Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 29: Trời ban văn hóa, Thánh nhân truyền lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền văn minh Trung Hoa là do Thần truyền thụ. Thần đã sử dụng nhiều cách như Hà Đồ và Lạc Thư, căn cứ vào thế gian vạn tượng biến hóa mà tạo ra cách viết văn tự, giao cho Thánh nhân để truyền cấp cho con người. 

Nguyên văn chữ Hán

上古結繩記事,倉頡製字代繩。龍馬負圖,伏羲因畫八卦;洛龜呈瑞,大禹因列九疇。

Hán Việt

Thượng cổ kết thằng ký sự, Thương Hiệt chế tự đại thằng. Long mã phụ đồ, Phục Hy nhân họa Bát Quái; Lạc quy trình thụy, Đại Vũ nhân liệt Cửu trù.

Bính âm

Shànggǔ jié shéng jìshì, cāngxié zhì zì dài shéng. Lóngmǎ fù tú, fúxī yīn huà bāguà; luò guī chéng ruì, dà yǔ yīn liè jiǔ chóu.

Giải thích từ ngữ

  1. 結繩記事 Kết thằng ký sự: Trước khi chữ viết được phát minh, người ta sử dụng nút thắt để ghi nhớ mọi thứ; việc nhỏ thắt nút nhỏ, việc lớn thắt nút lớn, các hình thức thắt nút khác nhau, diễn đạt nội dung khác nhau.
  2. 倉頡 Thương Hiệt: còn viết là “蒼頡”, là người sáng tạo ra chữ viết trong truyền thuyết Trung Hoa.
  3. 製字 Chế tự: sáng tạo ra chữ viết.
  4. 代 Đại: thay thế.
  5. 龍馬 long mã: Một loài rồng có hình dạng giống con ngựa trong thần thoại và truyền thuyết cổ đại.
  6. 負 Phụ: cái lưng.
  7. 圖 Đồ: Hà Đồ, tên sách.
  8. 伏羲 Phục Hy: cũng viết là Bào Hy, Mật Hy, hiệu Thái Hạo, một trong Tam Hoàng, đầu người thân rắn (cũng có thuyết nói là mặt người thân rồng).
  9. 因 Nhân: dựa theo, y theo.
  10. 八卦 Bát Quái: đồ hình do Phục Hy phát minh ra, tám quẻ được sắp xếp và kết hợp với nhau, được sử dụng để tượng trưng cho những sự vật và sự biến hóa khác nhau trong vũ trụ.
  11. 洛龜 Lạc quy: rùa thần xuất hiện trên sông Lạc, Lạc Thủy thuộc tỉnh Thiểm Tây
  12. 呈瑞 Trình thụy: điềm lành xuất hiện.
  13. 列 Liệt: danh sách.
  14. 九疇 Cửu trù: chín phép tắc lớn cai trị thiên hạ, trù, phép tắc.

Dịch nghĩa

Vào thời Thượng cổ, người ta kết nút dây thừng để ghi nhớ các sự việc. Đến thời Hoàng Đế mới sáng tạo ra chữ viết để thay thế phương pháp thắt nút. Thời Phục Hy, có Long Mã lưng mang Hà Đồ xuất hiện trên sông Hoàng Hà, Phục Hy dựa vào đó mà vẽ ra Bát Quái. Thời Đại Vũ trị thủy, trên sông Lạc Thủy xuất hiện rùa thần mang trên lưng Lạc Thư báo hiệu điềm lành. Đại Vũ căn cứ hình vẽ Lạc Thư và chữ mà soạn ra Cửu trù (chín đại pháp tắc) trị quốc.

Đọc sách bút đàm

Bản chất văn hóa Trung Quốc: nội Đạo ngoại Nho, Thiên Nhân hợp nhất

Bài học này trực tiếp chỉ ra rằng nền văn minh Trung Hoa là do Thần truyền thụ. Thần đã sử dụng nhiều cách như Hà Đồ và Lạc Thư, căn cứ vào thế gian vạn tượng biến hóa mà tạo ra cách viết văn tự, giao cho Thánh nhân để truyền cấp cho con người. Cho nên, trong lịch sử thần thoại Thượng cổ, sau khi Nữ Oa tạo ra con người, là thông qua các vị Thần giáng thế, dưới sự lãnh đạo của Thánh Vương, an bài một cách có hệ thống để lưu lại các chủng văn hóa trên thế gian, để con người có thể hiểu Đạo trời vận hành, Đạo pháp ảo diệu và sống hòa hợp với tự nhiên (Thiên - nhân hợp nhất), hiểu được đạo làm người chân chính, giữ gìn tâm tính lương thiện. Đồng thời để cho con người thông qua tiến trình lịch sử mà lĩnh hội được đạo lý phổ quát: “Xa rời Đạo trời, đạo đức bại hoại là nguyên nhân căn bản nhất của các đại nạn”.

Hà đồ lạc thư
Người sau tin rằng Hà Đồ và Lạc Thư không chỉ là trang đồ hình đơn giản được lưu truyền cho đến nay, mà là hai đồ hình huyền ảo dùng để đối chiếu với sách. (Nguồn: Sohu)

Do đó, văn hóa Trung Hoa có đặc điểm là nội Đạo ngoại Nho, nghĩa là tất cả tư tưởng văn hóa chính thống của Trung Hoa, tín ngưỡng, tập tục, thi từ, nghệ thuật, kỹ năng đều do Thần truyền lại. Trước tiên phải kính Trời tin Thần, dựa trên cơ sở đó, nghiêm khắc giữ gìn đạo lý làm người, chiểu theo Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín của Nho gia làm quy phạm cho các hành vi thường nhật, để xã hội con người có thể vận hành một cách chính thường.

Nói thẳng ra thì Nho và Đạo là cùng một gia phái, cho nên, các Nho sinh đều hiểu rằng quyển “Kinh Dịch” của Đạo gia là kinh điển đứng đầu các kinh thư, là cội nguồn của tư tưởng bách gia chư tử và có thể giải thích mọi thứ trên đời. Nhưng tại xã hội, hành vi của mỗi cá nhân, tương tác giữa con người với nhau phải phù hợp với đạo đức làm người, nên đối nhân xử thế là vai trò của Nho giáo. Vì một tầng diện quy phạm cụ thể của Đạo tại nhân gian là để duy trì sự vận hành chính thường của xã hội loài người.

Vì vậy, hành vi bên ngoài của người Trung Hoa là Nho giáo, giáo dục cũng bắt đầu từ tư tưởng làm người của Nho gia. Trên thực tế, Nho giáo sẽ tiến thêm một bước, theo đuổi tìm hiểu Đại Đạo của vũ trụ và chân lý, đi theo hướng tu Đạo để phản bổn quy chân. Vì vậy, sự hài hòa giữa con người và vũ trụ (thiên nhân hợp nhất) luôn là đặc trưng cơ bản của văn hóa Trung Hoa. Văn hóa được truyền từ Thiên thượng, từ Nhân đạo đến Thiên đạo, phản ánh mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thượng giới, để con người không quên nguồn gốc và nơi quay về của mình.

Vì vậy, nghĩa gốc của văn hóa là chỉ văn minh và giáo hóa về ý Trời thông qua thiên tượng, diễn hóa thành một phần mà con người có thể lý giải để truyền thừa và trở thành văn hóa nhân loại. Nó lấy đạo đức làm cốt lõi để con người có thể hiểu được đạo lý, không ngừng giáo hóa nhân loại, liên tục dạy mọi người trọng đức, kính Trời.

Lão Tử
‘'Chân dung Lão Tử’ thời Minh của Văn Trưng Minh. (Phạm vi công cộng)

Đạo mà Lão Tử giảng, là tinh hoa của văn hóa mà người Trung Hoa có thể hiểu rõ nhất. Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên)

Nghĩa là con người lấy Đạo làm Thầy, và cuối cùng trở về với tự nhiên. Thiên địa vạn vật vạn tượng đều là biểu hiện của tự nhiên ảo diệu vô cùng. Con người phải thuận theo tự nhiên. Vì vậy, Kinh Dịch của Phục Hy biểu thị cái Đạo của Đạo gia, tức nguyên lý Âm Dương. Bệnh lý của Trung Y có nguồn gốc từ học thuyết của Đạo gia cho rằng cơ thể con người là tiểu vũ trụ, âm dương hòa hợp dẫn đến sự sống, âm dương mất cân bằng hoặc tách biệt sẽ dẫn đến bệnh tật hoặc tử vong. Tư tưởng trị quốc, bình thiên hạ của Nho giáo giảng Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín ngũ thường và Trung Dung, không đi sang cực đoan, cũng chính là thể hiện của triết lý âm dương ngũ hành của Đạo giáo tại thế gian.

Bát quái
Đồ hình Tiên Thiên Bát Quái của Phục Hy. (Nguồn: Epoch Times)

Đó là lý do tại sao người ta nói rằng, Phục Hy quan sát thiên văn vạn tượng tạo ra Tiên thiên Bát Quái và Kinh Dịch là gốc rễ của tư tưởng Nho gia, cũng là căn bản của tất cả các gia phái. Do đó, trong bài học này cần giảng về việc Phục Hy làm thế nào hiểu được ý chỉ của Thần, nguồn gốc lịch sử của việc Ngài dựa vào Hà Đồ mà tạo ra Kinh Dịch để giảng cho trẻ em về nguồn gốc của văn hóa. Mục đích để cho con cháu nhớ đến tổ tiên, nhớ về cội nguồn, không xa rời Thiên đạo mà băng hoại đạo đức.

Vì vậy, trọng tâm của văn hóa là dùng Thiên đạo để giáo hóa con người. Thể hiện ở tầng bề mặt nhất chính là quy phạm đạo đức của Nho gia, trí tuệ Trung Dung trong tư tưởng đối nhân xử thế. Tất nhiên, từ gốc rễ đó mà sinh ra muôn màu muôn vẻ hoa trái như nghệ thuật, kỹ xảo, thơ ca, văn học, kiến trúc, đạo cụ mà con người sáng tạo ra đều là biểu hiện của văn hóa.

Trong chữ “Giáo” có chữ “Hiếu” thể hiện ý Trời

Người xưa luôn tin rằng văn tự cũng là do Thần linh truyền lại, ngoài việc tạo điều kiện cho đời sống của con người, còn dùng ghi lại toàn bộ quá trình truyền thừa của lịch sử văn minh, liên tục ghi chép và khai thị những tư tưởng của Nho và Đạo, cùng với tư tưởng của Thần Phật sau này. Giúp con người đi theo chính Đạo, và không bao giờ quên nguồn gốc của mình.

Khổng Tử
Tượng Khổng Tử tại Khổng miếu ở Bắc Kinh (Ảnh: Wikipedia)

Chúng ta chỉ nói sơ qua về chữ “Giáo” trong giáo dục. Tại sao lịch sử lại chọn Nho giáo để làm chủ đạo cho nền giáo dục của Trung Hoa và trọng trách đó lại giao cho Khổng Tử nhận nhiệm vụ đầu tàu, làm cho ông trở thành Tông sư về giáo dục của toàn nhân loại? Hơn nữa, Khổng Tử vì sao dạy các đệ tử của mình phải giảng đạo Hiếu trước, lại chú trọng dạy chữ Hiếu trong giáo dục. Tại sao từ đời Hán đến nhà Thanh đều giảng “Dĩ Hiếu trị quốc”? Vì Hiếu là khởi đầu của đức Nhân mà Khổng Tử đã dạy. Đó là bởi vì khi chữ Hán được Thần tạo ra, cốt lõi của giáo dục Trung Hoa đã được quy định, đó là bắt đầu từ đạo Hiếu. Chúng ta hãy nhìn chữ “Giáo” chính là do chữ “Hiếu” và chữ “Văn” ghép lại mà thành, bởi vì nhiệm vụ của các thánh vương cổ đại là truyền thừa và giáo hóa trăm họ về đạo Hiếu để bắt đầu tiến hành quy chính đạo đức.

Vì thế, lúc tạo ra chữ viết, đã định ra phương hướng giáo dục chủ đạo cho thế gian trong tương lai. Thông qua tấm gương thực tế của bản thân hai vị Đế Nghiêu, Thuấn về lòng hiếu thảo, đã đặt nền tảng văn hóa cho các vị hoàng đế sau này dùng Hiếu đạo trị quốc. Như thế Khổng Tử chỉ là tiến hành tổng kết và hệ thống hóa những văn hóa mà các vị thánh vương này để lại. Đây là sứ mệnh của Khổng Tử, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà có.

Kể chuyện

Phục Hy Thị, thủy tổ văn minh

Phục Hy, còn gọi là Bào Hy, Mật Hy, một trong Tam Hoàng, đầu người mình rắn (có thuyết nói là đầu người mình rồng). Trong thần thoại cổ đại, sự ra đời của Phục Hy Thị rất kỳ diệu. Mẹ của ông là Thánh nữ của Hoa Tư Quốc, một ngày nọ đang đi dạo ở đầm Lôi, dùng chân bước lên dấu chân của Lôi Thần để lại, cảm động mà hoài thai sinh ra Phục Hy.

Truyền thuyết kể rằng, Phục Hy Thị nhìn con nhện đan lưới mà chế ra lưới cá, dạy cho bách tính dùng thừng đan lưới bắt cá và chim. Ông còn dạy dân câu cá săn bắn, thuần phục dã thú. Phục Hy còn dạy dân chúng dùng lửa, dùng nấu thức ăn trước khi ăn. Ông còn làm ra cây đàn Ngũ thập huyền, là loại nhạc khí ra đời sớm nhất.

Phục Hy
Tranh vẽ “tượng Phục Hy ngồi” của Mã Lân thời Nam Tống, đang lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (Ảnh: Wikimedia)

Phục Hy còn tiến thêm một bước sáng tạo ra Bát Quái, dựa trên tám đồ hình cơ bản cụ thể mà đại biểu cho hết thảy sự vật trong vũ trụ. Tương truyền vào một ngày nọ, trên sông Hoàng Hà nổi lên một con rồng giống như ngựa, trên lưng có đồ hình gồm có nhiều chấm đen và trắng.

Phục Hy căn cứ trên các chấm trên đó mà vẽ thành Bát Quái, tám loại phù hiệu này phối hợp với nhau có thể dùng để nói rõ về các loại tình huống của trời đất và vạn vật. Phát minh này đã đưa Phục Hy trở thành tổ của nền văn minh Trung Hoa.

Truyền thuyết kể rằng, Phục Hy Thị sau này là vị Đế cai quản vùng đất phương Đông rộng lớn và hỗ trợ ông cai quản là Mộc Thần là Câu Mang. Câu Mang chưởng quản vạn vật sinh sôi vào mùa xuân, tượng trưng cho sức sống vô hạn.

Thương Hiệt tạo chữ

Trước khi chữ viết được phát minh, con người chỉ có thể ghi lại sự việc bằng dây thừng, những nút thắt lớn cho các sự kiện lớn và những nút thắt nhỏ cho việc nhỏ. Nhưng cuộc sống ngày một phức tạp hơn, sự việc ngày một nhiều, việc kết dây thừng vì thế không còn thích hợp. Vì vậy, Hoàng đế đã ra lệnh cho sử quan là Thương Hiệt tạo ra chữ viết. Thương Hiệt đã quan sát hình tượng của mặt trời, mặt trăng, núi sông và các dấu chân do côn trùng, cá, chim và thú để lại rồi phát minh ra thứ chữ viết hình vuông trí huệ nhất, lâu đời nhất trên thế giới.

Thương Hiệt
Tranh vẽ Thương Hiệt có 4 mắt theo truyền thuyết, trích từ “Portraits de Chinois celebres” (chân dung của các hoàng đế, thánh nhân, hiền triết, các quan đại thần nổi tiếng và các bậc đại nho trong các triều đại cổ xưa) hội họa thế kỷ 18, Bộ sưu tập của Thư viện Quốc gia Pháp. (Phạm vi công cộng)

Truyền thuyết kể rằng khi Thương Hiệt thành công trong việc tạo ra chữ, ban ngày trời đổ mưa thóc, ban đêm nghe thấy tiếng quỷ khóc. Trời giáng mưa thóc là để chúc mừng con người có chữ viết ghi lại vạn vật và lưu truyền văn hóa; ma quỷ khóc vì có chữ viết, dân trí ngày một khai sáng, khiến chúng không còn lừa được nhân loại nữa.

Minh Bảo
Theo Epochtimes



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Ấu Học Quỳnh Lâm - Bài 29: Trời ban văn hóa, Thánh nhân truyền lại