300 chiến binh cảm tử suýt bị lãng quên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2008, Hội đồng Thánh giáo Chính thống giáo Gruzia phong cho "300 người Aragvi, giáo sĩ và giáo dân đã thiệt mạng trong trận chiến Krtsanisi năm 1795" là "các vị thánh tử đạo", đặt ngày 11 tháng 9 là ngày tưởng niệm họ.

Chúng ta hẳn đã quen thuộc với bộ phim “300”, đó là câu chuyện kể về Trận chiến Thermopylae vào năm 480 trước Công nguyên, nơi 300 chiến binh Sparta chống lại cuộc xâm lược đầy tham vọng của người Ba Tư. Cảnh vua Leonidas trong áo choàng đỏ hét lên “Đây là Sparta” đã trở thành một meme vô cùng phổ biến trên internet. Trận chiến của người Hy Lạp tại Thermopylae mang tính biểu tượng đến nỗi, mặc dù đã xảy ra cách đây hơn 2.500 năm, nhưng ngày nay người ta vẫn còn nhắc về nó.

Tuy nhiên, còn có một câu chuyện Thermopylae thời cận đại. Đó là trận chiến xảy ra gần đây hơn nhiều so với trận chiến cổ xưa kia, nhưng lại ít được biết đến. Và có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc: 300 chiến binh kiên cường, tuân theo lời thề chiến đấu đến chết trước đội quân Ba Tư đông hơn nhiều. Mặc dù không có bất kỳ một meme hay bộ phim nào về sự hy sinh đặc biệt này nhưng đó chắc chắn là một phần lịch sử đáng ghi nhớ.

Đó là năm 1795 và Vương quốc Kartli-Kakheti (Gruzia ngày nay) đang ở trong một tình thế hiểm nghèo. Triều đại Qajar của Iran mới thành lập muốn lấy lại các lãnh thổ cũ của mình.

Do vị trí địa lý của mình mà Gruzia là một trong những quốc gia “bất hạnh” thường xuyên bị chèn ép bởi tham vọng cuồng nộ của các đế quốc láng giềng: Mông Cổ, Ottoman, Ba Tư và Nga. Đó là thời kỳ mà các quốc gia nhỏ bé phải nhảy nhót liên tục giữa các liên minh và chiến lược địa chính trị phức tạp để duy trì quyền tự chủ.

Kể từ đầu những năm 1500, lãnh thổ của Gruzia nằm dưới quyền thống trị của Ba Tư. Nhưng trong một thời kỳ hỗn loạn đặc biệt của triều đại Ba Tư, với cái chết của người cai trị và sự chuyển đổi sang quyền lãnh đạo mới, hai vương quốc Kartli và Kakheti ở phía đông Gruzia đã thống nhất và tuyên bố độc lập trên thực tế vào năm 1762. Để củng cố sức mạnh của mình, Vương quốc Kartli-Kakheti sau đó ký Hiệp ước Georgievsk với Đế quốc Nga vào năm 1782. Người Gruzia bắt đầu cảm thấy hài lòng và an toàn.

Nhưng sau gần ba thập kỷ cho phép tự trị, Ba Tư muốn các chư hầu cũ quay trở lại. Đưa toàn bộ khu vực Kavkaz trở lại quỹ đạo của Ba Tư là chìa khóa cho chiến lược tăng trưởng của đế quốc. Và càng không thể cho phép Gruzia ngang nhiên đi lại với Nga ngay trước mũi mình như vậy.

Tháng 8 năm 1795, quân Ba Tư vượt sông Aras với lực lượng 70.000 người. Sau một vài giao tranh lẻ tẻ, người Ba Tư gửi tối hậu thư cho Vua Heraclius II - nhà cai trị đương thời của Vương quốc Kartli-Kakheti :

“Thân Vương hẳn biết rằng trong 100 thế hệ qua, xứ ngài đã phục tùng Iran; hiện giờ ta phải thốt lên trong kinh ngạc rằng ngài đã gắn bó với người Nga, những người không có việc làm ăn nào khác ngoài buôn bán với Iran… Năm ngoái, ngài đã buộc ta phải tiêu diệt một số người Gruzia, mặc dù ta không hề mong muốn con dân của ta bị diệt vong bởi chính tay mình… Giờ đây, mong muốn lớn của ta là ngài, một người thông minh, hãy từ bỏ những thứ như vậy… và cắt đứt quan hệ với người Nga. Nếu ngài không thực hiện mệnh lệnh này, thì ta sẽ sớm thực hiện một chiến dịch chống lại Gruzia, ta sẽ làm máu của Gruzia và Nga tuôn đổ như sông Kura….

Ký tên: Agha Mohammad Khan Qajar, Người sáng lập và vua của triều đại Qajar của Iran”

Các cố vấn của nhà vua đưa ra các ý kiến trái ngược nhau, cuối cùng Heraclius phớt lờ yêu cầu của người Ba Tư và tiến về phía nam để củng cố thành phố Tbilisi, thủ đô của Gruzia ngày nay. Ông cũng thử vận ​​​​may với Đế quốc Nga với yêu cầu quân tiếp viện. Ông cầu xin ít nhất 3.000 binh sĩ nhưng không nhận được gì. Lúc này người Gruzia chỉ còn biết cầu nguyện. Thật đáng thất vọng, nhưng không hoàn toàn đáng ngạc nhiên. Vài năm trước đó, Heraclius đã được đồng minh Nga thông báo rằng trong trường hợp Ba Tư tấn công trực tiếp, ông sẽ nhận được sự hỗ trợ ngoại giao, ngoài ra không có gì khác. Nói cách khác: hãy tự lo liệu.

Và đó là những gì nhà vua đã làm, hoặc ít ra là ông đã cố gắng. Heraclius tập hợp 5.000 quân và 2.000 quân phụ trợ khác từ Vương quốc Imereti láng giềng. Tuy thế, lực lượng đối thủ là vượt trội. Cho dù chỉ một nửa lực lượng Ba Tư vượt qua Aras để đến được Tbilisi, thì đó vẫn là một đạo quân 35.000–40.000 người.

Trận chiến Krtsanisi bắt đầu trên vùng đồng bằng bên ngoài Tbilisi vào ngày 8 tháng 9. Trong vài ngày sau đó, quân phòng thủ đã thành công trong việc đẩy lùi từng đợt tấn công của quân Ba Tư. Nhưng như thế không đủ. Cuộc kháng cự tuyệt vọng đi dần đến hồi kết.

Trận Krtsanisi. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Vào ngày 11 tháng 9 năm 1795, tất cả đã sụp đổ. Agha Mohammad Khan, vua Ba Tư, đích thân chỉ huy một cuộc tấn công dữ dội vào người Gruzia. Heraclius và người của ông bị đẩy lùi về những cứ điểm cuối cùng ở ngoại ô thủ đô. Quân Ba Tư vượt sông Kura, đánh tràn vào và tiêu diệt phần lớn quân phòng thủ còn lại. Không thể làm gì khác ngoài việc rút lui.

Nhưng một nhóm nhỏ gồm 300 chiến binh sơn cước đến từ thung lũng Aragvi vẫn còn ở lại. Nhiệm vụ của họ là giữ thủ đô để Nhà vua có thể trốn thoát qua thành phố đến những ngọn núi bên kia.

Tất cả người Aragvi đã tuyên thệ chiến đấu đến chết, và đó là những gì họ làm. Cuộc chiến diễn ra ác liệt và giành giật trên đường phố của Tbilisi. Đó là một màn cận chiến trong bóng tối rất lộn xộn và đẫm máu. Người Aragvi chiến đấu như thể mãnh thú địa ngục và khiến người Ba Tư phải trả giá cho mỗi tấc đất giành được. Mặc dù tất cả họ đều bị giết, nhưng mục tiêu của họ đã đạt được, đó là cho phép Heraclius và khoảng 150 người thoát khỏi cuộc thảm sát.

300 chiến binh Aragvi. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng.

Trong trận Krtsanisi, quân Gruzia mất hơn 4.000 người, trong khi quân Ba Tư mất 13.000, ít nhất một phần ba tổng lực lượng của họ.

Quân đội Ba Tư sau đó cướp phá thủ đô của Gruzia, bắt 15.000 người và tàn sát những người dân còn lại. Một nhân chứng tiến vào thành phố ngay sau khi quân đội Ba Tư rời đi đã báo cáo lại:

“Xác chết lát trên đường tôi đi vào vào Tiflis từ cổng Tapitag: tôi kinh hoàng trước thi thể của phụ nữ và trẻ em bị tàn sát bởi gươm của kẻ thù; càng không còn gì để nói về đàn ông - như tôi đã thấy hơn một nghìn người, tôi cho là vậy, đã chết trong một tòa tháp nhỏ!… Thành phố gần như bị thiêu rụi hoàn toàn, lửa khói vẫn còn nghi ngút ở vài nơi; và mùi hôi thối từ xác chết phân hủy, cùng với cái nóng bao trùm, thật không thể chịu nổi, và có thể gây dịch bệnh.”

Cảnh tượng những thành phố đổ nát và bị cướp phá luôn khủng khiếp không thể diễn tả bằng lời.

Tiểu họa thời Qajar miêu tả cảnh xâm chiếm Tbilisi. Nguồn: Wikimedia, phạm vi công cộng

Sau đó, các vùng lãnh thổ bị chia cắt và phá hủy của Gruzia dễ dàng bị Nga thôn tính vào năm 1801. Và để tiếp nối cho màn kịch lịch sử “ai kiểm soát Gruzia”, trận chiến Krtsanisi đã trở thành tiền thân của hai cuộc xung đột lớn giữa Ba Tư và Nga: Chiến tranh Nga - Ba Tư (1804 – 1813) và Chiến tranh Nga - Ba Tư (1826 – 1828). Cuối cùng, hai cuộc chiến đó đã đưa đẩy đến việc Gruzia sáp nhập vào Nga, mãi cho đến năm 1991 khi nước này tách khỏi Liên Xô và giành được độc lập.

Một đài tưởng niệm 300 người Aragvi được dựng lên vào năm 1959 tại nơi khai quật thấy tàn tích những ngôi mộ của những người đã bỏ mình năm 1795. Ngoài ra, một công viên gần đó và một cây cầu bắc qua Mtkvari cũng được mang tên “300 người Aragvi”, chưa kểi một ga tàu điện ngầm Tbilisi mở cửa vào năm 1967 cũng được đặt tên để vinh danh họ.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2008, Hội đồng Thánh giáo Chính thống giáo Gruzia phong cho "300 người Aragvi, giáo sĩ và giáo dân đã thiệt mạng trong trận chiến Krtsanisi năm 1795" là "các vị thánh tử đạo", đặt ngày 11 tháng 9 là ngày tưởng niệm họ. Điều kỳ lạ là, chỉ chưa đầy 2 tháng sau, vào tháng 8 năm 2008, chiến tranh đã xảy ra giữa Gruzia và Nga.

Hữu Đức

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

300 chiến binh cảm tử suýt bị lãng quên