Bát Tiên truyền kỳ (P.7 - Kỳ 1): Tào Quốc Cữu ném bỏ lệnh bài; Lã Động Tân thử người tầm Đạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vị đạo sĩ vân du nọ không những không quỳ lạy, trái lại còn ưỡn ngực trừng mắt, dùng cây phất trần chuôi ngọc chỉ vào đầu mũi của Tào Quốc Cữu, nói rằng: "Ông muốn cầu tiên học Đạo, thế mà lại lấy kim bài ra để dọa bách tính, đó chẳng phải là bậy bạ sao?"...

Xem lại (Phần 1 - Kỳ 1), (Phần 1 - Kỳ 2), (Phần 2 - Kỳ 1), (Phần 2 - Kỳ 2), (Phần 3 - Kỳ 1), (Phần 3 - Kỳ 2), (Phần 4 - Kỳ 1), (Phần 4 - Kỳ 2), (Phần 5 - Kỳ 1) (Phần 5 - Kỳ 2), (Phần 6)

Truyền thuyết kể rằng: Trong Đạo gia khi xưa có tám vị Tiên bất tử. Họ đều đã trải qua quá trình tu luyện gian khổ, buông bỏ mọi dục vọng chấp trước của thế gian mà đắc Đạo thành Tiên, thọ cùng Trời đất. Bởi vậy, Bát Tiên được coi là biểu tượng của sự trường sinh và điềm lành; sự hiện diện của Bát Tiên đem đến bình yên và hạnh phúc cho dương gian...

Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi khác nhau qua từng triều đại. Tám vị Tiên, theo ấn bản sau đời nhà Minh, là gồm có: Lý Thiết Quải, Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Hàn Tương Tử, Trương Quả Lão, Lam Thái Hoà, Hà Tiên Cô và Tào Quốc Cữu. Các vị rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, họ đều là Đại Tiên trong thể hệ Đạo gia và thường tụ hội, du ngoạn cùng với nhau.

Lý Thiết Quải có tật ở chân nên thường hiện thân với một cây gậy sắt, cuộc đời ông kinh qua rất nhiều gian khổ nhưng lại lập chí tu Đạo từ sớm. Hán Chung Ly luôn luôn xuất hiện với một tay phe phẩy cái quạt lá, trước khi thành Tiên ông từng là Đại tướng quân của nhà Hán.

Lã Động Tân từng làm Nho sinh, sau nhận Hán Chung Ly làm sư phụ và tu Đạo thành Tiên. Hàn Tương Tử trước khi thành Tiên là cháu trai của Hàn Dũ - một văn nhân nổi tiếng ở triều đại nhà Đường - vị Tiên nhân này có tài thi phú, lại thường thổi sáo tiên.

Trương Quả Lão trông rất khỏe mạnh ở tuổi lão thái của mình. Ông thường cưỡi lừa ngược và có rất nhiều pháp thuật. Lam Thái Hòa tính tình thuần hậu, thường ưa ca hát, thích làm việc thiện, sau đắc Đạo thành Tiên. Hà Tiên Cô trước khi đắc Đạo là một thiếu nữ vô cùng trẻ đẹp và hiếu thuận. Còn Tiên nhân Tào Quốc Cữu vốn dòng dõi hoàng tộc, tính tình rộng lượng, hào phóng vô ngần…

Dân gian tương truyền Bát Tiên thường ngự ở tám động đá của núi Bồng Lai trên đảo Bồng Lai nơi cõi Thiêng liêng. Sau đây là truyền thuyết về tám vị Tiên...

***

7. Tào Quốc Cữu

Tương truyền, Tào Quốc Cữu, còn có tên gọi khác là Tào Cảnh Hưu, cháu của Tào Bân, một đại tướng thời Tống, và là em của Hoàng hậu Tống Nhân Tông. Tào Quốc Cữu có một người em ruột tên là Tào Nhị, người này ỷ thế hại dân, lập phe đảng mà bắt hiếp gái lành và đoạt điền thổ của dân chúng. Ông thường la rầy em mình, nhưng Tào Nhị chẳng chừa, vẫn chứng nào tật nấy lại còn đem lòng oán trách.

Tào Quốc Cữu thường than rằng: "Chứa lành có phước, chứa dữ mang họa, ấy là lẽ thường, bởi tổ tông có đức nên mình mới được giàu sang. Giờ đây em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua khỏi vương pháp, chứ chạy sao cho khỏi luật trời, nếu đợi tai họa giáng tới thì mình cũng có thể chịu liên đới, chi bằng lánh trước kẻo nhơ danh, mắc nạn về sau". Nghĩ vậy bèn đem hết gia sản mà bố thí cho dân nghèo, rồi mặc đồ đạo sĩ lên núi Chung Nam tìm chỗ tu hành…

Giờ đây em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua khỏi vương pháp, chứ chạy sao cho khỏi luật trời, nếu đợi tai họa giáng tới thì mình cũng có thể chịu liên đới
"Giờ đây em mình làm dữ mười phần, lẽ nào không bị hại, tuy qua khỏi vương pháp, chứ chạy sao cho khỏi luật trời, nếu đợi tai họa giáng tới thì mình cũng có thể chịu liên đới..." (Ảnh: baike.baidu.com)

Có một ngày nọ, Lã Động Tân hóa thân thành một đạo sĩ vân du bốn phương, mang theo bảo kiếm Đồ Long, lưng đeo hồ lô Kim Đan, tay cầm phất trần chuôi ngọc. Khi đến bên bờ phía nam sông Hoàng Hà, vừa khéo gặp được Tào Quốc Cữu đến từ Biện Kinh.

Lại nói, Tào Quốc Cữu khi ấy đang trên đường đến núi Chung Nam cầu Tiên học Đạo nên gấp rút muốn gọi thuyền đưa qua sông. Chủ thuyền này là nhờ công việc đưa khách sang sông mà nuôi sống cả gia đình nên nhất định đòi ông phải trả tiền trước thì mới cho thuyền quá giang.

Bởi Tào Quốc Cữu rời kinh vội vàng nên không kịp mang theo tiền bạc, ông ta tìm khắp thân cũng không có đồng xu nào, liền lầy kim bài ngự thưởng mà anh rể là Hoàng đế ban tặng, trên đó có khắc tám chữ lớn:

“Quốc cữu đáo xứ, như trẫm thân hành” (Nơi quốc cữu đến, giống như nơi trẫm quang lâm).

Những người trên thuyền và trên bờ nhìn thấy, vội vàng quỳ xuống hô lớn ba lần:

- “Vạn Tuế! Vạn Tuế! Vạn vạn Tuế!”.

Nhưng vị đạo sĩ vân du đó không những không quỳ lạy, trái lại còn ưỡn ngực trừng mắt, dùng cây phất trần chuôi ngọc chỉ vào đầu mũi của Tào Quốc Cữu, nói rằng:

- Ông muốn cầu tiên học Đạo, thế mà lại lấy kim bài ra để dọa bách tính, đó chẳng phải là bậy bạ sao?

Vị đạo sĩ vân du đó không những không quỳ lạy, trái lại còn ưỡn ngực trừng mắt, dùng cây phất trần chuôi ngọc chỉ vào đầu mũi của Tào Quốc Cữu.
Vị đạo sĩ vân du đó không những không quỳ lạy, trái lại còn ưỡn ngực trừng mắt, dùng cây phất trần chuôi ngọc chỉ vào đầu mũi của Tào Quốc Cữu. (Ảnh: baike.baidu.com)

Tào Quốc Cữu nhìn kỹ vị đạo nhân trước mặt, thấy vị này râu dài đến ngực, tiên phong đạo cốt, bất giác quỳ mọp xuống đất, miệng đáp liên hồi:

- Đệ tử không dám! Không dám! Nói đoạn bèn liệng tấm kim bài xuống sông.

Lã Động Tân vẫy nhẹ cây phất trần, Tào Quốc Cữu hai mắt nhắm lại, liền cảm thấy hai bên sườn có gió mát, mở mắt nhìn thử thì thấy mình đã bay qua bờ phía bắc bên kia sông Hoàng Hà tự lúc nào không hay. Ông quay đầu nhìn về nơi bến xa, trông thấy chiếc thuyền gỗ khi nãy vẫn còn chưa kịp nhổ neo. Lã Động Tân nói:

- Ta chính là Lã Thuần Dương đến từ núi Chung Nam, có tiên duyên với ông, nay hữu ý đến đây chỉ điểm cho ông!

Tào Quốc Cữu gặp được chân Tiên thì vui mừng khôn xiết, dập đầu khẩn cầu rằng:

- Đệ tử đã nhìn thấu hồng trần, bỏ lại hậu lộc hoàng gia, liệng bỏ kim bài Hoàng đế ban tặng, là để tỏ rõ tấm lòng thành. Chỉ mong được thượng Tiên dẫn theo đệ tử lên núi Chung Nam tu hành học Đạo, nếu được vậy thật chẳng còn mong cầu gì hơn!

Lã Động Tân cười ha hả, nói:

Nói nghe sao dễ vậy! Núi Chung Nam là chốn bồng lai thắng địa, ông là phàm phu tục tử, trần duyên chưa dứt, làm sao đến được đây?

Núi Chung Nam là chốn bồng lai thắng địa, ông là phàm phu tục tử, trần duyên chưa dứt, làm sao đến được đây?
Núi Chung Nam là chốn bồng lai thắng địa, ông là phàm phu tục tử, trần duyên chưa dứt, làm sao đến được đây?

Nói xong vị Tiên nhân bèn vẫy khẽ cây phất trần, trong thoáng chốc đã không thấy tung tích đâu nữa. Tào Quốc Cữu giận mình ngu ngốc, lúc nãy nếu như nắm lấy ống tay áo của Tiên nhân, chẳng phải đã phi thăng cùng lúc rồi sao; nếu như người đã đến chỉ điểm, chính là đã kết hạ Tiên duyên. Ông bèn nhìn trời lễ bái, phát thệ nói:

- Đệ tử Tào Hữu, một lòng cầu Tiên học Đạo, dẫu có trải qua nghìn trùng ma nạn, thịt nát xương tan, thề không hối hận! Nói xong, bèn tiếp tục đi về phía núi Chung Nam.

Vị Quốc Cữu này, trong phủ là áo gấm cơm ngon, châu ngọc vây quanh, phú quý vô cùng. Khi đi ra ngoài nếu không ngồi kiệu thì cũng là cưỡi ngựa, trước sau có người hộ tống uy phong biết mấy; dân gian thì ví von rằng: đế giày của ông còn sạch gấp mười lần mũ nón của bá tánh bình dân. Giờ đây, đi được mấy ngày, vết bỏng dưới lòng bàn chân giống như những chùm nho, cất một bước phải cắn răng chịu đựng; lại nói trên người không một xu dính túi, nơi ăn chốn nghỉ cũng là cả một vấn đề. Ông đành phải bán áo gấm, đai ngọc lấy tiền làm lộ phí, giày báu hoàng cung cũng đổi thành một đôi giày vải, chỉ mong sao có thể đi lại được nhẹ nhàng.

Rong ruổi mãi cho tới một ngày nọ, Tào Quốc Cữu đi đến huyện Phú Thủy, phủ Tần Trung, lúc này số tiền có được từ việc bán tư trang cũng đã tiêu xài hết, trên người tuyệt không còn vật gì đáng giá có thể bán được nữa. Tào Quốc Cữu bụng đói cồn cào, khắp người mệt mỏi không còn chút sức lực, đành phải tựa lưng vào góc tường bên mái hiên của một cửa hàng. Trong lúc nửa mơ nửa tỉnh, bỗng nhiên ông cảm thấy có người lay vai mình, mở mắt ra nhìn thử, thì ra là một viên thái giám trong cung. Thái giám kêu lên rằng:

- Quốc Cữu gia, người khiến chúng thần phải tìm kiếm vất vả quá! Sau khi người rời khỏi kinh thành, nương nương nhớ người, không màng đến cơm nước, ngọc thể bất an. Chúng thần phụng ý chỉ của Hoàng thượng và nương nương đến đón người trở về kinh thành. Nói xong, y quay lại đằng sau vẫy tay gọi lớn:

- Mau đến đây, Quốc Cữu gia đang ở đây này!

Trong nháy mắt, một chiếc kiệu gấm vàng đã được khiêng đến trước mặt Quốc Cữu, ông được người thái giám đó kéo lên, dìu về phía cửa kiệu.

Lúc này, Quốc Cữu bỗng nhiên tỉnh táo, nhớ lại lời thề “thịt nát xương tan, quyết không hối hận” của mình…

Đường Tân

Còn tiếp…

- Tài liệu tham khảo: “Nhân vật Tào Quốc Cữu/Uyên Giám Loại Hàm” - Dịch giả: Tiểu Thiện/epochtimes.com; "Đông Du Bát Tiên" và một số tư liệu khác...



BÀI CHỌN LỌC

Bát Tiên truyền kỳ (P.7 - Kỳ 1): Tào Quốc Cữu ném bỏ lệnh bài; Lã Động Tân thử người tầm Đạo