Bát Tiên truyền kỳ (P.5 - Kỳ 1): Trương Quả Lão triển phép thần thông; Đường Huyền Tông hết lòng tán thán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đường Huyền Tông nghe vậy lấy làm hiếu kỳ, bèn muốn thử phép thuật của Trương Quả Lão một lần xem sao, vậy là hoàng đế bèn đem cỏ độc ngâm vào bình rượu, sau đó cho mời Trương Quả Lão vào cung để trọng đãi yến tiệc...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành
Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành. (Ảnh: baike.baidu.com)

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

5. Trương Quả Lão
Tương truyền Trương Quả là một đạo sĩ theo trường phái nội đan, tu hành ẩn dật trên núi Điều tại Hằng Châu triều đại nhà Đường. Ngay từ thời Võ Tắc Thiên ông đã từng xuất hiện và nói rằng mình đã hàng trăm tuổi. Ông cũng nói rằng mình sinh năm Bính Tý thời vua Nghiêu và từng làm quan Thị trung dưới triều vua Nghiêu Đế - một trong số Ngũ Đế từ thời Trung Hoa cổ đại.

Trương Quả Lão được dân gian biết đến như một vị Tiên nhân thường xuất hiện và vãng lai tới khu vực sông Phần và vùng đất Tấn và mỗi ngày ông có thể đi hàng nghìn dặm trên lưng con lừa trắng. Khi cuộc du hành kết thúc, ông gập con lừa lại và bỏ vào trong túi vải, khi cần dùng tới, ông lại thổi hơi hay phun nước vào và con lừa lại trở nên to lớn như bình thường.

Trương Quả Lão cũng là người ưa thích nấu rượu và uống rượu. Ông coi việc luyện rượu tiên từ thảo mộc như một thú vui. Tương truyền các vị tiên khác trong Bát Tiên cũng thường hay uống rượu của ông.

Ông coi việc luyện rượu tiên từ thảo mộc như một thú vui.
Ông coi việc luyện rượu tiên từ thảo mộc như một thú vui. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Các hoàng đế nhà Đường như Đường Thái Tông và Đường Cao Tông thường mời Trương Quả Lão vào triều, nhưng ông đều khước từ. Một lần, khi Võ Tắc Thiên cho mời, do bất đắc dĩ ông đành phải nhận lời, nhưng sau đó lại dùng phép thi giải - giả chết, để không phải vào triều.

Đến thời Huyền Tông, người ta lại bắt gặp ông ngao du trong vùng núi Hàng Châu.

Năm Khai Nguyên thứ 21 [733] thời hoàng đế Đường Huyền Tông, Trương Quả Lão được mời tới Lạc Dương, nhưng ông từ chối không tới, cho dù Huyền Tông đã lệnh cho viên quan giữ chức Thông sự xá nhân là Bùi Ngộ tới mời. Sau này triều đình phải lệnh cho đại quan Trung thư xá nhân Từ Kiệu đem thư mời có đóng ấn của hoàng đế thì Trương Quả Lão mới tới.

Huyền Tông nghi ngờ không biết Trương Quả Lão là thần tiên hay ma quỷ nên cho gọi sư Dạ Quang Giả, một người có thể nhìn thấu ma quỷ, bí mật quan sát xem ông là ai nhưng đại sư cũng đành chịu, không thể đoán biết được.

Một ngày nọ, hoàng đế Đường Huyền Tông dẫn theo đám tùy tùng thân tín đi săn bắn và bắt được một hươu lớn. Khi nhà bếp chuẩn bị giết nó, Trương Qủa Lão thấy vậy thì ngay lập tức liền ngăn lại. Ông nói:

- Đây là con hươu thần đã sống trên ngàn năm rồi. Từ thời Hán Vũ Đế đi săn đã bắt được nó, khi ấy lão đạo cũng có đi cùng Hán Đế và thấy ông ta thả con hươu ngay sau đó!

Đường Huyền Tông hỏi:

- Làm thế nào khanh có thể biết được đây là con hươu mà khanh thấy trước kia trong khi trên đời này có rất nhiều hươu, vả lại sự việc đã trải qua biết bao nhiêu năm như thế?

Tranh vẽ Đường Huyền Tông và Trương Quả Lão
Tranh vẽ Đường Huyền Tông và Trương Quả Lão. (Ảnh: wikipedia)

Trương Quả Lão đáp:

- Vào lúc Hán Vũ Đế thả con hươu, ông đã cho người gắn lên sừng bên trái của nó một thẻ bài bằng đồng.

Hoàng đế Đường Huyền Tông lập tức sai người đi kiểm tra lại, quả nhiên thấy có một miếng thẻ bài bằng đồng gắn trên sừng nai, nhưng do quá lâu năm nên các chữ được khắc trên thẻ hầu như đã bị phai mờ hết cả. Hoàng đế lại hỏi:

- Vậy từ năm mà ông cùng Hán Vũ Đế đi săn tới nay đã trải qua bao nhiêu năm rồi?

Trương Quả Lão đáp: Từ đó tới nay đã 852 năm trôi qua! Vua Đường Huyền Tông lấy làm lạ lắm, bèn sai người đi kiểm tra lại sử sách. Vị quan chép sử tấu lên rằng: "thông tin đó là hoàn hoàn chính xác'.

Kể từ đó, vị hoàng đế Đường Huyền Tông đối với chuyện tu luyện Thần tiên lại càng cảm thấy phi thường hứng thú, cũng từng mong muốn được Trương Quả Lão chỉ bày Tiên thuật.

Trong tiểu thuyết “Tùy Đường diễn nghĩa” đời nhà Thanh có vài mẩu chuyện kể về những sự tích thú vị từng xảy ra giữa Đường Huyền Tông, Trương Quả Lão và Diệp Pháp Thiện, qua đó một lần nữa cho thấy các bậc đế vương khi xưa đối với chuyện tu luyện là vô cùng xem trọng và tôn kính:

Câu chuyện thứ nhất: Hồ lô đồng tử uống rượu nhất đấu

Ngày nọ, có một vị sứ giả mang tới Đường triều một loại cỏ độc từ biển, và nói rằng, cho dù là Thần tiên cũng không dám ăn loại cỏ độc này. Đường Huyền Tông không biết lời này thực hư ra sao, bèn triệu một vị đạo sĩ phép thuật nổi tiếng trong triều là Diệp Pháp Thiện tới hỏi:

- Ngươi có nhận biết được loại cỏ này hay không?

Diệp Pháp Thiện thưa:

Bẩm thánh thượng, loại cỏ này tên là Ô cẩn thảo, vốn thuộc hàng kỳ độc dị thảo, nếu như thần ăn phải nó thì sẽ bị một trận bệnh nhẹ, các Thần tiên khác ăn thì khó tránh khỏi tử kiếp. Chỉ có Trương Quả Lão là có thể không e ngại loại thảo độc này!

Đường Huyền Tông nghe vậy, bèn muốn thử phép thuật của Trương Quả Lão một lần xem sao, vậy là hoàng đế bèn đem cỏ độc ngâm vào bình rượu, sau đó cho mời Trương Quả Lão vào cung để trọng đãi yến tiệc.

Trong yến tiệc, Đường Huyền Tông tỏ ý cao hứng muốn ban thưởng rượu cho mọi người, nhà vua hỏi Trương Quả Lão:

- Tiên sinh, ngài có thể uống bao nhiêu?

Trương Quả Lão nói:

- Thần tửu lượng không tốt, chỉ có thể uống vài chén mà thôi, nhưng mà thần có một đạo đồng, có thể uống hết cả một đấu rượu, hơn nữa uống xong rồi cũng không hề say.

Chân dung Trương Quả Lão. (Ảnh: baike.baidu.com)
Chân dung Trương Quả Lão. (Ảnh: baike.baidu.com)

Đường Huyền Tông hiếu kỳ lắm, hỏi:

- Có thể cho gọi tiểu đồng đến đây không?

Trương Quả Lão mỉm cười nói:

- Không thành vấn đề, để thần gọi tiểu đồng. Nói xong liền hướng lên không trung hô lớn: “Đồng tử, lập tức tới bái kiến Thánh thượng!”. Lời còn chưa dứt, đã thấy một đồng tử từ trên không trung bay xuống, ước chừng 14 - 15 tuổi, vẻ mặt khôi ngô anh tuấn, dáng vẻ bệ vệ, đầu nhọn, bụng to. Tiểu đồng sửa sang lại quần áo một chút cho chỉnh tề, rồi lập tức bái kiến hoàng đế.

Đường Huyền Tông vô cùng kinh ngạc, liền ra lệnh cho tả hữu hai bên khiêng tới một cái đấu lớn đổ đầy rượu, ban cho đồng tử uống. Đồng tử tạ ơn, tiếp nhận rượu, một hơi liền uống cạn. Huyền Tông thấy tiểu đồng uống rất sảng khoái, liền ra lệnh tiếp tục ban rượu, đồng tử kia cũng không từ chối, tiếp nhận rượu liền uống, không ngờ lần này chưa uống được hai ba hớp, rượu liền xối xả từ đỉnh đầu mà tuôn ra.

Trương Quả Lão cười lớn nói:

- Ai da! Tửu lượng của ngươi có hạn, sao có thể cậy mạnh mà uống nhiều đây?”

Nói xong, liền từ trên bàn cầm một hạt đào, ném vào người đồng tử, chỉ thấy đồng tử kia trong nháy mắt đã ngã lăn xuống đất, rượu lại chảy tràn ướt cả thảm lót nền.

Đường Huyền Tông lấy làm kinh ngạc, không hiểu đang xảy ra chuyện gì. Hoàng đế định thần nhìn lại thì ra người đang nằm dưới đất không phải là đồng tử vừa rồi nữa, mà thay vào đó là một cái hồ lô khổng lồ! Hơn nữa chiếc hồ lô này vừa vặn chỉ đựng được một đấu rượu, còn nhiều hơn thì không chứa nổi! Nhà vua thấy thích thú quá, luôn miệng xuýt xoa:

- Đầu nhọn bụng lớn, vậy mà ta đoán không ra! Tiểu đồng nọ đầu nhọn bụng lớn thì đúng là một chiếc hồ lô rồi!

Đường Tân

Còn tiếp…

- Tài liệu tham khảo:

"Đông Du Bát Tiên"; “Tùy Đường diễn nghĩa”; Wikipedia; và một số nguồn tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.5 - Kỳ 1): Trương Quả Lão triển phép thần thông; Đường Huyền Tông hết lòng tán thán