Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 27: Nhạc Phi tận trung báo quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện Nhạc Phi tận trung báo quốc được truyền tụng nghìn năm qua. Ông đã lưu lại cho chúng ta tinh thần trung liệt, là một tấm gương trung thần mẫu mực. Khi hạ thế làm người tại nhân gian, ông đã cấp cho người đời nội hàm văn hóa của chữ “Trung”. 

Nguyên văn chữ Hán

岳飛背涅精忠報國,楊震惟以清白傳家

Hán Việt

Nhạc Phi bối niết tinh trung báo quốc, Dương Chấn duy dĩ thanh bạch truyền gia.

Bính âm

Yuè Fēi bèi niè jīng zhōng bào guó, Yáng Zhèn wéi yǐ qīng bái chuán jiā

Giải thích từ ngữ

  1. 岳飛 Nhạc Phi: tự Bằng Cử, người Thang Âm đời Nam Tống, là danh tướng chống Kim. Ông chủ trương đánh Kim khôi phục lại lãnh thổ. Sau bị Tần Cối dùng tội danh “mạc tu hữu” vu khống và chết trong ngục.
  2. 涅 Niết: một loại thuốc nhuộm màu đen, dùng ở đây như động từ, chỉ sự nhuộm đen.
  3. 杨震 Dương Chấn: tự Bá Khởi, người quận Hoằng Nông, Hoa Âm đời Đông Hán. Từ nhỏ hiếu học, xem rộng các sách. Người đương thời gọi là Quan Tây phu tử, Quan Tây Khổng Tử, là một vị quan thanh liêm.
  4. 惟 Duy: duy nhất, một mình.
Tượng Nhạc Phi trong bảo tàng Cố Cung.
Tượng Nhạc Phi trong bảo tàng Cố Cung.

Dịch nghĩa

Nhạc Phi trên lưng xăm chữ “tinh trung báo quốc”, Dương Chấn chỉ có sự thanh bạch truyền lại cho con cháu.

Đọc sách bút đàm

Bài học này giảng về Nhạc Phi và Dương Chấn hai vị danh thần võ tướng nổi tiếng trong lịch sử. Bài trước là giảng về đạo lý của việc “tiết kiệm khả dưỡng đức”, đó cũng là gia phong thanh liêm của Dương Chấn nên không nói nhiều nữa. Chủ yếu chúng ta sẽ nói về Nhạc Phi

Câu chuyện Nhạc Phi tận trung báo quốc được truyền tụng nghìn năm qua. Ông đã lưu lại cho chúng ta tinh thần trung liệt, là một tấm gương trung thần mẫu mực. Khi hạ thế làm người tại nhân gian, ông đã cấp cho người đời nội hàm văn hóa của chữ “Trung”. Bởi vì bị Tần Cối hãm hại mà lịch sử có được câu chuyện sinh động thể hiện cả 2 mặt trung thành-gian tà, thiện-ác, liên tục giáo dục cho hậu nhân. Nếu như nói Khổng Tử lưu lại một con đường tu Nhân, nghĩa là con đường tu học để làm người, với tông chỉ là các khái niệm về trung, hiếu đễ, trung tín và đức nhân. Như vậy Nhạc Phi với quan niệm làm người của mình khi là một tướng quân đã tạo thành một ví dụ thực tiễn sinh động cho người sau tham chiếu.

Ông đối với mẹ thì chí hiếu, với đất nước thì hết lòng phụng sự. Khi trung và hiếu không thể vẹn cả đôi đường thì mẹ ông vì hiểu được nghĩa lớn nên để ông tận trung báo quốc. Vì vậy, lòng trung thành của ông rất nổi bật trong việc chiến đấu kháng Kim, khôi phục núi sông Trung Nguyên đã mất. Chính vì tấm lòng trung nghĩa này đã tạo nên một thiên cổ sự đầy bi tráng muôn đời, mà đến nay mỗi người dân Trung Hoa đều không bao giờ quên. Khi quốc gia gặp nạn, dân tộc chìm trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thì danh dự cá nhân, vinh nhục, ân oán sẽ không là gì khi so với với đại nghĩa của dân tộc. Vì quốc gia và dân tộc mà hiến dâng thân mình, vì nghĩa mà tuyệt không hối tiếc, là ý nghĩa chân chính của chữ Trung.

Bức tranh ở trường lang Di Hòa Viên dựa trên “Thuyết Nhạc toàn truyện”, tả cảnh “Nhạc mẫu thích chữ lên lưng con”

Mãn Giang Hồng - Nhạc Phi

“Nộ phát xung quan,
Bằng lan xứ, tiêu tiêu vũ yết.
Đài vọng nhãn, ngưỡng thiên trường khiếu, tráng hoài khích liệt.
Tam thập công danh trần dữ thổ,
Bát thiên lý lộ vân hòa nguyệt.
Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu, không bi thiết.
Tĩnh Khang sỉ, do vị tuyết.
Thần tử hận, hà thời diệt!
Giá trường xa,
Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết.
Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục,
Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết.
Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà, triều thiên khuyết.”

Dịch thơ (bản dịch của Nam Phương)

Dòng sông cuộn đỏ
Nộ tóc bung xòa, tựa lan can, lao xao mưa dứt
Nhìn ngút mắt, ngửa mặt kêu trời, chí hùng rúng động
Ba chục công danh hòa cát bụi
Tám ngàn dặm trường mây với trăng
Chẳng tầm thường, bạc trắng thiếu niên đầu, ôi bi thiết!
Tĩnh Khang nhục, còn chưa rửa
Lòng uất hận, lúc nào nguôi?
Cưỡi binh xa
Đạp nát Hạ Lan lầu các
Chí lớn nuốt tươi lũ giặc Hồ
Nói cười thỏa khát máu Hung Nô
Lại từ đầu, thu lại cựu sơn hà, chầu cửa khuyết!

Bài từ Mãn Giang Hồng của Nhạc Phi đã thể hiện vô cùng đầy đủ hoài bão to lớn của cả đời ông cũng như tấm lòng trung thành son sắt. Có thể nói là “tinh trung quán nhật nguyệt, tráng chí thùy sơn hà” (Lòng trung soi sáng vầng nguyệt, tráng chí bao phủ sơn hà). Bức tranh lịch sử hào hùng ấy dường như hiện ra trước mắt, trở thành bài thơ truyền cảm hứng tuyệt vời nhất cho một đấng nam nhi.

Nhạc Phi sống trong thời loạn thế khi nhà Bắc Tống chuyển thành nhà Nam Tống, bốn phương chiến hỏa liên miên. Vào cuối triều đại Bắc Tống, khi Tống Huy Tông Triệu Cát nắm quyền, không biết dùng người khiến cho gian thần lộng quyền đã làm cho dân chúng bất bình oán thán. Điều này khiến cho nhà Kim ở phía Bắc vừa mới quật khởi đã phát binh xâm lược nhà Tống trên quy mô lớn. Năm 1127 sau Công nguyên, nhà Kim bắt hai vua Tống là Huy Tông và Khâm Tông, và triều đại Bắc Tống diệt vong. Đây là nỗi nhục nhã lớn gọi là “Tĩnh Khang sỉ” (mối nhục Tĩnh Khang) đã đề cập trong bài từ “Mãn Giang Hồng”.

Hoàng tử thứ chín con của Tống Huy Tông là Khang Vương Triệu Cấu đã trốn thoát đến thành Nam Kinh, phủ Ứng Thiên (hiện nay là Hà Nam, Thương Khâu) xưng đế và thành lập triều Nam Tống. Vì luôn đối kháng và ngăn cản nhà Kim xuống phía Nam. Nhạc Phi trở thành danh tướng giúp nhà Nam Tống kháng Kim. Năm 1140, khi quân Kim tràn xuống phía Nam, ông đã dẫn quân lên phía Bắc chống lại. Đội Nhạc gia quân bất khả chiến bại của ông đã làm cho quân Kim chỉ nghe tiếng đã khiếp sợ. Cơ hội thu phục lại giang sơn đã ngay trước mắt, ba quân thẳng tiến Hoàng Long phủ của triều Kim, chỉ đợi thánh chỉ của Hoàng đế nữa mà thôi. Vì vậy, ông đã viết bài từ “Mãn Giang Hồng” này để truyền cảm hứng cho các tướng sĩ. Ông cũng viết biểu cho Tống Cao Tông Triệu Cấu thể hiện quyết tâm khôi phục Trung Nguyên.

Nhưng làm sao Cao Tông lại dám để Nhạc Phi đánh bại nhà Kim và cứu hai vua Huy Tông và Khâm Tông về chứ, vì ông ta sẽ bị mất ngôi vua. Dù đó có là ý nguyện của toàn dân, ông ta cũng không muốn khôi phục lại giang sơn nhà Tống mà chỉ hy vọng rằng Nhạc Phi sẽ đẩy lùi quân Kim nam chinh và bảo toàn nửa mảnh lãnh thổ này. Nghe lời sàm tấu của Tần Cối, ông ta đã liên tiếp hạ chỉ 12 đạo kim bài, bắt buộc Nhạc Phi phải ban sư hồi triều. Vì để bảo vệ trăm họ Trung Nguyên di dân về phía Nam khỏi bị quân Kim xâm phạm khi rút quân nên Nhạc Phi đã chậm trễ trở về triều. Vì lý do này, Tần Cối đã vu hãm Nhạc Phi trước mặt hoàng đế là âm mưu nổi loạn, cuối cùng bức hại Nhạc Phi và con trai ông cho đến chết. Cuối cùng, hùng tâm tráng chí của Nhạc Phi không được thi hành, để lại mối hận nghìn thu. Cho đến nay hậu thế vẫn còn đau lòng khi đọc bài từ “Mãn Giang Hồng”.

Đây là một đoạn lịch sử bi tráng làm rung động nhân tâm và diễn tả một cách tuyệt vời nội hàm của chữ Trung. Nhạc Phi một lòng vì bách tính cơ khổ, bảo vệ quốc gia mà hoàn thành đại nghĩa dân tộc bất chấp ân oán cá nhân, được mất của bản thân. Tâm chí của ông đều thể hiện hết trong bài từ “Mãn Giang Hồng”.

Kể chuyện

Nhạc Vũ Mục tận trung báo quốc

Nhạc Phi, danh tướng chống Kim thời Nam Tống, đối với mẹ chí hiếu, là người có khí tiết cao thượng. Ông thích đọc sách Tả thị Xuân thu và Tôn Ngô binh pháp. Tuổi còn nhỏ nhưng tay có sức mạnh có thể kéo nổi cung nặng 300 cân. Hai mươi tuổi tòng quân, thường lập quân công. Để khích lệ ông phụng sự đất nước, mẹ ông đã khắc vào lưng ông bốn chữ “Tinh trung báo quốc”, khắc sâu vào da thịt, nhắc nhở Nhạc Phi không quên lòng trung thành với nước nhà.

Nhạc Phi rất giỏi dùng binh và quân có kỷ luật nghiêm minh. Nhạc gia quân của ông là chủ lực của nhà Nam Tống chống lại quân Kim. Đến nỗi quân địch chỉ cần thấy quân kỷ của Nhạc gia quân là đã tan vỡ bỏ chạy. Đương thời lan truyền câu nói: “Hám sơn dị, hám Nhạc gia quân nan” (lay núi dễ, lay Nhạc gia quân khó). Có thể thấy được quân đội của Nhạc Phi kiêu dũng thiện chiến đến mức nào, sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ của họ khiến người Kim phải khiếp sợ.

Nhạc Phi dẫn quân phản kích quân Kim. Tại chiến dịch núi Ngưu Đầu, ông đại phá quân Kim thu hồi được Kiến Khang. Tống Cao Công ban cho ông một lá cờ gấm thêu chữ “Nhạc Phi tinh trung”. Từ đó trở đi, ông chiến đấu ở hai bên bờ Trường Giang Nam Bắc nhiều lần lập chiến công. Năm Thiệu Hưng thứ ba, ông công hạ Dĩnh Châu. Năm thứ tư, ông thu phục Tương Dương, tiến vào Hà Nam, đánh thẳng về phía thượng nguồn Hoàng Hà. Quân tâm của Nhạc gia quân phấn chấn, thỉnh cầu xuất sư bình định Trung nguyên. Nhưng Tống Cao Tông có lòng riêng, nên không muốn đối đầu với quân Kim, lệnh cho Nhạc Phi thu binh về triều.

Nhạc Phi đánh trận
Anh hùng dân tộc Nhạc Phi cả đời chỉ huy 126 trận đánh chưa một lần thất bại. (Hình ảnh: Vương Song Khoan)

Năm Thiệu Hưng thứ mười, quân Kim lại cử binh Nam xâm. Nhạc Phi nhận mệnh dẫn quân chống lại. Nhạc Phi cùng con là Nhạc Vân dẫn Nhạc gia quân quyết chiến quân Kim tại Yển Thành. Lần này nhà Kim phái đại tướng Kim Ngột Truật suất lĩnh đoàn quân Thiết tháp và Quải tử mã ứng chiến. Thiết tháp binh (còn gọi là Thiết phủ đồ) là đạo kỵ binh cả người lẫn ngựa đều mặc áo giáp sắt, thường xưng tụng là đao thương bất nhập, giống như một tòa tháp sắt (đây là đạo kỵ binh hạng nặng nổi tiếng nhà Kim, nhánh quân này khi cần có thể xuống ngựa tác chiến như trọng giáp bộ binh nên còn gọi là Thiết tháp binh). Quải tử mã là 3 con ngựa cùng gắn vào một chỗ và chạy một lúc, chỉ cần vung roi một lần là cả 3 con cùng chạy. Đây là 2 đoàn kỵ binh vương bài của nhà Kim nhưng Nhạc Phi không hề sợ chúng. Ông dùng các tay đao phủ phá Quải tử mã làm cho quân Kim bại trận tan tác, đại thắng Yển Thành.

Sau đại thắng Yển Thành, Nhạc Phi dùng toán quân hơn nghìn người mà phá tan đạo quân một vạn năm nghìn tinh binh của Kim quốc khiến cho quân uy lên cao như mặt trời giữa trưa. Nhạc Phi quyết định thừa thắng truy kích, kết hợp với các hào kiệt trung nghĩa tại Thái Hành Sơn và hai bên bờ Trường Giang tiến quân vào Chu Tiên trấn và đánh bại quân Kim chỉ trong một trận khiến cho quân Kim gần như tan rã. Chu Tiên trấn cách Biện Kinh (kinh đô của nhà Bắc Tống trước đây) chỉ có 40 dặm. Quân Tống với khí thế như cầu vồng ngang trời không những có khả năng thu phục Biện Kinh mà còn hoàn toàn khả dĩ đánh thẳng vào sào huyệt của nước Kim là Phủ Hoàng Long. Nhưng vì tên quốc tặc bán nước là Tần Cối chủ trương nghị hòa đã thượng tấu vu cáo Nhạc Phi nên Cao Tông hạ chiếu đem 12 đạo kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Hai cha con Nhạc Phi, Nhạc Vân vừa về đến Lâm An liền bị hạ ngục, bị Tần Cối dùng tội danh “mạc tu hữu” và sát hại vào ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11. Nhạc Phi bị chết oan trong ngục năm 39 tuổi.

Lòng trung nghĩa của Nhạc Phi thiên cổ trường tồn và lưu lại cho đời một tấm gương mẫu mực. Nghìn năm muôn đời vẫn luôn được hậu nhân kính ngưỡng.

Dương Chấn và câu chuyện “Đêm sợ 4 người biết”

Dương Chấn, tự Bá Khởi, người Hoằng Nông, Hoa Âm thời Đông Hán. Tuổi trẻ cần cù hiếu học, xem rộng các kinh điển, được các nhà Nho đương thời rất mực coi trọng và gọi ông là “Quan Tây phu tử” hay “Quan Tây Khổng tử”. Trước khi ra làm quan, Dương Chấn phụ giúp mẹ kiếm sống bằng thu nhập ít ỏi từ việc dạy học và không bao giờ nhận quà từ người khác. Dương Chấn mãi đến năm 50 tuổi mới nghe lời khuyên của bạn bè mà ra làm quan, làm một vị quan thanh liêm.

Trước khi làm quan, Dương Chấn tập trung nghiên cứu học vấn. Người thời đó rất kính trọng ông. (Tranh Tố Tố - Epoch Times)

Vào một năm nọ, Dương Chấn được điều đi nhậm chức Đông Lai Thái thú ở Sơn Đông. Trên đường đi nhậm chức có qua huyện Xương Ấp. Huyện lệnh Xương Ấp là Vương Mật nhờ Dương Chấn tiến cử mà có thể làm chức huyện lệnh này. Lợi dụng ban đêm, ông ta đem theo 10 cân vàng để đưa cho Dương Chấn, một mặt là để cảm ơn cái ơn đề bạt của Dương Chấn đối với mình, ngoài ra còn nhờ Dương Chấn tài bồi thêm sau này. Dương Chấn biết ý định khi đến của Vương Mật, nên đã kiên quyết từ chối.

Vương Mật nói với Dương Chấn: “Tại hạ đến đây vào đêm tối thế này, chắc không có ai biết đâu. Thỉnh đại nhân rộng lòng nhận giúp cho”.

Dương Chấn nghiêm sắc mặt nói với Vương Mật: “Có trời biết, đất biết, tôi biết, ông biết,sao lại nói là không ai biết được”.

Vương Mật nghe xong bất giác mặt đỏ tới mang tai, mười phần hổ thẹn, liền đem vàng quay về nhà.

Kể từ đó, câu chuyện về “Đêm sợ 4 người biết” của Dương Chấn được lưu truyền như một giai thoại. Để tiếp nối mỹ đức của tổ tiên, con cháu của ông đã treo một tấm bảng “Tứ tri đường” trong sảnh đường để khuyến khích các thế hệ tương lai tiếp nối truyền thống thanh bạch của tổ tiên.

Huy Hải - Minh Bảo
Theo Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 27: Nhạc Phi tận trung báo quốc