Bát Tiên truyền kỳ (P.5 - Kỳ 2): Trương Quả Lão uống liều rượu độc; Đường Huyền Tông hiếu sự sinh phiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói vừa dứt lời thì Pháp Thiện ngã gục xuống và tắt thở ngay dưới chân hoàng đế. Huyền Tông bèn vội vã làm theo lời hứa, đi chân đất và đầu trần tới chỗ Trương Quả Lão tạ tội và xin Quả Lão niệm tình cứu giúp Diệp Pháp Thiện...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...
Sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian... (Ảnh: Baike.baidu.com)

5. Trương Quả Lão [tiếp...]


Câu chuyện thứ hai: Rượu cỏ độc thử Trương Quả Lão

Lại kể tiếp câu chuyện:

Đường Huyền Tông sảng khoái cười ha ha, nhìn sang phía Trương Quả Lão và nói:

- Tiên nhân, đây quả là một phép thần thông rất hay, quả nhân có thể tiếp tục mời ngài uống một chén rượu hay không?

Nói rồi sai người rót một ly rượu mang tới, mời Trương Quả Lão uống. Trương Quả Lão cũng không nói thêm gì, một hơi liền uống cạn. chỉ sau giây lát đã thấy mắt ông nhắm nghiền, đầu cúi thấp như là đang ngủ vậy.

Hoàng đế bèn ra hiệu cho mọi người không ai được đánh thức ông... Không quá nửa canh giờ sau, Trương Quả Lão bỗng nhiên duỗi lưng một cái, đứng dậy cười nói:

- Rượu này không phải là rượu tốt, nếu người khác uống thì đã không thể tỉnh lại được rồi!

Lúc này, chỉ thấy ông sờ tay vào trong áo, lấy ra một cái gương nhỏ, soi mặt của mình vào gương và nói tiếp:

- Chén rượu độc này đã làm hỏng hàm răng của ta rồi!

Đường Huyền Tông giật mình nhìn lên, quả nhiên thấy cả hai hàm răng của Trương Quả Lão đều đã chuyển sang màu đen.

Trương Quả Lão mỉm không chút lo lắng, hay tay vỗ nhẹ vào má, tiếp tục há mồm ra, nhổ hết hàm răng đen xuống đất, lại đưa tay lên che miệng, giống như làm ảo thuật vậy, lập tức hai hàm răng mới trắng tinh được thay thế. Đường Huyền Tông trông thấy, vừa kinh ngạc vừa vui mừng vỗ tay tán thưởng, miệng không ngớt lời khen ngợi: “Việc này quá thần kỳ, quá thần kỳ!”.

Kể từ đó về sau, Đường Huyền Tông càng thêm tin tưởng Thần tiên thuật.

Lại nói, thời gian đó đạo sĩ nổi tiếng triều Đường là Diệp Pháp Thiện rất được hoàng đế tin dùng. Một hôm, hoàng đế Huyền Tông hỏi Diệp Pháp Thiện về thân thế của Trương Quả Lão, vị đạo sĩ này tâu:

- Khởi bẩm, Thần có thể đoán biết được thân thế của Trương Quả Lão, nhưng nếu thần nói với Bệ hạ thì thần phải chết ngay dưới chân Bệ hạ, vì thế thần sẽ không nói, trừ khi Bệ hạ hứa rằng: Nếu như có chuyện này xảy ra, ngài sẽ đi chân đất và đầu trần tới tạ lỗi với Trương Quả Lão, khi đó may ra thì cái mạng nhỏ này của thần mới mong được cứu sống trở lại.

Đường Huyền Tông vì quá hiếu kỳ nên đã nhận lời.

Pháp Thiện bèn tâu rằng:

- Trương Quả Lão vốn là một con dơi trắng sinh ra từ thuở hỗn nguyên.

Nói vừa dứt lời thì Pháp Thiện ngã gục xuống và tắt thở ngay dưới chân hoàng đế. Huyền Tông bèn vội vã làm theo lời hứa, đi chân đất và đầu trần tới chỗ Trương Quả Lão tạ tội và xin Quả Lão niệm tình cứu giúp Diệp Pháp Thiện.

Chân dung Đường Huyền Tông
Chân dung Đường Huyền Tông. (Ảnh: Wikipedia)

Trương Quả Lão bèn dùng phép thuật rồi tưới nước vào mặt Pháp Thiện, chẳng bao lâu sau thì vị đạo sĩ hồi sinh.

Sau sự việc cứu sống Diệp Pháp Thiện, Trương Quả Lão tỏ ý muốn quay về núi. Đường Huyền Tông mặc dù tiếc nuối nhưng cũng không còn cách nào để níu kéo vị Tiên nhân này ở lại kinh thành. Vậy là hoàng đế bèn ban cho Trương Quả Lão tước vị Ngân Thanh quang lộc đại phu, hiệu Thông Huyền tiên sinh, lại thưởng thêm cho 300 thếp lụa và hai người hầu đi theo làm đệ tử, tháp tùng và phục dịch Trương Quả Lão trên suốt lộ trình. Khi về đến Hàng Châu, Trương Quả Lão cho một đệ tử quay trở về triều đình báo tin; còn ông dẫn theo một đệ tử đi vào núi Thiên Bảo.

Một thời gian sau, Đường Huyền Tông lại cho người tới mời Trương Quả Lão xuất sơn về triều thêm một lần nữa. Tuy nhiên lần này Quả Lão đã vận phép Thi giải - giả chết để lánh mặt. Đệ tử của ông không hề hay biết việc này nên làm lễ mai táng thầy rất tận tình chu đáo... Chẳng bao lâu sau người ta lại nhìn thấy Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược vân du khắp Trung Nguyên. Đệ tử lấy làm lạ lắm bèn tới thăm mộ thầy thì thấy trong mộ trống không.

Hoàng đế Đường Huyền Tông hay được tin này bèn cho người lập điện thờ Trương Quả Lão, lại có treo bức hình chân dung của ông. Sau này đệ tử - người từng theo Trương Quả Lão vào núi - đã đề thơ trước điện rằng:

Lòng ngưỡng mộ thầy Trương
Thần thông và quảng đại
Cưỡi lừa ngược mới tài
Muôn việc đều xem lại

Đôi chút luận bàn…

Tương truyền Trương Quả Lão thường xuyên xuất hiện tại nhân gian với hình ảnh một Lão Tiên cưỡi lừa ngược tiêu diêu tự tại, vân du khắp chốn - tại sao ông lại cưỡi lừa ngược? hậu thế cũng nhiều người cảm thấy khó lí giải về sự việc này... Còn nhớ Đạo gia có giảng về con đường "phản bổn quy chân", trong đó có hàm ý khuyên bảo con người ta cần phải quay trở về với bản nguyên [cội nguồn] của sinh mệnh mới mong thoát khỏi những khổ đau, mê lạc nơi cõi hồng trần...

Tuy nhiên, thế nhân lại mê mải chạy theo những dục vọng và danh-lợi-tình nơi miền nhân thế mà mê lạc cả lối về. Phải chăng Trương Quả Lão đã sớm nhìn ra điều này, ông phát hiện rằng con người càng phát triển, chiếm hữu, mưu cầu, tranh đoạt và tư lợi... thì lại càng lún sâu vào bể khổ bến mê, càng khó hồi thăng trở về với cội nguồn sinh mệnh và cõi Bồng Lai tiên cảnh nơi miền Thiên giới? Và phải chăng cũng bởi lẽ đó mà ông đã "cưỡi lừa ngược" để cảnh tỉnh thế nhân: hãy "phản bổn quy chân", đề cao tâm tính và các giá trị đạo đức tốt đẹp... để sớm quay trở về với hạnh phúc vĩnh hằng và giá trị đích thực của cội nguồn sinh mệnh?

Chân dung Trương Quả Lão
Chân dung Trương Quả Lão. (Ảnh: baike.baidu.com)

Câu chuyện Trương Quả Lão uống rượu độc mà bình an vô sự và Hoàng đế Đường Huyền Tông muốn tìm hiểu phép Tiên đã nói nên sự khác nhau giữa hai cảnh giới: Thần Tiên và người phàm. Trương Quả Lão tiêu diêu tự tại, muốn gì được nấy, trường sinh bất lão, vượt ra ngoài quy luật sinh - tử, họa - phúc của thế gian; Đường Huyền Tông thân là bậc Đế vương Thiên tử, có trong tay cả thiên hạ, vinh hoa phú quý tột đỉnh nhưng vẫn khắc khoải một niềm mong muốn tu Đạo, mong muốn hồi thăng lên cảnh giới cao hơn, mong muốn trở về với cội nguồn sinh mệnh và giá trị hạnh phúc vĩnh hằng... đây phải chăng cũng là "bức thông điệp" mà các nhân vật trong câu chuyện muốn nhắn nhủ tới muôn đời hậu thế?

Bàn luận mãi về những câu chuyện Thần Tiên, tu Đạo chẳng khác chi đang đốt đuốc dưới ánh mặt trời, thiết nghĩ nên tạm dừng lời, hẹn gặp lại quý độc giả ở phần tiếp theo với những giai thoại huyền dị về vị Tiên thứ sáu trong Bát Tiên - Tiên nhân Lam Thái Hòa.

Đường Tân

Còn tiếp…

[Phần tiếp theo: Tiên nhân Lam Thái Hòa]

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên"; “Tùy Đường diễn nghĩa”; Wikipedia; và một số nguồn tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.5 - Kỳ 2): Trương Quả Lão uống liều rượu độc; Đường Huyền Tông hiếu sự sinh phiền