Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 26: Những điều tinh hoa của sách Đại Học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sách Đại Học của Tăng Tử chủ yếu giảng về “minh đức” là căn bản nhất của “trị quốc”. Con người khi lớn lên cần phải hiểu được chí hướng lớn nhất trên đời là phải dùng Đức để trị thiên hạ, giáo hóa người dân. Nếu người nào có thể đồng thời hiểu và sống theo đạo lý đó, thì có thể đạt đến cảnh giới “Chí Thiện”. 

Nguyên văn chữ Hán

大學首重夫明新,小子莫先於應對。其容固宜有度,出言尤貴有章。智欲圓而行欲方,膽欲大而心欲小。

Hán Việt

Đại học thủ trọng phù minh tân, tiểu tử mạc tiên ư ứng đối. Kỳ dung cố nghi hữu độ, xuất ngôn vưu quý hữu chương. Trí dục viên nhi hành dục phương, đảm dục đại nhi tâm dục tiểu.

Bính âm

Dàxué shǒu zhòng fú míng xīn, xiǎozi mò xiān yú yìngduì. Qí róng gù yí yǒu dù, chūyán yóu guì yǒu zhāng. Zhì yù yuán ér xíng yù fāng, dǎn yù dà ér xīn yù xiǎo.

Giải thích từ ngữ

(1) 大学 Đại học: Tên sách. Nguyên là một chương của sách “Lễ Ký”, Chu Hy thời nhà Tống đã tổng hợp chương này cùng với Luận Ngữ để hợp thành bộ sách gọi là “Tứ Thư”.
(2) 首 Thủ: Trước tiên.
(3) 重 Trọng: Coi trọng, tập trung.
(4) 明 Minh: tức là “Minh minh đức”, làm sáng tỏ cái đức hạnh cao cả của bản thân. Từ “minh” thứ nhất là động từ, chỉ sự “làm sáng tỏ”. Đây là câu đầu của sách Đại Học: “Đại học chi Đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện.”
(5) 新 Tân: Một ngày mới, mỗi ngày đều mới. Sách “Đại học” viết: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân.”
(6) 小子 Tiểu tử: Đứa trẻ nhỏ.
(7) 應對 Ứng đối: Đối đáp, phản ứng bằng lời nói.
(8) 容 Dung: Tư thái dung mạo.
(9) 固 Cố: Tất nhiên.
(10) 宜 Nghi: Lẽ đương nhiên.
(11) 有度 Hữu độ: Mức độ vừa phải, phù hợp.
(12) 出言 Xuất ngôn: Nói ra.
(13) 尤貴 Vưu quý: Đặc biệt chú ý. Quý, chú ý.
(14) 章 Chương : [lý luận] mạch lạc.
(15) 智 Trí: Trí tuệ.
(16) 欲 Dục: Muốn.
(17) 圆 Viên: Viên dung.
(18) 行 Hành : Làm.
(19) 方 Phương: Ngay chính.

Dịch nghĩa

Sách Đại học dạy trước hết phải coi trọng đạo đức và tiến bộ mỗi ngày. Trẻ em trước tiên phải học cách ứng đối, thái độ cư xử lễ phép chừng mực, nói năng phải chú trọng mạch lạc. Khi trí tuệ đã đầy đủ thì hành vi phải đúng mực, đảm lược phải lớn nhưng vẫn phải chú ý tiểu tiết.

Đọc sách bút đàm

Sách Đại Học do Tăng Tử viết, nội dung căn bản là tuyên dương nhân đức. Để đạt đến nhân đức thì phải bắt đầu từ tu thân tề gia rồi mới có thể hiểu đến các đạo lý trị quốc bình thiên hạ. Ví dụ như đối với trẻ nhỏ thì chú trọng giảng về các sinh hoạt thường nhật, cách cư xử với cha mẹ và các bậc trưởng bối cũng như anh chị em trong gia đình, người thân, bạn bè. Mục đích là dạy cho các em cách ăn nói, ứng xử cũng như các lễ nghi đi đứng, giao thiệp cơ bản nhất. Việc này sẽ giúp các em hình thành một thói quen và cách thức sinh hoạt tốt, biết cách cư xử nói năng, cư xử đúng mực, không bị coi là người cư xử vô lễ, cũng có thể hòa hợp với mọi người ở các vai vế, địa vị khác nhau. Nhờ đó mà trong bất kỳ tình huống nào, các em cũng đều có thể cư xử một cách lịch sự nhã nhặn. Bước tiếp theo là tập trung vào việc học và hiểu những đạo lý vì sao phải cư xử với người khác như vậy.

Tăng Sâm
Tăng Sâm

Đạo lý căn bản này là lễ tiết rất cần thiết trong sự ứng xử, giao thiệp giữa người và người. Tông chỉ của các nguyên tắc xử thế này chính là Nhân Đức, cũng là Đạo Nghĩa, hai điều này thường được người ta gọi chung là Đạo Đức. Vì thế sách Đại Học của Tăng Tử chủ yếu giảng về “minh đức” là căn bản nhất của “trị quốc”. Con người khi lớn lên cần phải hiểu được chí hướng lớn nhất trên đời là phải dùng Đức để trị thiên hạ, giáo hóa người dân. Nếu người nào có thể đồng thời hiểu và sống theo đạo lý đó, thì có thể đạt đến cảnh giới “Chí Thiện”. Dù là làm người hay làm việc đều phải lấy mục tiêu là đạt đến “Chí Thiện”.

Nói đến việc giáo dục cho trẻ con tại bậc tiểu học thì tác phẩm nổi tiếng nhất là “Tam tự kinh”, “Đệ tử quy”. Bộ sách này cũng như các tác phẩm kinh điển khác dành cho trẻ em trước tiên đều giảng về cái Thiện [một cách đơn giản nhất] để các em có thể hiểu. Đó là nền tảng, nhưng không thể giảng sâu vào đạo lớn, nên trọng điểm vẫn là giảng về các mối quan hệ nhân luân thường ngày. Ví dụ như đối nhân, xử thế, ăn nói, đi lại sao cho đúng quy tắc xã giao. Nhờ vậy mà sau đó mới có thể tạo nên nền tảng tri thức để tương lai khi các em đọc các thư tịch cổ có thể hiểu được chữ nghĩa và cú pháp. Do đó các em có thể hiểu rõ các điển cố về các bài học làm người trong lịch sử, chuẩn bị cho tương lai học tập đạo đức một cách hệ thống và nhanh tiến bộ.

Nghĩa là sau này khi lớn lên, các hành vi và ngôn ngữ, cú pháp học ở tiểu học không thể dừng lại ở việc biết làm mà không biết tại sao lại làm như thế, Người xưa thường nói là “biết nhưng không biết tại sao” (Tri kỳ nhiên nhi bất tri kỳ sở nhiên) là chỉ ý tứ này. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta phải học một cách có hệ thống các đạo lý lớn đằng sau các quy phạm hành vi và kiến ​​thức kỹ năng. Như thế mới không bị giáo điều cổ hủ, khư khư giữ lễ nghi bề ngoài, không phân biệt rõ đâu là gốc đâu là ngọn, đâu là chủ yếu đâu là thứ yếu, mới không trở thành văn nhân cổ hủ không có trí tuệ viên dung.

Ví dụ như câu “nam nữ thụ thụ bất thân” là quy phạm cư xử thông thường. Tuy nhiên, nếu ở trong một tình huống đặc biệt, chẳng hạn như vô tình gặp một người phụ nữ bị đuối nước khi qua sông. Tại nơi đó chỉ có một người đàn ông hiện diện, ngoài ra không ai có thể cứu cô ấy. Lúc này là tình huống khẩn cấp vì cô ấy đang giữa dòng nước, do đó không thể hành sự theo cách thông thường. Nên biết là các quy tắc xã giao của xã hội, sau cùng là vì mối quan hệ giữa con người, các gia tộc để có sự tôn trọng lẫn nhau, không để xảy ra bất bình, oán hận, hiểu lầm, tránh xung đột, mâu thuẫn, làm cho xã hội hài hòa. Nói tóm lại, là làm cho người ta biết cách yêu thương người khác, có được một giới hạn căn bản thấp nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tuân theo các quy tắc xã giao, thấy chết mà không cứu, nó sẽ biến thành chướng ngại trên đường học Đạo, tổn hại đến nguyên tắc căn bản là hành Thiện. Do đó, trong trường hợp đặc biệt này, không thể cứ cố chấp giữ lấy các quy phạm cố định, mà cứu mạng người là quan trọng nhất, cũng là hành động phù hợp nhất với nhân nghĩa và đạo đức.

Ví dụ như câu “Quân quân thần thần phụ phụ tử tử” là giảng về mối quan hệ trên dưới và quy củ, bổn phận giữa vua tôi và cha con. Bề tôi hay con cái cần tôn trọng quyết định của người trên và tuân theo mệnh lệnh. Nhưng là người làm vua hay làm cha mà thất đức, thì lúc đó cần phải có đủ dũng khí để can ngăn mệnh lệnh của người và không được tuân theo, nếu không sẽ làm cho vua hay cha mình làm ra việc bất nghĩa, chính là trợ Trụ vi ngược. Không chỉ làm cho bản thân bất nghĩa, mà còn làm cho quân vương hay phụ thân mình cũng trở thành bất nghĩa. Nói cách khác, mọi thứ phải được xem xét phù hợp với đạo đức, là ý nghĩa rõ ràng nhất của chữ “Nghĩa”. Đây cũng là đạo lý “chỉ ư chí Thiện” giảng trong sách “Đại học”.

Như câu nói “sự tình hữu khinh trọng hoãn cấp, sự cấp tòng quyền” nhưng nhất thiết về cơ bản là nghĩ cách đối xử tử tế với người khác, làm như thế nào là phù hợp nhất, vậy sẽ không giáo điều. Vì nền tảng phía sau của phép tắc và quy định là đạo đức, chúng ta không được quên các quy tắc đó có mục đích là để thực hiện giáo hóa đạo đức. Đây là căn bản của việc thủ lễ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên lấy đây làm cái cớ để phủ nhận các phép xã giao cơ bản trong những trường hợp bình thường, con người cần có một chuẩn mực cơ bản, nếu không, trật tự xã hội sẽ trở nên rất hỗn loạn. Mọi thứ đều phải có mức độ, đừng đi đến cực đoan.

Vì vậy, bài học này giải thích rằng vì sao sách “Đại Học” trước hết nhấn mạnh đến việc “minh tân”, nó giải thích rằng việc đầu tiên là phải làm người học hiểu được những đức tính tốt, và sửa đổi bản thân mỗi ngày. Sau khi mỗi ngày có thể lĩnh ngộ những tiến bộ mới, liền nhanh chóng quay lại với việc dạy trẻ em cần phải làm gì. Trước tiên, trẻ em phải học cách đối nhân xử thế, ăn nói và lễ tiết xã giao. Phong thái cử chỉ của con người nên chừng mực, lời nói có đạo lý. Trí tuệ cần viên dung nhưng cũng đừng quên rằng hành vi phải đúng mực, mới có thể hiểu được gốc ngọn xung quanh và khởi tác dụng chính đạo. Dũng khí cần phải lớn nhưng tâm tư cần phải tinh tế cẩn mật, chu toàn, không thể lỗ mãng. Đó là cái gọi là “đảm đại tâm tế”, dùng chỉ người hữu dũng hữu mưu có thể làm nên việc. Cũng giống như khi giảng về Trung Dung, trên thực tế là xoay quanh đạo đức làm căn bản và giảng làm thế nào để học tập một cách chính xác và ứng dụng ngôn ngữ và những lễ nghi thường thức, thành thạo sử dụng tài năng cũng như dũng khí.

Kể chuyện

Câu đầu tiên sách “Đại Học” viết: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Để đạt đến “chỉ ư chí thiện” trước tiên phải làm được công phu “minh minh đức”. Chữ “minh” đầu tiên nghĩa là làm sáng tỏ, sau đó là hoằng dương. Chữ “minh” thứ hai nghĩa là “Quang minh chính đại”. Bởi vì việc “minh minh đức” sẽ làm cho ánh hào quang của sự lương thiện và mỹ đức của người ta có thể phát ra khắp nơi. Từ đó làm cho sáng rõ hơn phương pháp mà trời dành cho tính linh của con người là cách hướng nội. “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (Luận ngữ), mỗi ngày tự xét bản thân ba lần, thông qua việc đó mà phản tỉnh, tìm ra khuyết điểm và sửa đổi nó đi. Liên tục tu sửa, trừ bỏ chấp trước, trực chỉ cho đến khi đạt đến cảnh giới chí thiện mới dừng lại (chỉ ư chí thiện).

Thời nhà Tống có một người tên là Triệu Khái, ngày nào cũng dùng phương pháp ném đậu để xem xét sự tốt xấu các hành vi của mình. Ông chuẩn bị ba cái hộp và đặt chúng vào thư phòng. Một hộp rỗng, một hộp đựng đậu nành và một hộp đựng đậu đen. Mỗi tối trước khi đi ngủ, ông mở ba chiếc hộp này ra, cẩn thận nhớ lại lời nói và việc làm của mình trong ngày. Nếu nói một câu đúng, làm một việc tốt hoặc có một ý tưởng tốt, sẽ lấy một hạt đậu nành ném vào ô trống. Nếu nói lời sai, gây chuyện thị phi, làm điều xấu, có ý nghĩ xấu thì ấy một hạt đậu đen bỏ vào ô trống. Dùng những hạt đậu đen và vàng trong ô trống để nhắc nhở bản thân sửa chữa những sai lầm của mình. Lúc đầu số lượng đậu đen nhiều hơn đậu nành, nhưng dần dần đậu nành càng ngày càng nhiều, đậu đen càng ngày càng ít, việc tu dưỡng đạo đức của ông càng ngày càng cao.

Khổng Tử nói: “Nhìn thấy người hiền năng thì nên suy nghĩ học tập họ, để có thể trở nên hiền năng như họ. Nhìn thấy người không hiền năng thì nên tự xem xét lại bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi, trừ bỏ” (Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh); “kiến hiền tư tề” chính là hướng đến người hiền để học hỏi sao cho trở nên giống như họ; “kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh” chính là không ngừng hướng nội tìm những khuyết điểm của bản thân, như thế có thể liên tục tiến bộ, đạt đến cảnh giới viên mãn của chí thiện.

Huy Hải - Minh Bảo
Theo Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 26: Những điều tinh hoa của sách Đại Học