Ăn mày cao thượng: thà rằng canh cặn cơm thừa, còn hơn nén bạc nhận bừa, biết đâu...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài người "ăn mày vĩ đại" là Vũ Huấn, ăn xin để xây trường học cho con em dân nghèo được đến trường, thời nhà Thanh còn có một người ăn mày kỳ lạ khác, được mọi người ca ngợi là "ăn mày cao thượng".

Khi nhắc đến ăn mày, người ta thường nghĩ đến những người nghèo khó cơ cực phải xin ăn từng bữa, đói khát vô chừng.

Tuy nhiên thời đại khác nhau, xã hội khác nhau và tiêu chuẩn đạo đức vì thế cũng khác nhau. Đối với cổ nhân mà nói, nhân phẩm thứ nhất, vật phẩm thứ nhì, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, là công cụ để hỗ trợ cuộc sống mà thôi. Còn nhân phẩm đạo đức mới là điều làm nên cốt cách của một con người.

Vào triều đại nhà Thanh, tại cửa thành Nam Môn huyện Vĩnh Thanh có một người ăn xin, mọi người thường gọi là "Trương ăn mày". Sau khi phụ thân Trương ăn mày qua đời, Trương ăn mày dựa vào việc xin ăn khất thực để phụng dưỡng mẹ già. Vì nghèo nên không có nhà cửa để ở, Trương ăn mày đào một cái hầm nhỏ để hai mẹ con trú mưa trú nắng.

Một hôm vào mùa đông, tuyết rơi dày đặc, quan tri huyện tên là Ngụy Kế Tề đi ngang qua hầm ở của hai mẹ con Trương ăn mày, nghe thấy tiếng hát trong hầm truyền vọng ra. Tiếng hát tuy không được gọi là đặc sắc nhưng âm thanh lại trong trẻo, ca từ cảm động khiến người nghe cảm giác nhẹ nhàng ấm áp. Nguỵ tri huyện cảm thấy rất lạ kỳ. Tuỳ tùng đi theo nói: “Đây là tiếng hát của Trương ăn mày".

Quan tri huyện nghe vậy nên gọi Trương ăn mày ra hỏi chuyện. Trương ăn mày đáp: “Hôm nay là sinh nhật mẫu thân của tiểu nhân, tiểu nhân hát một bài chúc mừng sinh nhật cho mẫu thân nghe, cũng là mong bà ăn thêm một chút".

Nghe xong quan tri huyện lệnh cho thuộc hạ dùng xe đưa mẹ con Trương ăn mày về phủ. Mẫu thân của quan tri huyện lấy một ít áo ấm và thức ăn cho mẹ của Trương ăn mày còn quan tri huyện lấy 10 quan tiền đưa cho Trương ăn mày. Trương ăn mày quỳ xuống dập đầu đáp: “Mẫu thân của tri huyện thưởng đồ cho mẫu thân của tiểu nhân, mẹ con tiểu nhân không thể không nhận. Tri huyện lão gia thưởng tiền cho tiểu nhân, tiểu nhân không dám nhận".

Nguỵ tri huyện thấy vậy hỏi: “Số tiền này chẳng phải tốt hơn chỗ cơm thừa canh cặn hàng ngày ngươi phải vất vả mới xin được hay sao?”.

Tiền
Nguỵ tri huyện cho mẹ con tiền. (Ảnh minh hoạ)

Trương ăn mày trả lời: “Không! Mẹ con tiểu nhân ăn cơm thừa canh cặn lâu rồi, trong lòng chúng tôi rất an nhiên thực tại, nó không có gì là không sạch sẽ cả. Tiểu nhân chỉ là thứ bách tính thường dân vô tri ngu muội, không biết 10 quan tiền này tri huyện lão gia từ đâu mà có được. Mẫu thân tiểu nhân năm nay đã 80 tuổi, tiểu nhân cũng đã 61 rồi, mẹ con tiểu nhân chỉ hy vọng người làm quan đều là quan thanh bạch, bách tính được hưởng an bình, như thế thì mẹ con tiểu nhân cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.

Nguỵ tri huyện nghe vậy thấy vô cùng chấn động, trán đổ mồ hôi, không miễn cưỡng Trương ăn mày nhận tiền nữa. Tuy nhiên sau đó tri huyện lại cho người dựng cho mẹ con Trương ăn mày một căn nhà nhỏ ở ngõ Kim Hoa trong thành để mẹ con Trương ăn mày ở. Sau khi Trương ăn mày biết được sự việc này, ông liền lặng lẽ cõng mẹ rời khỏi huyện Vĩnh Thanh đi nơi khác, cũng không ai biết mẹ con Trương Ăn mày đi đâu.

Quả là:

Khen thay lão ăn mày,
Tiền tài chẳng để tâm.
Chỉ mong quan lại tốt,
Người người đều thanh liêm.

 

Cư thân tròn đạo hiếu
Xử thế cầu thiện lương
Chớ chê ông nghèo khổ
Cao thượng Trương ăn xin.

Vũ Minh (biên dịch)

Tác giả: Trịnh Niệm Hành
Theo epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Ăn mày cao thượng: thà rằng canh cặn cơm thừa, còn hơn nén bạc nhận bừa, biết đâu...