Bài học trị quốc thấm thía của những bậc minh quân và hiền triết trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem thế thì biết, sức mạnh của quân chủ không phải ở mưu mô mà ở đức độ và sự cởi mở. Sức mạnh của quốc gia không nằm ở bạo lực và dối trá mà nằm ở thành tín với nhân dân của mình và với các nước lân bang

Chuyện kể rằng, một lần Tử Cống hỏi thầy là đức Khổng Tử về chuyện an định chính trị quốc gia.

Khổng Tử dạy: “Đủ lương thực, đủ quân binh, và lòng dân tín phục"...

Tử Cống lại hỏi: “Nếu buộc phải bỏ một thứ, thì nên bỏ gì trước ạ?”

Khổng Tử trả lời: “Bỏ quân binh".

Tử Cống lại hỏi: “Nếu buộc phải bỏ thêm một thứ nữa vậy thì bỏ gì ạ?”

Khổng Tử đáp: “Bỏ lương thực. Xưa nay không ai tránh được cái chết, nhưng dân không tin thì sẽ không dựng nước được đâu".

Nguyên văn:

Tử Cống vấn chính. Tử viết: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khứ, ư tư tam giả hà tiên?” Viết: “Khứ binh”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khứ, ư tư nhị giả hà tiên?” Viết: “Khứ thực. Tự cổ giai hữu tử, dân vô tín bất lập".

Tầm quan trọng của “tín”

Từ quan điểm của Khổng Tử chúng ta có thể thấy rằng, bất luận một quốc gia có quân đội hùng mạnh thế nào hay kinh tế phát triển đến đâu, thì đều không thể so được với sự “tín nhiệm" của dân. Đối với người cầm quyền thì đó chính là cái gốc để xây dựng đất nước, hơn nữa sự thành tín của một người là cơ sở tạo nên nền tảng xã hội, vậy nên đối với việc xây dựng và trị vì đất nước thì tiêu chí “lòng dân tín phục" ắt phải được đặt lên hàng đầu.

Trong binh pháp viết: “Dùng chính trực trị quốc, dùng khôn khéo chọn binh”. Việc quân sự tác chiến thường có nhiều yếu tố bất ngờ xảy đến mà không thể lường trước, vậy nên khi chọn binh lính ắt phải khéo léo mưu lược. Nhưng để trị vì một quốc gia thì phải dùng sự chính trực, lấy đức phục dân. Người không nói đến "tín", thì trên thực tế nhân cách đồng dạng đã bị huỷ hoại rồi, giống như xác chết biết đi, không có chỗ đứng trong xã hội; cũng vậy, nếu như người cầm quyền của một quốc gia không có thành tín, khiến người dân mất đi sự tin tưởng, việc đó đồng dạng như mất đi thiên hạ, quyền lực khi ấy cũng chỉ là hữu danh vô thực, cách sự sụp đổ cũng không còn xa nữa.

Nếu như người cầm quyền của một quốc gia không có thành tín, khiến người dân mất đi sự tin tưởng, việc đó đồng dạng như mất đi thiên hạ, quyền lực khi ấy cũng chỉ là hữu danh vô thực, cách sự sụp đổ cũng không còn xa nữa. (Ảnh: Shutterstock)
Nếu như người cầm quyền của một quốc gia không có thành tín, khiến người dân mất đi sự tin tưởng, việc đó đồng dạng như mất đi thiên hạ, quyền lực khi ấy cũng chỉ là hữu danh vô thực, cách sự sụp đổ cũng không còn xa nữa. (Ảnh: Epoch Times)

Biết lễ nghĩa, biết liêm sỉ đó là nền tảng dựng nước

Một vị danh tướng trứ danh tên là Quản Trọng đã từng nói: “Biết lễ nghĩa biết liêm sỉ, đó là một trong tứ trụ của đất nước, tứ trụ nếu không bền vững, quốc gia tất sẽ diệt vong". (Lễ nghĩa liêm sỉ, quốc chi tứ duy, tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vong). Vậy nên ông thường khuyên Tề Hoàn Công rằng: “Trước tiên phải tuân thủ lễ nghĩa, lấy được lòng tin của quần thần, khi đó mới có thể xưng bá thiên hạ”.

Năm 681 TCN, nước Tống loạn lạc, nước Tề thấy vậy đã triệu tập nước Tống và các nước lân cận như Lỗ, Trần, Thái, Chu, Đàm, Toại… cùng đến họp liên minh tại vùng Bắc Hạnh của nước Tề, lên kế hoạch an định lại nước Tống.

Tại lần họp liên minh này, tráng sĩ Tào Mạt của nước Lỗ bất ngờ rút đoản kiếm bắt Tề Hoàn Công làm con tin, ép ông phải ký vào giấy chứng nhận trả lại lãnh nước Lỗ mà nước Tề đã từng chiếm cứ, Tề Hoàn Công không còn cách nào khác đành phải đồng ý. Sau sự việc đó, vua Tề và các đại thần lên âm mưu phá bỏ khế ước, tiến hành xuất binh báo thù, nhưng Quản Trọng không đồng ý nên đã khuyên can Tề Hoàn Công rằng: “Huỷ đi khế ước cũng chỉ có thể đắc được lợi ích trước mắt, việc dùng binh chinh phạt tuy nhanh chóng, nhưng hậu quả sẽ làm mất đi niềm tin của các nước chư hầu, mất lòng tin của thiên hạ. Ngược lại, thân là một đại quốc, nếu như trong hoàn cảnh bị ép buộc mà lại có thể tuân thủ lời hứa, như vậy sẽ khiến thiên hạ trên dưới đều bái phục”. Tề Hoàn Công nghe xong tỉnh ngộ chấp nhận ý kiến của Quản Trọng, giữ đúng lời trao trả đất cho Lỗ quốc. Các nước chư hầu khác sau khi hay chuyện đều công nhận nước Tề biết giữ chữ tín, do đó không ít các nước đều muốn quy nạp vào nước Tề.

Người đời sau truyền rằng: “Chữ Tín của Hoàn Công đã nổi danh thiên hạ, khởi đầu từ minh ước ở đất Kha”. Thời Xuân Thu loạn lạc, Tề Hoàn Công có thể thành tựu được việc “chín lần họp chư hầu", “nhất chính thiên hạ” bởi lẽ khởi điểm của ông chính là gìn giữ chữ tín, coi trọng lời hứa, đó là cái gốc vững bền nhất.

Đường Thái Tông chính trực đối đãi với kế sách của người dân

Về việc dùng “tín” trị quốc của các bậc minh quân trong lịch sử không thể không kể đến Đường Thái Tông Lý Thế Dân, một thời vương triều nhà Đường thịnh thế lâu dài trứ danh sách sử âu cũng là do có vị hoàng đế này trị vì.

Chủ trương của Đường Thái Tông là quân thần trên dưới đồng tâm đồng đức, trung thực cởi mở mới có thể trị vì quốc gia được tốt. Ngài cho rằng, Hoàng đế Tùy Dương thường nghi ngờ quần thần, đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhà Tùy diệt vong; trong khi Đường Thái Tông dùng chính tín của bản thân đối đãi với bậc dưới, dùng dân mà không hề nghi hoặc, vậy nên tự đắc được sự cảm ân của dân và của quần thần, khiến họ đều nguyện ý tận tâm trung thành với ông.

Chủ trương của Đường Thái Tông là quân thần trên dưới đồng tâm đồng đức, trung thực cởi mở mới có thể trị vì quốc gia được tốt. (Ảnh: Wikipedia)
Chủ trương của Đường Thái Tông là quân thần trên dưới đồng tâm đồng đức, trung thực cởi mở mới có thể trị vì quốc gia được tốt. (Ảnh: Wikipedia)

Trong những năm đầu Trịnh Nguyên, có người gửi một lá thư lên Đường Thái Tông, nội dung mong mỏi vua thanh trừ “gian thần" trong triều đình. Đường Thái Tông rất quan tâm đến chuyện này, cho gọi người gửi bức thư vào triều để đích thân gặp mặt và hỏi chuyện, ông nói:

“Những đại thần mà ta dùng đều là hiền lương nghĩa sĩ, anh biết có gian thần trong đó sao?”

Người viết thư trả lời: “Tại hạ sống ở ngoài cung, không biết ai là gian thần. Nhưng tại hạ có một diệu kế, hoàng thượng có thể thử xem sao, nhất định gian thần sẽ xuất đầu lộ diện”.

Đường Thái Tông hỏi diệu kế là gì, anh ta liền đáp: “Nhân lúc hội họp quần thần thảo luận về chuyện quốc gia đại sự, ngài hãy cố ý khăng khăng vào một ý kiến sai lầm, sau đó giả như nổi trận lôi đình. Khi đó những ai không sợ cơn thịnh nộ của Hoàng thượng, càng không sợ bị trừng phạt, kiên trì chân lý, can đảm dám nói thẳng chính kiến, đó là những quân thần chân chính; ngược lại những người vì sợ uy nghiêm của hoàng thượng, mà chỉ nghĩ đến tính mạng của bản thân, đồng tình với ý kiến của người, đó sẽ là gian thần”.

Đường Thái Tông nghe xong không đồng tình với quan điểm của anh ta, sau đó ông tận tình chỉ bảo: “Dòng nước chảy không xét là đục hay trong, quan trọng ở cội nguồn. Quân chủ là cái gốc ra lệnh thi hành việc chính sự, thần dân như dòng nước chảy kia, nguồn vẩn đục nhưng lại muốn dòng nước trong thì đó là chuyện không thể. Đế vương tự mình tùy hứng đùa cợt tính kế tìm người gian, làm sao có thế khiến thần dân chính trực và tín nhiệm? Ngụy Võ Đế cảnh giác hơn người, thường sử dụng mưu kế thủ đoạn, quả thực ta rất xem thường ông ấy. Nếu như ta cũng làm như vậy, thì sao có thể chỉ trách người khác và giáo hoá họ được?”

Đường Thái Tông còn nói với người hiến kế kia rằng: “Ta muốn đại tín được thực hành khắp thiên hạ, dùng cái tâm trung thành để trị quốc, tuyệt không thể làm oai môn tà đạo được. Mưu kế của ngươi tuy rất vi diệu, nhưng đối với ta sẽ không có đất dùng, ta tất nhiên cũng sẽ không làm như vậy”. Anh kia nghe xong mười phân xấu hổ, vội vàng hạ điện, khấu tạ hoàng đế rồi rời cung.

Đường Thái Tông “dùng đức phục dân, dùng chính trực phục người” mới khiến xã tắc an định, lão bách tính vì an tâm có một vị hoàng đế đạo đức cao thượng mà chăm lo làm việc, vua tôi đồng lòng gây dựng lên vương triều nhà Đường cực thịnh trong lịch sử Trung Hoa. Kỳ thực ông chính là lưu lại cho người đời sau những giá trị phổ quát truyền thống trong việc trị vì đất nước.

Xem thế thì biết, sức mạnh của quân chủ không phải ở mưu mô mà ở đức độ và sự cởi mở. Sức mạnh của quốc gia không nằm ở bạo lực và dối trá mà nằm ở thành tín với nhân dân của mình và với các nước lân bang. Quân chủ có rộng lượng cởi mở, mới tiếp nhận được ý kiến đa chiều của quần thần và dân chúng; có đức độ mới có thể “lấy đức phục người”. Quốc gia xây dựng dựa trên thành tín thì chính quyền không cần phải dối trá hay dùng bạo lực đè nén, áp bức người dân im lặng nuốt hờn dẫn đến nhiều bất ổn xã hội... mà lân bang cũng tôn trọng và quy thuận mà không nảy sinh phản trắc. Người dân cũng nhìn vào tấm gương từ người lãnh đạo của mình mà cư xử hòa thuận, đức độ và thành tín, cần gì phải duy trì lực lượng an ninh khổng lồ tốn kém và hà khắc… được như vậy, thiên hạ chẳng phải thái bình ư?

Những bài học lịch sử ấy nếu biết tiếp thu thì chẳng phải sẽ là cái phúc của muôn dân, của mọi chính quyền? Nếu làm ngược lại, nó chẳng phải là điềm báo tai ương và thất bại hay sao?

Anh Kỳ
Theo: Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Bài học trị quốc thấm thía của những bậc minh quân và hiền triết trong lịch sử