An ninh lương thực của Trung Quốc: khi khủng hoảng thực sự lại từ văn hóa cai trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã có nhiều lần mảnh đất Hoa lục trải qua nạn đói, nhưng khác biệt là ở trong cách ứng xử xưa nay

Ăn cơm là việc lớn

Ngày 7/3/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "An ninh lương thực là 'việc lớn của đất nước'. Trong muôn nghìn công việc, ăn cơm là việc lớn". Tuyên bố này thể hiện tinh thần của Văn kiện số 1 của Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc ban hành cuối tháng 2 vừa rồi: "Ổn định diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực cả năm. Giữ vững bát cơm của người dân Trung Quốc … đảm bảo rằng diện tích gieo hạt ổn định, sản lượng đạt hơn 1,3 nghìn tỷ cân [Trung Quốc]” (tương đương với 650 tỷ kg).

Chính quyền Bắc Kinh đang bị lay gọi để tạm thời tỉnh khỏi “Giấc mộng Trung Hoa” - giấc mộng về một siêu cường thống trị hoàn cầu - và ưu tiên cho việc ổn định chén cơm trước mắt.

Thực ra, trong hoàn cảnh đáng lo ngại của Trung Quốc hiện nay, lo cho miếng ăn là việc cấp bách bắt buộc phải làm. Trung Quốc đương đại đất rộng, người đông nhưng xét về điều kiện tự nhiên thì không có nhiều đất canh tác với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp. Chưa hết, vì chính quyền nước này đã đánh đổi môi sinh cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm, nên tài nguyên nước sạch và đất canh tác lại càng thêm eo hẹp. Trung Quốc luôn phải nhập khẩu rất nhiều nông sản từ Hoa Kỳ, Nga, Ukraine và các quốc gia nông nghiệp khác, nhưng chiến tranh, thiên tai và tình hình thế giới bất ổn khiến Trung Quốc hết sức bị động, hình thành một áp lực nặng nề lên nhu cầu lương thực của quốc gia này, có thể liên đới đến sinh tồn của chế độ.

Vấn đề là làm sao để triển khai cho hiệu quả và có thực chất.

Chính quyền Bắc Kinh đã ra sức thúc đẩy việc chuyển đổi rừng, ao, vườn… thành ruộng canh tác. Phong trào này đột ngột leo thang kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ.

Vào ngày 28/3, người dân Trung Quốc tiết lộ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, một lượng lớn các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi đang có thu nhập tốt đã bị chính quyền cưỡng chế san bằng. Ngay cả các công trình công cộng đã được xây dựng nhiều năm cũng bị buộc phải phủ đất để trồng cây lương thực. Những người dân đứng ra phản đối đã bị chính quyền đàn áp nghiêm khắc.

Một quan chức ở tỉnh Hồ Bắc xác nhận với RFA rằng, chính quyền trung ương đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ việc khôi phục đất canh tác, xác thực rằng tất cả các địa phương đều đã nhận được thông báo. Trung ương đã ra chỉ thị, lãnh đạo cao nhất đã tuyên bố nên áp lực sát hạch từ trên xuống dưới là cực lớn. Không có ngoại lệ, không xét đến đặc thù địa phương, cũng không quan tâm đến hoàn cảnh thực tế, đối phó và dối trá ắt sẽ sinh ra. Đường đến thành công gian nan là việc thấy rõ.

Ví dụ, những địa phương phát triển công nghiệp và ngành bất động sản như tỉnh Quảng Đông cũng bị ép chỉ tiêu khôi phục khoảng 800.000 mẫu đất trong vòng một năm. Quỹ đất đã giành hầu hết cho việc xây dựng khu công nghiệp hay khu đô thị mới thì trồng cấy ở đâu? Thôi thì “trên” đã ra chỉ thị, “dưới” phải thi hành. Đối với đảng viên, điều lệ quan trọng nhất là tuyệt đối phục tùng cấp trên, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng. Vậy nên, có nơi rải một lớp đất mỏng lên nền bê tông, thậm chí có nơi còn phủ đất lên bãi rác thải công nghiệp để trồng hoa màu, cốt sao cho đủ số mà trung ương giao phó.

Đài RFA bình luận rằng, mỗi một cuộc vận động của chính quyền Trung Quốc đều gây ra tổn thất nghiêm trọng cho dân chúng.

Phải chăng ý họ muốn nói đến những cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ từ thời Mao Trạch Đông, có những danh từ như “Đại nhảy vọt”, “Trăm hoa đua nở”, “Đại cách mạng văn hóa” v.v. đến nay còn để lại ấn tượng ớn lạnh và bóng ma của chúng hãy còn lởn vởn trong bầu không khí Trung Nam Hải. Để hiểu hiện tại, trước hết hãy tìm về quá khứ.

Người phương Tây thấy gì từ cuộc "Đại nhảy vọt" tại Trung Quốc?1
Trong chiến dịch Đại nhảy vọt, nông dân phải chuyển qua sản xuất gang thép hàng loạt. (Ảnh: Invisiblephotographer)

Hoàn cảnh ra đời của cuộc vận động “Đại nhảy vọt”

Phong trào này xuất phát từ ý tưởng của Mao Trạch Đông, lần đầu biểu hiện trong chuyến đi thăm Liên Xô vào tháng 11 năm 1957, khi Liên Xô kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nước. Mao khi đó đã phát biểu rằng, trong vòng 15 năm tới, Liên Xô sẽ vượt Mỹ về công nghiệp luyện kim và các ngành công nghiệp khác. Còn Trung Quốc sẽ vượt Anh. Bài phát biểu “coi trời bằng vung” này khiến Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô là Nikita Khrushchyov hết sức lo ngại.

Trở về, Mao dốc sức thúc đẩy Đại nhảy vọt. Ý tưởng trung tâm của nó là công nghiệp và nông nghiệp từ xuất phát điểm rất thấp, sau một thời gian ngắn (một kế hoạch 5 năm chẳng hạn), phải đạt được một quy mô và trình độ rất cao, như Mao đã lấy Mỹ và Anh để làm “mục tiêu phấn đấu”.

Sau chuyến đi Moscow tháng 11/1957, Mao bay đi Nam Ninh để dự hội nghị đảng. Trong hội nghị này, Mao đã “giương đao lập uy”, vừa thu phục vừa đe dọa cán bộ dưới quyền để họ buộc phải đồng thuận với ông ta về những mục tiêu không tưởng.

Trước hội nghị, Mao chất vấn Châu Tiểu Châu – bí thư thứ nhất tỉnh Hồ Nam: Tại sao sản lượng nông nghiệp ở Hồ Nam không tăng? Tại sao nông dân Hồ Nam chỉ thu hoạch được một vụ trong năm?

Châu Tiểu Châu lý giải rằng: điều kiện khí hậu ở Hồ Nam chỉ cho phép thu hoạch một vụ duy nhất. Mao lại lấy Chiết Giang ra so sánh, với điều kiện khí hậu tương tự Hồ Nam, Chiết Giang vẫn thu hoạch được hai vụ trong năm. Từ đó Mao quy kết Châu Tiểu Châu không chịu học hỏi kinh nghiệm của người khác, cho đến khi Châu Tiểu Châu buộc phải khẳng định rằng sẽ làm hai vụ ngay lập tức, Mao vẫn chưa nguôi cơn giận.

Hội nghị Nam Ninh khai mạc vào ngày 11/1/1958 đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng bao trùm. Mao chỉ trích tất cả những người soạn thảo kế hoạch kinh tế của ĐCSTQ cho rằng kế hoạch đuổi kịp và vượt Anh Quốc trong 15 năm là ảo tưởng, chỉ có rất ít người không bị Mao đụng tới. Kết quả là có những cán bộ bị ép đến mức gần như phát điên, suy sụp rồi chết, như Hoàng Kính – chủ nhiệm ủy ban kinh tế và kỹ thuật.

Tiếp theo cuộc hội nghị đảng ở Nam Ninh là các cuộc họp đảng do Mao triệu tập. Ở đó Mao châm chọc, nịnh nọt, giận dữ buộc tội cấp dưới làm kinh tế trì trệ, chậm phát triển. Kết quả là sau mỗi cuộc họp, những chỉ tiêu kế hoạch lại được nâng lên một chút. Cho đến Đại hội ĐCSTQ lần thứ 8 vào tháng 5/1958, kế hoạch Đại nhảy vọt đã được lập xong, cùng với việc hình thành đội ngũ nịnh thần sẵn sàng hùa theo và ca tụng Mao làm những điều không tưởng, thậm chí cuốn Mao đi tới những giấc mộng thành tích còn hoang dại hơn nữa.

Những màn “nhập đồng” và hậu quả của Đại nhảy vọt

“Công xã nhân dân” là tên gọi của Mao để chỉ những hợp tác xã nông nghiệp hợp nhất lại. Chỉ cần hai lần đi thị sát với từ “Công xã nhân dân” trên môi, Mao đã khiến báo chí đảng lan truyền nó như phát cuồng trên toàn quốc và tất cả các bí thư đảng ở các cấp răm rắp tuân theo phát biểu tùy hứng của Mao như chiếu chỉ của hoàng đế. Cuộc đua thành tích đã thực sự bắt đầu.

Mao Trạch Đông dựng cơ đồ từ việc phê phán Khổng Tử, và đã dự ngôn thời gian mà ĐCSTQ tôn Khổng cũng đã hết.
“Công xã nhân dân” là tên gọi của Mao để chỉ những hợp tác xã nông nghiệp hợp nhất lại. (Ảnh: commons.wikimedia)

Ở tỉnh An Huy là nơi Mao chứng kiến những lò luyện kim gia đình – ý tưởng của Mao trong lúc “trà dư tửu hậu” – được bí thư tỉnh Tăng Huy Sinh răm rắp thực hiện như thế nào. Đây là những chiếc lò được người dân xây từ gạch và vôi vữa, trong đó tất cả những vật dụng kim loại của gia đình như nồi, chảo, tay nắm cửa, cuốc xẻng v.v. đã được tống vào để gia tăng sản lượng sắt thép của quốc gia. Mô hình này khiến Mao càng vững tin hơn vào khả năng vượt nước Anh trong vòng 15 năm về sản lượng sắt thép và lập luận rằng tại sao cứ phải xây dựng những nhà máy luyện kim hiện đại trị giá hàng triệu Mỹ kim, trong khi sắt thép có thể được luyện ra dễ dàng trong những chiếc lò gạch này? Thực tế là những con dao, những nồi niêu xoong chảo, cuốc xẻng bằng thép tốt được nấu chảy ra để rồi lại được rèn thành chính chúng với một chất lượng tệ hơn nhiều. Cứ thế, lò luyện kim gia đình mọc lên như nấm sau mưa trên toàn quốc.

Nhân lực đã bị dồn hết cho việc luyện kim, không còn mấy người thu hoạch lúa. Vậy mà báo cáo của các tỉnh về sản lượng thu hoạch ngũ cốc lên đến khoảng 10 nghìn cân trên một mẫu (đơn vị Trung Quốc) tức 75 tấn/hecta (*). Để làm hài lòng Mao và vun vén cho tương lai chính trị của mình, các cán bộ cao cấp nhất thi nhau báo cáo những con số ảo, rồi gây sức ép xuống cho cấp dưới phải thi hành bằng được. Cán bộ cấp dưới lại ép xuống cấp thấp hơn và cuối cùng vẫn là nông dân bị hành hạ, buộc phải theo cán bộ diễn nhiều trò. Những số liệu về sản lượng lương thực tăng từ 10 nghìn, 20 nghìn, 30 nghìn… thậm chí đến 200 nghìn cân một mẫu.

Mao đi thị sát để chứng kiến những thành tích gây phấn chấn của địa phương và được tung hô như hoàng đế. Ở khắp nơi là những lò luyện rực sáng ngày đêm. “Tinh thần thi đua” lập thành tích cũng cháy rừng rực như lửa trong lò. “Những thống kê về sản lượng ngũ cốc và sản lượng thép đều đạt kết quả cao. Những trạm phổ biến tin vui được thành lập ở các nhà ăn của công xã. Cờ đỏ phất lên, chiêng trống khua vang khi mỗi trạm thi đua đạt những con số cao nhất với các tổ đội và các công xã láng giềng.” (1)

Nhưng sản phẩm thép tinh luyện mà người ta dâng Mao xem, thì được sản xuất ở nơi khác. Còn “ở Hồ Bắc, ông bí thư đảng đã ra chỉ thị mang lúa từ những cánh đồng xa đến trồng dọc theo đường tàu, tạo cho Mao cảm giác được mùa. Những cây lúa được trồng sát nhau đến nỗi người ta phải sử dụng quạt điện để tăng cường lưu thông không khí trên cánh đồng và để cho lúa khỏi úa vàng. Cả đất nước Trung Quốc là một sân khấu và toàn dân trình diễn một vở kịch cho Mao chủ tịch xem.”(2)

Mùa màng không có người gặt, thóc lúa mục nát trong khi kho đụn trống rỗng. Báo cáo nhiều thì phải nộp tô nhiều, nông dân không còn lương thực để ăn, trong khi đó phần lớn ngũ cốc nộp tô cho nhà nước lại được chuyển sang Liên Xô để trả nợ, để Mao giữ được thể diện về sự đúng đắn của Đại nhảy vọt, và còn để đổi lấy bom nguyên tử. “Thậm chí Mao nói xác người đem làm phân bón ruộng là xong. Để làm phong trào Đại Nhảy vọt, Mao còn nói không tiếc chết một nửa số dân cả nước.”(3) Mao và các quan chức cao cấp say sưa yến ẩm với thành công giả tạo. Trong khi đó thì nạn đói lớn đã diễn ra.

ĐCSTQ lý luận nạn đói là do thiên tai, mặc dù thực tế là thời tiết năm 1958 rất thuận lợi, nông sản được mùa. “Con số người chết vượt bậc chính thức được ghi nhận tại Trung Quốc trong những năm của Đại nhảy vọt là 14 triệu, nhưng các học giả ước tính rằng con số nạn nhân chết đói là từ 20 đến 43 triệu” (4).

Trong lịch sử, đã nhiều lần diễn ra nạn đói trên mảnh đất Hoa lục, nhưng chưa bao giờ đạt đến mức độ tàn phá như thời Đại nhảy vọt, cũng chưa bao giờ có chính quyền nào có văn hóa hành xử tàn ác như thế, đó là chỗ khác biệt căn bản nhất.

Hơn 60 năm trước, ĐCSTQ đã từng làm ra cái gọi là Đại Nhảy vọt, nồi cơm lớn, đại nhảy vọt, xảy ra nạn đói ba năm khiến 30 triệu người chết đói.
Hơn 60 năm trước, ĐCSTQ đã từng làm ra cái gọi là Đại Nhảy vọt, nồi cơm lớn, đại nhảy vọt, xảy ra nạn đói ba năm khiến 30 triệu người chết đói. (Epoch Times)

Vua Thành Thang nhà Thương và Thần tích “Tang lâm đảo vũ”

Khi vua Thành Thang tại vị, xuất hiện hạn hán kéo dài, gây ra nạn đói. Thái sử gieo quẻ rồi phán rằng: “Cần giết một người để tế Thần cầu mưa.”

Thành Thang nói: “Việc ta muốn làm chính là để cứu người nên mới cầu mưa. Nếu thực sự phải chọn cách giết người để tế Thần cầu mưa, thì hãy chọn ta làm người đó.”

Sau đó Thành Thang tắm gội trai giới, cắt tóc và móng tay, móng chân, cưỡi bạch mã, kéo theo sau chiếc xe ngựa được trang trí đơn giản, trên thân cuốn cỏ bạch mao, tại ruộng dâu bỏ hoang coi bản thân như một tế phẩm dâng lên Thần để cầu mưa, hướng lên Thần Phật, nêu ra 6 điều tự kiểm điểm về bản thân:

“Là do chính sách con đưa ra có chỗ không thoả đáng;

Do con quản lý bất thiện, khiến từ đó dân chúng thất nghiệp, bách tính không có chốn nương thân;

Có thể do cung thất của con xây dựng quá cao, quá xa hoa;

Hay bởi vì con tin nghe phi tần mà lộng quyền loạn chính?

Có thể vì chính sách con đưa ra không nghiêm mà quan lại công nhiên tham ô hối lộ;

Có lẽ do con không dụng người lành để cho kẻ nịnh hót tiểu nhân đắc thế...”

Thành Thang còn chưa nói hết, hàng nghìn dặm xung quanh trời đã đổ mưa to.

Thái hậu Đặng Tuy và cách ứng xử khi Hán triều gặp thiên tai

Thái hậu Đặng Tuy hay Hòa Hi Đặng Thái hậu nổi tiếng sáng suốt, uyên bác, bà giữ quyền nhiếp chính trong thời các ấu chúa Hán Thương đế, Hán An đế, bà được coi là chính trị gia cai trị hiệu quả, chống đỡ cho thời cuối Đông Hán đang suy sụp.

Năm Diên Bình nguyên niên (Bính Ngọ - 106), các quận quốc bị mưa lớn, thủy tai. Thái hậu hạ chiếu điều tra việc quan lại cấp dưới dối gạt thiên tai, phô bày thành tích giả tạo:

“Gần đây các quận, quốc có nơi bị thủy tai, tổn hại đến mùa màng vụ thu, triều đình nghĩ xét lỗi lầm, rất lo buồn sợ hãi. Vậy mà các quận, quốc muốn thu lấy tiếng khen được mùa hư hão, liền che giấu việc thiên tai gây họa, đa phần khoa trương diện tích ruộng khai khẩn, không dò xét số người lưu vong, đua nhau khai tăng hộ khẩu, bưng bít đạo tặc, khiến kẻ gian ác không bị trừng trị, việc bổ dụng không theo thứ tự, tuyển cử người không xứng chức, tham lam hà khắc, gây điều thảm độc, hại đến dân lành. Thứ sử chỉ cúi đầu che tai, thiên lệch bao che, trên dưới câu kết, không kính sợ Trời, chẳng thẹn với người. Cái ân vay mượn, là thứ ân không nương cậy được, từ nay về sau sẽ đốc xét phạt nặng các tội ấy. Các trưởng lại Nhị thiên thạch đều phải thẩm hạch các tình huống thiên tai gây họa thực báo lên, để miễn trừ thuế ruộng, củi cỏ”. (5)

Năm Vĩnh Sơ thứ hai (Mậu Thân – 108), vì các quận quốc gặp thủy tai, hạn hán liên miên, Đặng Thái hậu theo lời tấu của Ngự sử trung thừa Phàn Chuẩn, đã đem hết ruộng công giao cấp cho dân nghèo, những người đặc biệt đói khổ thì đưa sang an trí ở các quận được mùa. Công sai triều đình được phái đi để phát chẩn thi ân, khiến dân lưu lạc đói khổ như chết rồi được sống lại.

Mùa hạ năm đó, trời hạn, Thái hậu đến Lạc Dương tự và Nhược Lô ngục tra xét tù đồ. Có tù phạm bị ghép vào án oan giết người, bị đánh đập, lại sợ quan địa phương không dám nói, lúc sắp đưa đi, ngẩng đầu như muốn tự giãi bày. Thái hậu tinh ý gọi lại, người đó kể hết sự oan khuất. Đặng Thái hậu lập tức bắt quan Lạc Dương lệnh giam ngục để bù tội lỗi. Thái hậu khởi giá, còn chưa về đến cung điện, mưa lớn đã kịp thời giáng xuống.

Cuộc vận động chính trị nào cứu được ĐCSTQ vẫn ngập chìm trong văn hóa Giả - Ác – Đấu?

Văn hóa truyền thống Trung Hoa đề cao đạo đức của bậc trị nước. Thiên tai nhân họa được hiểu là có liên quan trực tiếp đến sự sa sút đạo đức của cá nhân bậc quân chủ hoặc của cả triều đại. Thiên tử phải chăm lo cho dân như con và chịu trách nhiệm trước Thiên thượng (Trời Phật). Tai họa sẽ được giải trừ khi đấng quân chủ sám hối, tự sửa mình trước Thiên thượng, như vua Thành Thang nhà Chu; hay sửa sai hệ thống cai trị, bù đắp tổn thất và minh oan cho dân chúng như Thái hậu Đặng Tuy nhà Đông Hán v.v. Trong các triều đại xưa, minh quân hay hôn quân đều có, nhưng văn hóa ấy của xã hội thì không thay đổi.

Thế mà, triều đại đỏ kể từ Mao thì không thừa nhận ông Trời, thậm chí còn tôn sùng văn hóa “Đấu”: “đấu Trời, đấu Đất, đấu người thật thống khoái vô cùng”, đấu với bên ngoài, đấu cả bên trong; đấu với đồng bào, đấu cả đồng chí. Văn hóa “Giả” cũng khiến người trên kẻ dưới lừa dối bưng bít lẫn nhau, khó biết được đâu là sự thật. Văn hóa “Ác” cũng khiến những bạo chúa như Mao coi mạng người dân như rác, chết rồi đem làm phân bón ruộng là xong. Hoặc như thời Giang Trạch Dân sau này, sẵn sàng rạch bụng moi nội tạng đồng bào mình đem bán, đơn giản và thản nhiên như lấy đồ trong túi.

Chừng nào thứ văn hóa ấy còn tồn tại, thì bất cứ một phong trào nào, một cuộc vận động nào cũng chẳng thể kéo dài chút hơi tàn cho một thể chế đã sắp đi vào bóng đêm của lịch sử.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(*): đễ dễ hình dung mức độ phóng đại của báo cáo, có thể so sánh với năng suất lúa của tỉnh Thái Bình (Việt Nam) năm 1965 đạt kỷ lục miền Bắc với 5 tấn/hecta. Theo VOV.VN - Hiện nay năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ...

(1), (2): Trích “Đời tư Mao Trạch Đông” của bác sĩ Lý Chí Thỏa, bản dịch của Nguyễn Học & Lâm Hoàng Mạnh

(3): theo tác phẩm “Những điều chưa biết về Mao” của tiến sĩ Jung Chang, tức Trương Nhị Hồng.

(4): Peng Xizhe (彭希哲), "Demographic Consequences of the Great Leap Forward in China's Provinces," Population and Development Review 13, no. 4 (1987), 639-70.

(5): Trích "Tư Trị Thông Giám" của tể tướng Tư Mã Quang, bản dịch Việt ngữ của nhóm "Cổ Thư Lâu"



BÀI CHỌN LỌC

An ninh lương thực của Trung Quốc: khi khủng hoảng thực sự lại từ văn hóa cai trị