Bát Tiên truyền kỳ (P.6): Mặc thế sự bể dâu ngơ ngác; Lam Thái Hòa ca hát chuyện Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lại nói khi Lam Thái Hòa đắc Đạo thành Tiên, "bạch nhật phi thăng" - giữa thanh thiên bạch nhật mà bay về trời - thì bộ y phục và đôi giày vải rách nát của ông bỏ rớt lại đều biến thành ngọc bích, đây há chẳng phải là kỳ tích triển hiện giữa cõi phàm để thức tỉnh và khích lệ thế nhân  về con đường tu luyện Đại Pháp, Đại đạo đó sao? 

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1) (Phần 5 - Kỳ 2)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

6. Lam Thái Hòa

Lam Thái Hòa là vị Tiên ít được biết đến trong số Bát Tiên. Dân gian cho rằng Ông sống vào thời những năm Khai Nguyên-Thiên Bảo (713-756) của nhà Đường, thời vua Đường Huyền Tông.

Chân dung Lam Thái Hòa
Chân dung Lam Thái Hòa. (Ảnh: baike.baidu.com)

Người xưa truyền tụng rằng Lam Thái Hòa là do Xích Cước Đại Tiên giáng sinh. Thân tuy là người, nhưng ông vẫn không mất đi bản tính tự do phóng khoáng, không câu thúc, tùy kỳ tự nhiên rong chơi trên cõi đời, áo quần lam lũ, thắt dây lưng lớn, rộng khoảng hơn 3 tấc; một chân mang giày, một chân để trần. Mùa Hạ mặc thêm áo bông, trời nắng gắt mà không đổ mồ hôi; mùa Đông thì mặc áo đơn chạy đùa với tuyết, hơi từ tai, miệng, mũi tuôn ra. Mỗi khi Lam Thái Hòa vào thành xin tiền, tay luôn cầm đôi phách bản lớn độ hơn 3 thước, say sưa mà hát ca rằng:

“Đạp ca Lam Thái Hoà
Thế gian được mấy người?
Hồng nhan một góc xuân
Thời gian như thoi dệt” …

Một khi Lam Thái Hòa đi tới, người già trẻ em đều theo coi. Ông giống như cuồng, khi hát thì thuận miệng sáng tác, khúc hát đều có ý kể về chuyện Thần tiên, không ai đoán biết được nội hàm, dân gian còn truyền tụng lại một số khúc ca của ông như sau:

(1)“Kẻ thế muốn theo đông
Hiềm không được cưỡi rồng
Đường mây nhiều sấm sét
Nẻo tắt lắm gai chông
Cỏ mọc sau và trước
Mây bay tây lại đông”...
***
(2)“Người sinh ở thế gian
Sống thác ấy muôn ngàn
Xưa thấy rằng chưa đủ
Nay xem tới đã vàng
Vui vầy chung một cửa
Ly biệt rẽ đôi phương
Chẳng khác phù dung nở
Trưa tươi tối lại tàn”…
***
(3)“Phía đông có một bà
Vận đỏ mới sang qua
Khi trước nghèo hơn chúng
Bây giờ nhớ lại ta
Cười người đang thuở bé
Bĩ nhục lúc về già
Con tạo hay dời đổi
Thịnh suy cách chẳng xa”…

Ông đi khắp thiên hạ, có người từ lúc nhỏ đã gặp ông, đến khi đầu bạc lại gặp lại, thế mà thấy dung mạo của ông vẫn trẻ đẹp như thuở nào.
Ông đi khắp thiên hạ, có người từ lúc nhỏ đã gặp ông, đến khi đầu bạc lại gặp lại, thế mà thấy dung mạo của ông vẫn trẻ đẹp như thuở nào. (Ảnh: baike.baidu.com)

Khi hát xong được mọi người cho tiền, Đạp ca Lam Thái Hòa hay dùng dây xâu lại đeo vung vẩy, tiền rơi đi cũng không thèm để ý, con trẻ và người ăn xin thường chạy theo nhặt. Có lúc ông thường tặng tiền cho người nghèo hoặc mua rượu uống. Ông đi khắp thiên hạ, có người từ lúc nhỏ đã gặp ông, đến khi đầu bạc lại gặp lại, thế mà thấy dung mạo của ông vẫn trẻ đẹp như thuở nào.

Về sau, Lam Thái Hòa gặp Lý Thiết Quải, cùng nhau uống rượu tiên và bàn về Đạo. Một ngày nọ, ông đang uống rượu ở tửu lâu tại Hào Lương thì bỗng trên không trung có tiếng sanh, tiếng tiêu cùng thiên nhạc rền vang bốn cõi, rồi bỗng nhiên người ta thấy ông cưỡi hạc bay lên trời; áo, dây thắt lưng và giày rơi xuống hóa thành ngọc bích còn ông từ từ biến mất. Trong số những bài đạp ca của Lam Thái Hoà - là vì khi hát ông thường đạp chân xuống đất mà làm nhịp nên gọi là “đạp ca”, có một bài rất nổi tiếng cho đến nay vẫn còn được nhân gian truyền tụng:

“Đạp ca Lam Thái Hoà
Thế gian được mấy người?
Hồng nhan một góc xuân
Thời gian như thoi dệt…

Người xưa tịch mịch bỏ đi mất
Người nay lũ lượt tới càng đông
Sáng cưỡi loan phụng đến Bích Lạc
Chiều thấy ruộng dâu nổi sóng dâng
Cảnh đẹp sáng trong nơi trời biếc,
Cung vàng điện bạc cao cheo leo”…

Trong số Bát Tiên, Lam Thái Hòa được coi là vị Tiên có tính tình thuần hậu hơn hết…

Đôi chút luận bàn

Trong truyền thuyết thường hay kể câu chuyện về các vị "Tăng điên", "Đạo sĩ điên", dân gian gọi họ là "điên", nhưng kỳ thực không phải là điên thật, mà là những bậc chân tu. Họ vốn là những người thông qua chịu khổ: nếm trải mọi cay đắng tủi nhục, kinh qua những quan nạn, những nỗi thống không thể tưởng tượng nổi nơi miền nhân thế để tu bỏ những chấp trước, tâm phàm và dục vọng để đắc Đạo thành Tiên. Lam Thái Hòa phải chăng chính là một trong những bậc Tiên nhân tu luyện và đắc Đạo theo con đường như thế?

Lam Thái Hòa mùa hạ thì mặc thêm áo bông; Mùa đông lại chỉ mặc phong phanh một chiếc áo đơn, đi chân trần trên tuyết để ca hát xin ăn... mặc dù nếm trải đủ mọi khổ cực tại nhân gian nhưng tâm hồn ông luôn lạc quan, từ bi độ lượng: Một người đói rách, giả điên đi ăn xin nhưng lại luôn hát những khúc ca kể về chuyện Thần tiên để cảnh tỉnh nhân thế; một người sống bằng nghề hát rong xin tiền, nhưng tiền ông xin được lại giả đò làm rơi để âm thầm bố thí cho lũ trẻ nghèo và những người hành khất khác... điều đó phải chăng đã hé lộ khí chất siêu phàm thoát tục của những bậc Tiên phong Đạo cốt.

Lại nói khi Lam Thái Hòa đắc Đạo thành Tiên, "bạch nhật phi thăng" - giữa thanh thiên bạch nhật mà bay về trời - thì bộ y phục và đôi giày vải rách nát của ông bỏ rớt lại đều biến thành ngọc bích, đây há chẳng phải là kỳ tích triển hiện giữa cõi phàm để thức tỉnh và khích lệ thế nhân về con đường tu luyện Đại Pháp, Đại đạo đó sao?

Truyền thuyết về các vị Thần tiên tu đạo luôn luôn huyền bí, trong thực có hư; trong hư có thực... huyền sử tu luyện của vị Tiên thứ bảy - Tiên nhân Tào Quốc Cữu cũng không kém phần kỳ thú, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Đường Tân

Còn tiếp…

[Phần tiếp theo: Tiên nhân Tào Quốc Cữu]

- Tài liệu tham khảo: "Đông Du Bát Tiên"; Wikipedia; và một số nguồn tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.6): Mặc thế sự bể dâu ngơ ngác; Lam Thái Hòa ca hát chuyện Tiên