Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 22: Xem sự tích minh quân và trung thần 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân vương cần phải trở thành tấm gương cho người quân tử và thần dân khắp thiên hạ, do đó tuyệt đối không thể ở ngôi cao mà có cái tâm ngạo mạn ngang ngược. Khổng Tử đã dạy: “Vi chính dĩ đức”, nghĩa là ra cầm quyền, làm chính trị phải dùng đức.

 

(Xem lại Bài 1; Bài 2; Bài 3; Bài 4; Bài 5; Bài 6; Bài 7; Bài 8; Bài 9; Bài 10; Bài 11; Bài 12; Bài 13; Bài 14; Bài 15; Bài 16; Bài 17; Bài 18; Bài 19; Bài 20; Bài 21;)

Nguyên văn chữ Hán

唐太宗為臣療病,親剪其須;顏杲卿罵賊不輟,賊斷其舌。

Hán Việt

Đường Thái Tông vị thần liệu bệnh, thân tiễn kỳ tu; Nhan Cảo Khanh mạ tặc bất xuyết, tặc đoạn kỳ thiệt.

Bính âm

Táng Tàizōng wèi chén liáo bìng, qīn jiǎn qí xū; Yán Qǎoqīng mà zéi bù chuò, zéi duàn qí shé.

Giải thích từ ngữ

(1)唐太宗 Đường Thái Tông: Lý Thế Dân, vị hoàng đế anh minh trọng dụng hiền thần, nghe lời can ngăn, quốc thái dân an. Sử gọi là thời “Trinh Quán chi trị”.

2) 颜杲卿 Nhan Cảo Khanh: người ở Lang Da thời Đường, làm Thái thú huyện Thường Sơn thời Đường Huyền Tông. Khi An Lộc Sơn tạo phản, ông bị bắt và không ngừng mắng chửi giặc, bị An Lộc Sơn lệnh cho người cắt lưỡi, máu phun ra mà chết.

3)辍 Xuyết: ngừng nghỉ

4)断 Đoạn:đứt, gẫy, cắt đứt

Bài dịch tham khảo

Đường Thái Tông tự tay cắt râu mình làm vị thuốc trị bệnh cho thần tử là Lý Tích. Nhan Cảo Khanh mắng phản tặc, không chịu khuất phục, bị An Lộc Sơn cắt đứt lưỡi.

Đọc sách bút đàm

Hai điển cố trên đây, một về vua và một về thần tử, tuy nhiên không phải chỉ để nói về quân thần thông thường mà là mang hàm ý nhân nghĩa sâu xa của đạo quân thần. Dùng lời của người nay mà nói chính là “phép đối xử” nhân nghĩa và trung nghĩa của cấp trên đối với cấp dưới.

Ví như làm vua thì phải giống như Đường Thái Tông, lo lắng cho thần tử của mình như người cha lo cho con cái. Để cứu chữa cho bề tôi, ông đã tự mình cắt râu để làm thuốc. Vậy thì thần dân của cái nước đó chẳng phải cũng ôm một tấm lòng trung nghĩa mà đối đãi với quân chủ của mình, hết lòng bảo gia vệ quốc hay sao. Thế nên cổ nhân mới có câu nói là: “Quân quân thần thần phụ phụ tử tử” (vua ra vua, bề tôi ra bề tôi, cha ra cha, con ra con). Mối quan hệ quân thần cũng thường được ví với quan hệ cha con. Mục đích là để nhắc nhở những người với thân phận khác nhau đều cần phải gánh vác nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Bậc quân vương càng cần phải tấm gương mẫu mực của người quân tử.

Người quân tử trước hết phải nhân ái, vô tư, tâm sáng, và càng cần phải phân biệt rõ thiện ác, chỉ dùng người hiền năng, bản thân càng ở địa vị cao thì càng khiêm cung đối đãi người khác, dùng lễ để đối đãi các bậc hiền sĩ, bản thân phạm lỗi tất phải sửa ngay. Đó là những điều Khổng Tử từng dạy về phẩm đức của người quân tử.
Quân vương cần phải trở thành tấm gương cho người quân tử và thần dân khắp thiên hạ, do đó tuyệt đối không thể ở ngôi cao mà có cái tâm ngạo mạn ngang ngược. Khổng Tử đã dạy: “Vi chính dĩ đức”, nghĩa là ra cầm quyền, làm chính trị phải dùng đức.

Những điều này, Đường Thái Tông đã đạt đến được, ông ấy đã trở thành một vị đế vương vĩ đại hiền minh bậc nhất Trung Hoa từ xưa đến nay. Đây là kết quả của việc ông ấy thực hành các phương pháp này. Trong ký ức của thế giới ngày nay, sự ngưỡng mộ đối với văn minh Hoa Hạ, quốc gia của lễ nghi rực rỡ huy hoàng đều có nguồn gốc từ sự ngưỡng mộ đối với triều Đường. Đó là lý do tại sao các phố Đường Nhân khắp nơi trên khắp thế giới đều đồng nghĩa với nơi cư trú của người Hoa Hải ngoại. Người đời Đường trở thành hình ảnh người Hoa văn minh, đẹp đẽ nhất trong ký ức lịch sử.

唐太宗
Đường Thái Tông (Hình ảnh: Phạm vi công cộng)

Nói về lòng trung nghĩa, không phải là chỉ lòng ngu trung theo cách giáo dục của ĐCSTQ ngày nay. Trung nghĩa có chữ Nghĩa đứng phía sau, là từ mang ý nghĩa rất then chốt, bởi vì Trung Quốc cũng có bài học “Trợ Trụ vi ngược” (nghĩa là giúp vua Trụ của nhà Thương, bạo ngược làm ác, tàn ác với dân chúng và triều thần). Nếu một người làm trái với luân thường đạo lý và giúp bạo chúa giết người, người đó sẽ không còn là người trung nghĩa và trở thành công cụ hãm hại người khác. Vì vậy, hai chữ Trung và Nghĩa không thể tách rời, và tiền đề của lòng trung nghĩa chính là đạo đức. Nguyên tắc này cũng giống như từ "Tín nghĩa"

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng viết: “Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã”. Ý nói là nếu giữ điều tín nghĩa, giữ lời, thì cũng gần với đạo nghĩa, và phù hợp với đạo nghĩa rồi. Nếu không như thế thì không thể làm, không thể tùy tiện đáp ứng đối phương, nếu không cũng giống như làm điều xấu. Người Trung Quốc cổ đại có câu: “Trạch kỳ minh chủ nhi sự chi”(tìm minh chủ để phụng sự) coi như một lời giáo huấn. Cách xa kẻ tiểu nhân, nghe những lời trung tín, chọn theo những vị quân vương hiền năng xứng đáng nhất để đặt lòng trung thành. Vậy mới có thể không tàn hại bách tính và tạo ra tội nghiệp.

Nếu chúng ta khi làm gì cũng có thể tự mình suy nghĩ xem lựa chọn và hành vi của mình có hợp với lương tâm, hợp với Trời đất, có hợp với đạo nghĩa hay không, thế thì cuộc sống sẽ không có quá nhiều tiếc nuối, mất mát, và nhiều điều bất an. Vì vậy, cốt lõi của nền giáo dục cổ đại là dạy cho con người những giá trị quan chân chính, chính lý và lẽ phải để làm người. Dù là học sử, hay đọc các điển cố cũng vậy, tất cả đều dùng để giáo dục đạo đức, để làm cho bản chất thiện lương luôn tồn tại và không bị cải biến do sự lừa dối, che dấu bởi những dục vọng khác nhau.

Có người nói một số đế vương mắc sai lầm, vậy có nên lập tức rời xa ông ta không? Tất nhiên là không, ví dụ, nếu một người bạn mắc lỗi, vậy bạn có nên bỏ anh ta không? Cách làm đúng là đưa ra lời khuyên thẳng thắn và chỉ cho anh ấy cơ hội sửa chữa sai lầm, đây mới đúng là một người bạn tốt. Ngay cả việc quốc gia đại sự cũng thế. Ví dụ như hoàng đế Huyền Tông của nhà Đường. Trong những năm cuối đời, ông đã say mê âm nhạc, vũ điệu và sắc đẹp của Dương Quý Phi, bỏ bê công việc triều chính, dùng người không đúng, đã dẫn đến cuộc binh biến loạn An Sử. Mặc dù không dùng cực hình “Bào Lạc” để đốt và tra tấn nhân dân như Trụ Vương, cũng không tìm cách moi tim người trung lương như Tỷ Can để làm thuốc cho Đát Kỷ. Đường Huyền Tông chỉ là quá mê đắm thanh sắc, bị mê mờ trở thành hồ đồ mà gây ra hậu quả lớn. Lúc này, các triều thần phải can gián bậc đế vương bằng những lời khuyên trung nghĩa, đồng thời phải chịu trách nhiệm bảo vệ đất nước và nhân dân, thay vì bỏ rơi vua, để cho đất nước dễ rơi vào loạn lạc, chiến tranh có thể dẫn đến sự thay đổi triều đại.

Bởi vì quá trình chia cắt và thống nhất đất nước luôn diễn ra vô cùng lâu dài và tàn khốc. Thời Xuân Thu và Chiến Quốc nhà Chu, thời Tam Quốc vào cuối thời Hán, Nam Bắc triều, Ngũ đại và Thập quốc vào cuối thời Đường, v.v ... Quá trình phân chia và thống nhất thường kéo theo hàng trăm năm chiến tranh và sóng gió, sự thay đổi của các triều đại và sự phế truất của nhà vua không thể tùy tiện muốn làm là làm. Nếu buộc phải làm điều này, tất phải do các trung thần thực hiện với mục đích là để bảo vệ đất nước và người dân để bảo trì nền thái bình rất khó khăn mới giành được. Điều này cũng là phù hợp với ý nghĩa chính đáng của hai từ Trung Nghĩa.

Kể chuyện

Cắt râu làm thuốc

Đối với những tướng lãnh đã đi theo mình từ thuở chinh chiến ban đầu, Đường Thái Tông luôn có một tình cảm vô cùng sâu sắc đặc biệt. Có 1 lần, 1 trong những vị tướng đó tên là Lý Tích bị ốm nặng lâu ngày không khỏi. Thái Tông đã mời ngự y của triều đình đến chữa trị. Sau khi bắt mạch, vị ngự y viết đơn thuốc và nói rằng bệnh này có thể chữa khỏi bằng cách đốt râu của một người thành tro làm thuốc dẫn cùng với thuốc chính. Ngay khi nghe thấy điều đó, Thái Tông liền cắt bỏ bộ râu của mình và đốt nó thành tro để làm một đơn thuốc cho Lý Tích. Sau khi Lý Tích uống thuốc, ông ấy đã thực sự bình phục trở lại.

Chân dung Lý Tích bản lưu trữ tại cung điện nhà Thanh (ông còn có tên là Lý Thế Tích, Từ Thế Tích, Từ Mậu Công) (Hình ảnh: phạm vi công cộng)

Thời cổ đại, người ta tin rằng “thân thể da thịt là của cha mẹ ban cho, không thể tùy tiện làm tổn thương”. Vì thế khi Thái Tông đã cắt râu để chữa bệnh cho mình, Lý Tích đã vô cùng cảm kích trước ân tình của Thái Tông, ông bèn dập đầu khóc lớn để tạ hoàng ân. Nhưng Thái Tông chỉ nói: "Ta là đang nghĩ về quốc gia mà thôi, có gì để cảm ơn chứ?"

Cái lưỡi của Nhan Thường Sơn

Nhan Thường Sơn là vị quan thời nhà Đường. Vào thời loạn An Sử, ông là Thái thú quận Thường Sơn, tên là Nhan Cảo Khanh. Lúc đó, quân phản loạn là Sử Tư Minh đốc binh đánh chiếm quận Thường Sơn. Quân dân Thường Sơn đã chiến đấu chống giặc rất gian khổ. Tuy nhiên vì Tiết độ sứ Thái Nguyên là Vương Thừa Nghiệp không xuất binh cứu viện nên cuối cùng thành Thường Sơn cũng bị giặc công phá. Nhan Cảo Khanh và con là Nhan Quý Minh đều bị giặc bắt. Quân phản loạn kề đao vào cổ Nhan Quý Minh để bức Nhan Cảo Khanh đầu hàng nhưng ông từ đầu đến cuối vẫn bất khuất không phục. Chúng bèn giết con trai ông. Sau đó Nhan Cảo Khanh bị áp tải đến Lạc Dương gặp An Lộc Sơn. Ngay khi vừa gặp An Lộc Sơn, Nhan Cảo Khanh liền liên tục lớn tiếng thóa mạ tên phản tặc. Quân phản loạn liền cắt lưỡi ông, nhưng ông vẫn cứ thế ú ớ thóa mạ cho đến khi chết vẫn không hề ngưng.

Tranh màu chân dung Nhan Cảo Khanh (bản lưu ở cung điện nhà Thanh) (Hình ảnh: phạm vi công cộng)

Thời Nam Tống, Văn Thiên Tường khi bị cầm tù đã viết bài Chính Khí Ca, trong đó ông đã liệt kê các liệt sĩ trung thành của các triều đại đã qua, có đề cập đến "cái lưỡi của Nhan Thường Sơn", nói đến việc thóa mạ quân giặc của Nhan Cảo Khanh vẫn nguyền rủa phản tặc cho đến khi lưỡi bị cắt.

Minh Bảo
Theo Lưu Như - Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 22: Xem sự tích minh quân và trung thần