Bậc thầy toán mệnh nổi tiếng thời Nam Tống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào một ngày nọ trong năm Thiệu Hưng thứ 15, một vị nhân sĩ chưa ra làm quan là Thang Tư Thoái cùng với Sử Hạo hai người cùng đến bái phỏng. Sau khi Hàn Tháo hỏi thăm hoàn cảnh hai người họ, bèn nói với họ rằng: “Hai vị tương lai đều có thể trở thành tể tướng. Từ nay về sau thăng quan tiến chức như diều gặp gió, từng bước lên cao”.

Thời Nam Tống, ở kinh thành Lâm An (nay là Hàng Châu, Chiết Giang), có một vị thầy xem tướng mệnh tên là Hàn Tháo. Ngày thường Hàn Tháo mở một quầy bói toán tại khu Tam Kiều để xem quẻ. Vì kỹ thuật xem quẻ linh nghiệm đã khiến rất nhiều văn nhân sĩ tử nghe danh mà đến. Có người còn tự đến nhà ông bái phỏng, nhờ ông cho biết vận mệnh công danh của bản thân.

Danh nho Lữ Tổ Khiêm (tự Bá Cung) thời Nam Tống, người cùng với Chu Hy và Trương Hiệp được người đời xưng là “Đông Nam tam hiền”. Năm Thiệu Hưng thứ 30, Lữ Tổ Khiêm cùng Tăng Đệ (tự Trọng Cung) đến thăm nhà Hàn Tháo. Lúc đó có một vị con cháu nhà tông thất họ Triệu đã đến nhà họ Hàn trước, Hàn Tháo vì thế đã lần lượt bốc quẻ cho ba người.

Ông nói rằng vị quan họ Triệu kia sẽ là thái thú Thượng quận và tương lai sẽ trở nên quý hiển vì có nhiều con cái. Sau đó, ông nói với Tăng Đệ: “Mệnh số của anh không tệ, không chỉ do gia thế, mà còn do học vấn nữa, tương lai nhất định có thể ra làm quan. Tuy nhiên không may là đời này không có duyên với khoa cử”.

Đến Lữ Tổ Khiêm, Hàn Tháo trước tiên hỏi ông ta: “Anh vì sao mà đến Lâm An?”. Lữ Tổ Khiêm trả lời: “Tôi đến để đi thi”.

Hàn Tháo lại hỏi: “Năm ngoái anh đã không thi đậu khoa thi ở châu thì sao năm nay lại có thể thi khoa ở tỉnh được?”.

Lữ Tổ Khiêm nói: “Tôi là đến tham dự khoa Bác học hồng từ”.

Hàn Tháo nghe xong nhìn anh ta và nói: “Mệnh của anh đúng là người sẽ đậu khoa bác học hồng từ. Nhưng không phải là năm nay, vì khoa năm nay đã có người rồi. Từ năm sau trở đi, trong vòng ba năm, anh có thể thi đậu cập đệ cả khoa thi châu và tỉnh. Hoàn toàn có thể đỗ đại khoa hàng đầu”.

Lữ Tổ Khiêm vái chào cảm tạ ông ta. Nhưng Hàn Tháo trầm ngâm một hồi lâu rồi cuối cùng nói với anh ta: “Sau nay anh sẽ nổi danh khắp thiên hạ. Chỉ tiếc là phúc phận không đủ”.

Sau đó, quả nhiên Triệu quan nhân nhậm chức Nhạc Châu thái thú. Ông có một người con trai làm đến chức thượng thư, và ba người con khác đều làm quan trong triều. Như Hàn Tháo đã nói về Tăng Đệ, cha của anh ta là Tăng Cơ cùng ba người anh đều là những quan đại thần danh tiếng. Tổ phụ Tăng Chuẩn là bạn tri kỷ của danh nho Chu Đôn Di. Đúng như Hàn Tháo đã nói, nhà họ Tăng ở đất này quả thật là danh gia vọng tộc. Nam nhân trong họ Tăng ai cũng đều đỗ tiến sĩ, chỉ duy có Tăng Đệ, tuy đã làm chức thị tùng nhưng cũng coi như chưa có công danh. Sự nghiệp của Lữ Tổ Khiêm sau này cũng giống như Hàn Tháo đã từng nói. Anh ta liên tiếp thi đậu khoa thi châu và tỉnh. Sau đó còn đậu khoa Bác học hồng từ, sau cùng trở thành một vị Tông sư nho học. Nhưng năm 40 tuổi, anh ta mắc chứng bệnh bại liệt “vô phương cứu chữa”, vài năm sau thì qua đời.

Bức tranh vẽ chân dung của Lữ Tổ Khiêm, một học giả nổi tiếng thời Nam Tống. (Ảnh: Miền công cộng)

Vào một ngày nọ trong năm Thiệu Hưng thứ 15, một vị nhân sĩ chưa ra làm quan là Thang Tư Thoái cùng với Sử Hạo, hai người cùng đến bái kiến Hàn Tháo. Sau khi Hàn Tháo hỏi thăm hoàn cảnh hai người họ, bèn nói với họ rằng: “Hai vị tương lai đều có thể trở thành tể tướng. Từ nay về sau thăng quan tiến chức như diều gặp gió, từng bước lên cao”.

Sau khi Thang, Sử nghe thấy điều này, họ cảm thấy không thể tin được. Nhưng trong năm này, tất cả họ đều thi đậu tiến sĩ. Sau đó, Thang Tư Thoái tham gia điện thí và đỗ thủ khoa Bác Học Hồng Từ. Mười năm sau (1155), ông từ Lễ bộ thị lang được thăng chức lên Đoan Minh điện học sĩ, và sau đó nhận chức Thiêm Thư Khu mật viện sự. Hai năm sau (1157), ông trở thành Thượng thư hữu phó bộc xạ (tể tướng).

Vào thời điểm đó, Sử Hạo vẫn chỉ là quan cửu phẩm ở Thái Học Chính, lúc đó đang cùng với bạn đồng liêu tán gẫu và thắc mắc nói: “Hàn Tháo toán mệnh về đường hoạn lộ của Thang công rất linh nghiệm. Nhưng không hiểu sao đến tôi lại không được như thế. Nhìn vào hoàn cảnh giữa hai người chúng tôi bây giờ quả là khác biệt một trời một vực!”

Người ta nói rằng, thời Tống Hiếu Tông còn là hoàng tử hiệu Kiến Vương, Sử Hạo lúc đó làm chức trực giảng trong vương phủ (thầy của hoàng tử), thường cùng với Vương đàm kinh luận đạo. Sau khi Tống Hiếu Tông đăng cơ, lập tức thăng chức cho ông làm Trung thư xá nhân. Cũng trong năm này, vì Sử Hạo đã có công minh oan cho cha con Nhạc Phi, lại được thăng lên Tham tri chính sự, sau đó quan lộ cứ dần dần ngày càng thăng tiến cho đến khi lên chức Thượng thư hữu bộc xạ (tể tướng).

Quan lộ của Thang Tư Thoái và Sử Hạo rất giống nhau và không khác mấy so với những gì Hàn Tháo đã nói. Cả hai người đều thăng tiến vững chắc trong triều đình, được hoàng đế giao cho những trọng trách, và cuối cùng họ đều được phong làm tể tướng của hoàng triều.

Cả hai người đều thăng tiến vững chắc trong triều đình, được hoàng đế giao cho những trọng trách, và cuối cùng họ đều được phong làm tể tướng của hoàng triều. (Ảnh: Miền công cộng)

Hàn Tháo tinh thông thuật chiêm bốc, có thể tiên đoán sự nghiệp của người khác, họa phúc cũng như nhân quả, nhưng không phải lần nào ông cũng nói hết những gì ông biết. Một ngày nọ, một vị quan họ Diệp đến tìm ông để xem quẻ về sự nghiệp của mình. Hàn Tháo nói với ông ta: “Ông không cần đọc sách cũng có thể có được quan chức mà. Nếu quả thực muốn biết tiền trình của mình ra sao, hãy đợi qua ngày 22 tiết Lập Thu rồi đến tìm tôi. Lúc đó tôi sẽ nói tường tận cho anh biết”.

Vị quan họ Diệp nghe xong cảm thấy mình bị đùa bỡn, bèn nổi giận muốn động thủ đánh Hàn Tháo, may lúc đó có người khuyên can mới thôi.

Mười sáu ngày sau, vị quan họ Diệp đột nhiên bị ốm nặng và liên tục nôn ra máu. Ông nghĩ đến những gì Hàn Tháo đã nói và không khỏi lo lắng và sợ hãi. Ông ta tìm gặp một vị sư trong làng cùng tuổi, nhờ vị này viết ra giờ sinh Bát tự của ông ta ra giấy, rồi gửi đến nhà Hàn Tháo. Hàn Tháo nhìn và chỉ vào Bát tự đó và nói: "Đầu tháng tôi đã nhìn thấy người này. Anh ta sẽ không sống qua nổi tiết Lập Thu. Nếu qua Lập Thu mà anh ta chưa chết, tôi sẽ không bao giờ xem mệnh cho ai nữa".

Vị sư làng trở lại nhưng sau đó ông ta không dám nói với vị quan họ Diệp những gì mà Hàn Tháo đã nói. Sau đó, quả nhiên vị quan họ Diệp đã không sống qua khỏi tiết Lập Thu.

Vị quan họ Diệp kia thực ra là một người bất hiếu bất nghĩa. Ông ta mồ côi cha mẹ từ nhỏ, do bà nội nuôi dưỡng lớn lên. Năm 21 tuổi, châu thành nơi ông và bà nội sinh sống bị giặc cướp. Vì để ông ta có thể chạy khỏi thành sớm, bà nội ông ta đã đem hết toàn bộ của cải tích cóp 1 đời gồm 50 lạng vàng và 30 đĩnh bạc đưa hết cho ông ấy. Mục đích là mong muốn ông ta ổn định nơi an cư, sau đó sẽ đưa bà nộ rời khỏi thành. Nhưng ông ta đã bội bạc tín nghĩa và tình thân, đi luôn và không bao giờ quay lại thành. Cuối cùng bà của ông ta bị giặc cướp giết, xương cốt cũng không tìm thấy.

Kể từ đó, vị quan họ Diệp kia yên tâm thoải mái tiêu tiền của bà mình. Ông ta mua ruộng buôn trà, kết giao với tông thất và tìm kiếm một chức quan cửu phẩm. Mãi về sau, hôn mê ngã bệnh nặng, ông ta mới nói ra miệng: "Nói với bà nội, ta nhất định sẽ trả lại tiền cho bà, làm ơn hãy để ta trở về quê hương còn sống, đừng để cho ta bị ngàn đao đâm chết!”.

Từ xa xưa, làm ra hành vi bất chính sẽ tự giết mình, và cái chết đột ngột của vị quan họ Diệp cũng là do ác tâm bất hiếu mà ông ta đã tự mình gieo xuống.

Khi Hàn Tháo khi xem bói lần đầu tiên cho người này, đã tính được ngày chết của ông ấy. Nghĩ lại, mọi thứ trên đời đều do quả báo thúc đẩy, không ai có thể vượt qua luật trời thiện ác hữu báo hết.

Minh Bảo

Theo tác giả: Nhan Văn

Tư liệu tham khảo:

“Tề Đông dã ngữ”

“Di kiên chí”, Đinh chí quyển thứ 6 và 7.



BÀI CHỌN LỌC

Bậc thầy toán mệnh nổi tiếng thời Nam Tống