Ban hành pháp lệnh hà khắc rồi chính mình bị báo ứng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dùng chính sách Bá đạo để ban hành pháp chế, bắt mọi người dân phải tuân theo mệnh lệnh. Dùng bạo lực, sức mạnh và dối trá để cho người dân phải sợ hãi, ngu tối, ngu muội mà không dám phản đối. Rồi cuối cùng chính bản thân cũng bị báo ứng bởi chính sách do mình ban ra.

Vệ Ưởng là người có tài, vốn là người nước Vệ, nhưng đang sinh sống ở nước Ngụy. Bấy giờ nước Tần đang suy yếu, vua Tần Hiếu Công lên ngôi quyết tâm khôi phục lại vinh quang cho nước Tần, bèn ra lệnh cầu hiền, mời tài trong thiên hạ tới giúp mình. Vệ Ưởng nghe tin liền sang Tần. Lần yết kiến thứ nhất, Vệ Ưởng đem Đế đạo giảng giảng cho vua Tần, vua Tần buồn ngủ không muốn nghe. Lần yết kiến thứ hai, Vệ Ưởng đem Vương đạo nói cho vua Tần nghe, vua Tần có vui vẻ hơn lần trước nhưng không muốn dùng Vệ Ưởng. Lần thứ ba yết kiến, Vệ Ưởng đem Bá đạo ra giảng giải, vua Tần cảm thấy rất hợp, nói chuyện với Vệ Ưởng suốt mấy ngày không chán. Sau đó vua Tần Hiếu Công phong Vệ Ưởng làm Tả thứ trưởng, và cho thay đổi pháp chế.

Vệ Ưởng ban hành pháp chế vì muốn luật pháp được tôn trọng nên ông dùng chính sách hà khắc: Ông chia dân thành từng nhóm, năm hộ, mười hộ, phải kiểm soát nhau và bị ràng buộc vào nhau, lại ra lệnh ai không tố cáo kẻ gian thì bị chém ngang lưng; ai tố cáo kẻ gian thì cũng được thưởng ngang với người chém đầu quân địch; người che giấu quân gian bị phạt ngang với người đầu hàng quân địch, gia đình có hai người con trai trở lên mà không chia của ở riêng thì bắt đánh thuế gấp đôi.

Năm năm sau, Vệ Ưởng lại ban hành pháp chế: Cấm cha, con, anh em cùng ở chung một nhà; phân cư và hợp các làng, xóm nhỏ lại thành huyện, đặt chức quan lệnh và thừa, được tất cả ba mươi mốt huyện, bỏ bờ ruộng, đường thiên đường mạch, thống nhất hộc, thùng, quả cân, thước, tấc nhờ đó việc đánh thuế được tăng.

Sau khi có pháp chế, Vệ Ưởng vẫn chưa ban bố vì sợ dân không theo. Vì vậy, ông dựng một cây gỗ dài ba trượng ở phía nam chợ của kinh đô, nói rằng ai có thể mang nó đến cái cửa phía bắc thì có mười lạng bạc. Dân lấy làm lạ, không ai dám mang đi. Vệ Ưởng tăng hai mươi lạng, rồi ba mươi lạng vẫn không ai mang đi, sau tăng lên năm mươi lạng thì có một người mang đi. Vệ Ưởng bèn cho người đó năm mươi lạng để chứng tỏ mình không lừa dối. Sau đó ông mới ban bố pháp lệnh.

Khi pháp lệnh được ban hành, rất nhiều người dân vì không biết mà vi phạm rồi bị chém đầu, dân chúng oán thán Vệ Ưởng nhưng không dám lên tiếng sợ sẽ bị quy tội. Thái tử Tứ bất mãn với biến pháp, Thương Ưởng lấy pháp luật để trị thái tử, nhưng thái tử là người nối ngôi không thể trừng trị, nên Ưởng lệnh cắt mũi thái phó của thái tử là Công Tử Kiền. Sau đó Vệ Ưởng tâu lên vua Tần Hiếu Công, vua Tần truất phế thái tử, đuổi ra khỏi cung làm dân thường.

Vệ Ưởng tâu với vua Tần Hiếu Công, xin đi đánh nước Ngụy để khống chế chư hầu. Vệ Ưởng dùng kế hèn hạ, viết thư mời giảng hòa, mở tiệc hội thề, rồi bất ngờ trở mặt đem quân đánh Ngụy. Sau khi đánh thắng quân Ngụy trở về, được vua Tần thưởng cấp cho mười lăm ấp ở đất Thương Ô, hiệu là Thương Quân. Từ đó Vệ Ưởng còn được gọi là Thương Ưởng.

Khi Tần Hiếu Công qua đời, Thái tử Tứ lên ngôi (Tần Huệ Vương) muốn trị tội Thương Ưởng (vì trước đây Ưởng làm tội thầy của Thái tử) bèn cách chức Thương Ưởng. Ưởng ngang nhiên trở lại đất phong của mình với hàng ngựa xe có của cải, có tiền hô hậu ủng, có bá quan theo đưa, và tiếm dụng nghi trượng bậc vương hầu. Tần Huệ Vương nổi giận sai tướng đem ba ngàn quân đuổi theo để chém bỏ tại chỗ. Có người báo cho Thương Ưởng biết, Ưởng cả sợ, bèn cởi áo quan ra, mặc đồ lính trốn đến Hàm Quan. Bấy giờ trời tối, Ưởng vào nhà dân xin ngủ nhờ. Chủ nhà hỏi:

- Ngươi có giấy tờ tùy thân điểm chỉ không?

- Dạ không!

Chủ nhà nói:

- Vậy thì ngươi hãy đi nơi khác. Pháp luật của Thương Quân không chấp chứa những người không có giấy tờ!

Thương Ưởng thở dài than:

- Bây giờ mới thấy cái tệ hại đến thế nào của nhà làm pháp luật!

Sau đó Thương Ưởng trốn sang Ngụy. Vua Ngụy rất ghét Ưởng vì trước đây lừa dối bắt công tử Ngang (vốn vừa là bạn vừa là ân nhân của Thương Ưởng), nên muốn bắt Ưởng. Thương Ưởng lại chạy về nước Tần, tập hợp binh ở đất Thương Ô. Vua Tần đem quân tới đất Thương Ô, bắt Thương Ưởng, cho xe xe xác Ưởng để thị uy, rồi ra lệnh chém cả nhà Thương Ưởng.

Đây là câu chuyện thật trong lịch sử. Thương Ưởng được cho là nhà chính trị đại tài, đã đưa nước Tần đến chỗ hùng cường, nhưng vì pháp luật quá khắc nghiệt, lại áp dụng chính sách ngu dân (dân chúng không được học, chỉ có con của quan lại và hoàng tộc được học), nên dân chúng ít được biết đạo lý.

Mỗi ngày Ưởng ra lệnh chém từ 600 đến 700 người phạm pháp. Máu pha đỏ dòng sông Vị, khiến dân chúng phải oán hận. Người dân cho rằng Thương Ưởng là công tử nước Vệ (Hoàng tộc) qua làm quan nước Tần, đã chắc gì yêu nước Tần? Thương Ưởng chết đi dân chúng ai ai cũng mừng, người ta ca hát nhảy múa đầy đường! Luật pháp Thương Ưởng nghiêm đến nỗi dân chúng không dám cho một người ngủ nhờ. Ai chứa chấp người nếu không có giấy tờ sẽ bị chém! Chính vì vậy Thương Ưởng mới bị báo ứng do chính luật pháp của mình!

Từ câu chuyện lịch sử mới hay, luật pháp được tạo ra để kiềm chế mặt ác và thói hư tật xấu của con người. Nhưng nếu dùng luật pháp để trừng trị người khác thì báo ứng lại đến chính mình và gia đình.

Vân Hải

Tham khảo: https://vi.wikipedia.org/

Tham khảo: Thuật xử thế của người xưa



BÀI CHỌN LỌC

Ban hành pháp lệnh hà khắc rồi chính mình bị báo ứng