8 sự kiện thần bí trong Tam quốc diễn nghĩa [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một trong 4 tác phẩm kinh điển kinh điển của Trung Quốc, kể về câu chuyện tranh giành quyền bá chủ thiên hạ của ba nước Ngụy, Thục và Ngô. Nội dung đặc sắc và có nhiều nhân vật, tất nhiên ngoài sự thật lịch sử cũng có xen lẫn một số yếu tố hư cấu. Hãy cùng điểm qua 8 sự kiện thần bí trong cuốn sách, những sự kiện này đã phản ánh đạo lý thiện ác hữu báo.

1. Lời thề độc của Tôn Kiên ứng nghiệm

Khi các chư hầu liên hợp để thảo phạt Đổng Trác, quân của Tôn Kiên dẫn đầu tiến vào hoàng cung và tìm thấy thi thể của một người phụ nữ trong giếng khô, từ trên thi thể này ông lấy được ngọc tỉ truyền quốc. Tôn Kiên nghĩ rằng giữ được vật này về sau sẽ có lợi cho mình, liền chiếm làm của riêng, sau đó nói dối rằng mình bị bệnh và muốn rút khỏi liên minh thảo phạt.

Thủ lĩnh Viên Thiệu sớm nắm được tin tình báo đã yêu cầu Tôn Kiên giao ngọc tỉ, nhưng Tôn Kiên không chịu thừa nhận mình đã lấy được ngọc tỉ, ông còn dám thề rằng nếu thật sự cất giấu ngọc tỉ thì ông sẽ chết không yên thân. Không ngờ, lời thề độc sau này đã ứng nghiệm.

Trong cuộc vây hãm tấn công Tương Dương, cờ soái của quân đội Tôn Kiên đột nhiên bị gãy một cách khó lý giải, người ta cho rằng đây là điềm chẳng lành và sẽ làm tổn hại đến chủ soái. Quả nhiên, sau đó trong một lần bị phục kích, Tôn Kiên bị một mũi tên bắn xuyên qua cơ thể và bị một tảng đá đập vào đầu. Ông chết thảm trong rừng khi mới chỉ 37 tuổi.

2. Đổng Trác hành ác bị Trời trừng phạt

Tư Đồ Vương Doãn bày mưu tính kế để giết Đổng Trác, phái người dụ hắn ta vào kinh. Trong chuyến đi này, lần lượt xảy ra 5 điềm báo: Khi xuất phát, mẫu thân Đổng Trác hoảng sợ, bồn chồn; trên đường đi, bánh xe bị gãy, ngựa đứt dây cương; thời tiết thay đổi đột ngột, trời âm u mù mịt, cát bay đá chạy, cản trở hành trình; bên ngoài thành Trường An xuất hiện bài đồng dao cảnh báo; trước cửa cung, một đạo nhân mặc áo bào xanh viết chữ “Lã".

Tuy nhiên, tất cả những điềm báo này đều không khiến Đổng Trác chú ý, cuối cùng dẫn đến cái chết của ông. Sau đó, tàn quân của Đổng Trác là Lý Giác và Quách Tỷ dẫn binh vào Trường An, chuẩn bị thu xác của ông thì bất ngờ trời mưa to, sấm sét làm nổ tung quan tài của Đổng Trác. Sau khi nhập liệm an táng, lại vẫn bị như thế. Sau ba lần liên tiếp, cơ thể Đổng Trác bị sét đánh nổ tung. Xem ra, tội ác của Đổng Trác đã bị Trời cao trừng phạt.

3. Tôn Sách giết oan Đạo nhân, phải chịu quả báo

Sau khi Tôn Kiên chết, con trai của ông là Tôn Sách trở thành người kế vị, trấn giữ Giang Đông. Có một năm hạn hán khốc liệt, không thu hoạch được mùa màng. Một hôm, Tôn Sách nhìn thấy Đạo sĩ Vu Cát làm phép hô mưa gọi gió được mọi người vây quanh. Tôn Sách với tính khí nóng nảy, cho rằng đây là giả thần giả quỷ, mê hoặc lòng người nên ra lệnh bắt giam mà không để ý đến sự phản đối của mọi người, rồi đem Vu Cát xử tử.

Sau đó, mỗi đêm đi ngủ Tôn Sách đều gặp ác mộng, nhìn thấy Vu Cát máu me đầy người, đứng bên giường ông. Tôn Sách gặp ác mộng liên tục nhiều đêm, khiến tinh thần hoảng hốt, không thể lo liệu chính sự.

Ông đành bất đắc dĩ nghe lời khuyên bảo đến Ngọc Thanh quán thắp hương, không ngờ, ở cổng vào điện đường ông lại thấy Vu Cát. Tôn Sách vô cùng tức giận và vung kiếm chém chết, không ngờ người bị giết là tên lính đã hành hình Vu Cát, còn Vu Cát vẫn ngồi trên mái nhà. Tôn Sách càng tức giận và sai người huỷ điện đường của đạo quán.

Sau khi hồi cung, Tôn Sách rửa mặt xong soi gương, không ngờ trong bên trong mặt gương chiếu ra hình mặt của Vu Cát. Tôn Sách hoảng hốt, ngã nhào xuống đất, vết thương cũ bộc phát, cuối cùng chết lúc mới chỉ 26 tuổi.

4. Quan Công hiển linh

Sau khi Quan Vũ thua chạy đến Mạch Thành bị tiểu tướng Mã Trung của Đông Ngô sát hại, ông không cam lòng, âm hồn bất tán, thường cưỡi ngựa hành tẩu trong không trung, thường hô lớn “trả đầu ta đây", khiến cho bầu không khí nơi đó hết sức nặng nề.

Quan Công

Hồn phách của Quan Vũ còn từng ám vào Lã Mông, khiến ông ta phát điên trong tiệc rượu, trước mặt văn võ bá quan, túm lấy Tôn Quyền mà nhục mạ. Sau khi mắng xong, chỉ thấy Lã Mông xuất huyết từ 7 khiếu mà chết, mọi người đều chấn kinh. Về sau, Quan Vũ còn báo mộng cho Lưu Bị biết mình bị giết hại.

Về sau, khi linh hồn của Quan Vũ đi qua núi Ngọc Tuyền, được Phổ Tịnh pháp sư điểm hoá, liền thành chính quả, vì sự cống hiến cho bách tính, ông được bách tính tôn làm Thần, lập miếu thờ phụng.

5. Gia Cát Lượng bái miếu thoát khỏi khốn cùng.

Để ổn định hậu phương, Gia Cát Lượng đích thân dẫn đại quân nam chinh Mạnh Hoạch. Khi đại quân đi qua Thốc Long động (động rồng trọc), bị mắc kẹt vì suối độc, không ít binh sĩ bị trúng độc, nguy cơ trong một sớm một chiều. Không thể làm gì được, Gia Cát Lượng trèo đèo lội suối, cuối cùng cũng tìm đến được miếu thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện.

Vì ông thành kính tế bái Thần linh, Sơn Thần Thổ Địa nơi đó cảm động mà hoá thành người chỉ điểm cho ông, tìm được cách hóa giải, chẳng những chữa được bệnh cho binh lính, mà ông còn tìm được nguồn nước có thể uống được, đặt được cơ sở cho chiến thắng sau này.

6. Tháo gỡ tượng đồng gây ra bi kịch

Tào Duệ lên ngôi không lâu sau thì tiến hành xây dựng rất nhiều công trình, kiến tạo nhiều cung điện và lâm viên. Căn cứ theo thiết kế và ý đồ truy cầu trường sinh bất lão, ông sai người đem tượng đồng ở Trường An chuyển tới Kiến An.

Bởi vì tượng đồng rất cao lớn và nặng, không thể vận chuyển toàn bộ, thế là, có người nghĩ ra kế sách cắt ra. Tượng đồng này được đúc vào thời Hán Vũ Đế, trải qua mấy trăm năm và đã có linh tính. Khi hay tin bị tháo dỡ, đôi mắt của tượng đồng đột nhiên chảy nước mắt. Ngay sau đó, một trận gió cuồng phong nổi lên, tượng đồng đổ ập xuống, gây ra bi kịch khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

7. Gia Cát Khác vì tàn bạo mà bị tru sát

Sau khi quan Thái phó nước Ngô là Gia Cát Khác bị bại trận hồi triều, trong lòng rất uất ức, lộ ra bản tính tàn bạo dối trá, ông không chỉ hãm hại bạn cùng làm quan, mà còn giết hàng chục tên lính gác cổng phủ, khiến cho lòng người bàng hoàng, ngay cả tiểu Hoàng đế Tôn Lượng do ông dựng lên cũng muốn trừ khử ông. Vì thế, dưới sự kiến nghị của mấy vị đại thần, Tôn Lượng chuẩn bị tru sát Gia Cát Khác.

Đêm hôm đó, Gia Cát Khác trong mộng nhìn thấy mấy chục oan hồn bị hắn giết chết một cách vô tội đến lấy mạng ông. Sáng dậy rửa mặt, ông ngửi thấy mùi máu tanh trong chậu.

Trước khi ông ra ngoài, một con chó vàng trong nhà đã cắn quần áo của ông và kêu khóc như một đứa trẻ. Trên đường đi, phía trước xe chợt lóe một tia sáng trắng, bay vút lên trời cao. Cuối cùng ông bị tru sát. Sau khi chết, linh hồn của ông nhập vào một người giúp việc trong nhà và báo tin về cho gia đình, nhưng ông vẫn không tránh khỏi kết cục bi thảm là cả gia đình bị giết.

8. Vũ Hầu hiển linh hộ bách tính

Ngụy tướng là Chung Hội dẫn binh tiến công nước Thục, khi đi ngang qua núi Định Quân, suốt đêm nghe thấy tiếng la hét giết chóc, nhưng không thấy quân địch tấn công. Vò võ suốt đêm như vậy, các binh sĩ không được nghỉ ngơi.

Hôm sau đại quân hành quân, cuồng phong gào thét, trời đất tối đen, như có vô số binh mã đuổi theo. Quân Nguỵ vội vàng rút lui, nhiều người quăng mũ cởi giáp, số lượng ngã bị thương cũng không ít.

Chung Hội không biết phải làm sao, sau khi được chỉ điểm, ông đã đến trước mộ của Gia Cát Lượng thành kính tế bái, mới khiến cho gió lặng mây tan. Vào ban đêm, Gia Cát Lượng báo mộng cho ông, khuyên bảo ông không nên tùy ý giết người vô tội, và Chung Hội đã làm theo. Trong các trận chiến sau đó, ông kiên định chính sách giết ít hơn và thận trọng hơn, nhờ đó mà nhiều bách tính có thể bảo toàn được tính mạng.

Lam Sơn
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

8 sự kiện thần bí trong Tam quốc diễn nghĩa [Radio]