Bát Tiên truyền kỳ (P.2 - Kỳ 2): Hán nguyên soái xuất phàm tu Đạo; Thầy Đông Huê hóa phép độ trò

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chung Ly nguyên soái cầm giáo xông ra đánh với Bất Dựt mười hiệp, ngoảnh đầu lại thì thấy quân binh của mình chạy hết nên trong tâm đã có phần kinh hãi, lại không biết quân giặc đông hay ít. Tính thế đương đầu không nổi nên đành bại tẩu. Bất Dựt kéo binh đuổi theo rất gấp!...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

  1. Hán Chung Ly [tiếp...]

Đang trong lúc thập tử nhất sinh đó thì may lại gặp được phó tướng Phùng Dị giúp đỡ. Hai người thúc ngựa chạy gấp, ngó lại thấy doanh trại quân Hán đã cháy rụi, lửa đỏ than hồng rực sáng như ban ngày. Chung Ly nguyên soái ức quá nằm phủ phục xuống lưng ngựa như muốn ngất đi. Phùng Dị áp ngựa chạy sát lại, nắm lấy chiến bào của chủ tướng mà động viên, khuyên nhủ. Chung Ly nguyên soái nói:

"Thân ta là đại tướng vâng chỉ Thánh thượng, lãnh binh đánh Phiên, ngỡ là cứu nước giúp dân cho rạng rỡ danh tiết. Nào hay chỉ vì một cơn hỏa hoạn mà khiến cho ta thất trận chẳng những mắc tội với Thánh thượng, lại hổ mặt với đồng liêu! Thật là trời muốn hại ta rồi, nay còn sống làm chi nữa!"...

Phùng Dị an ủi rằng: "Thắng bại là lẽ thường, xin nguyên soái đừng phiền muộn. Hiện quân Phiên đang truy sát phía sau, ngài hãy thúc ngựa chạy gấp, để tôi đánh chặn hậu cho. Mong chủ tướng hãy sớm về triều xin binh chi viện".

Chung Ly nguyên soái nghe lời. Còn Phùng Dị ở lại tử chiến với Bất Dựt tới vài trăm hiệp sau đó cấp tốc phá vòng vây mà bỏ chạy... Bất Dựt đại thắng nên cũng hồi binh, không truy sát nữa.

Chung Ly nguyên soái một người một ngựa chạy từ đêm hôm trước tới chiều ngày hôm sau, cổ khan bụng đói, mỏi mệt rã rời...
Chung Ly nguyên soái một người một ngựa chạy từ đêm hôm trước tới chiều ngày hôm sau, cổ khan bụng đói, mỏi mệt rã rời... (Ảnh: Shutterstock)

Lại nói, Chung Ly nguyên soái một người một ngựa chạy từ đêm hôm trước tới chiều ngày hôm sau, cổ khan bụng đói, mỏi mệt rã rời... chỉ thấy bốn bề bát ngát rừng xanh, thăm thẳm núi đá, tịnh không một bóng người. Hán Chung Ly tưởng chừng như sắp kiệt sức... chợt thấy một lão tăng chống gậy đi tới, Chung Ly bèn xuống ngựa chắp tay thưa rằng:

"Tôi là đại tướng nhà Hán đánh giặc Bắc Phiên bị bại trận nên lạc đường, hiện đang muốn tìm nơi tá túc xin cao tăng chỉ giúp".

Lão tăng gật đầu, bảo Chung Ly dắt ngựa đi theo một hồi, bỗng thấy phía xa kia thấp thoáng bóng trang viên. Vị cao tăng nói: "Đây là chỗ Đông Huê Thần tiên ngụ, tướng quân vào đó mà nghỉ ngơi". Nói rồi lướt đi như bay, chớp mắt đã không nhìn thấy bóng dáng đâu nữa.

Chung Ly nguyên soái dắt ngựa đi về phía trang viên, ngó thấy cảnh đẹp hoa thơm, bốn bề tao nhã khác thường, trong lòng chợt nghĩ: đây chẳng phải chốn Thần tiên ẩn dật là gì? Lại đi đến trước một cửa động, nghe thấy có tiếng ai đó ngâm thơ rằng:

"Việc thế chẳng đua tranh,
Thanh nhàn lánh lợi danh
Thân nương theo động đá
Tình gửi chốn mây xanh

Chơi Đạo say mùi Đạo
Thong dong dưỡng tính lành
Hỏi ai là bạn hữu
Gió mát với trăng thanh"...

Hán Chung Ly đâu có hay rằng, lão tăng chỉ đường khi nãy chính là Lý Thiết Quải hóa thân, trước đó vị Tiên nhân này lại sắp xếp cậy nhờ Đông Huê chân nhân tiếp duyên truyền Đạo cho Chung Ly nguyên soái.

Hán Chung Ly đâu có hay rằng, lão tăng chỉ đường khi nãy chính là Lý Thiết Quải hóa thân, trước đó vị Tiên nhân này lại sắp xếp cậy nhờ Đông Huê chân nhân tiếp duyên truyền Đạo cho Chung Ly nguyên soái.
Hán Chung Ly đâu có hay rằng, lão tăng chỉ đường khi nãy chính là Lý Thiết Quải hóa thân, trước đó vị Tiên nhân này lại sắp xếp cậy nhờ Đông Huê chân nhân tiếp duyên truyền Đạo cho Chung Ly nguyên soái. (Ảnh: Baidu.com)

Hán Chung Ly mải nghe tiếng thơ ngâm mà chân đã bước vào cửa động tự lúc nào. Bất giác chợt thấy một lão đạo phong thái phi phàm, khoác đạo bào trắng bước ra hỏi rằng:

"Có phải là Chung Ly nguyên soái - đại tướng quân nhà Hán đó chăng?".

Chung Ly nguyên soái thất kinh, thưa phải. Lão đạo lại hỏi: "Sao không ghé vào am mà nghỉ?"

Chung Ly nguyên soái thưa rằng: "Kẻ võ biền này vâng lệnh chinh phạt nhưng thất trận; nay lại lạc bước tới đây, tìm không ra chỗ trọ. Nhờ gặp một tăng nhân chỉ đường nên mới đến được nơi này, xin lão đạo mở lòng khoan dung cho kẻ thô lỗ này tá túc một đêm".

Lão đạo ân cần mời vào. Bữa tối có cơm chay bánh nướng chấm mật ong, lại thêm trà thơm, hoa quả tráng miệng... hai người ngồi đàm đạo, tới canh khuya lão đạo mở lời mà rằng:

"Công danh như bọt nước giữa dòng, phú quý tựa ngọn đèn trước gió, từ xưa đến nay giang sơn nhiều chủ, phúc thọ ít người. Bởi bần đạo lớn tuổi hơn tướng quân nên từng trải một thời... đã lâu nay bần đạo quyết lánh vòng vinh hoa phú quý, hằng vui thú thanh nhàn, tuy chưa một sớm thành Tiên thời cũng tối ngày thoát tục. Sao tướng quân không thừa dịp này rũ bỏ hồng trần mà tu tâm dưỡng tính, còn mải mê công danh phú quý làm chi?"

Chung Ly nguyên soái chăm chú lắng nghe lão đạo giảng nói đến tận lúc này, cũng có phần hồi tâm chuyển ý, bèn ướm hỏi:

"Chẳng hay nếu như một người muốn trường sinh thì cần tu luyện phép gì?"

Lão đạo đáp: "Phép trường sinh bất lão thì đâu có gì lạ; chính là: lòng phải rỗng mà bụng phải đặc".

Chung Ly nguyên soái nói: "Xin chân nhân cắt nghĩa cho rành!"

Lão đạo vuốt râu mỉm cười đáp: "Trong lòng không lo nghĩ vướng bận việc gì cả, thản nhiên thư thái như không, ấy là 'rỗng lòng'. Lại đừng theo việc ham muốn, lánh xa sắc dục, đề cao tinh thần, đắp bồi nguyên khí... ấy gọi là 'đặc bụng'. Nếu chuyên tâm làm được như vậy thì một sớm thành Tiên, trường sinh bất tử, lo gì không thọ?"...

Hán Chung Ly như choàng tỉnh mộng, hành lễ thưa rằng: "Xin chân nhân cho biết danh tính, kẻ phàm con xin bái người làm sư phụ, những mong được chân nhân chỉ dạy".

Hán Chung Ly như choàng tỉnh mộng, hành lễ thưa rằng: "Xin chân nhân cho biết danh tính, kẻ phàm con xin bái người làm sư phụ, những mong được chân nhân chỉ dạy".
Hán Chung Ly như choàng tỉnh mộng, hành lễ thưa rằng: "Xin chân nhân cho biết danh tính, kẻ phàm con xin bái người làm sư phụ, những mong được chân nhân chỉ dạy". (Ảnh: ntdtv.com)

Lão đạo nói: "Ta là đạo sĩ tu luyện từ thời thượng cổ, tên hiệu là Đông Huê". Nói rồi đỡ Chung Ly đứng dậy, đồng ý thu nhận làm đệ tử, lại truyền cho Hán Chung Ly phép tu luyện trường sinh; dạy thêm phép "chỉ đá hóa vàng", còn tặng thêm cho tân đệ tử bảo kiếm Thanh Long chém quỷ.

Xế trưa hôm sau Hán Chung Ly bái lạy từ giã sư phụ, vừa bước chân ra khỏi cửa động, ngoái lại đã không nhìn thấy thầy mình đâu, động đá cũng biến mất... chàng biết đã gặp được cao nhân hóa thân tới để độ mình; bèn cải hiệu là Vân Phòng, nhẩm tính về thăm gia quyến trước khi xuất phàm tu Đạo.

Lại nói ở nơi quê nhà, nghe tin Chung Ly nguyên soái thất trận biệt tin, ngỡ là ngài đã tử tiết, nên gia quyến đau buồn để tang. Bỗng nhiên thấy Chung Ly trở về, Hán gia mừng vui khôn xiết! Người người kéo tới thăm hỏi sự tình, Chung Ly Vân Phòng thuật lại câu chuyện. Gia phụ nghe xong mừng lắm, thốt rằng: "Khi mới sinh con đã có điềm lành, không lẽ thác về nghiệp dữ?"...

Chung Ly Vân Phòng không dám nán lại quê nhà lâu, sợ Hoàng đế hay tin, xuống chiếu trách tội. Bèn từ giã gia quyến, xuất phàm tu Đạo. Dọc đường đi có ghé thăm dinh phủ người huynh trưởng là Chung Ly Giảng - vốn đang làm quan, giữ chức Lang trung. Chung Ly Giảng tuy xuất thân quan trường nhưng bản tính hết sức thuần tịnh, lại nghe hiền đệ nói chuyện đạo đức, chuyện sửa mình tu Đạo, càng thêm ngưỡng mộ mười phần, liền quyết tâm trốn theo cùng em tu luyện.

Hai người nhắm núi Họa Sơn mà đi tới. Dọc đường, thấy có con cò trắng đang ngóng cổ bay, Vân Phòng nói:

"Con cò cổ dài, le le cổ ngắn, không thể nào cắt bớt mà đắp đổi cho bằng. Việc đời cũng vậy, kẻ ưa danh lợi, người mến thanh nhàn"...

Trên đường lên núi tu luyện, nhờ có bảo kiếm Thanh Long mà sư phụ Đông Huê chân nhân trao tặng, Vân Phòng giết được cọp tinh đang phá hại dân làng ở chân núi, lại thấy dân tình quá đói khổ, ông bèn bí mật dùng phép "chỉ đá hóa vàng" cứu trợ cho dân. Thời gian cứ vậy mà hơn chục năm đã thấm thoắt trôi qua… Đến một ngày nọ, Ðông Huê chân nhân bỗng dưng tìm đến trực tiếp chỉ dạy thêm cho hai người.

Ít lâu sau, một hôm Chung Ly Vân Phòng xuất quan vân du, vừa phi thân ngang qua vách núi Tứ Hạo, thình lình có một tiếng sấm nổ vang, từ thân núi nứt ra một cái khe. Vân Phòng thấy lạ, liền tiến vào khe, chợt thấy phía trong có ánh kim quang thập sắc. Bước lại gần, Vân Phòng bắt gặp một cái hộp đá, bên trong có đặt một cuốn kinh sách, liền cầm lấy và phi thân ra ngoài. Vừa phóng thân mình ra khỏi thì đột nhiên khe núi biến mất, vách tạc liền như cũ. Vân Phòng nhủ thầm: "Hẳn là đấng minh sư đã ban kinh sách cho mình đây". Ông bèn lập tức quay trở về Họa Sơn, kể từ đó càng cố công chuyên cần tu luyện, chẳng bao lâu sau thì khai công, cảm thấy mình đã thăng hoa đến tầng thứ hết sức cao siêu.

Một sớm tinh sương nọ, Chung Ly Vân Phòng bỗng nghe tiếng thiên nhạc vang khắp không gian, nhìn lên thấy mây lành ngũ sắc, hào quang sáng rực.
Một sớm tinh sương nọ, Chung Ly Vân Phòng bỗng nghe tiếng thiên nhạc vang khắp không gian, nhìn lên thấy mây lành ngũ sắc, hào quang sáng rực... (Ảnh: Baidu.com)

Một sớm tinh sương nọ, Chung Ly Vân Phòng bỗng nghe tiếng thiên nhạc vang khắp không gian, nhìn lên thấy mây lành ngũ sắc, hào quang sáng rực. Lại có một con hạc tiên đáp xuống trước mặt. Vân Phòng liền trao sách báu lại cho huynh trưởng rồi cưỡi hạc trắng mà bay về Trời.

Lại nghe nói Chung Ly Giảng ở lại tu theo kinh sách đó, một thời gian sau cũng đắc Đạo thành Tiên, được Vân Phòng cưỡi hạc xuống đón.

Đôi chút luận bàn:

Lý Thiết Quải bấm tay xem việc mới hay Chung Ly nguyên soái trước đây vốn là Tiên coi sổ sách nơi Thiên giới. Điều này phải chăng nói lên rằng sự luân hồi chuyển thế là có thật?

Nói về Hán Chung Ly, vì mải mê lập công nơi trận mạc mà quên cả lối về Thiên giới. Mới hay cái bả hư vinh, công danh lợi lộc mê hoặc con người ta đáng sợ làm sao! Cũng may còn gặp được Tiên nhân Lý Thiết Quải trợ duyên điểm hóa mới thoát khỏi cái vòng danh lợi. Có câu:

"Bắp cày đổi lấy chìa vôi
Lợi danh đổi lấy một đời hư không", ngẫm ra cũng không phải là không có lý.

Lại nghe Đông Huê chân nhân dạy học trò của mình rằng: muốn trường sinh đắc Đạo thì lòng phải "rỗng", bụng phải "đặc", ấy phải chăng cũng chính là cần buông bỏ chấp trước vào danh - lợi - tình, trau dồi phẩm đức, đề cao tâm tính, xả bỏ dục vọng, tu rèn bản thể mới mong có ngày thăng hoa siêu xuất vậy?

Tích cũ kể rằng, Chung Ly Vân Phòng sau khi đắc Đạo thành Tiên, có quay lại vân du nhân thế, tìm độ đệ tử của mình là Lã Động Tân, lại truyền cho học trò phép "chỉ đá hóa vàng" và bày ra mười quan ải thử thách cũng không kém phần ly kỳ hấp dẫn. Muốn biết câu chuyện ra sao, mời quý vị đón xem phần sau sẽ rõ.

Đường Tân

Còn tiếp…
[Kính mời quý độc giả đón đọc tiếp phần 3 - Tiên nhân Lã Động Tân...] tại (Phần 3 -Kỳ 1)

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên".



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.2 - Kỳ 2): Hán nguyên soái xuất phàm tu Đạo; Thầy Đông Huê hóa phép độ trò