4 kiểu cha mẹ dễ dưỡng thành những đứa trẻ ưu tú

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cha mẹ yêu thương và quản giáo phù hợp, sẽ có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ bình thường thành tài năng xuất chúng. Nhưng nếu phương pháp giáo dục sai lầm, lại có thể dễ dàng hủy hoại tài năng thiên phú của trẻ và lưu lại những tổn thương.

Trong cuộc đời con người phải trải qua nhiều lần giáo dục, đó là con đường trưởng thành và tiến bộ quan trọng. Nhìn chung những giáo dục này được chia thành ba hình thức lớn: Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Trong đó giáo dục gia đình là giáo dục sớm nhất, căn bản nhất, nhưng quả thực có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người.

Khi một đứa trẻ sinh ra, không có nhiều khác biệt về bản chất, nhưng trải qua sự giáo dục ban đầu của cha mẹ, cũng như chịu ảnh hưởng của môi trường và bầu không khí gia đình, thì cảm ngộ nhân sinh liền sẽ sinh ra một trời khác biệt.

Trong quá trình từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, giáo dục gia đình không ngừng hình thành thói quen, tính cách, tư duy và giá trị quan của trẻ. Trong tương lai trẻ sẽ trở thành người như thế nào, là có mối quan hệ trọng yếu đối với phương thức và nội dung giáo dục gia đình.

Vì vậy, làm người thi hành giáo dục gia đình, thì ngôn hành cử chỉ, tư duy quan niệm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái. Yêu thương và quản giáo phù hợp, sẽ có thể nuôi dưỡng những đứa trẻ bình thường thành tài năng xuất chúng. Nhưng nếu phương pháp giáo dục sai lầm, lại có thể dễ dàng hủy hoại tài năng thiên phú của trẻ và lưu lại những tổn thương.

Có 4 kiểu cha mẹ này, khó mà dạy dỗ được những đứa trẻ xuất sắc, nếu như bạn cũng vậy, thì nhất định phải nhanh chóng cải biến.

Trong quá trình từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, giáo dục gia đình không ngừng hình thành thói quen, tính cách, tư duy và giá trị quan của trẻ. (Ảnh: Pixabay)
Trong quá trình từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, giáo dục gia đình không ngừng hình thành thói quen, tính cách, tư duy và giá trị quan của trẻ. (Ảnh: Pixabay)

Bốn kiểu cha mẹ dễ làm hỏng con trẻ nhất

1. Cha mẹ thích xử lý mọi việc và kiểm soát con

Rất nhiều bậc cha mẹ luôn thiếu kiên nhẫn với sự trưởng thành của con cái, khi nhìn thấy con làm việc gì cũng vụng về chậm chạp, liền vừa chỉ trích vừa làm thay con. Hoặc có cha mẹ không muốn để con tự làm, bởi vậy họ làm hết mọi việc cho con. Nhìn bề ngoài thì giống như cha mẹ đang vất vả nỗ lực nhiều hơn cho con trẻ, nhưng trên thực tế là đang tước đi cơ hội trưởng thành độc lập của con.

Những bậc cha mẹ không biết cách buông tay, nhân danh tình yêu thương để kiểm soát mọi thứ của con trẻ, chính là đang hủy hoại đi tương lai của chúng.

2. Cha mẹ nuông chiều con cái bất kể đúng sai

Một số bậc cha mẹ coi việc bảo vệ những sai lầm của con trẻ là thể hiện của lòng yêu thương. Họ biết con trẻ phạm sai lầm nhưng lại không nỡ quản giáo, sợ con phải chịu ủy khuất. Họ thường nói: “Đứa trẻ còn nhỏ, lớn lên sẽ tốt". Đây thực chất chính là tự lừa mình dối người mà thôi.

Khi còn nhỏ, trẻ chưa hình thành khái niệm đúng sai, cho nên việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là hiện tượng không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không hướng dẫn con cái mà chỉ biết một mực nuông chiều, dung túng một cách mù quáng, thì sẽ khiến đứa trẻ hình thành nhận thức đúng - sai một cách sai lầm, hành vi sẽ ngày càng táo tợn, liều lĩnh, làm việc gì cũng xem kỷ luật như không, dẫn đến hậu quả xấu không thể cứu vãn chẳng hạn. Đã có rất nhiều ví dụ như vậy trong thực tế cuộc sống, nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thức tỉnh.

3. Cha mẹ coi thường hiện trạng và đốt cháy giai đoạn giáo dục con cái

Liên quan đến giáo dục con trẻ, câu nói được lưu truyền rộng rãi nhất là: "Đừng để con bạn thua ngay từ vạch xuất phát". "Vạch xuất phát", chính là âm mưu giáo dục lớn nhất. Theo quan niệm này, nhiều bậc cha mẹ sợ con mình bị tụt hậu, cho nên tranh nhau chen lấn cho con học các khóa học quá sớm và quá mức.

Mong muốn con hơn người, nguyện vọng này có thể hiểu được, nhưng không để ý đến quy luật sinh trưởng của con trẻ, không khác gì "dục tốc bất đạt". Ép buộc con trẻ học tập các khóa học không có hứng thú, nội dung vượt quá năng lực tiếp nhận, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tưởng tượng của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hứng thú học tập của trẻ. Muốn con trẻ trở nên xuất sắc, nhất định phải căn cứ theo đặc điểm tâm lý, thể chất và quy luật phát triển của từng lứa tuổi, từng bước dạy dỗ phù hợp với từng cá nhân.

4. Cha mẹ thiếu tôn trọng, so sánh con trẻ một cách mù quáng

Đây là một tình trạng chung của nhiều bậc cha mẹ, họ luôn dùng những từ như "con của người ta thế nào mà con như vậy", và thường dùng nhiều lời lẽ xúc phạm, mỉa mai, châm chọc. Một số cha mẹ cho rằng làm như vậy là để khuyến khích đứa trẻ. Đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm, điều này sẽ khiến cho tâm hồn của trẻ đầy những cảm xúc nổi loạn, thậm chí từ chán ghét đến hận thù cha mẹ. Mỗi đứa trẻ đều có tài năng riêng và cũng có khuyết điểm riêng, cha mẹ phải học cách khai thác ưu điểm và giúp con bù đắp khuyết điểm, thay vì mù quáng đi so sánh con mình với con người khác.

Trẻ em là những cá thể độc nhất vô nhị. Cha mẹ phải tin tưởng, tôn trọng và khuyến khích, thì trẻ mới có thể khỏe mạnh trưởng thành. Cách bạn giáo dục con, sẽ quyết định tương lai của trẻ.

Trẻ em là những cá thể độc nhất vô nhị. Cha mẹ phải tin tưởng, tôn trọng và khuyến khích, thì trẻ mới có thể khỏe mạnh trưởng thành. (Ảnh: Pixnio)
Trẻ em là những cá thể độc nhất vô nhị. Cha mẹ phải tin tưởng, tôn trọng và khuyến khích, thì trẻ mới có thể khỏe mạnh trưởng thành. (Ảnh: Pixnio)

Kiểu cha mẹ nào có lợi cho sự phát triển của con trẻ?

Các bậc cha mẹ đều nói rằng họ yêu thương con cái, sẵn sàng bỏ ra những gì tốt nhất cho con, nhưng lại phát hiện đứa trẻ chẳng những không phát triển theo phương hướng lý tưởng của mình mà còn ngày càng rời xa mình, thậm chí chúng còn phàn nàn bất đồng với cha mẹ.

Tình cảm, yêu thương con cái là rất quan trọng, nhưng cách thức và ranh giới của tình yêu còn quan trọng hơn. Nhưng điều này lại bị nhiều bậc cha mẹ bỏ qua. Phương thức sai lầm khiến không thể thu được một mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt, càng không thể dưỡng thành những đứa trẻ ưu tú. Bởi vậy, ranh giới này, cha mẹ nhất định phải biết.

1. Cha mẹ không can thiệp vào tính độc lập của trẻ

Năng lực là cần phải được rèn luyện, cách đơn giản nhất chính là để trẻ tự trải nghiệm. Cha mẹ không thể đồng hành cùng con cả đời, cũng không thể mọi thứ đều từng li từng tí hầu hạ con, bởi vậy chi bằng dạy con cách độc lập tự chủ như thế nào.

Cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn che chở cho con suốt đời, nhưng đây là điều không thể. Yêu con thật lòng là phải rèn cho con tính cách độc lập và sức mạnh, cha mẹ phải biết rút lui kịp thời, để con tự quản lý cuộc sống của chính mình, cho con cơ hội để rèn luyện khả năng độc lập. Không nên nhốt trẻ trong nhà kính, mà hãy để trẻ có đủ khả năng và dũng khí đối mặt với sóng gió. Sau khi năng lực độc lập tự chủ của trẻ dần được hình thành, tương lai sẽ vô cùng có lợi.

2. Cha mẹ biết cách 'tỏ ra yếu thế' một cách hợp lý

Các nhà tâm lý học người Áo đã phát hiện ra rằng, vai trò của cha mẹ đối với sự phát triển tâm lý của trẻ đủ để ảnh hưởng đến thói quen tư duy của trẻ trong suốt cuộc đời. Cha mẹ quá che chở và trợ giúp sẽ khiến con cái sợ hãi, không có chủ kiến khi phải ra quyết định, và thu mình lại khi gặp khó khăn.

Các bậc cha mẹ thông minh nên học cách 'tỏ ra yếu thế' khi con cái họ tiến bộ, cho con cơ hội trải nghiệm và thể hiện. Cha mẹ chỉ cần đưa ra những lời khuyên và hỗ trợ cần thiết, như vậy là đủ rồi. Hãy để con trẻ có thể cảm nhận được cảm giác cần hoàn thành, kích thích tính chủ động tích cực trong nội tâm trẻ, đồng thời giúp trẻ học cách yêu thương và biết ơn.

3. Cha mẹ biết cách nắm bắt ranh giới của mối quan hệ cha mẹ - con cái

Những vấn đề “nổi loạn” và “không vâng lời” trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, phần lớn là xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhu cầu tự lập trưởng thành của trẻ và mong muốn kiểm soát của cha mẹ. Quyền lực của cha mẹ đối với con trẻ cần có ranh giới, khi con cái lớn lên, cha mẹ phải học cách rút lui dần dần. Trong giáo dục gia đình, cả cha mẹ và con cái đều phải có nhận thức về ranh giới.

Một ngày nào đó trẻ sẽ đến tuổi trưởng thành và sống tự lập trong xã hội, mọi kinh nghiệm sống cần phải tự học hỏi. Trẻ em cần những cơ hội như vậy để học các kỹ năng sống cần thiết, và cha mẹ cần khuyến khích trẻ đưa ra lựa chọn của riêng mình. Ý thức về ranh giới là một nguyên tắc quan trọng để trẻ phát triển lành mạnh.

4. Cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư của trẻ

Mỗi người đều có quyền riêng tư và luôn có một số bí mật mà họ không muốn chia sẻ. Cha mẹ phải tôn trọng quyền riêng tư của con mình. Một số cha mẹ luôn muốn biết mọi thứ về con cái, họ lấy cớ "vì muốn tốt cho con", trăm phương ngàn kế đi thăm dò, chẳng hạn như: Lén xem đồ của trẻ, xem trộm nhật ký của trẻ, nghe lén lời thì thầm của trẻ, v.v.

Trẻ em là một cá thể độc lập với những suy nghĩ và không gian riêng của mình. Cha mẹ tự ý xâm phạm quyền riêng tư của trẻ, là hành vi cực kỳ không tôn trọng trẻ, điều này sẽ khiến trẻ rất chán ghét. Từ đó, quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng xa lánh, dẫn đến trẻ sinh ra tâm lý phản kháng nghiêm trọng, tính cách ngày càng nhạy cảm và dễ có những hành vi cực đoan.

Trong tấm lòng của cha mẹ, con cái vĩnh viễn là những đứa trẻ non nớt cần được bảo vệ, chở che. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ lại là một cá thể độc lập, hành vi ngang ngược của cha mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Yêu thương con thì phải cho con không gian và cơ hội để trưởng thành. Cha mẹ hãy làm tốt vai trò của một người dẫn đường, để hướng dẫn con trẻ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Hòa An
Theo aboluowang.com

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

4 kiểu cha mẹ dễ dưỡng thành những đứa trẻ ưu tú