Anh hùng cứu mỹ nhân: Triệu Khuông Dận ngàn dặm đưa Kinh Nương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chàng nhìn thấy nàng là vào một ngày thu vàng nắng, trong một Đạo quán nhỏ. Bên ngoài thành Thái Nguyên gió mạnh thổi từng cơn lay động hàng dương biếc, cành khô rơi rụng, nàng bị giam cầm trong mật thất, lệ chảy thành dòng, nhỏ xuống nền gạch hoa xanh, phát ra âm thanh rất khẽ.

Nàng đang sợ hãi, không chỉ lo cho tính mạng mình mà còn lo cho thân gái nhà lành lại nằm trong tay phường lục lâm thảo khấu.

Ngoài song tiếng gió thổi xao xác, nhớ lại những ngày cùng cha châm hương vào tháng 7 oi nồng, nàng cảm thụ được sự mát lành của tiết trời mùa thu trong tiếng gió. Cùng với sự giảm dần của sinh cơ phồn thịnh mùa hạ, cuộc đời nàng - một thiếu nữ ôn nhu mơ mộng, rồi sẽ ra sao…

Khi đó, chàng chỉ là một lữ khách vô tình qua Thanh Du quán, lưu luyến cảnh trí nơi đây, khi đến hậu viện thì nghe thấy tiếng khóc thút thít. Chàng lấy làm lạ, nhìn qua song cửa thì thấy một thiếu nữ áo trắng, đầu cúi lệ rơi, không nhìn rõ mặt, chỉ thấy vai gầy eo nhỏ, thân mỏng như tờ giấy, tuổi xem ra cũng chỉ là thiếu nữ tuổi độ 15,16 mà thôi.

Chàng bừng bừng lửa giận, quay người vào đại điện tóm lấy lão Đạo sĩ rồi giơ tay định đánh. Dưới sự chất vấn nghiêm khắc của chàng trai nghĩa khí, lão Đạo sĩ run rẩy kể ra lai lịch của cô gái.

Mấy ngày trước, do bị bọn cướp uy hiếp bắt Đạo sĩ đã run rẩy giam cô gái ở đây. Ông chắp tay chầm chậm nói: “Tráng sĩ à, ta không có liên quan gì đến chuyện gió trăng đó, cô nương ấy là bị chúng cướp được. Cô gái cùng cha đến thắp hương, do có sắc đẹp kiều diễm, cô bị bọn cướp bắt cha dọa giết để ép cô, cô gái ấy nguyện ý lấy thân chuộc cha, để cha sống nốt chút tuổi già. Thế nhưng tướng cướp có hai mà nữ nhân có một , không biết chia thế nào, chúng bàn nhau xuống núi cướp thêm một cô nữa rồi làm lễ cưới cả thể. Cô ấy bị đạo tặc cầm tù ở đây, giao cho lão cung cấp trà cơm, trông coi không để chạy mất, việc như thế đó, không phải lỗi của ta!...”

Triệu công tử nghe xong, càng thêm căm ghét kẻ xuất gia nhu nhược này. Chỉ một đòn, chàng đã phá hủy một bức tường của Đạo quán, san thành đống gạch vụn, lại phá tan cửa phòng. Một cơn gió lớn cùng ánh sáng ùa vào mật thất… Thiếu nữ bị cầm tù với ánh mắt ngơ ngác từ từ ngẩng đầu, thì thấy một tráng sĩ cao lớn đường hoàng tay nắm trường côn, mắt sáng như sao lông mày lưỡi mác, đứng chặn ngay cửa.

Trong căn phòng u ám, gương mặt cô được ánh sáng chiếu vào, nổi bật như một bông hoa cúc, sợ sệt, sầu khổ, xinh đẹp…

Như vậy, nàng đã được cứu. Nàng run rẩy đi ra khỏi căn phòng lạnh lẽo. Nàng cảm thấy trong nắng vàng chan chứa ý thu thuần hậu ấm áp, gió lớn thổi lên cuốn theo những chiếc lá vàng đáp xuống bên chân. Nàng khẽ cúi tránh ánh dương chói mắt, bàng hoàng như chim sợ cành cong.

Ánh dương chiếu sau thân hình cao lớn của chàng tạo ra bóng ảnh che phủ đầu nàng. Cô cảm nhận được mùi mồ hôi cùng khí thế của một tráng sĩ lục lâm. Trong tâm nàng chứa đầy sợ hãi.

Ngàn năm sau, khi chúng ta đọc tới đoạn này, có lẽ chưa đồng tình với sự sợ hãi đó của nàng, nhưng chúng ta cần biết, tâm hồn nàng đã phải trải qua trùng trùng buốt giá, cha cô, dưới sự uy hiếp của kẻ cướp, đành nuốt lệ mà đi, khung cảnh bi thương ấy đã in đậm trong tâm trí cô như một vết đen khó phai mờ, cô đã phải bán mình chuộc cha. Cô bị cầm tù trong Đạo quán, không thấy ánh mặt trời, lo chết lại sợ sống, tâm trí bàng hoàng sợ hãi, cho nên khi thấy một thanh niên lỗ mãng thì sự sợ hãi đó cũng dễ cảm thông.

Công tử thản nhiên hỏi cô danh tính, nhà ở nơi nào. Cô họ Triệu, tên gọi Kinh Nương, người Bồ Châu.

Tráng sĩ cũng xưng danh - Triệu Khuông Dận. Do cùng họ nên nhận cô làm em kết nghĩa.

Cô đã được một nghĩa sĩ cứu thoát, trở về với đời thường. Sau đó, nàng nước mắt lưng tròng nghĩ đến đường về xa lắc. Triệu Khuông Dận thấy đường xa hiểm trở, thân nữ dặm trường, thân cô thế cô, khó bình an, liền khẳng khái hứa đưa cô về tận nhà.

Ngựa thiên lý của chàng khi chạy thì nhanh như một vệt mây hồng vụt qua, nên nó được gọi là Xích Kỳ Lân (Kỳ Lân đỏ). Chàng hai tay nâng nàng lên lưng ngựa, còn mình nắm dây cương từng bước lên đường, chàng sảng khoái nói vui, chân chàng cũng dày như móng ngựa, khi chạy cũng không thua kém gì thiên lý mã. Do nam nữ thụ thụ bất thân, nên chàng dắt ngựa bộ hành.

Do nam nữ thụ thụ bất thân, nên chàng dắt ngựa bộ hành. (Chụp Video)

Cứ như thế họ đi, từ Thanh Du quán ngoài thành Thái Nguyên tới tận thôn Tiểu Tường, huyện Giải Lương, Bồ Châu, hành trình xa lắc. Còn Xích Kỳ Lân cũng không hổ danh ngựa quý hiểu ý chủ, không thi triển cước bộ truy phong trục điện, do Triệu công tử lo tiểu nương thân thể mong manh không chịu nổi, nên nhấc vó thong dong như ngựa thồ, trong gió thu đường vắng mênh mang, bước từng bước nhỏ đưa tiểu nương về chốn cũ.

Từ truyền kỳ diễn nghĩa trong câu truyện, Phùng Mộng Long tiên sinh đã viết lên trang tiểu thuyết trong cuốn “Cảnh thế thông ngôn”, chúng ta được biết, họ đã đi qua bao nhiêu gian nan hiểm trở, các địa danh như Hoàng Mao điếm, Xích Tùng lâm, ở trọ vào hắc điếm, tiểu nhị trông thấy họ vội chạy đi báo tin. Họ còn đi qua một trấn nhỏ mà nhà nhà đều đóng cửa, không thuê được nơi trọ, cũng không mua được lương thực, toàn thị trấn bao phủ bởi sợ hãi.

Triệu Khuông Dận trú đêm dưới chân cầu, canh hai nhìn thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang ngồi trong căn phòng nhỏ đèn đuốc sáng rực, ông chính là Thần Thổ Địa ở miếu ấy. Trong những năm tháng dài lâu cổ lão, lời ông nói ra đều mang sự hòa ái an thái, bởi vì ông thấu hiểu sóng gió nhân tình, qua năm tháng dài dằng dặc mà luyện thành một phong thái ôn nhu hòa nhã. Ông đã gặp qua Tôn Ngộ Không, khi bị Đại Thánh giơ gậy định đánh, ông vòng tay nói: “Đại Thánh à, Đại Thánh à, tiểu lão đây vô năng, chuyện này không thuộc quản hạt của lão.”

Thấy hai thanh niên đoan trang, hòa ái và thánh khiết, ông vuốt bộ râu bạc từ từ nói lời chỉ giáo, trên đầu ông xuất hiện một vòng vàng sáng, áo trắng phất phơ bay, nói xong như một làn ánh sáng vàng kim biến mất, hai người thấy sự thần kỳ mắt mở tròn không chớp.

Thần Thổ Địa trong những năm hậu nhà Chu, đã gặp được một thanh niên anh tuấn nhiệt huyết –Triệu Khuông Dận, ông hiện ra trong hình dáng một vị Tiên nhân râu tóc bạc phơ, ngồi trong căn phòng đuốc đèn sáng rực đầu cầu, thể hiện sự tôn kính đối với vị minh quân sẽ thống nhất giang sơn trong tương lai, đồng thời đưa lời chỉ dẫn cặn kẽ đường đi nước bước, làm Triệu Khuông Dận thấy cảm kích vô cùng!

Nhờ có sự chỉ dẫn của Thần Thổ Địa mà Triệu công tử cùng Kinh Nương đã bảo toàn được tính mệnh, đánh tan đạo tặc, giết tên cầm đầu, mang của cải của bọn cướp phân phát hết cho dân nghèo trong vùng. Đây là cuộc hành trình kinh hồn động phách, sau trận đánh giết đó, chàng dùng luôn đồ tiệc rượu mà dân chúng phải cống cho lũ đạo tặc mang tới cho Kinh Nương, rồi nói với nàng: “Ngu huynh trong suốt hành trình, chưa xứng với vị trí chủ nhân, nay mượn hoa dâng Phật, cùng hiền muội ta cạn chén này.”

Thật là một cảnh tượng làm say lòng người, một vị anh hùng hành hiệp lại có một nội tâm tinh tế ngập tràn tình cảm!

Mưa gió qua đi, họ lại tiếp tục hành trình, quãng thời gian này là đoạn đời thi vị nhất trong cuộc đời nàng, có lẽ cho đến khi tóc bạc da mồi, nàng cũng không thể nào quên. Nàng sẽ ngồi bên bếp lửa kéo tơ, bóc đậu, vá áo mà thủ thỉ kể lại chuyện xưa khi ấy cho đứa cháu gái quỳ bên hóng chuyện. Thu vàng, sen tàn liễu rủ, se se lạnh, trời phương bắc nơi hoang dã thảo nguyên, hay núi non trùng điệp, bao la ngút tầm nhìn, trên trời cao những cánh nhạn về nam tránh rét, hạc trắng thanh thản bay, đôi bờ gió thổi lay rặng dương xanh, lá xao xác rụng…họ qua cầu, khi chim về rừng tìm chỗ ngủ, họ đi tìm chỗ trọ, khi có trăng sáng sao soi, họ giục ngựa lên đường, có lúc ngồi nghỉ dưới bóng cây.

Nghìn dặm xa xôi, họ đi hơn nửa tháng. Dần dà, lạ hóa thành quen, nàng thổ lộ sự ái mộ trong lòng với nghĩa huynh, xin nguyện một đời hầu hạ, cho dù chỉ là người trải giường sửa đệm…

Chàng kiên định cự tuyệt. Chàng cứu cô ra khỏi miệng hùm, đó là nghĩa cử anh hùng. Nàng là thiếu nữ kiều diễm, nếu nay chàng lại nhận cô làm người hầu hạ gối chăn, thì so với phường tiểu nhân chặn đường cướp đoạt kia, đâu có chi khác biệt? Đó đâu phải nghĩa cử của bậc đại trượng phu! Thêm nữa lại cùng một họ, năm trăm năm trước có thể cùng nhà, hôn nhân cùng họ, ấy loạn cương thường, không phải hành vi quân tử, Triệu Khuông Dận kiên quyết chối từ.

Câu chuyện anh hùng cứu mỹ nhân này, dường như không nói nhiều tới việc mỹ nhân lấy thân đền đáp, kết cục câu chuyện cũng không có tình tiết thắt mở, chỉ bình đạm mà trôi, theo ngày tháng trôi về đoạn kết.

Triệu Khuông Dận hộ tống Kinh Nương về đến thôn Tiểu Tường, cha cô, anh cô đều tỏ ý tác thành hôn sự. Lúc ấy chàng nổi giận, giữa tiệc rượu đứng lên, lớn tiếng mắng lão nhân thất phu rồi lên ngựa Xích Kỳ Lân rời đi.

Từ Bồ Châu tới Thái Nguyên, chàng đi ngựa hết một ngày. Sau khi chàng rời khỏi, đêm ấy Kinh Nương treo cổ tự tử. Trước lúc lâm chung, nàng đề thơ lên tường trong khuê phòng:

Thiên phó hồng nhan bất ngộ thì
Thụ nhân lăng nhục bị nhân khi
Kim tiêu nhất tử thù công tử
Bỉ thử thanh danh thiên địa tri

Tạm dịch:

Trời phụ hồng nhan chẳng gặp thời
Bị người lăng nhục chàng bỏ rơi
Đêm nay lấy chết đền công tử
Thanh danh chàng thiếp giữa đất trời

Trong thơ chứa đựng niềm đau xót, nhưng chẳng biết làm sao. Nàng là một thiếu nữ hồng nhan bạc mệnh, nhân tình thế thái chỉ mang lại cho cô buồn khổ. Nhưng thơ cô viết mang theo khí tiết cùng sự tôn nghiêm. ‘Kim tiêu nhất tử thù công tử’ (Đêm nay lấy chết đền công tử) - cuối cùng nàng đã chết vì chàng.

Khi chàng lên ngựa đoạn tuyệt ra đi, đầu không ngoảnh lại, vó ngựa cuộn bụi mờ, với nàng, không gian như ngưng lại trong cô tịch, nàng đã chết từ thời khắc ấy. Kinh Nương chậm bước về khuê phòng, nàng nhìn qua song cửa, sân phơi phủ kín đậu vừa thu hoạch, bên thềm vài chú gà con, giếng nước dăm cô ngồi tán chuyện, xa xa ánh hoàng hôn sắp tắt hắt lên nền trời thu ảm đạm, mặt đất mờ sương dâng, tình cảnh thực tịch mịch. Hồn phách của nàng, tất cả đều theo bóng ngựa mà đi.

Khi trước, không phải cô nguyện ý theo lũ lục lâm, nay cũng không phải cô muốn sống trong cảnh điền viên an lạc nơi này. Ngày mai sẽ ra sao? Cha và anh cô sẽ tìm gả cô cho một gia đình môn đăng hộ đối. Nhưng…cô không thể…cô hiểu rõ lòng mình.

Cô chỉ biết đạo tặc thì lỗ mãng, cha cô và lão Đạo sĩ ở Thanh Du quán thì nhu nhược vô năng, về nhà thì có anh trai ngốc nghếch, nam tử trên thế gian có ai được như chàng? Ai hơn được Triệu công tử? Có chàng trai nào uy dũng, hào khí mà trong lòng chứa đựng đầy sự ấm áp mến thương?

Cô đã nhìn thấy những tháng năm về sau của cuộc đời mình, cô đã hiểu giang hồ, đã biết anh hùng, nàng yêu một người, nhưng người ấy không chấp thuận, nàng chỉ còn cách chết.

Nhiều năm sau, Triệu Khuông Dận làm binh biến, một bước trở thành vị hoàng đế khai quốc của vương triều Đại Tống huy hoàng. Đúng với dự ngôn của Thần Thổ Địa khi ông gặp lúc trẻ đi cùng Kinh Nương dưới chân cầu.

Tranh Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận. (Miền công cộng)

Sau khi thiên hạ thái bình thịnh vượng, nghĩ tới nghĩa muội khi xưa, ông cho người về Bồ Châu tìm kiếm Triệu Kinh Nương. Quan ngự sử được phái đi có mang theo thư tín, cùng châu báu, rồi vinh hoa phú quý, danh dự vinh diệu sẽ đến theo. Nhưng tin mang lại thật đau buồn - cô đã chết!

Nhiều năm sau, ông lặng đi trong buồn thương khi đọc bài thơ của nàng, biết được kết cục bi ai khi ông lên ngựa rời đi.. nàng thậm chí đã không sống qua đêm ấy…

Ông hạ chiếu, sắc phong cho cô làm “Trinh Nghĩa Phu Nhân”. Biểu đạt tâm tình nhớ tiếc đối với cô. Trong tâm ông đã thấu hiểu lòng nàng, ngày ấy ông có lý do, nhưng chưa từng bộc lộ cho nàng. Ông là một vị anh hùng cái thế, trong lòng ông là lo cho thiên hạ, cho vạn lý sơn hà, cho lê dân bách tính, cho cảnh thái bình thịnh trị dài lâu.

Thời trai trẻ, khi ngắm mặt trời lên, ông đã viết dòng thơ:

Dục xuất vị xuất hồng lạt lạt
Thiên sơn vạn sơn như hỏa hoa
Tu du ủng xuất đại kim bồn
Cản thoái tàn tinh trục thoái nguyệt

Tạm dịch:

Sắp mọc chưa mọc rực màu hồng
Ngàn núi vạn núi như lửa bông
Thoáng chốc hiện lên mâm vàng rực
Đuổi hết sao tàn đuổi cả trăng

Tình yêu của ông là vậy đó, là một tấm lòng son bao trùm thiên hạ, tất cả đều quang minh chính đại.

Ông sẽ mãi lưu hình nàng trong ký ức, ôm nỗi niềm thương tiếc khôn nguôi, rồi theo năm tháng dần trôi, thương nhớ ấy lắng đọng thành gió lạnh. Nhớ lại những ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, cầm dây cương dắt ngựa ngàn dặm hộ tống nàng, rồi từ đó mải kiến công lập nghiệp, mà phai mờ chút lãng mạn ngày xưa.

Nhưng nàng - Triệu Kinh Nương, đã chọn cách chết đầy khí tiết cương liệt, để cho chàng vĩnh viễn khắc ghi “Kim tiêu nhất tử thù công tử, bỉ thử thanh danh thiên địa tri.” (Đêm nay lấy chết đền công tử; Thanh danh chàng thiếp giữa đất trời)

Với tình yêu ấy, nàng cũng mang đầy đủ khí khái anh hùng, kiên nghị, cương liệt, không hối tiếc, xứng ngang với tình yêu lớn của chàng dành cho thiên hạ. Khí tiết của đôi trẻ khi ấy, đủ để khiến thế nhân phải cúi đầu.

Theo Tống Vi Vi - Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Anh hùng cứu mỹ nhân: Triệu Khuông Dận ngàn dặm đưa Kinh Nương