"Ấu Học Quỳnh Lâm" làm một cuốn sách giáo khoa hàng đầu được xuất bản vào cuối triều đại nhà Minh, đầu triều đại nhà Thanh, và lưu truyền khá phổ biến ở Việt Nam. Bên cạnh cuốn “Tăng Quảng Hiền Văn", thì cuốn “Ấu Học Quỳnh Lâm” thường được người dân thời bấy giờ chọn đọc nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của cuốn sách với nền giáo dục đương thời.

Ở trong ngôi nhà đầy cỏ thơm

Nguyên văn chữ Hán

與善人交,如入芝蘭之室,久而不聞其香;與惡人交,如入鮑魚之肆,久而不聞其臭。

Hán Việt

Dữ thiện nhân giao, như nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất văn kỳ hương; dữ ác nhân giao, như nhập bào ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kỳ xú.

Bính âm

Yǔ shàn rén jiāo, rú rù zhī lán zhī shì, jiǔ ér bù wén qí xiāng; yǔ è rén jiāo, rú rù bào yú zhī sì, jiǔ ér bù wén qí chòu.

Giải nghĩa từ ngữ

(1) 交 Giao: kết giao, qua lại.
(2) 芝蘭 Chi Lan: Cỏ hương, cỏ thơm.
(3) 鮑魚 Bào ngư: Cá muối.
(4) 肆 Tứ: Cửa hàng.

Bản dịch tham khảo

Kết giao qua lại với người tốt, giống như bước vào ngôi nhà hoa đầy cỏ thơm, lâu ngày không ngửi thấy mùi thơm, là do đã bị hương thơm đồng hóa, phẩm đức được hun đúc, thấm nhuần trở nên cao quý. Kết giao qua lại với người xấu, giống như bước vào tiệm bán cá muối, lâu dần sẽ không còn ngửi thấy mùi thối, vì đã bị mùi thối đồng hóa, con người cũng vì vậy mà trở nên xấu đi.

Đọc sách bút đàm

Bài học này rất đơn giản, nói về hoàn cảnh tác động đến con người, đặc biệt là sách giáo dục cho trẻ nhỏ rằng việc kết bạn và môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức của trẻ. Vì khi còn nhỏ, chúng có khả năng bắt chước rất cao, trong trắng như tờ giấy, chưa hình thành quan điểm đạo đức về đúng sai hoặc thiện ác, tiếp xúc với người thế nào sẽ tự nhiên bắt chước lời nói và hành vi của người đó. Một khi đã hình thành thói quen xấu thì rất khó sửa. Vì vậy, người xưa rất coi trọng cách giáo dục trẻ nhỏ, lúc này việc chọn người thầy tốt, bạn tốt hay môi trường sống (môi trường tốt không phải là môi trường giàu có, mà là đạo đức tốt) cho trẻ là đặc biệt quan trọng. Điều này đã trở thành một phương pháp thường thức và sáng suốt nhất của việc giáo dục trẻ em trong văn hoá truyền thống cổ xưa.

Việc bé không biết phân biệt thiện và ác, những điều tai nghe mắt thấy tiêm nhiễm, rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc chọn môi trường sống rất quan trọng. Một khi đặt được nền móng tốt thì sẽ biết phân biệt được thiện ác tốt xấu đúng sai, khi trưởng thành chúng tự nhiên sẽ không bị ảnh hưởng xấu khi đối mặt với xã hội và nhân tâm phức tạp. Thậm chí có thể “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Như thế lúc này đã có phán đoán chính xác, biết được cái gì nên học, cái gì không nên học. Thế nên hãy thật cẩn thận với việc chọn bạn và chọn môi trường sống thời thơ ấu.

Một số người cho rằng nghịch cảnh tạo nên con người, từ đó phủ nhận quan điểm giáo dục người xưa. Tạm thời không nói đến nghịch cảnh có liên quan đến đạo đức hay không, có phải là một loại quan niệm không, đôi khi chỉ là hoàn cảnh nghèo khó, nhưng nghèo khó không có nghĩa là lòng người xấu, so với hoàn cảnh nhân hậu mà người xưa nói đến thì đó là hai khái niệm khác nhau.

Cho dù nghịch cảnh thực sự là chỉ những người xung quanh rất không tốt, thích ức hiếp người khác, bản thân bị người ta chèn ép và đối xử bị đối xử bất công, nếu người đó thực sự có thể nỗ lực có được thành tựu, cũng chính là bởi người đó đã là người trưởng thành, hoặc là được cha mẹ giáo dục nghiêm khắc, có khả năng phân biệt thiện ác đúng sai, thế thì người đó nhất định không phải là một đứa trẻ non nớt, vậy mới có thể làm được. Vì vậy, khi nhìn vào tư tưởng của người xưa, chúng ta cũng phải hiểu rằng quan điểm của họ chính là đặt nền tảng nền giáo dục tốt, và chú trọng giáo dục ngay từ đầu, điều này là vô cùng sáng suốt.

Bài học này có nguồn gốc từ cuốn "Khổng Tử gia ngữ": “thị dĩ dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan chi thất, cửu nhi tự phương dã; dữ ác nhân cư, như nhập bào ngư chi tứ, cựu nhi tự xú dã". Ý nói rằng, ở với những người có phẩm chất đạo đức cao giống như sống trong một ngôi nhà đầy hương thơm, lâu ngày toàn thân toả mùi thơm; ở với những người có phẩm hạnh thấp hèn như đến chỗ bán cá muối lâu sẽ không ngửi thấy mùi thối, vì đã hòa vào trong đó, toàn thân điều đã thành mùi thối đó. Ý nghĩa cơ bản không thấy đổi. Cũng như câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ngay cả người lớn cũng có lúc không nắm bắt được tốt về đúng sai, vì vậy bất kể bạn có phải là người lớn hay đã có kinh nghiệm hay không thì đều cần phải cẩn thận lựa chọn môi trường sống và kết bạn. Giữa người với người là có tác động ảnh hưởng lẫn nhau.

Kể chuyện

Lí nhân vi mỹ

Khổng Tử nói: “Lí nhân vi mĩ, trạch bất xử nhân, yên đắc trí?” (Trong làng có nhân đức, đó là việc hết sức tốt đẹp. Lựa chọn nơi ở mà không chọn nơi có nhân nghĩa, thì sao có thể là sáng suốt được). Câu này nói về tầm quan trọng của việc chọn nơi ở. Môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến con người, nếu chọn nơi ở có phong tục và nhân hậu thì bất giác cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc thay đổi một cách vô tri vô giác.

Trong quá khứ, mẹ của Mạnh Tử ba lần chuyển nhà nhằm chọn một “Lí nhân vi mĩ” để Mạnh Tử có thể lớn lên trong một môi trường tốt.

Để dạy dỗ Mạnh Tử, mẹ của ông đã ba lần chuyển nhà. Ban đầu sống gần nghĩa trang, Mạnh Tử thường chơi trò xây mộ và cúng tế lăng mộ, Mạnh mẫu nghĩ điều này không tốt nên chuyển nhà. Bên cạnh ngôi nhà mới là lò mổ, Mạnh Tử lại bắt chước chơi trò giết lợn, mẫu thân cảm thấy môi trường này không hợp và chuyển đi lần nữa. Cuối cùng cũng chuyển đến bên Thái Miếu, Mạnh Tử đi theo các quan viên học phép xã giao, mẫu thân rất vui khi thấy điều đó, nên đã định cư tại nơi ấy.

Cổ nhân nói: “Nhân bào ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kì xú”, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, điều này đã nói rõ rằng, tầm quan trọng là một môi trường tốt. Bài thơ "Di cư" của Đào Uyển Minh đời Tấn có câu:

Tích dục cư Nam thôn,
Phi vị bốc kỳ trạch,
Văn đa tố tâm nhân,
Lạc dữ số triêu tịch.
Dịch thơ:
Xưa muốn ở thôn Nam
Chẳng phải xem bói chọn
Nghe nhiều người nhân hậu
Vui bầu bạn sớm hôm

“Tố tâm nhân” trong bài thơ là chỉ những người có tấm lòng nhân hậu. Có thể thấy, các học giả thời cổ đại rất chú trọng đến việc lựa chọn môi trường sống, chọn là chọn người tốt, không cần ở nơi xa hoa và quyền thế.

Huy Hải
Theo Epochtime