Bài thơ tống biệt nổi tiếng nhất của Lý Bạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý Bạch đã viết rất nhiều thơ tống biệt, nhưng “Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” là một bài thơ tống biệt nổi tiếng nhất.

Thi nhân Lý Bạch đời Đường cả đời yêu thích kết giao bằng hữu, thường đặt tình bạn vào vị trí quan trọng trong cuộc đời ông. Vì vậy, thơ tống biệt của ông rất nhiều, mà bài thơ tống biệt “Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” (Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng) được cho là nổi tiếng nhất trong những bài thơ tống biệt của ông. Bài thơ viết về câu chuyện Lý Bạch tiễn biệt Mạnh Hạo Nhiên ở lầu Hoàng Hạc.

Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” cô đọng, chỉ có 28 chữ:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Dịch thơ - bản dịch Tản Đà:

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Hoàng Hạc Lâu thế kỷ XIX
Hoàng Hạc Lâu thế kỷ XIX. (Ảnh: Wikipedia)

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

Đường thi tiếc chữ như vàng, vì vậy văn tự vô cùng súc tích. Hai câu thơ đã nói ra nguyên nhân sự tình. Lý Bạch mở tiệc ở lầu Hoàng Hạc, tiễn đưa bằng hữu là Mạnh Hạo Nhiên đi Dương Châu, thời gian là tháng Ba hoa khói phất phới bay. Hai câu thơ này không chỉ nói rõ nguyên do sự tình, mà còn vô cùng thuận miệng, dường như không phải đang đọc thơ, mà là thuận miệng nói ra. Loại thơ như dòng suối nhỏ tuôn chảy tự nhiên từ miệng như thế này là thơ dễ được lưu truyền rộng nhất.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu

Đầu câu là một chữ Cô, ý nghĩa bề mặt là cô đơn, cô độc, nhưng câu thơ lại là nói chỉ có một con thuyền (cánh buồm) cô độc. Có lẽ đây là thủ pháp khoa trương, bởi Trường Giang rộng lớn thế, mùa xuân thời tiết đẹp như thế, sao lại chỉ có một con thuyền cô độc? Tuy nhiên, khoa trương ở đây lại hợp lý, bởi vì trong con mắt thi nhân, thực sự chỉ có một con thuyền, vì các con thuyền khác thì ông hoàn toàn không để ý đến.

Tuy nhiên, chữ Cô này còn có ý nghĩa khác, thứ nhất là chỉ bằng hữu Mạnh Hạo Nhiên đi đến phương xa, không có thân bằng cố hữu, đơn độc một mình; thứ hai là bằng hữu đi xa, thi nhân trở nên cô độc. Một cánh buồm đơn độc nhỏ dần rồi biến mất trên nền trời xanh, chỉ còn thấy dòng Trường Giang chảy đến chân trời. Đây là cách ví von, liên kết tình cảm tống biệt của mình mời dòng Trường Giang chảy đến chân Trời, chính là ví tình bạn như dòng Trường Giang, có cội nguồn xa xôi chảy xa mãi mãi như bất tận.

Nhìn theo con thuyền nhỏ đưa bằng hữu xa dần xa dần cho đến khi cánh buồm mất hút trên nền trời xanh, có thể thấy, thi nhân tiễn biệt bằng hữu rồi, cứ đứng bên sông nhìn theo, thời gian trôi qua đã lâu, dường như thi nhân không để ý đến thời gian nữa. Lý Bạch tiễn biệt bạn không phải là trên hình thức, mà cả thân tâm đều chăm chú vào việc tiễn biệt Mạnh Hạo Nhiên.

Người xưa có tấm lòng rộng mở, trong tâm có thể dung chứa cả trời đất. Vì vậy, người xưa thích dùng núi sông để miêu tả tâm cảnh mình. Lý Bạch chính là như thế. Một người mà tầm nhìn rộng mở một chút thì những ưu sầu trong tâm đều trở nên đẹp biết bao, tốt biết bao, thi vị biết nhường nào. Bài thơ “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” được đông đảo mọi người ở các tầng lớp yêu thích suốt hơn nghìn năm nay, khi đọc thơ, ngâm nga, như thấy những cảnh đẹp, tình cảm đẹp chảy trong lòng, câu từ tuôn ra tự nhiên, vần điệu, quả là đẹp như mơ.

Hoàng Mai
Theo Thiên Thiên - Visiontimes

 

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Bài thơ tống biệt nổi tiếng nhất của Lý Bạch