Báo ứng đến tức thì: Giết người giá họa cho hổ, bị hổ ăn thịt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa thường dạy: “Người không làm theo lẽ Trời ắt Trời không dung”. Trong cuốn sách thứ 5 của Tỉnh thế hằng ngôn (lời làm thức tỉnh thế nhân) có kể về một câu chuyện Mưu tài hại mệnh, xứng là bài học cho thế nhân.

Thế sự mênh mang vạn kiếp người
Cõi tạm ai hay cuộc nổi trôi
Mưu sinh tính cả ngàn năm kế
Công đạo còn lưu mãi muôn đời

Mặt trời xuống núi ai làm chủ?
Sông chảy về đông chẳng quay đầu
Thế nhân chẳng hiểu đâu thiên ý
Khiến cả thân tâm suốt đêm sầu

Tám câu thơ trên khuyến khích thế nhân luôn có lòng bảo vệ lẽ phải, làm việc theo lẽ Trời, chớ có tham lam kiếm lợi về mình mà suy tính chuyện hại người.

Xưa có một người, họ Vi tên Đức, từ nhỏ theo cha mở một tiệm bán trang sức. Người này làm việc luôn hiểu trước sau, coi nhẹ tư lợi, vì vậy khách hàng ngày một đông, việc làm ăn vô cùng phát đạt. Vậy nên chỉ chớp mắt qua vài năm đã tích lũy được rất nhiều của cải. Khi trưởng thành, Vi Đức lấy vợ là con gái của một người hàng xóm là ông thợ may họ Thiện. Thiện thị vốn là người có nhan sắc, những nhà giàu có trong vùng sẵn sàng bỏ ra mấy nghìn quan tiền để rước nàng về làm vợ lẽ, nhưng ông thợ may Thiện không đồng ý. Khi thấy cha con nhà họ Vi là người biết giữ bổn phận, kiếm sống bằng tay nghề, lại là hàng xóm, sống một vợ một chồng, liền đáp ứng mối hôn sự này. Sau khi thành thân, cha Thiện thị mắc bệnh qua đời. Chưa đầy hai năm sau, lão Vi cũng bệnh nặng ra đi. Vi Đức bàn bạc với vợ, rằng giờ hai người đều không còn thân thích, không bằng trở về quê cũ. Thiện thị ban đầu không đồng ý, nhưng xuất giá tòng phu, cũng đành phải thuận theo. Vi Đức cho bán hết đồ đạc, chuẩn bị hành lý, mướn một con thuyền to, chọn ngày lành để xuất hành.

Vi Đức cho bán hết đồ đạc, chuẩn bị hành lý, mướn một con thuyền to, chọn ngày lành để xuất hành.
Vi Đức cho bán hết đồ đạc, chuẩn bị hành lý, mướn một con thuyền to, chọn ngày lành để xuất hành. (Ảnh: Pixels)

Chẳng ngờ người chèo thuyền tên Trương Sảo kia lại là một tên bất lương. Bởi vì phải làm mấy chuyện buôn bán bí mật, nhưng lại sợ lộ chuyện không hay, nên hắn ta tìm một người câm làm trợ thủ. Nay biết Vi Đức mang bên mình số bạc lớn, lòng tham đã hoàn toàn trỗi dậy, bọn chúng vốn chẳng vợ con, lại thấy Thiện thị nhan sắc động lòng người, há lại chẳng động tà tâm. Chúng tính toán bàn nhau hành động, sao cho “vẹn cả đôi đường”.

Ngày đầu, thuyền bị trôi vào gần chân núi do gió to thuyền khó lái. Trương Sảo trong lòng suy tính, lấy cớ không có củi, cần lên núi kiếm củi đốt. Trên núi vốn có hổ dữ, người nào tới đây thường bị tấn công, nên hắn rủ Vi Đức đồng hành. Vi Đức không hay biết suy tính của họ Trương, cứ vậy mà đi theo hắn. Trương Sảo cố ý đi vòng vèo một hồi, ngày càng đi sâu vào trong núi, định tới nơi không một bóng người sẽ xuống tay. Hắn ta nhặt mấy thanh gỗ dưới đất, cũng dạy Vi Đức cách chọn củi. Vi Đức chỉ lo cúi đầu gom củi, không phòng bị gì, liền bị Trương Sảo chém rìu trúng ngay vai trái, ngã lăn ra đất. Lại tiếp thêm một nhát chém nữa trúng ngay đầu, máu chảy không dứt, coi như kết thúc một mạng người. Trương Sảo hô to: “Gọn ghẽ thật! Ngày này năm sau gọi vợ ngươi tới làm lễ một năm ngày giỗ”.

Dứt lời, hắn vác rìu lên vai, củi cũng chẳng thèm nhặt, một thân nhẹ nhàng trở về thuyền.

Thiện thị thấy chỉ có mình Trương Sảo về, liền tiến đến hỏi tung tích của trượng phu. Trương Sảo kể: “Thật xui xẻo! Gặp hổ lớn, trượng phu nàng đã bị nó ăn thịt rồi. May ta chạy nhanh nên mới giữ được mạng, củi kiếm được cũng chẳng dám nhặt về”. Thiện thị nghe vậy liền ôm mặt khóc nức nở. Trương Sảo vỗ về: “Âu cũng là số Trời, nàng khóc cũng vô dụng”. Thiện thị vừa khóc vừa nghĩ: “Nghe nói hổ đi săn đêm, nào có chuyện ban ngày cũng xuất hiện đả thương người. Còn là hai người cùng đi, sao lại chỉ ăn thịt trượng phu của mình? Dù có đi nữa cũng không thể không có chút thương tổn nào, chuyện này thật quá lạ”.

Nàng nói với Trương Sảo: “trượng phu ta tuy rằng bị cắn, nhưng có thể vẫn chưa chết”.

Trường Sảo nói: “Mèo nhỏ cắn mồi còn không chịu nhả ra, nữa là hổ dữ”.

Thiện thị nói: “Dù vậy, ta cũng không tận mắt nhìn thấy. Cho dù bị hổ ăn thịt thì cũng phải lưu lại vài miếng xương cốt. Hay là người dẫn ta đi nhặt thi thể của chàng, để trọn nghĩa phu thê”.

Trương Sảo nói: “Ta sợ hổ, không dám đi”.

Thiện thị lại khóc nức lên. Trương Sảo nghĩ: “Không dẫn nàng ta đi một lần chắc không thể khiến nàng ta buông tâm”, vậy nên liền nói: “Nương tử, ta dẫn nàng đi, đừng khóc nữa”. Rồi Thiện Thị lên bờ, cùng Trương Sảo đi vào núi.

Đường đi kiếm củi là về phía Đông, còn lần này họ đi về phía Tây. Được một quãng xa, cũng không thấy vết tích của hổ. Trương Sảo chỉ Đông chỉ Tây, chỉ mong Thiện thị đi mệt sẽ bỏ cuộc. Ai ngờ nàng quyết tâm đòi tìm bằng được thi thể của trượng phu, không chịu trở về. Trương Sảo có chút hốt hoảng, vừa chỉ đường vừa nói: “Tiểu nương tử, nàng cứ đi như vậy lỡ gặp hổ thì biết làm sao?”

Thiện thị ngẩng đầu nhìn, hỏi: “Hổ ở đâu?”.

Tiếng nói chưa dứt, liền có một cơn gió lạ từ phía rừng sâu thổi tới, bỗng một con hổ trắng thình lình xuất hiện
Tiếng nói chưa dứt, liền có một cơn gió lạ từ phía rừng sâu thổi tới, bỗng một con hổ trắng thình lình xuất hiện. (Ảnh: Pixabay)

Tiếng nói chưa dứt, liền có một cơn gió lạ từ phía rừng sâu thổi tới, bỗng một con hổ trắng thình lình xuất hiện, nhắm ngay đầu Trương Sảo mà cắn tới, không chệch chút nào. Trương Sảo chỉ kịp hét thất thanh lên một tiếng đã bị hổ tha trở về rừng sâu.

Thiện thị sợ hãi ngất đi, tới khi tỉnh dậy đã không thấy Trương Sảo đâu liền hiểu người này đã bị hổ tha đi mất, lúc này mới tin trong núi có hổ, và cũng tin trượng phu đã bị hổ ăn thịt rồi. Nàng trong lòng sợ hãi, không dám đi tiếp, chỉ có thể theo đường cũ quay về, vừa đi vừa khóc. Chưa ra khỏi núi, nàng đã nhìn thấy một vật phía trước, vừa giống người cũng lại có phần không giống. “Vật” đó càng đi càng gần nàng. Nàng nghĩ nếu lại là một con hổ thì nàng ắt phải bỏ mạng nơi đây. Sau đó vì quá sợ hãi mà ngã ngồi xuống đất. Bỗng bên tai nghe được thanh âm quen thuộc: “Nương tử, sao nàng lại ở đây?”

Có hai cánh tay tới đỡ nàng dậy. Thiện thị ngước lên, đúng là trượng phu của nàng rồi! Mặt mũi đầy máu nên không nhìn ra là người hay quỷ. Hóa ra mệnh Vi Đức còn chưa tận, dù bị thương nặng nhưng đều không phải vết thương chí mạng. Sau khi Trương Sảo rời đi, Vi Đức cố gắng gượng dậy, dùng vải bó chân để băng vết thương cầm máu, rồi lần mò ra khỏi núi, muốn tìm Trương Sảo nói cho rõ ràng, cũng là để gặp Thiện thị. Thiện thị thì vẫn nghĩ trượng phu bị hổ cắn nên mới bị thương nặng như vậy. Mãi tới khi Vi Đức kể lại sự tình, mới biết Trương Sảo mưu đồ giết hại trượng phu của mình, nói dối là có hổ ăn thịt người. Cuối cùng người bị hổ ăn thịt lại là hắn, thật đúng là Trời cao có mắt, diệt trừ kẻ gian ác.

Hai vợ chồng cùng cảm tạ Trời Đất rồi trở về thuyền. Người câm kia thấy họ trở về liền ra dấu hỏi tung tích của Trương Sảo. Vi Đức cùng vợ cũng kể sự thật cho ông ta. Người câm nghe xong việc dị thường này liền chắp tay vái Trời. Vi Đức cùng người câm chèo thuyền suốt đường về quê, sau đó bán thuyền lấy bạc, xây một Phật đường, cùng người câm kia trú tại đây, ngày ngày thắp hương trông giữ. Vợ chồng Vi Đức cả đời tín Phật. Người đời sau nghe về câu chuyện này, đều truyền nhau bài thơ:

Vốn không có hổ nói có hổ
Hổ do Trương Sảo tự tâm sinh
Ví như Trương Sảo tâm địa chính
Trong núi có hổ cũng ẩn mình

Hoàng Hoa

Theo Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Báo ứng đến tức thì: Giết người giá họa cho hổ, bị hổ ăn thịt