3 câu chuyện luân hồi chuyển kiếp để hoàn trả nợ nghiệp [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới đây là 3 câu chuyện về sự luân hồi của động vật và con người đã được lưu truyền rộng rãi. Những câu chuyện này mang đầy màu sắc bí ẩn nhưng lại vô cùng thâm thúy.

Người chỉ huy quân đội tham dâm suýt nữa chuyển sinh thành lợn.

Câu chuyện xảy ra ở Tứ Xuyên thời Trung Hoa Dân Quốc, Phan Văn Hoa là chỉ huy đoàn quân 23 của quân đội Tứ Xuyên, khi còn trẻ ham mê tửu sắc, trong nhà có nhiều thê thiếp.

Mùa hè năm đó thời tiết rất nóng. Buổi tối đến Phan Văn Hoa quay trở mãi mới ngủ được. Trong ánh sáng lờ mờ, anh nhìn thấy 9 cô gái tuyệt đẹp, với làn da trắng như tuyết và hoa đào, vừa mỉm cười vừa tiến đến gần anh. Nhưng sau một hồi đi vòng quanh người anh thì họ vui vẻ bước ra khỏi cửa.

Phan Văn Hoa bất giác đi theo họ, từ phía sau hét lên: "9 người đẹp từ từ bước đi! Ta là Phan Chỉ huy! Ta muốn cưới các nàng về, theo ta hưởng vinh hoa phú quý! ..."

Nhưng 9 cô gái không đáp lại cũng không ngoảnh lại, chỉ một mực đi về phía trước. Điều kỳ lạ là anh ta đuổi theo càng nhanh thì những cô gái kia cũng đi nhanh, anh ta đuổi theo chậm thì họ cũng đi chậm, nên anh ta luôn không theo kịp họ. Cứ thế, họ đi khắp các con đường, ra khỏi cổng thành, đi qua cánh đồng, và sau khi băng qua một khu rừng tre, họ bước vào một túp lều tranh.

Những cô gái đó vào nhà và đi thẳng đến chuồng lợn. Anh cũng đi theo vào mà không chút nghĩ ngợi gì, khi anh vừa đi vào thì hai chân mềm nhũn ngã xuống.

Đúng lúc này, anh nghe thấy một bà lão la lên: "Ông ơi, mau dậy đi! Con lợn nái đẻ rồi này! 9 con cái, 1 con đực, tất cả là 10 con lợn con!"

Phan Văn Hoa nghe thế vẫn nửa tỉnh nửa mê và nghĩ: Quái thật, sao mình lại trở thành con lợn con chứ! Thế rồi, anh cố gắng hết sức để thoát khỏi xác con lợn. Thật may trên sàn chuồng lợn là có một lỗ thủng lớn. Anh ta lăn qua lăn lại, ngã xuống kêu lên một tiếng "bùm", và sau đó tỉnh dậy. Hóa ra là một giấc mộng!

Mặc dù vậy nhưng vị chỉ huy dũng cảm họ Phan này vẫn sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh, bởi vì mọi thứ dường như quá thật. Phan Văn Hoa thì thào: Điều này rốt cuộc là thật hay mơ đây? Sau bữa sáng ngày hôm sau, anh vẫn im lặng, dẫn theo hai người lính trật tự và rời khỏi thành phố. Sau khi đi bộ khoảng 4 dặm theo trí nhớ của mình, anh nhìn thấy một trang trại với rừng tre và những túp lều.

Phan Văn Hoa đi vào và thấy rằng mọi thứ trong nhà đều giống như cảnh tượng trong giấc mơ tối hôm qua của anh. Hai ông bà chào họ. Anh giả vờ như là đi thị sát dân tình và hỏi họ có chuyện gì xảy ra đêm qua không. Hai ông bà nói: "Không có việc gì cả, chỉ có con lợn nái nhà chúng tôi nuôi sinh được 10 con lợn con, 9 con cái, 1 con đực. Tiếc là con đực rơi xuống bể phân chết mất".

Phan Văn Hoa nghe ông bà kể lại thế thì rất sốc, nhìn thoáng qua, mấy chú lợn con trong chuồng lợn đang ngủ rất say. Không ngờ lại có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy! Mặc dù vẻ mặt anh vẫn giả vờ bình tĩnh, nhưng trong lòng anh lại rất bối rối.

Sau khi quay về, anh ta kể chuyện này với một người bạn thân bên cạnh với vẻ mặt đầy sợ hãi: "Tại hám sắc mà trong giấc mơ tôi biến thành con lợn. Thật nguy hiểm! Nếu tôi không cố hết sức vùng vẫy lăn xuống phân thì tôi đã chết rồi!"

Người bạn đã thuyết phục anh bằng những lời thiết tha, người xưa đã nói: “Dù đối với người con gái như hoa như ngọc, vẫn luôn giữ tâm thái như chị như em”. Khổng Tử dạy rằng: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động. (Không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy.) Trong việc đối xử với phụ nữ, với người lớn tuổi thì đối đãi như mẹ, với người trung tuổi thì đối đãi như chị em, với người trẻ tuổi thì đối đãi như con cái, đối đãi theo lễ tiết như vậy mới là đúng cách.

Phan Văn Hoa gật đầu và nói phải, và từ đó thay đổi bản thân, bắt đầu tu tâm dưỡng tính. Anh ta cũng tỉnh người viết bài thơ "Giới dâm thi" và treo nó trong phòng khách để nhắc nhở bản thân.

Tục ngữ nói, con người không phải là Thánh hiền, có ai không từng sai lầm. Nhưng phạm lỗi rồi biết hối cải là điều quan trọng nhất. Nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ sau khi bị sứt đầu mẻ trán mới chịu tự soi xét lại bản thân và kiểm điểm lỗi lầm của mình. Cho nên có thể qua chỉ điểm trong giấc mơ mà nhận ra sai lầm và sẵn sàng sửa chữa như tướng Phan thì thật đáng trân quý.

Người hàng xóm tham lam làm ngựa trong kiếp sau để trả nợ

Câu chuyện thứ hai xảy ra vào những năm 1970. Một ngày vào năm 1979, làng Lâm Thành Phô ở thị trấn Ngưu Đà, huyện Cổ An, tỉnh Hà Bắc đột nhiên có một một chú ngựa con chạy đến, nó dường như vừa mới cai sữa. Dân làng nháo nhào đi bắt nhưng tiếc là cả buổi chiều không ai bắt được nó. Trong làng có người tên là Ngụy Hán Thần, đang phải trộn thức ăn gia súc cho động vật trong chuồng, không cùng dân làng đuổi bắt con ngựa này được.

Nhưng thật kỳ lạ, con ngựa này đã tự mình đi vào chuồng chăn nuôi và đi đến chỗ Ngụy Hán Thần. Ngụỵ Hán Thần tình cờ nhặt một chiếc dây buộc lên, và con ngựa rất hợp tác và rất ngoan ngoãn để anh buộc nó. Trời tối đến, Ngụy Hán Thần dắt ngựa về nhà.

Hai mươi ngày sau, Ngụy Hán Thần dắt ngựa ra chợ và bán rất được giá. Ngày hôm sau, khi anh ngủ, anh mơ thấy người hàng xóm tên là Huệ Thị, một người đã qua đời vài năm trước. Huệ Thị nói rằng trước đây anh ta đã ăn trộm một chiếc vòng tay của gia đình Ngụy Hán Thần, đã nợ anh một món nợ, nên kiếp này anh ta đã làm ngựa để trả nợ cho anh.

Sau khi tỉnh dậy sau giấc mơ, Ngụy Hán Thần nhớ đến một chiếc vòng tay dát vàng mà vợ anh đã đánh mất trước đó, sau khi tính toán tiền bán con ngựa gần như đủ để mua một chiếc vòng khác, anh không khỏi ngạc nhiên.

Vậy điều gì đã xảy ra với chiếc vòng này?

Năm đó khi Ngụỵ Hán Thần kết hôn, theo phong tục địa phương mẹ anh đã tặng cho cô con dâu mới một chiếc vòng vàng làm quà. Vào thời điểm đó đây thực sự là một món quà rất lớn. Côn con dâu rất biết ơn, suốt ngày đeo nó vào cổ tay, sau khi kết hôn trở thành cô dâu hiền thục, cả nhà sống êm đềm vui vẻ.

Một hôm, khi cô con dâu đang rán thức ăn cho gia súc trên bếp, chiếc vòng trên tay của cô cứ va vào thành chảo và kêu leng keng. Cô con dâu sợ làm đứt chiếc vòng nên tháo ra cất sang một bên. Lúc này, người hàng xóm Huệ Thị sang nhà ghé qua nói chuyện phiếm, bông đùa rồi bỏ đi. Con dâu xong việc đi tìm lại chiếc vòng thì chiếc vòng đã không còn.

Cô con dâu đi tìm khắp nơi không thấy nên đau khổ khóc lóc. Ngụy Hán Thần an ủi vợ nói: “Sau này anh sẽ mua cho em cái mới.” Một thời gian sau thì cả hai dần quên chuyện này. Bây giờ nhìn lại, hóa ra là Huệ Thị đã lấy nó đi. Nghĩ đến việc người hàng xóm chỉ vì một phút bồng bột mà kiếp này phải làm thân trâu ngựa, hai vợ chồng không khỏi thở dài.

Ngụy Hán Thần không bao giờ quên chuyện này, thường hay kể lại cho mọi người, con người ta kiếp này làm việc xấu rồi, kiếp sau dẫu làm thân trâu ngựa rồi cũng phải hoàn trả. Cho nên: Muốn người khác không biết, tốt nhất đừng có làm

Mãng xà chuyển sinh thành người và tha thứ cho kẻ thù

Câu chuyện ngắn sau đây, xảy ở Thái Lan, là một trường hợp điều tra của nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Ian Stevenson, một nhà nghiên cứu về luân hồi người Mỹ. Sau đó, nó đã được đưa vào cuốn sách của người kế nhiệm của ông, cuốn sách của Tiến sĩ Jim Tucker, là cuốn sách bán chạy nhất có tên “Hồi quy sinh mệnh” (Return to Life), và kể từ đó câu chuyện này đã được biết đến rộng rãi.

Nhân vật chính của câu chuyện, Dalawong, nhớ rằng cậu từng là một con nai, sau khi bị một thợ săn giết chết thì chuyển sinh thành một con rắn. Sau đó, con rắn lại bị một thợ săn giết chết, rồi nó được đầu thai làm người.

Khi Dalawong được 3 tuổi, người thợ săn tên là Hiew đến tham dự một buổi tụ tập của những người hàng xóm và đi ngang qua cửa nhà cậu. Từ xa Dalawong nhìn thấy người thợ săn, và lao lên với một tiếng rống giận dữ: “Là mày, mày đã giết tao!”

Sau đó, cậu ta nhìn xung quanh tìm kiếm một chiếc búa hoặc cây gậy để làm vũ khí trả thù.

Mẹ cậu lúc đó ở bên cạnh vô cùng sửng sốt, cả hai mẹ con chưa từng thấy qua người thợ săn này, rốt cuộc cậu bé đã xảy ra chuyện gì?

Sau khi Dalawong nguôi cơn giận, cậu đã nói về kiếp trước của mình cho Hiew. Kiếp đó cậu là một con mãng xà lớn, sống trong một hang động. Một ngày nọ, có hai con chó đột nhiên vào hang, xâm phạm lãnh thổ riêng của nó, tất nhiên nó phải đuổi chúng ra ngoài. Vì thế mà hai bên bắt đầu chiến đấu với nhau. Trong lúc cuộc chiến đang bất phân thắng bại thì người thợ săn lao tới. Hóa ra hai con chó săn này là của anh. Hiew rất điêu nghệ, trong chốc lát đã hạ gục được con mãng xà. Tuy nhiên, con mãng xà vẫn còn phản kháng được, trong lúc hấp hối vẫn cắn được một miếng vào vai trái của Hiew. Sau đó linh hồn của nó rời khỏi thể xác và bay vào không trung.

Hiew đã cõng con mồi trên suốt quãng đường trở về nhà. Linh hồn của mãng xà, tức Dalawong, không còn nơi nào để đi, nên nó theo người thợ săn về đến nhà. Tình cờ lúc đó Hiew có một người bạn đến thăm. Dalawong nhìn thấy hai người bọn họ lột da bỏ xương, xào nấu, ăn thịt ngon lành mà trong lòng nó cảm thấy vô cùng căm phẫn.

Nhưng không biết tại sao, người đàn ông kia lại trông rất tốt bụng. Khi anh ta cáo từ rời đi, Dalawong đã đi theo anh ta trên đường anh ta trở về nhà. Người đó chính là cha của cậu trong kiếp này. Lúc đó vợ ông tình cờ có thai, Dalawong vào bụng cô ấy và trở thành đứa con của họ.

Hiew rất ngạc nhiên sau khi nghe chuyện này. Bởi vì đúng là anh ta từng giết một con mãng xà, và vết sẹo trên vai trái của anh ta vẫn còn đó. Nhưng sau khi Dalawong nôn mửa ra thứ gì đó thì nỗi hận thù của cậu đối với Hiew đã giảm đi hơn một nửa, và sau đó Hiew đã hoàn toàn được tha thứ. Bởi vì Dalawong cảm thấy rằng làm một con rắn là rất khổ sở, làm người vẫn hạnh phúc hơn.

Câu chuyện này nhanh chóng được lan truyền. Một phóng viên của tờ báo lớn địa phương "Thời báo Bangkok" (Bangkok Times) đã đến đưa tin, và nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson từ bên kia đại dương cũng đến điều tra sau khi nghe tin. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, Dalawong cũng mắc một chứng bệnh về da hiếm gặp có tên là ichthyosis. Đặc biệt là chân của cậu bé, da mọc lên như vảy, chúng trông giống như da rắn. Điều này từ một khía cạnh khác dường như chứng thực tính xác thực của câu chuyện.

Sau khi lớn lên, Dalawong vẫn còn nhờ những ký ức về kiếp trước của mình, cậu thường nói: Làm người tốt quá, làm rắn khổ lắm.

Trên đây là ba câu chuyện về sự luân hồi giữa con vật và con người. Trong Phật giáo có câu: Nhân thân nan đắc. Trong luân hồi chuyển kiếp, được làm người là điều trân quý nhất, hết thảy các chúng sinh khác đều ghen tị. Nhưng làm người quả thực cũng rất khổ, sinh lão bệnh tử, tham sân si, oán và hận, yêu nhưng phải biệt ly, cầu mà không được, đủ thứ phiền não đau khổ liên tiếp không ngưng. Vậy tại sao lại nói rằng làm người là trân quý nhất? Phải chăng mỗi sinh mệnh chúng ta đến với thế gian này đều mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng nào đó, mà trong mê mờ chúng ta còn chưa nhận ra?

Lam Sơn
Theo The epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

3 câu chuyện luân hồi chuyển kiếp để hoàn trả nợ nghiệp [Radio]