6 cuộc thi quyết định ai được lấy Văn Thành Công chúa

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong lịch sử xuất hiện rất nhiều công chúa, nhưng đại đa số đều giống như những cô gái bình thường khác, sống một cuộc đời vô danh, sau đó biến mất trong vũ đài lịch sử. Tuy nhiên, Văn Thành Công chúa triều Đường, Trung Quốc, nói đúng ra không phải là “công chúa” thực sự, nhưng lại là trường hợp đặc biệt, được người đời tán tụng cho đến ngày nay. Và câu chuyện Tùng Tán Cán Bố sai sứ thần mưu trí để cưới được Văn Thành Công chúa, cũng là một câu chuyện thú vị được mọi người tán tụng.

Con gái của Nhiệm Thành Vương Lý Đạo Tông, một chi xa của hoàng thất nhà Đường, đoan trang xinh đẹp, đọc nhiều thi thư, thông tuệ đạt lý, giỏi nữ công, biết nghề trồng dâu nuôi tằm, cũng có thành tựu rất cao trong Phật học. Dần dà, tài danh của cô truyền đến tai Đường Thái Tông. Hoàng đế Thái Tông trong lúc vui mừng đã phong cho cô làm Văn Thành Công chúa.

Văn Thành Công chúa dần trưởng thành, cao nguyên tuyết phủ Tây Tạng xuất hiện một đại anh hùng: Tùng Tán Cán Bố. Tùng Tán Cán Bố tuổi trẻ nhưng anh dũng thiện chiến. Ông thống nhất Tây Tạng, kiến lập vương triều Thổ Phồn. Tùng Tán Cán Bố vô cùng ngưỡng mộ văn hóa thịnh thế Đại Đường, lại nghe mỹ danh của Văn Thành Công chúa triều Đường, bèn muốn cưới cô đưa về Tây Tạng.

Quân vương anh hùng Thổ Phồn cầu hôn Văn Thành Công chúa

Năm Trinh Quán thứ 14 (năm 640), Tùng Tán Cán Bố sai đại tướng Lộc Đông Tán đem theo 5000 lạng vàng, mấy trăm châu báu, dẫn theo sứ đoàn đến Trường An cầu hôn với triều Đường.


Tùng Tán Cán Bố (Ảnh: wikipedia)

Chuyến đi trèo đèo lội suối trải mấy tháng trời, Lộc Đông Tán cuối cùng đã dẫn sứ đoàn rầm rầm rộ rộ đến Trường An. Nhưng ông chưa kịp ngắm xem Trường An hoa lệ thì đã ngay lập tức trở nên căng thẳng, bởi vì ông phát hiện ra, ngoài sứ đoàn của ông ra, còn có sứ đoàn các nước khác cũng đang ở Trường An, mà mục đích các sứ đoàn đó đến Trường An đều là thỉnh cầu đón rước, cưới Văn Thành Công chúa cho quân vương của họ.

Lộc Đông Tán phân tích kỹ lưỡng tình hình, trong những nước cử sứ đoàn tới, Ấn Độ sùng chuộc Phật giáo, Ba Tư có nhiều tài sản, Hoắc Nhĩ trị an yên ổn, Cách Tát Nhĩ (Gesar) có sức mạnh quân sự lớn mạnh, thế nên Thổ Phồn muốn cưới được Công chúa thì chỉ có thể dựa vào trí tuệ.

Các đại sứ đến cầu hôn rất nhiều, mà Văn Thành Công chúa chỉ có một. Việc này khiến Hoàng đế Thái Tông cảm thấy rất khó xử, bởi vì bất kể là gả Công chúa cho ai thì nhất định vẫn có người không phục. Điều này bất lợi cho sự ổn định và bình yên của quốc gia. Thế là Hoàng đế Thái tông bảo các đại sứ hãy tạm trú ở hành quán, đợi ông nghĩa ra biện pháp có thể khiến mọi người đều hài lòng, sau đó sẽ thông báo cho mọi người.

Như thế, Lộc Đông Tán trú trong sứ quán ở bên ngoài Hoàng cung. Sau này, ông được biết vị cung nữ phụ trách chăm sóc ông chính là nhũ mẫu của Văn Thành Công chúa, ông bèn tìm mọi cơ hội trò chuyện với bà.

6 cuộc thi quyết định ai được lấy Văn Thành Công chúa

Sau khi sắp xếp các sứ thần các nước xong, Hoàng đế Thái Tông tìm Văn Thành Công chúa để thương nghị, hỏi cô thích quốc gia nào. Khác với các cô gái khác, Văn Thành Công chúa cảm thấy rằng, Phật Pháp có thể hoằng dương, của cái có thể kiếm được, chỉ cần quốc quân thánh minh thì quốc gia có thể trở nên dân giàu nước mạnh, mà chỉ có trí tuệ thì không thể cưỡng cầu được. Cô muốn sứ thần các nước tiến hành thi, sau đó tìm ra quốc gia có quân chủ hiền minh thần tử trí tuệ.

Hoàng đế Thái Tông đồng ý ý kiến của Công chúa, thế là họ đặt ra 6 cuộc thi để thử thách thần tử của các nước, thi tài trí của họ.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân- vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp),6 cuộc thi quyết định ai được lấy Văn Thành Công chúa
Đường Thái Tông Lý Thế Dân- vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Cuộc thi thứ nhất

Hôm sau, Hoàng đế Thái Tông triệu tập sứ thần các nước lại, và nói với họ rằng: “Các khanh từ vạn dặm xa xôi đến Đại Đường, đối với tất cả các quốc gia, trẫm đều coi như nhau. Nhưng Công chúa chỉ có một, gả cho ai thì cũng có người khác phản đối. Sau khi suy xét kỹ lưỡng, trẫm quyết định đưa ra đề thi, người chiến thắng có thể đón Công chúa về nước”.

Nói rồi, Đường Thái Tông liền lệnh cho người công bố đề thi thứ nhất: dùng sợi chỉ xuyên cửu khúc minh châu (hạt minh châu có 9 đường gấp khúc).

Nghe thấy Hoàng đế Thái Tông chưa hứa gả Công chúa cho nước nào, Lộc Đông Tán tạm thời yên tâm, ông lặng lẽ suy nghĩ về đề thi hôm nay.

Viên minh châu trên bàn không lớn, long lanh, phía trước và sau, mỗi phía có một cái lỗ, 2 lỗ thông nhau, nhưng bên trong có 9 đường gấp khúc. Muốn xuyên sợi chỉ mềm qua viên minh châu này, quả thực là mọt việc không dễ.

Trong lúc Lộc Đông Tán đang nghĩ cách thì đã có sứ thần các quốc gia khác lần lượt tiến lên thử. Sứ thần Ấn Độ xỏ sợi chỉ vào chiếc kim rất nhỏ, nhưng chiếc kim đó cũng không xuyên được qua viên minh châu có nhiều đường gấp khúc bên trong. Sứ thần Ba Tư tìm một chiếc lông bờm lợn khá cứng. Chiếc lông bờm lợn mang theo sợi chỉ xuyên được qua một đường gấp khúc thì không thể nào tiến thêm được nữa. Còn sứ thần Hoắc Nhĩ và Cách Sát Nhĩ thì dùng tay không thử xuyên chỉ, nhưng cũng phải tuyên bố thất bại.

Đúng lúc mọi người đều không biết làm gì nữa thì Lộc Đông Tán tiến lên phía trước, ông vừa trông thấy một con kiến tha hạt đường, liền nghĩa ra biện pháp. Lộc Đông Tán lấy sợi chỉ buộc lưng kiến, nhẹ nhàng thổi, khiến con kiến mang theo sợi chỉ chui vào hạt minh châu. Sau đó Lộc Đông Tán xoa đường vào chỗ lỗ ra của hạt minh châu. Lỗ trong viên minh châu rất nhỏ, con kiến bị thổi vào trong đó không thể nào quay người được, hơn nữa lại có sự cuốn hút của mùi đường ở đầu bên kia, thế là con kiến nhỏ gắng sức bò một mạch qua các đường gấp khúc nhằm về phía lối ra.

Đúng lúc con kiến bò qua đường gấp khúc thứ 9 của viên minh châu, Hoàng đế Thái Tông tuyên bố, cuộc thi thứ nhất, sứ giả Thổ Phồn chiến thắng, ngày mai sẽ bắt đầu cuộc thi thứ 2.

Cuộc thi thứ 2

Ngày thi thứ 2, Hoàng đế lại sai người triệu tập các sứ thần các nước lại. Mọi người thấy những đống gỗ xếp ngay ngắn, đề thi lần này là: phân biệt 100 thanh gỗ này đâu là phía gốc đâu là phía ngọn. Nhìn kỹ, những thanh gỗ này trông y hệt nhau, hai đầu cũng y như nhau, thậm chí cả những nếp nhăn xù xì của vỏ cây cũng như nhau.

Sứ giả các nước nhận được đề liền lập tức nghiên cứu những thanh gỗ đó. Có người quan sát vòng tuổi của mỗi thanh. Có người nhìn những vỏ cây trông giống nhau đó, cố tìm ra điểm khác biệt. Nhưng họ đều thất bại.

Khi đến lượt Lộc Đông Tán, ông thong thả bước lên, ông không quan sát những thanh gỗ mà sai người đem tất cả những thanh gỗ đó ném xuống nước. Chỉ thấy những thanh gỗ bị ném xuống nước đó, một đầu ngập nước sâu hơn đầu kia một chút, gốc nặng ngọn nhẹ. Thế là Lộc Đông Tán đã rất nhanh chóng phân biệt được đầu ngọn và đầu gốc của 100 thanh gỗ. Lộc Đông Tán đã chiến thắng liền 2 cuộc thi, nhưng Hoàng đế Thái Tông cho rằng, ông chỉ là khôn ngoan có chút mẹo vặt, chưa nói nên điều gì.

Cuộc thi thứ 3

Sáng sớm ngày thứ 3, mỗi sứ thần nhận được 100 vò rượu và 100 con dê do Hoàng đế Thái Tông sai người đem đến tặng, yêu cầu họ trước khi trời tối, họ phải uống hết 100 vò rượu, giết 100 con dê, rồi ăn hết thịt dê, sau đó lấy da dê vò thành da.

“Đây không phải là việc dễ hoàn thành, không sắp xếp cẩn thận tỉ mỉ, cứ lao vào làm, chắc chắn sẽ không thể hoàn thành được”. Lộc Đông Tán nghĩ vậy bèn cẩn thận lập kế hoạch và sắp xếp công việc: Ông chia cho các dũng sĩ theo ông mỗi người một con dê để họ giết thịt, rồi lệnh họ luộc chín thịt dê rồi thái thành những miếng nhỏ, chỉ để lại bộ da dê.

Làm xong tất cả những việc này, Lộc Đông Tán triệu tập họ lại, để mọi người ngồi thành vòng tròn, chia cho mỗi người một vò rượu, sau đó vừa trò chuyện vừa uống rượu, ăn thịt dê, vừa vò da dê. Lộc Đông Tán quy định rằng, mỗi người chỉ được ăn từng miếng thịt nhỏ, uống rượu từng hớp nhỏ, để tránh bị no và tránh say rượu. Vò da dê thì mỗi người vò mấy cái rồi chuyển cho người tiếp theo tiếp tục vò, để tránh mọi người sinh ra trạng thái chán nản. Như thế, thông qua việc phân công và hợp tác, Lộc Đông Tán không những hoàn thành nhiệm vụ mà Hoàng đế giao cho, ông còn dẫn dắt mọi người vui chơi rất vui vẻ.

Đến khi mặt trời xuống núi, Hoàng đế Thái Tông dẫn tùy tùng đến sứ quán các nước kiểm tra tiến độ công việc, thấy trong sứ quán Ba Tư, khắp nơi là da dê vứt bừa bãi; đến nơi sứ giả Ấn Độ ở, thấy lông dê máu dê hỗn loạn; trong sứ quán Hoắc Nhĩ, sứ giả cùng tùy tùng đang nhìn những khối thịt dê lớn, mà chưa biết làm thế nào cho vào miệng được; sứ giả Cách Tát Nhĩ thì đang say túy lúy.

Lúc này, trong sứ quán mà Lộc Đông Tán ở, thấy ông đang dẫn dắt mọi người, ai nấy đều đang vò da dê, còn phía trước là 100 vò rượu đã uống hết, xếp chỉnh tề ngay ngắn, chờ Hoàng đế đến kiểm tra. Cuộc thi lần thứ 3, lại là nước Thổ Phồn do Lộc Đông Tán dẫn dắt giành chiến thắng. Qua cuộc thi lần này, Đường Thái Tông đã bắt đầu cảm thấy rằng, Lộc Đông Tán không phải chỉ khôn ngoan có những mẹo vặt, mà thực sự có khả năng.

Cuộc thi thứ 4

Ngày thứ 4, Lộc Đông Tán và các sứ giả các quốc gia khác được Hoàng đế Thái Tông đưa đến một nơi nuôi chiến mã. Hoàng đế chia cho mỗi người 100 con ngựa mẹ, và 100 con ngựa con, yêu cầu họ ngày mai phải phân biệt được rõ quan hệ mẹ con của những con ngựa này. Đây chính là đề bài thi lần này.

Lộc Đông Tán nhận 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con rồi. (Tranh Bách Tuấn Đồ của Lang Thế Ninh đời Thanh)

Lộc Đông Tán nhận 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con rồi, không lập tức vội vàng phân biệt chúng, mà đi tìm những người chăn ngựa ở gần đó, hỏi họ về tập tính sinh hoạt của ngựa. Khi ông biết rằng, ngựa con đói thì trước tiên sẽ tìm đến ngựa mẹ của nó để bú sữa, thì ông đã có biện pháp rồi.

Lộc Đông Tán trở về sứ quán, lệnh cho người tách 100 con ngựa mẹ và 100 con ngựa con ra và nhốt lại một ngày một đêm. Ông cho ngựa mẹ nước uống và thức ăn đầy đủ, nhưng không cho ngựa con ăn chút gì. Hôm sau, Hoàng đế lại dẫn tùy tùng đến các sứ quán để kiểm tra công việc.

Sứ giả Ấn Độ dựa vào màu lông để phân biệt ngựa mẹ ngựa con, nhưng vẫn còn rất nhiều ngựa có màu lông giống nhau, không biết phân biệt thế nào. Kết quả không khiến Hoàng đế hài lòng.

Sứ giả Ba Tư thì phân biệt dựa theo kích thước, ông ta cho rằng, ngựa mẹ cường tráng thì cũng sinh ra ngựa con cường tráng, nhưng cuối cùng, vẫn còn rất nhiều ngựa có kích thước tương đương nhau, không thể nào phân biệt được, cứ để mặc chúng ở với nhau rồi ghép tùy ý, trông rất hỗn loạn.

Khi Hoàng đế Thái Tông đến sứ quán của Lộc Đông Tán, Lộc Đông Tán bèn lệnh cho người mở cửa chuồng ngựa, thả ngựa mẹ và ngựa con ra. Những chú ngựa con đói cả một ngày rồi, trông thấy mẹ nó, liền nhanh chóng xông đến bú. Thế là cứ một cặp ngựa mẹ ngựa con, trông qua là rõ ngay.

Để xác định Lộc Đông Tán có phải thực sự thông minh như thế hay không, Hoàng đế lại lệnh cho người tìm 100 con gà mẹ và 100 con gà con, yêu cầu Lộc Đông Tán ngay tại chỗ phân biệt rõ quan hệ mẹ con của những con quà này. Lộc Đông Tán sai người đem đến một bao gạo, rồi rắc gạo vào chỗ đàn gà. Những con gà con liền nấp dưới cánh gà mẹ và bắt đầu mổ gạo ăn. Tuy nhiên vẫn còn có mấy con gà con nghịch ngợm không đi tìm mẹ của chúng, mà tự mình nhởn nhơ chơi ở đó.

Một kế không thành công, Lộc Đông Tán lại nghĩa ra một cách. Ông sống nhiều năm ở cao nguyên, đã nhìn thấy vô số con chim ưng đực, và cũng đã học tiếng kêu của chim ưng. Thế là ông giả tiếng chim ưng, những chú gà con đang nhởn nhơ chơi kia, nghe thấy tiếng chim ưng thì vội vàng chạy đến nấp dưới cánh mẹ. Thế là Lộc Đông Tán đã chiến thắng ở cuộc thi thứ 4.

Cuộc thi thứ 5

Đến cuộc thi thứ 5, từ sáng cho đến mặt trời lặn, Lộc Đông Tán vẫn chưa nhận được bất kỳ tin tức gì. Tuy nhiên, ông vẫn không lo lắng sợ hãi. Hiếm khi được yên tĩnh, Lộc Đông Tán bèn trò chuyện với người cung nữ đang phục vụ ông, đồng thời cũng là cung nữ đã từng phục vụ Văn Thành Công chúa. Cung nữ đó nói với Lộc Đông Tán rằng, Công chúa đối đãi với mọi người rất khoan hậu, đoan trang xinh đẹp, nhất là một nốt ruồi đỏ giữa hai lông mày, khiến cô càng nổi bật khác người.

Đến khi trời tối, đúng lúc Lộc Đông Tán cho rằng, hôm nay sẽ không có cuộc thi, thì trong hoàng cung bỗng tiếng trống nổi lên vang dậy. Đó là tiếng trống triệu tập sứ thần vào cung nghị sự. Lộc Đông Tán vội vàng dậy thay y phục chỉnh tề rồi vào cung.

Khi ông dẫn theo tùy tùng chuẩn bị ra khỏi cổng thì phát hiện ra rằng, tối hôm nay trời tối lạ thường, đường bên ngoài rất khó đi. Vừa mới đến Trường An, lạ người lạ đất, ông liền nghĩ ra một cách, đến mỗi ngã ba ngã tư, đều đánh dấu, để tránh khi về bị nhầm đường.

Đến hoàng cung, Hoàng đế Thái Tông mở tiệc, nói rằng, từ khi các sử giả từ các nước đến Đại Đường, ông chưa mở tiệc thịnh soạn thết đãi mọi người, nên ông muốn nhân cơ hội này khoản đãi mọi người, cũng thuận tiện để mọi người tiêu trừ nỗi nhọc nhằn vì liên tiếp thi trong những ngày qua.

Suốt buổi tối, chủ khách vui vẻ hết mình, một bầu không khí vui vẻ thoải mái. Đến nửa đêm, sứ thần các nước đều say khướt, Hoàng đế Thái Tông tuyên bố, đề thi thứ 5 là, yêu cầu sứ thần các nước, với điều kiện không có người dẫn đường, tự trở về sứ quán của mình.

Có vị sứ thần say đến mức đi không vững chứ nói gì đến nhận dạng đường. Những người còn lại có thể cố gắng đi được, nhưng ở một đất nước xa lạ, lạ nước lạ cái, nên cứ đi vòng vòng ở thành Trường An.

Lộc Đông Tán tuy cũng có chút say, nhưng dựa vào những dấu hiệu mà ông đã đánh dấu lúc đi, nên đã nhanh chóng trở về sứ quán của mình. 5 cuộc thi, Lộc Đông Tán đều chiến thắng.

Cuộc thi cuối cùng

Chớp mắt đã đến thời gian cuộc thi cuối cùng rồi. Khi Lộc Đông Tán và sứ thần các nước được Hoàng đế triệu vào Hoàng cung, họ thấy trên điện đường có 300 mỹ nữ ăn vận, trang điểm gần giống nhau. Hoàng đế Thái Tông nói với các sứ thần rằng, trong 300 mỹ nữ này có Văn Thành Công chúa. Chỉ cần ai trong số họ tìm ra được đúng Công chúa, thì có thể rước Công chúa về nước mình.

Sứ thần Ấn Độ là người đầu tiên bước lên trước, ông ta cho rằng, con gái của Hoàng đế thì nhất định phải là người đẹp nhất, thế là ông ta dẫn một cô gái mà ông cho là đẹp nhất đi.

Sứ thần Ấn Độ là người đầu tiên bước lên trước. (Tranh Winnie Wang- Secretchina)

Tiếp theo là sứ thần Ba Tư, ông ta cho rằng, Công chúa nhất định sẽ mặc trang phục và nữ trang tốt nhất, thế là ông chọn cô gái có trang phục và nữ trang hoa lệ nhất, nhiều đồ trang sức nhất.

Sau đó là sứ thần Hoắc nhĩ và Cách Tát Nhĩ. Họ cũng dựa vào cảm giác của mình để nhận cô gái mà họ cho là Công chúa.

Lộc Đông Tán trước đây đã nói chuyện với vị cung nữ thân quen với Công chúa, thấy sứ thần các nước đều không tìm đúng Công chúa thực sự, ông liền yên tâm, bước đến chỗ một cô gái đang đứng ở một góc điện. Chỉ thấy cô gái này tuy ăn mặc đơn giản nhưng tướng mạo đoan trang, trang điểm đơn giản không che lấp được thần thái của cô, đặc biệt giữa hai lông mày có một nốt ruồi son sáng lấp lánh.

Ông bước tới trước cô gái, quỳ xuống hành lễ, chân thành nói với cô gái đó rằng: “Văn Thành Công chúa tôn kính, thần phụng mệnh Tạng Vương Thổ Phồn Tùng Tán Cán Bố đến cung thỉnh Công chúa về Thổ Phồn”.

Cô gái đó bước ra khỏi đội ngũ, nhẹ nhàng nói: “Có thần tử thông minh như thế này, thì quốc vương của các vị nhất định cũng là phi phàm, ta nguyện ý đi theo sứ thần về Thổ Phồn”.

Lộc Đông Tán đã chiến thắng trong cuộc thi cuối cùng, Đường Thái Tông như đã hứa, đã đồng ý gả Văn Thành Công chúa cho vua Thổ Phồn Tùng Tán Cán Bố.

Văn Thành Công chúa ở Tây Tạng

Được tin Hoàng đế Đường Thái Tông cuối cùng đã đồng ý gả Công chúa cho mình, Tùng Tán Cán Bố bắt đầu xây dựng cung Potala, thứ nhất là để tiện cho Công chúa đến cư trú, thứ hai là để biểu thị thành ý thật lòng của mình muốn cưới Công chúa. Hoàng đế Thái Tông đã tổ chức một đoàn đưa dâu cực lớn, họ mang theo Kinh Phật, sách y học, sách thuốc, hạt giống ngũ cốc, tơ lụa, đồ gốm sứ của Đại Đường, rầm rầm rộ rộ theo Văn Thành Công chúa đến Tây Tạng.

3 bí ẩn chưa được giải đáp của Cung điện Potala ở Tây Tạng
Cung điện Potala (Ảnh: pixabay)

Tùng Tán Cán Bố dẫn đoàn đón dâu đến Bách Hải đón rước, hành lễ con rể đối với Lý Tông Đạo, người thay mặt Hoàng đế đưa dâu, sau đó đưa Công chúa về Lhasa.

Từ khi kết hôn với Tùng Tán Cán Bố cho đến khi qua đời, Văn Thành Công chúa sống liền một mạch ở Tây Tạng gần 40 năm. Trong 40 năm này, cô đã truyền lại cho Tây Tạng các kỹ thuật làm giấy, làm rượu, đồ gốm, dệt lụa, nghề nông và văn hóa Phật giáo của vùng Trung Nguyên, khiến cho kinh tế, văn hóa và kỹ thuật sản xuất của Tây Tạng có bước tiến rất lớn, thúc đẩy sự hòa thuận của dân tộc 2 khu vực Trung Nguyên và Tây Tạng.

Ở Tây Tạng, Văn Thành Công chúa còn thiết kế và hỗ trợ xây dựng chùa Đại Chiêu và chùa Tiểu Chiêu, có những cống hiến rất lớn đối với nghệ thuật kiến trúc của Tây Tạng. Bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng mà cô đem theo, đến nay vẫn đang được người Tây Tạng thờ cúng.

Năm 680, Văn Thành Công chúa qua đời. Người dân Thổ Phồn đã dựng tượng để tưởng nhớ Công chúa, trải qua hơn 1300 năm, tượng Công chúa vẫn sừng sững trang nghiêm ở Lhasa.

Tường Hòa
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

6 cuộc thi quyết định ai được lấy Văn Thành Công chúa