Ba trận đánh của Nhạc Phi thời trẻ: Dùng trí tuệ binh pháp lấy ít thắng nhiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Nhạc Phi mới tòng quân kháng Kim, tuy tuổi nhỏ chức vị thấp, nhưng nhờ tài năng cùng võ công phi phàm mà được lão tướng Tông Trạch xem trọng. Tông Trạch xuất thân từ quan văn, không tán đồng với phương thức tác chiến của Nhạc Phi: “Tài năng võ nghệ cùng dũng cảm cơ trí của cậu vượt xa những lương tướng cổ đại, nhưng cậu lại thích dã chiến (cách đánh không kế hoạch tỉ mỉ trước mà tùy cơ ứng biến), đó không phải là kế sách vạn toàn.”

Câu trả lời của Nhạc Phi quả là có trí tuệ hơn người: “Đợi bày thế trận xong mới đánh, chỉ là lối dụng binh thông thường; cần vận dụng linh hoạt xảo diệu, tất cả nằm ở sự suy ngẫm kỹ lưỡng rồi tùy cơ ứng biến”. Nhạc Phi có những lĩnh ngộ trác việt đối với binh pháp, cùng với những chiến công vừa lập, khiến cho vị lão tướng kinh qua trận mạc lâu năm như Tông Trạch phải gật đầu không ngừng tấm tắc tán thưởng.

Vậy Nhạc Phi đã phát huy chỗ vi diệu của binh pháp như thế nào để đạt được hiệu quả xuất kỳ bất ý? Theo “Tống sử”, trong trận đầu ra quân của Nhạc Phi, ông dùng kế mai phục để bình định phản loạn ở quê nhà Tương Châu. Khi ấy Đào Tuấn, Giả Tiến cầm đầu đám giặc cướp gây họa khắp vùng, triều đình nhiều lần cho quân vây ráp nhưng đều thất bại.

Nhạc Phi thấy dân chúng khổ sở nên chủ động xin đi bắt chúng. Ông dẫn có hai trăm quân sĩ đối kháng với mấy nghìn đại quân của Đào Tuấn.

Quân Tống sau khi hành quân nhanh chóng vượt năm trăm dặm đến được Tương Châu, Nhạc Phi không vội khai chiến, mà dùng mưu lược từng bước tiến hành, dò xét kỹ địch quân, sắp đặt cơ mưu. Trước tiên ông cho ba mươi người giả làm lái buôn, vận chuyển một lượng lớn hàng hóa đến gần doanh trại bọn giặc. Quả nhiên, thuộc hạ Đào Tuấn thấy lợi lóa mắt, cướp hàng rồi bắt 30 vị tráng sĩ mang vào trại. Sau khi dụ địch thành công, Nhạc Phi lại phái 100 người mai phục dưới chân núi. Hôm sau Nhạc Phi dẫn vài chục người tới trước doanh trại khiêu chiến. Đào Tuấn ỷ thế người đông thế mạnh, có tâm khinh địch, ngồi xếp bằng trên lưng ngựa, vừa quát mắng vừa xua quân xuất chiến.

Nhạc Phi - Tranh của Vương Song Khoan.

Hai bên giao chiến được một lúc thì Nhạc Phi giả bộ thua chạy, dụ địch quân tới chỗ mai phục, rồi quay ngựa anh dũng tiên phong sát địch, hai lộ Tống quân kẹp lại khí thế ngút trời, từ 2 phía trước sau đánh tới. Đào Tuấn trở tay không kịp bị giết chết, toàn quân tán loạn nhanh chóng bại vong. Nhạc Phi ngay lần đầu tác chiến đã sử dụng linh hoạt binh pháp, đạt được hiệu quả kỳ diệu lấy ít địch nhiều.

Đến năm đầu Tĩnh Khang (năm 1126), Tống - Kim khai chiến tại Thái Nguyên, Nhạc Phi phụng mệnh mang hơn trăm kỵ binh tinh nhuệ trinh sát địch quân. Trên đường hành quân thì đột nhiên gặp phải đại quân Kim, hai bên vừa giáp mặt, đâu có kịp dàn trận mà điều binh khiển tướng, Nhạc Phi quả quyết gầm lớn một tiếng rồi lao thẳng vào quân Kim tả xung hữu đột. Thủ lĩnh đã dẫn đầu, tinh thần sĩ tốt được cổ vũ, cùng ào ào theo sát Nhạc Phi xung trận, triển hiện ra năng lực thực chiến kinh người.

Quân Kim hung hãn vậy mà bị sĩ khí của đội quân Nhạc Phi chấn nhiếp, đội hình náo loạn, mắt mở trừng trừng mà nhìn đội quân Nhạc Phi phá vây, không dám đuổi theo truy kích. Đường hẹp gặp địch nhân, lại thêm số lượng đông gấp bội, thông thường người ta sẽ sinh tâm sợ hãi, chưa đánh đã bại. Thế nhưng, Nhạc Phi lấy tinh thần can đảm không sợ hãi, cũng võ công khí thế ngút trời mà đối chiến, đạt được hiệu quả khắc địch chế thắng vô cùng to lớn. Đây chẳng phải là sự vận dụng linh hoạt binh pháp tâm lý chiến đó sao?

Tranh chân dung danh tướng kháng Kim của nhà Tống-Tông Trạch. (Miền công cộng)

Sau nạn Tĩnh Khang không lâu, Nhạc Phi đầu quân cho Khang Vương Triệu Cấu làm thủ lĩnh đội quân nằm trong quân của Tông Trạch. Nhánh quân này thẳng tiến về Biện Kinh (nay là Khai Phong, Hà Nam), trên đường phá vỡ trùng trùng phòng tuyến của quân Kim, giao chiến nhiều trận, Nhạc Phi cũng lập nhiều chiến tích. Mùa Đông, quân Tống đóng quân hạ trại dọc dải Hoạt Châu, Hà Nam, bờ bên kia là quân Kim. Mặt sông đóng băng, Nhạc Phi cùng các sĩ binh luyện tập cưỡi ngựa bắn cung trên băng, chuẩn bị vượt sông công địch.

Có một lần, Nhạc Phi cùng hơn trăm kỵ binh thao luyện, bỗng nhiên một đoàn quân Kim từ bên kia sông lao tới. Nhạc Phi lập tức quyết định, cổ vũ binh sĩ: “Quân địch tuy đông, nhưng chưa biết tình hình hư thực của chúng ta. Nhân lúc chúng chưa kịp đặt chân vững bước, lập tức tấn công, nhất định thủ thắng!”

Dứt lời, ông dẫn quân xông thẳng đội hình địch. Trong quân Kim có một viên đại tướng, múa đại đao khiêu chiến Nhạc Phi, Nhạc Phi ung dung nghênh chiến, chém xuống một đao sắc bén ngập sâu vào đại đao của viên tướng kia đến một thốn. Ông thu tay đao lại rồi ra tiếp một chiêu chém tướng địch rơi xuống ngựa. Chủ tướng mất mạng, quân Kim hoang mang, hơn trăm Tống quân thừa thắng xốc tới, đại phá địch quân.

Mưu lược quân sự của Nhạc Phi, bất giác làm người ta nhớ đến vị đại nguyên soái thời sơ Hán - Binh Tiên Hàn Tín, trận ‘Bối thủy chiến’ của Hàn Tín cũng nói về sự vận dụng linh hoạt của binh pháp, các vị ấy lấy binh lực cực nhỏ, với tổn thất ít nhất mà đại phá quân địch, dùng trí dũng mà thủ thắng. Thực ra, các danh tướng trong lịch sử đều có những chỗ tương đồng cùng bản lĩnh kinh người như vậy!

Theo Liễu Địch - Epoch Times

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Ba trận đánh của Nhạc Phi thời trẻ: Dùng trí tuệ binh pháp lấy ít thắng nhiều