Ai tác động khiến Đặng Tiểu Bình quyết định xuất quân đánh Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình điều 600.000 quân Trung Quốc xâm lược Việt nam. Trong một tháng, quân đội Trung Quốc đã thiệt mạng hơn 20.000 người, vô số người bị thương, cuối cùng phải rút quân mà không có kết quả gì. Tại sao Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quyết định tốn kém này?

Phó Cao Nghĩa, Giáo sư Đại học Harvard, tiết lộ trong cuốn sách "Thời đại Đặng Tiểu Bình" của mình rằng, kế hoạch xuất quân của Đặng đã vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức cấp cao trong quân đội, nhưng một câu nói của Trần Vân đã thúc đẩy Đặng quyết định xuất quân.

Cuốn sách "Thời đại Đặng Tiểu Bình" tiết lộ rằng, lãnh đạo Khmer Đỏ Campuchia Pol Pot vì đã gây ra những cuộc tấn công lớn vào dân chúng Campuchia và cộng đồng Việt Kiều ở Campuchia, nên đã bị quân đội Việt Nam tiến đánh. Bị áp lực mạnh mẽ, Pol Pot yêu cầu Đặng Tiểu Bình gửi "quân tình nguyện" để giúp Campuchia. Bất chấp sự lên án mạnh mẽ của phương Tây về chế độ chuyên chế tàn bạo của Pol Pot đối với người dân Campuchia, Đặng Tiểu Bình sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ ông ta. Đặng Tiểu Bình cho rằng, Pol Pot là nhà lãnh đạo Campuchia duy nhất có thể chống lại Việt Nam một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình không muốn đưa quân đội Trung Quốc sang Campuchia, Đặng cho rằng, điều này sẽ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến tốn kém, và khó có thể kiểm soát được, thậm chí mất kiểm soát khu vực. Đặng muốn một "Cuộc chiến tranh nhanh chóng", giống như quân đội Cộng sản Trung Quốc đã làm ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vào năm 1962. Đặng muốn tấn công Việt Nam một cách nhanh chóng, chớp nhoáng.

Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã vấp phải sự phản đối rộng rãi từ các thành viên khác của Ủy ban Quân ủy Trung ương, vì họ cảm thấy quân đội không sẵn sàng chiến đấu. Quân đội Trung Quốc vẫn chưa phục hồi từ sự tàn phá của Cách mạng Văn hóa, kỷ luật tan rã và huấn luyện không đầy đủ. Ngoại trừ hơn 1.100 cuộc va chạm nhỏ với Việt Nam trên tuyến biên giới năm 1978, quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ chiến đấu kể từ cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn năm 1962, trong khi quân đội Việt Nam đã chiến đấu với quân đội Pháp, miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Quân đội Việt Nam cũng sở hữu các thiết bị hiện đại của Liên Xô. Liên Xô đã cung cấp và hỗ trợ kinh tế đáng kể cho Việt Nam, kể từ sau thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1975.

1959 Chen Yun.jpgTrần Vân, người đã đưa ra ý kiến quyết định giúp Đặng Tiểu Bình yên tâm tấn công Việt Nam (Phạm vi công cộng)

Ngoài ra, nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nghi ngờ liệu cuộc tấn công vào Việt Nam có khôn ngoan hay không. Một số người cho rằng, việc Trung Quốc mới bắt đầu hiện đại hóa, việc chuyển nguồn lực khan hiếm, cần thiết để xây dựng một ngành công nghiệp hiện đại, sang sử dụng cho cuộc chiến không cần thiết, là không khôn ngoan. Một số người lo ngại rằng, quân đội chưa được chuẩn bị thích hợp. Những người khác cho rằng, các cuộc tấn công quân sự sẽ khiến Việt Nam thù địch lâu dài với Trung Quốc.

Mối quan tâm lớn nhất của một số quan chức cao cấp ĐCSTQ là: cuộc xâm lược việt nam có thể kéo Liên Xô với sức mạnh quân sự khổng lồ vào cuộc xung đột. Xem xét rủi ro to lớn này, Đặng Tiểu Bình đã trưng cầu ý kiến các quan chức lão thành khác về khả năng can thiệp của Liên Xô. Sau khi đánh giá cẩn thận, Trần Vân cho rằng, Liên Xô ở biên giới Trung-Xô, nơi có nhiều khả năng tấn công Trung Quốc nhất, đang thiếu binh sĩ nghiêm trọng, tấn công Trung Quốc cần phải điều động quân đội từ Châu Âu, và phải mất một tháng để hoàn thành. Trần Vân kết luận rằng, nếu thời gian chiến đấu ngắn, cơ hội cho Liên Xô can thiệp là rất nhỏ.

Hình ảnh cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình chụp năm 1979. (Phạm vi công cộng)

Cuốn sách này cũng tiết lộ rằng, sau khi nghe Trần Vân đánh giá, Đặng Tiểu Bình quyết tâm xuất quân đánh Việt Nam. Đặng tuyên bố rằng, thời gian chiến đấu sẽ không kéo dài hơn so với cuộc tấn công Ấn Độ (33 ngày) vào năm 1962, và chỉ chiến đấu trên mặt đất, không sử dụng không quân. Đặng Tiểu Bình biết rằng, các phi công Việt Nam vào thời điểm đó mạnh hơn Trung Quốc trong huấn luyện, và Trung Quốc cũng không tiếp cận các sân bay của Việt Nam. Hơn nữa, tránh không chiến có thể làm giảm cơ hội can thiệp của Liên Xô.

Sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, sự kháng cự hiệu quả của người Việt Nam vượt quá dự tính của Đặng Tiểu Bình, khiến các sĩ quan quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc hoảng loạn vì đã chuẩn bị không đầy đủ. Ban đầu dự kiến trong vòng một tuần, sẽ giành chiến thắng tại 5 thành phố thủ phủ của 5 tỉnh biên giới của Việt Nam, nhưng phải đến ba tuần sau khi khai chiến, quan đội ĐCSTQ mới đánh chiếm được Lạng Sơn.

Cuối cùng, quân đội Cộng sản Trung Quốc đã đánh chiếm được 5 thủ phủ của 5 tỉnh biên giới của Việt Nam bằng chiến thuật biển người, nhưng con số thương vong cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ước tính quân đội Trung Quốc có khoảng 25.000 người thiệt mạng và 37.000 người bị thương trong trận chiến. Tạp chí Times cho rằng, quân đội Trung Quốc thiệt mạng trên 20.000, trong khi đó quân đội Việt Nam thiệt mạng dưới 10.000 quân.

Hàng chục ngàn thanh niên trẻ khỏe của 2 nước đã trở thành nạn nhân của cuộc đấu tranh chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là Đặng Tiểu Bình, người đã lợi dụng cuộc chiến này mà leo lên vị trí lãnh đạo cao nhất.

Đại Minh
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Ai tác động khiến Đặng Tiểu Bình quyết định xuất quân đánh Việt Nam