Ba câu chuyện báo hiếu, khiến mẹ cha được phúc báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lễ ký nhà Chu giảng rằng, chữ nhân “仁” có nguồn gốc từ tổ tiên. Lấy ví dụ thế này, tổ tiên giống như nhân hạt đào, do có hạt đào mà duy trì được hậu thế sinh sôi mãi, cho nên các bậc ông cha tiền bối đều là hạch tâm của gia tộc. Văn hóa truyền thống Á Đông giảng về đạo Hiếu, hiểu rõ hiếu dưỡng cha mẹ, báo đáp công ơn cha mẹ, hàng ngày chăm sóc mẹ cha chu đáo từ miếng cơm chén nước.

Một số người muốn hiếu dưỡng mẹ cha, nhưng cha mẹ đã qua đời, không còn cơ hội báo hiếu, cho nên đau buồn mãi không thôi. Trong “An Sĩ toàn thư” thời nhà Thanh có vài câu chuyện, ngõ hầu cùng đọc giả tham khảo.

Hành thiện lập đức hồi báo song thân

Phúc Kiến có một người tên là Lâm Thừa Mỹ, cha mất khi ông còn nhỏ, mình mẹ nuôi dưỡng ông lớn khôn. Thừa Mỹ muốn báo đáp ơn cha, nhưng cha ông đã qua đời, nên ông thường đau buồn rơi lệ.

Ngày nọ, một thiền sư bảo với Thừa Mỹ rằng: “Ông là người con có hiếu. Nhưng khóc than không phải là biện pháp. Ông nên tìm một phương cách nào đó để có thể báo đáp. Tục ngữ có câu: ‘Hành thiện thì lợi cho mẹ cha, làm ác thì hại đến mẹ cha’, nếu muốn hồi báo mẹ cha, cách duy nhất là hành thiện tích đức.”

Cho dù có thành tâm thành ý than khóc bi thương, có thể được tiếng là người con hiếu thảo, nhưng song thân thực tế chẳng nhận được chút phúc huệ nào. Để song thân nhận được phúc huệ thật sự, thì chỉ có gắng sức hành thiện, quảng tích âm đức mà thôi! Lâm Thừa Mỹ nghe xong tỉnh ngộ, từ đó giới sát tu đức. Cũng nhờ hành thiện mà ông đã trở thành một vị tài tử đất Phúc Kiến, hưởng thọ 96 tuổi, vô bệnh mà đi.

Xuất gia tu hành, cứu thoát cha mình

Triều nhà Đường có một người họ Tạ, cha ông làm nghề chài lưới đánh cá nuôi thân. Một hôm không may người cha bị trượt chân chết đuối, ông Tạ nghĩ: Phụ thân lúc sống đã sát sinh quá nhiều, nhất định sẽ bị đày vào ác đạo. Thế là ông cạo đầu xuất gia, pháp danh Sư Bị, ông chịu khổ tu hành, không chút trễ nải. Sự khổ tu của ông được nhiều người kính trọng.

Một ngày, Sư Bị dẫn đoàn người trèo non lội suối, không may chân ông bị thương chảy nhiều máu. Nhưng vào đúng thời khắc ấy, ông đại triệt đại ngộ, hiểu thấu rằng mọi sự trên đời đều có nhân duyên. Sau đó ông mộng thấy cha ông hiện về cảm tạ: “Con lập chí xuất gia, hiểu rõ pháp lý Thần Phật. Công đức ấy làm cha được miễn đọa đày nơi địa ngục, lại được tái sinh nơi Thiên giới, cho nên cha vội đến báo cho con.”

Sư Bị xuất gia tu hành, cứu được cha mình thoát khỏi địa ngục. Tranh chân dung hòa thượng Bất Không - miền công cộng

Quan Thứ sử tụng kinh, phúc báo phụ thân

Thời nhà Đường, Vương Thiên Thạch là Thứ sử Từ Châu, bản tính nhân hậu hiếu thuận, làm việc cẩn thận chu toàn.

Năm Trinh Quán thứ 6, cha ông qua đời. Để thủ hiếu, Vương Thiên Thạch cho dựng lều cỏ bên cạnh mộ phần cha, một mình ông trông mộ, hàng đêm đều tụng niệm kinh Phật, cầu phúc cho cha. Khi ấy người ta nghe thấy văng vẳng tiếng khánh vang, thanh âm trong vắt, rung động lòng người, một làn hương thơm nhẹ lạ lùng bay ra từ lều cỏ, xa vài dặm còn ngửi thấy.

một mình ông trông mộ, hàng đêm đều tụng niệm kinh Phật, cầu phúc cho cha. (Tranh Trần Thiếu Mai)

Người đời bình luận rằng, quan Thứ sử hiểu rõ cõi luân hồi, nên ông không chỉ an táng chu đáo hình hài của cha, mà còn dùng cách tụng kinh gõ khánh để dẫn đạo chủ nguyên thần về nương cửa Phật. Ông làm điều này để báo đáp ơn cha, thật là người con có hiếu.

Cổ nhân báo ân, tuy phương thức khác nhau, nhưng đều vì báo đền ân nghĩa sinh thành dưỡng dục, là nghĩ cho người khác, làm cho họ có nơi về tốt đẹp, có tương lai tươi sáng.

(Nguồn truyện: “An Sĩ toàn thư” - hiếu thân)

Theo Đỗ Nhược - Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ba câu chuyện báo hiếu, khiến mẹ cha được phúc báo