4 câu nói cửa miệng của cha mẹ biến trẻ thành nhút nhát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trẻ em vốn nhút nhát, dù là do bẩm sinh hay do ảnh hưởng từ môi trường, chỉ cần cha mẹ giữ thái độ cởi mở và hòa nhã thì dần dần dũng khí của trẻ có thể ngày càng tăng lên.

Tôi đến thăm nhà một người bạn, có gặp cậu con trai 7 tuổi của bạn. Khi cậu bé nhìn thấy người lạ, nó sợ sệt trốn trong phòng không dám ra ngoài.

Tới bữa ăn, cậu bé cũng rụt rè, chỉ gắp thức ăn ở các bát gần đó, không dám với xa để gắp rau. Muốn ăn gì, cậu chỉ nói nhỏ với mẹ và nhờ mẹ làm giúp.

Bạn tôi khi nhìn thấy bộ dạng của con như thế thì không khỏi tức giận, suốt bữa ăn mắng cậu bé: “Ở nhà của mình mà sợ cái gì? Con như thế thật là xấu hổ! Có thể khá lên được không, ngẩng cao đầu được không, hèn nhát thế này, không mất mặt sao?”

Bị quở trách như vậy, đứa trẻ càng sợ hãi không dám nhúc nhích, đầu cúi gằm xuống hơn, vội vàng lùa vài miếng cơm rồi không ăn nữa.

Người bạn nói rằng, anh rất lo lắng về việc này. Cậu con trai luôn tỏ ra rụt rè, lo lắng và sợ hãi khi nhìn thấy người lạ, và nó cũng không dám nói năng gì. Cha mẹ đều là người vui vẻ và hướng ngoại, tại sao tính cách của cậu con lại rụt rè như thế?

Nhìn vào cách người bạn giao tiếp với cậu bé, tôi muốn nói với anh ấy rằng, sự rụt rè của con anh ấy có thể liên quan rất lớn đến cách giáo dục của anh.

Bốn câu nói nên tránh

Tâm lý học về hành vi trẻ em đã đề cập rằng tính cách của trẻ một phần chịu ảnh hưởng bẩm sinh, nhưng phần lớn được quyết định bởi phong cách nuôi dạy của cha mẹ.

Ví dụ, nếu cha mẹ luôn nói bốn câu này, trẻ sẽ rất dễ trở nên rụt rè, đặc biệt câu thứ 4 càng nên tránh.

“Lại như thế, bố/mẹ không muốn con nữa”

Câu cửa miệng của người bạn tôi đối với con dường như là câu “Bố không muốn con”.

Khi đứa trẻ nghe thấy vậy, mắt rơm rớm nước mắt, cố hết sức gọi theo.

Nếu cậu bé ồn ào, ông bố mở miệng là nói, nếu con cứ thế nữa, bố không cần con nữa. Nghe vậy, cậu con trai lập tức vâng lời.

Nghe câu nói này quá nhiều, đứa trẻ trở nên rụt rè, không dám cứng đầu, không dám hành động theo ý mình. Dần dần dũng khí của đứa trẻ càng ngày càng nhỏ, gặp bất cứ chuyện gì cũng không dám làm, vì sợ cha mẹ nói không muốn nó nữa.

“Nếu con không nghe lời, sẽ để mẹ mìn bắt đi”

Chúng ta sẽ thường nghe các bậc cha mẹ dọa con như thế này: “Nếu con không nghe lời, sẽ để mẹ mìn bắt đi!”

Khi tôi trò chuyện với một người cô, bà tự hào nói với tôi rằng nếu tối cháu của bà không chịu ngủ, bà sẽ dọa: “Nếu không ngủ, con quái vật bên ngoài sẽ đến ăn thịt”.

Những từ ngữ đáng sợ như “mẹ mìn bắt cóc đi” và “quái vật ăn thịt” thực sự khiến trẻ ngày càng kém can đảm.

Vì trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú, lại hay xem những hình ảnh trên TV, di động, dễ liên tưởng đến cảnh kẻ xấu bắt trẻ em, quái vật ăn thịt trẻ em nên bé sợ đến mức nhát gan.

Một đứa trẻ như vậy trong tâm sẽ chứa đầy sợ hãi, không dám ở trong phòng một mình, sợ bóng tối, sợ côn trùng và sợ tất cả những thứ không biết. Khi tiếp xúc với những điều mới, hoặc cần học những kỹ năng mới, nó sẽ ngại thử vì sợ sệt.

“Việc này còn không làm được, tại sao con lại ngốc như vậy?”

Khi trẻ làm một việc chưa thành thạo, trẻ sẽ tỏ ra “vụng về”. Ví dụ như khi rót nước thì bị đổ ra ngoài, mặc quần áo luôn không cài cúc kỹ, cầm đồ đạc thường xuyên bị rơi v.v.

Trong tình huống như vậy, cha mẹ có thể vô tình nói: “Việc này còn không làm được tốt, tại sao con lại ngốc như vậy?”.

Khi đứa trẻ nghe lời đánh giá như vậy, nó sẽ thực sự cảm thấy rằng mình thật ngu ngốc và không thể làm tốt bất cứ việc gì. Dần dần nó sẽ sử dụng “ngốc” làm nhãn hiệu của mình.

Khi gặp một việc gì đó, đầu tiên trẻ liền cảm thấy mình thật ngu ngốc và không thể làm tốt được, từ đó nó rất rụt rè và không muốn thử.

“Con kém cỏi thế, sao không học hỏi con nhà người ta”

Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nhưng đôi khi, để thúc đẩy một đứa trẻ thay đổi những khuyết điểm của mình và trở nên tốt hơn, chúng ta vô thức so sánh con với những người khác.

Khi chúng ta thấy con của người khác học tốt và con của mình học kém, chúng ta hay nói: “Tại sao con kém cỏi như vậy, sao con không học con nhà người ta?”.

Ý định của cha mẹ là tốt, hy vọng sẽ khơi dậy sự xấu hổ để trẻ cố gắng. Nhưng so sánh và đòn roi nhiều có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti, cảm thấy mình không bằng người khác và trở nên rụt rè.

Việc so sánh với người khác làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ nhất. Tốt hơn hết chúng ta nên tránh nói câu này với trẻ.

Những đứa trẻ nhút nhát nói chung thì thế nào?

Chúng ta luôn cảm thấy rằng khi trẻ còn bé rụt rè một chút không sao, lớn lên trẻ sẽ từng trải và có kinh nghiệm hơn.

Nhưng trên thực tế, dù sau này đứa trẻ cư xử rất mạnh mẽ, dũng cảm nhưng trong nội tâm thì trẻ sẽ phải cố gắng nhiều hơn và nỗ lực nhiều hơn bởi vì sự nhút nhát của trẻ. Hơn nữa, sự rụt rè cũng có thể có những ảnh hưởng sau với trẻ:

Không dám giao lưu

Trẻ em cần hòa nhập vào nhóm, học các kỹ năng xã hội và tích lũy kinh nghiệm.

Nhưng vì tính nhút nhát, trẻ ngại giao tiếp với mọi người nên không dám tiếp xúc với mọi người, vì vậy, trẻ sẽ thiếu bạn bè.

Như thế sẽ hình thành một vòng tuần hoàn, trẻ càng không dám tiếp xúc với người khác thì càng khó kết bạn và dễ bị người khác coi thường. Trẻ sẽ dần hình thành tính cách thu mình.

Dễ bị bắt nạt

Chúng ta có thể thấy rằng những đứa trẻ bị bắt nạt thường nhút nhát và thiếu bạn bè. Khi bị ức hiếp thì trẻ không dám phản ứng lại, không dám lên tiếng, thậm chí không có bạn bè giúp đỡ.

Còn những đứa trẻ hướng ngoại và vui vẻ, chúng thường khó bị bắt nạt. Bởi vì chúng mạnh dạn, tự tin, và dễ dàng tìm được sự giúp đỡ.

Vì vậy mới nói những đứa trẻ nhút nhát thường là mục tiêu của sự bắt nạt, và chúng ta không nên chủ quan.

Không dám thể hiện mình

Vì tính nhát gan của mình, trẻ không dám nói trước đám đông hoặc thể hiện bản thân, điều này dẫn đến việc trẻ trở nên khép mình.

Khi trong nhóm trẻ không được chú ý và không có ai kịp thời khẳng định trẻ, trẻ sẽ khó có được sự tự tin. Sau khi bước vào xã hội và đi làm, rất dễ bị bỏ qua và khó thăng tiến.

Những đứa trẻ nhút nhát trở nên khép mình. (Ảnh pixabay)

Làm thế nào để tăng lòng dũng cảm của trẻ lên?

Vậy trong quá trình nuôi dạy trẻ, chúng ta phải làm gì để trẻ mạnh dạn, can đảm, tự tin?

Dưới đây là một số phương pháp nhỏ mà chúng ta có thể sử dụng:

Để trẻ hoàn thành từng bước một

Như có câu nói, bạn không thể ăn một lần mà thành người béo.

Chúng ta không nên quá nôn nóng với con trẻ, mong đợi trẻ đột ngột trở nên dạn dĩ. Thay vào đó, nên từ từ, để trẻ dần thả lỏng và mở rộng tâm trí, từ từ chấp nhận và hoàn thành một việc.

Ví dụ, trẻ sợ người lạ, chúng ta không nên ép trẻ phải gặp người lạ, và phải nói chuyện với người lạ, điều này sẽ chỉ làm trẻ thêm sợ hãi và tăng thêm tâm lý chống đối.

Chúng ta có thể hỏi trẻ mức tối đa mà trẻ có thể chấp nhận là bao nhiêu. Ví dụ, đừng trốn trong nhà, hãy ở cùng phòng với người thân và bạn bè mà trẻ không biết rõ, nhưng giữ khoảng cách xa.

Sau đó chúng ta có thể để trẻ thử làm việc này, đợi cho trẻ quen thì chúng ta có thể thử lại. Ví dụ, tránh xa người thân và bạn bè một mét, hoặc ngồi gần hơn.

Sau đó, cố gắng nói chuyện, lúc đầu có thể chỉ nói được một hoặc hai câu, sau đó tăng dần lên.

Chúng ta cần chào tạm biệt người thân và bạn bè, nói với họ rằng trẻ đang tập luyện, hy vọng họ sẽ hợp tác, và đừng hỏi trẻ nhiều, kẻo trẻ lo lắng.

Với quy trình từng bước như vậy, trẻ có thể từ từ vượt qua nỗi sợ hãi và trở nên mạnh dạn.

Động viên kịp thời

Trong quá trình khắc phục tính nhút nhát, có thể có khó khăn, điều chúng ta phải làm là tiếp nhận.

Bởi vì nếu chúng ta thiếu kiên nhẫn, trẻ có thể mất tự tin, và do đó thực sự cảm thấy rằng mình hèn nhát và không thể làm được.

Vì vậy chúng ta phải chấp nhận chưa ổn định tạm thời của trẻ và tin rằng trẻ sẽ làm được. Khi trẻ sẵn sàng thử lại, chúng ta cần kịp thời khẳng định và động viên trẻ, nói với trẻ rằng trẻ sẽ làm được.

Với sự tin tưởng và hỗ trợ của cha mẹ, trẻ em sẽ tăng thêm lòng can đảm, vì vậy chúng dám thử và trở nên dũng cảm.

Tạo một môi trường gia đình thoải mái

Nhiều trẻ rụt rè vì môi trường gia đình tương đối căng thẳng và cha mẹ rất nghiêm khắc.

Nếu cha mẹ luôn chỉ trích, khiển trách con cái mà ít nói, ít cười thì trẻ rất dễ trở nên rụt rè.

Khi nuôi dạy con cái, khi nào nên nghiêm túc cha mẹ cần nghiêm túc, nhưng khi không cần nghiêm túc, cha mẹ nên nhẹ nhàng hơn và tích cực tương tác với trẻ.

Khuyến khích trẻ biểu đạt nhiều hơn, giao tiếp với chúng nhiều hơn và hiểu suy nghĩ của chúng. Chỉ khi môi trường gia đình thoải mái, trẻ mới có thể mở lòng và can đảm thể hiện mình.

Minh An
Theo Aboluowang

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

4 câu nói cửa miệng của cha mẹ biến trẻ thành nhút nhát