5 câu nói trong Tam Quốc Diễn Nghĩa khiến thế nhân tấm tắc thở than

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, nhân vật lịch sử có rất nhiều, văn phong hùng tráng trải rộng, muốn lựa chọn ra 5 câu ‘rung động lòng người nhất’ thật không dễ dàng, nay cùng mọi người thưởng thức.

1. Trong thiên hạ, việc không như ý nhiều, mười việc có đến tám chín việc không như ý

Nguyên văn: Thiên hạ bất như ý giả, thập thường bát cửu

Trong rừng nhân vật của Tam Quốc, Dương Cổ không phải là vị quan đen đủi thất ý nhất trong quan trường, nhưng lại nói ra một câu thể hiện sự thất ý sâu sắc nhất: “Nhân sinh thất ý vô nam bắc” (Trên đời kẻ thất ý nhiều lắm, đâu kể gì người bắc kẻ nam), Dương Cổ lập tức trở thành bạn tri kỷ của những kẻ thất ý, buồn rầu trong thiên hạ.

Tôi cho rằng, đây là quan niệm điển hình của kẻ bi quan. Kẻ bi quan nói: “Càng đánh càng thua”, người lạc quan nói: “Càng thua càng đánh”, sự thực hoàn toàn giống nhau, nhưng sĩ khí là hoàn toàn khác nhau.

Có những người mắc bệnh nan y nhưng vẫn lạc quan, nghe câu nói ấy không những không ủ dột âu sầu mà trái lại còn bảo: “Trong thiên hạ, việc không như ý có nhiều, ít nhất thì mười việc thì có một hai việc như ý”.

2. Tận tụy phục vụ, đến chết mới thôi

Nguyên văn: Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ

Khi Khổng Minh nói: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”, kế hoạch ‘Phạt Ngụy’ đã tan thành mây khói, Khổng Minh chết ở gò Ngũ Trượng.

Năm ấy, khi tôi đọc cuốn “Thần điêu đại hiệp” của Kim Dung, lúc Quách Tỉnh nói câu: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”, tôi buông tiếng thở dài: Quách đại hiệp muốn xả thân rồi! Tương Dương không giữ được rồi! Đại Tống tiêu rồi! thật là ‘Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, trường sử anh hùng lệ mãn cân’ (Xuất quân chưa thắng người đã chết, mãi khiến anh hùng lệ đẫm khăn)!

Gia Cát Lượng, thân phận không chỉ là quân sư, mà còn là thừa tướng của một quốc gia, trụ cột của đất nước. (Ảnh tổng hợp)
Gia Cát Lượng, thân phận không chỉ là quân sư, mà còn là thừa tướng của một quốc gia, trụ cột của đất nước. (Ảnh tổng hợp)

3. Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng

Nguyên văn: Ký sinh Du, hà sinh Lượng

Hai đối thủ cân sức cân tài gặp nhau trên đường hẹp, khi phải ra tay trận sống còn, thì câu nói để đời chứa đựng nỗi bi phẫn chính là: “Ký sinh Du, hà sinh Lượng”!

Hãy khoan, sao lại có niềm đau như vậy, đó chẳng phải là vấn đề về tấm lòng cùng tâm thái đó sao?

Một người có tấm lòng rộng lớn đến đâu, từ tâm thái đối đãi với đối thủ của mình là phản ánh ra hết. Một vị hào kiệt như Chu Lang tướng quân “Hùng tư anh phát, vũ phiến luân cân” (Tư chất anh hùng, quạt lông khăn lụa) đâu phải chuyện thường, hiềm nỗi tâm địa hẹp hòi, tính khí nóng nảy, ôm mãi oán hận “Ký sinh Du, hà sinh Lượng”! Lúc lâm chung, Chu Du còn “Từ từ tỉnh dậy, ngửa mặt nhìn trời thở dài, kêu lên mấy tiếng rồi đi”, nhìn tâm thái oán trời trách người ấy, tránh sao đoản thọ.

Nhưng Tư Mã Ý sau khi trúng ‘Không thành kế’ của Gia Cát Lượng thì nói: “Hối cũng đã muộn, ngửa mặt than rằng: ‘Ta không bằng Khổng Minh rồi!’”. Sau đó, Tư Mã Ý an ủi vỗ về quan dân, sĩ khí quân đội không mảy may suy chuyển.

Khi Tào Tháo nói với Lưu Bị: “Anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân và Tháo ta!”, khẩu khí tự tin, pha chút niềm tiếc nuối.

Tính cách quyết định vận mệnh, tấm lòng quyết định thành tựu, quả là như vậy.

4. Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên

Khổng Minh dốc tận sức tàn phò tá cha con Lưu Bị, sáu lần xuất binh Kỳ Sơn phạt Ngụy, nhưng đều thất bại, đành thở dài mà rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, bất khả cưỡng dã.” (Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, không thể cưỡng lại được), khiến thế nhân không khỏi thương cảm.

Thiên ý, ôi Thiên ý, nhớ khi xưa Hạng Vũ đánh trận Cai Hạ, đã phải thốt lên rằng: “Thiên vong ngã, phi dụng binh chi tội dã” (Ta chết là ý Trời, đâu phải lỗi dụng binh). Quả là Thiên ý đó!

5. Tất cả đúng sai thành bại, quay đầu nhìn lại chỉ là hư không

Nguyên văn: Thị phi thành bại chuyển đầu không

Kẻ thất ý, người thất bại mới có tâm tình cảm khái như vậy, Tào Thừa tướng cho dù trải bao mưa gió, vẫn như xưa ngâm vịnh hát ca, ca rằng: “Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý, liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ!” (Ngựa già cúi đầu, chí ngoài ngàn dặm, hào kiệt về già, hùng tâm chẳng mất!)

Lời văn nhân thường xôn xao vô bằng cứ! Thời trai trẻ Tô Đông Pha cũng ôm chí lớn ‘Phấn lệ hữu đương thế chí’ (cố gắng lập chí gánh vác thế sự), rồi tự phụ ‘Chí quân Nghiêu Thuấn, thử sự hà nan’ (làm thiên hạ thái bình thịnh thế như vua Nghiêu, vua Thuấn, việc này đâu có khó). Nhưng sau khi lặn lội quan trường, lòng người hiểm ác, cửu tử nhất sinh, tâm lạnh ý tàn mà trầm trầm tự hỏi: “Tháo, cố nhất thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai?” (Tào Tháo, vị anh hùng một thủa, nhưng nay ở nơi đâu?)

Thế sự bộn bề vô cùng vô tận, số Trời đã định trốn nơi nao. Hãy nhìn xem gương sử: Lưu Bị xưng vương, Tôn Quyền cát cứ, Tào Tháo hiệp Thiên tử lệnh chư hầu, Quan Vũ bại trận Mạch Thành…tất cả đều là Thiên ý.

Dẫu có tài dọc ngang Trời Đất, dù thế lực uy chấn sơn hà, hay dị thuật ngăn sóng dữ, nào có ai chống được ý Trời!

Thái Bình
Theo Epochtimes

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

5 câu nói trong Tam Quốc Diễn Nghĩa khiến thế nhân tấm tắc thở than