷ Bermuda và các kim tự tháp huyền diệu của Ai Cập. Vì vậy, nơi đây mới có thuật ngữ "Tam giác Bermuda trên đất liền", ngay đến cả khoa học cũng không thể đưa ra giải thích hợp lý.

Tất nhiên, trên mảnh đất Trung Hoa còn có rất nhiều cấm địa như Biển Quỷ ở Đài Loan, Lop Nur ở Tân Cương, vùng nước gần đền Laoye ở Giang Tây, Thần Long Giá ở Hồ Bắc… và còn rất nhiều điều bí ẩn mà con người chúng ta chưa thể giải đáp. Có thể thấy rằng, đối với thiên nhiên, những gì mà con người chúng ta biết là vô cùng nhỏ bé. Chúng ta chỉ có thể hy vọng vào tương lai, tin rằng sẽ có một ngày sự thật được khám phá.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

3 cấm địa bí ẩn, hiếm người bước vào mà có thể sống sót trở ra