Anh hùng Thủy Hử Võ Tòng: Xem phong cách uống rượu thấy cốt khí anh hùng (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một bầu rượu, uống cạn sương gió đời trai, nếm tận nhân tình thế thái, uống cho tới thấy giang hồ quảng đại. Các hảo hán tụ nghĩa Lương Sơn, có ai không lấy việc hào sảng uống rượu làm vui. Trong đó có một người, thường ngày thích rượu, nhân duyên họa phúc một đời ông đều liên quan tới rượu, được gọi là Đệ Nhất Tửu trong Thủy Hử. Ông chính là vị anh hùng xếp thứ 14 - Hành Giả Võ Tòng.

Thân cao tám thước, tướng mạo đường đường, danh tiếng Võ Nhị Lang vang động huyện Thanh Hà, tính tình hay uống rượu đánh lộn làm người ta vừa sợ vừa thương. Do say rượu đánh người, cứ ngỡ là hại mệnh nên đành trốn đến nương nhờ Sài Tiến hơn một năm. Cảnh ăn nhờ ở đậu khiến Võ Tòng buồn bã, thường mượn rượu tiêu sầu. Lại bị trang khách lạnh nhạt, bài xích, rồi bệnh tật giày vò, ông trở thành kẻ đáng thương đơn độc, nhen đống lửa tàn giữ chút ấm qua đêm.

Uống rượu tiêu sầu, anh hùng rơi lệ

Trong mắt kẻ phàm phu, thì Võ Tòng chỉ là người ăn không ngồi rỗi, động tí là ra tay đấm đá, nhưng trong mắt bậc anh hùng thì đây là một vị hảo hán, can đảm hùng tâm, gân cốt kiện cường. Tống Giang lánh nạn trong sơn trang của Sài Tiến, khi mới gặp Võ Tòng, đúng vào lúc Võ Tòng buồn bã chán chường, thân tâm bạc nhược nhất. Nhưng Tống Giang lại nhìn thấy trên gương mặt lấm lem than nhọ một đôi mắt sắc lạnh sao băng, đôi mày rậm đen như sơn vẽ.

Sau khi hỏi thăm qua thân phận, một người cúi đầu bái lễ: “Có phải ta đang mơ không mà gặp được huynh trưởng thế này?”, người kia vội vàng nâng dậy, cùng vui vì gặp được hào kiệt danh chấn giang hồ. Chỉ nhờ chút duyên này mà họ trở thành tri kỷ. Một bái lễ của Võ Tòng đối với Tống Giang đã định ra nghĩa tình huynh đệ suốt một đời.

Được gặp đại anh hùng Tống Giang phù nguy tế khốn, Võ Tòng cả mừng, toàn thân chấn động toát mồ hôi lạnh, bệnh tật cũng theo đó mà tiêu trừ. Khi ấy cũng xuất hiện một sự chuyển biến cơ Trời, Võ Tòng bình sinh thích rượu, bữa tiệc rượu đầu tiên do Tống Giang thu xếp, Tống Giang đích thân cầm tay Võ Tòng, ba lần mời ông nhập tiệc, để ông uống cho thỏa thích.

Nguyên trước đây do nghe lời trang khách gièm pha, chủ nhân Sài Tiến đối đãi với Võ Tòng có phần lạnh nhạt, nay nhờ Tống Giang coi trọng, nên Sài Tiến đối đãi cũng khác xưa. Tống Giang hàng ngày cùng Võ Tòng bầu bạn uống rượu, quét sạch những tàn dư u ám trong tâm của một vị anh hùng thất thế. Từ đó Võ Tòng tinh thần phấn chấn, thể chất cường tráng, bước sang một quãng đời khác.

Lúc chia tay, Sài Tiến đặt tiệc tiễn đưa, Võ Tòng đầu đội mũ dạ trắng, thân khoác lụa hồng, tay xách trường côn, tướng mạo lẫm liệt đường hoàng, Tống Giang lưu luyến không rời, cùng em trai là Tống Thanh tiễn chân Võ Tòng hơn mười dặm. Sau đó ba người lại uống rượu chia tay trong một quán rượu nhỏ trên đường. Tại nơi đây, Võ Tòng thành tâm kính Tống Giang bốn vái, kết nghĩa kim lan thân thiết; lúc chia tay không ngăn được dòng lệ tuôn rơi. Võ Nhị Lang đối nhân xử thế chính trực, với kẻ vô lễ thì dùng ngay quyền cước trừng trị, nhưng đối với bậc anh hùng có khí chất tương đồng, thì ông cung khiêm đối đãi, chân thành giữ tấm lòng son.

Tranh trên hành lang Di Hòa Viên: Tam oản bất quá cương (ba bát không qua núi). (Miền công cộng)

Đánh hổ núi Cảnh Dương

Nếu không phải là kẻ mang trong mình ngạo khí quật cường, cùng danh hiệu hảo hán trên thân, thì có lẽ Võ Tòng cũng không quyết ý độc hành qua núi Cảnh Dương, khi có nhiều người can ngăn, nói cho ông biết hiểm nguy phía trước. Võ Tòng chí khí ngút trời, nhưng thành thực chất phác, hãy cùng đọc đoạn Võ Tòng uống rượu để thấy sự phóng khoáng lâm ly của ông.

Từ biệt Tống Giang, Võ Tòng bước vào vai diễn chính của cuộc đời, tại núi Cảnh Dương, quán rượu huyện Dương Cốc là võ đài để ông triển hiện quyền cước oai hùng. Huyện trấn này có hai kỳ vật, một là rượu ‘Thấu bình hương’ uống ba bát là đổ gục, một là ‘Hổ trán trắng mắt treo’ cực kỳ hung ác. Phàm các tráng sĩ, hào kiệt qua đây, đều không thoát được uy lực của hai thứ này, nhưng Võ Tòng lại phạm cả hai, thật không hổ danh hào kiệt.

Võ Tòng uống rượu, lớn tiếng khen rượu ngon, nhưng chủ quán không dám mang rượu ra rót tiếp. Mấy chữ ‘Ba bát không qua núi’ treo trên vách khiến các hảo hán e dè, nhưng Võ Tòng lại cố ý phá lệ, ông đưa lý do vỗ về chủ quán: Tiền rủng rỉnh để uống, uống say không cần dìu, nhưng vẫn không được tiếp rượu, ông nổi nóng dọa san bằng quán rượu, chủ quán đành rót tiếp ông thêm 15 bát, Võ Tòng khi ấy mới uống thỏa lòng, chuẩn bị lên đường, ông nói: “Ta chưa từng say rượu, nên không thể nói ‘ba bát không qua núi’!”

Uống loại rượu mà người thường uống say đổ gục, nhưng Võ Tòng vẫn tỉnh bơ như không, thì lẽ nào Võ Tòng lại nghe lời khuyên của chủ quán? Chủ quán thiện lương chân thành cảnh báo: “Mãnh hổ trong núi kia đã hại chết hai ba chục sinh mạng rồi đó, quan phủ có bảng cảnh báo rõ ràng, mong ông chờ ngày mai kết bạn mà cùng qua núi”.

Võ Tòng lại cho là chủ quán tham tiền dọa người, cứ cầm gậy lên đường. Trên đường lên núi, Võ Tòng quả nhiên nhìn thấy bảng cảnh báo, cũng muốn quay lại nhưng ngại người chê nhát. Thần dũng trong thiên tính của ông được kích phát lúc này, nên ông can đảm cứ thế bước tiếp.

Gió thổi cây rừng động, phiến đá xanh phẳng lì, rượu lúc này đã ngấm nên Võ Tòng gà gật muốn nằm. Đang lúc anh hùng không phòng bị thì hổ đói ập tới, Võ Tòng choàng tỉnh, hơi rượu bay sạch. Con hổ có lẽ biết là gặp phải đối thủ, nên thi triển hết tuyệt chiêu, vờn vồ cắn xé. Võ Tòng thân thủ nhẹ nhàng lé đòn, đợi hổ mệt mới vung gậy vụt xuống, ai ngờ đang chếnh choáng say nên vụt luôn vào gốc cây khô, gậy gãy làm hai đoạn. Vũ khí phòng thân duy nhất đã mất, Võ Tòng chỉ còn cách dùng hết sức bình sinh, tay trần ra đòn.

Tay trái ông túm chặt đầu hổ ấn xuống đất, tay phải nắm chặt lại như chùy sắt, liên tiếp giáng xuống chục đòn, con hổ thất kiếu máu chảy lênh láng mất mạng. Trận đấu giữa người và hổ sống còn này, bụi đất mù trời, kinh thiên động địa. Hành trình qua núi Cảnh Dương của Võ Tòng thật liều lĩnh tự phụ, nhưng cũng phù hợp với khí khái của một vị anh hùng thật sự, nên mới để lại một truyền kỳ bất hủ. Do sau này phạm tội sát nhân, mà ông bị gọi là: ‘Sát nhân giả đả hổ Võ Tòng’ (kẻ giết người là Võ Tòng đánh hổ), nghe danh hiệu ấy, tự đáy lòng không trào dâng chút tự hào sao?

Tranh vẽ Võ Tòng của Trần Hồng Thụ thời nhà Minh. (Miền công cộng)

Cám dỗ trong trời tuyết, hắt rượu hiển anh hùng

Võ Tòng đánh hổ, đã trừ hại cho dân, trở thành vị đại anh hùng gần xa nức tiếng, còn được tri huyện Dương cốc thưởng nghìn quan tiền. Ông nhận tiền của Tống Giang, là vì kính trọng nghĩa khí, chứ bậc quân tử trọng nghĩa khinh lợi, nên với số tiền quan phủ thưởng cho, ông coi như cỏ rác, khảng khái dốc tận hầu bao chia hết cho những hộ đi săn nghèo khổ trong vùng. Nghĩa cử này đã làm lên danh tiếng: Võ Tòng trung hậu nhân đức, được đề bạt làm đô đầu, một thời tỏa sáng. Nếu như sau này không dính vào thảm kịch cuộc đời, thì có lẽ Võ Tòng sẽ là một thuộc hạ tận trung tận chức của tri huyện, làm một vị quan nhỏ tạo phúc chúng dân, cũng không uổng phí một thân võ nghệ.

Đang lúc hanh thông như vậy, Võ Tòng tình cờ gặp được người anh mà ông ngày đêm mong nhớ của mình - Võ Đại Lang. Võ Đại thân hình lùn tịt thô lậu khác hẳn Võ Tòng, cũng vì sự trớ trêu này của nhân duyên mà mang tới họa sát thân. Anh em ruột thịt thân tình gắn bó, dù khác biệt ngoại hình tài cán, nhưng không hề có chút hiềm khích phân biệt, nhưng đột nhiên xuất hiện một nữ nhân chen vào mối quan hệ này, cô ta nghe danh tiếng Võ Tòng, lại thấy dáng hình ông cường tráng, nên khởi dục vọng tà niệm.

Do chị dâu thu xếp, Võ Tòng chuyển đến nhà Võ Đại ở Tử Thạch Nhai, sinh sống cùng anh chị. Huynh đệ gặp nhau, sao thiếu được uống rượu hàn huyên mà không nhân dịp này uống cho thỏa thích. Tại cuộc rượu này, bà chị dâu Phan Kim Liên cứ sai Võ Đại làm việc này việc nọ, còn mình thì sán lại hỏi thăm tán chuyện, ‘Hai mắt cứ dán vào thân thể Võ Tòng’.

Bậc hảo hán tấm lòng ngay thẳng, thấy rõ chuyện này, nhưng nể mặt huynh trưởng nên đành cúi đầu không thèm để ý, lẳng lặng uống chục chén rượu, những ngày tiếp theo xem tựa an bình, nhưng đã xuất hiện những gợn sóng lăn tăn khó thấy. Võ Tòng tâm địa quang minh chính đại, dùng kính lễ đối đãi chị dâu, bỏ ngoài tai tất cả những lời tán tỉnh. Với tính khí của ông, việc nhẫn nhịn này quả không dễ chút nào, còn cô ta thì không biết hay dở lễ nghĩa, cứ một mực uốn éo gạ gẫm, cuối cùng tạo ra cục diện không thể vãn hồi.

Một tháng sau, gió bấc nổi lên, mây hồng bủa kín, tuyết rơi dày đặc, bụi tuyết như muốn phủ kín thế gian, che lấp vũ trụ. Võ Tòng, người không nhà không cửa, vừa trở về từ chốn giang hồ ngói tan ngọc nát, lại không hề biết trong nhà đang lên men một loại rượu dùng tôi luyện, khảo nghiệm nhân tâm. Tại phòng ở của Võ Tòng, chị dâu kia mang tới rượu ngon đồ nhắm, ân cần mời rượu Võ Tòng. Lúc sau lơi lả: ‘Uống chén thành đôi’, rồi ‘Cạn nửa chén rượu này của thiếp’, lời lời dụng ý gạ gẫm, nhiễu loạn Võ Tòng, làm như ông chỉ là kẻ háo tửu cuồng ẩm không biết phân biệt điều hay lẽ thiệt, đây cũng là thứ rượu làm ô nhục hạo khí anh hùng.

Cuối cùng, Võ Tòng từ năm phần nhẫn nhịn, tám phần bực bội, biến thành mười phần bạo nộ không chút nể nang, đuổi thẳng nữ nhân ra ngoài, khẳng khái biểu đạt tâm chí: “Võ Tòng ta đầu đội trời chân đạp đất, là bậc nam nhi khí khái trên đời!”, nếu cô nàng không biết xấu hổ, thì : “Mắt ta có thể nhận ra chị dâu, nhưng nắm đấm này nó không nhận ra đâu!”. Một bữa tiệc gia đình ấm áp trong tiết trời giá lạnh, đã bị cô nàng lập thành cái bẫy, nhằm bại hoại thanh danh trong sạch cùng uy chấn giang hồ của Võ Tòng.

Rượu mỹ nhân với dụng tâm hiểm ác có khác chi xương cá mắc nơi cổ họng, sao nuốt xuống cho được? Ông xuống tay đập nát thứ ân tình giả tạo, chính khí hạo nhiên của ông thực cao ngút trời mây.

(Xem tiếp: Phần 2)

Theo Liễu Địch - Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Anh hùng Thủy Hử Võ Tòng: Xem phong cách uống rượu thấy cốt khí anh hùng (1)