4 đặc điểm của kẻ đạo đức giả, nhất định đừng phạm phải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống người ta thường nói, kẻ ngụy quân tử còn đáng sợ hơn cả những kẻ tiểu nhân thực sự. Vì kẻ tiểu nhân thực sự biểu hiện quá rõ ràng khiến chúng ta có thể đề phòng, né tránh. Nhưng những kẻ đạo đức giả thì bất ngờ tấn công từ phía sau, khiến người ta không thể phòng bị mà bị tổn thương.

Trong “Thái Căn Đàm”, tuyển tập những câu danh ngôn về tu dưỡng, nhân sinh, cuộc đời do đạo sĩ Hồng Ứng Minh thời nhà Minh biên soạn, cũng nhắc đến bốn đặc điểm của kẻ đạo đức giả. Mỗi một đặc điểm đều là hung khí trong đức hạnh thiện niệm, là gai nhọn trên con đường nhân sinh, là thứ dễ mắc nhất và cũng là thứ khó vứt bỏ thanh trừ đi nhất.

Những thứ xấu này phải loại bỏ hoàn toàn, và cắt đoạn hết cơ hội nó phát sinh, như thế chúng ta mới có thể thực sự thể hiện bản chất lương thiện của một con người.

Vậy bốn đặc điểm của một người đạo đức giả là gì?

1. Ban ơn vì muốn có được danh tiếng

Lấy việc giúp người làm niềm vui là một mỹ đức, không phải là thủ đoạn để truy cầu danh lợi.

Nếu giúp người khác để lấy danh tiếng và lôi kéo người khác, thì đã đánh mất đi ý nghĩa ban đầu của nó. Không những thế, kiểu người này còn là người bạc tình bội nghĩa nhất, thấy lợi quên nghĩa, tuyệt không nên kết thân giao.

Người xưa có câu "Thi ân bất cầu báo, cầu báo bất thi ân", làm ơn cho ai, không cần người trả lại, mà vì cầu đền đáp thì việc làm ơn ấy ắt là có mưu đồ.

Chỉ khi thực lòng giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi sự báo đáp nào, mới có thể thực sự tích phúc báo, giúp bản thân và để lại phúc báo cho thế hệ con cháu mai sau.

2. Làm việc thiện để thể hiện tự cao, hơn người

Khi một số người làm điều tốt, trong tâm chỉ nghĩ làm sao để nâng cao vị trí của mình trong lòng mọi người và vượt lên trên những người khác.

Nhưng làm việc thiện, ngoài việc xuất phát từ nội tâm, có thể còn liên quan đến giá trị của niềm tin tín ngưỡng của mỗi người, từ đó tạo dựng và mong muốn có một xã hội tốt đẹp hơn.

Hành thiện không cầu hồi báo, bản thân mới thực sự cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ, cuộc sống sẽ càng thêm giá trị hơn.

Nếu làm việc tốt chỉ để đạt được mua danh cầu lợi, thì mọi việc làm không hẳn là hành thiện chân chính mà chính là ngụy thiện.

Ban ơn vì muốn có được danh tiếng
Hành thiện không cầu hồi báo, bản thân mới thực sự cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. (Ảnh: Pixabay)

3. Làm để thể hiện sự khác biệt

Làm ra hành vi đạo đức chỉ để khiến bản thân nổi bật và thể hiện sự khác biệt với người khác, kiểu người này không thực sự chân tồn thiện niệm.

Người có phẩm cách chân chính sẽ rất nghiêm khắc với bản thân, ngay cả khi chỉ có một mình cũng sẽ luôn cảnh tỉnh bản thân, họ sẽ không bao giờ ham thích hư vinh.

Tăng Quốc Phiên là một tấm gương để noi theo, vì ông không chỉ có thể làm quan, mà còn biết nhìn người. Ông từng nói rằng có ba loại người không thể làm việc cùng: Nói hay làm dở, không nói lý và lập dị khác thường.

Những người lập dị, thường thích không giống với mọi người. Điều này không có nghĩa nói là họ làm sai, mà là không biết cách hòa nhập, viên dung chỉnh thể, chỉ biết làm nổi bật bản thân nên cuộc sống thường không suôn sẻ. Khi làm việc với người khác, kiểu người này cũng sẽ thường xuyên để xảy ra mâu thuẫn.

4. Theo đuổi nghề và ham muốn gây chấn động thế giới

Thành tựu được sự nghiệp, chỉ để mong nổi tiếng, gây kinh ngạc, khiến người khác ngưỡng mộ, những người như vậy không có lòng tốt thực sự.

Bởi vì một người muốn thành tựu sự nghiệp, thường có ước mơ của riêng mình. Để theo đuổi ước mơ, họ sẽ không ngừng chiến thắng bản thân mình, với mong muốn góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp.

Còn những người chỉ chú ý tới sự quan tâm của người khác, họ không thể chịu được việc bị phớt lờ và ham muốn được công nhận. Như vậy, họ cũng sẽ sẵn sàng xây dựng sự tự tin bản thân bằng đánh giá của người khác.

Những người như vậy cũng rất phổ biến hiện nay, họ thích thể hiện và muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý, muốn mọi người lấy họ làm trung tâm. Người như vậy dù có làm mọi việc thiện, họ đều không chân thành.

Bạn đã gặp phải một người đạo đức giả như vậy trong cuộc đời mình chưa? Hy vọng rằng mỗi chúng ta đều không ngừng hoàn thiện chính mình, đoạn dứt với tất cả những hành vi bị coi là "giả nhân giả nghĩa" như vậy.

Minh An
Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

4 đặc điểm của kẻ đạo đức giả, nhất định đừng phạm phải