Câu chuyện luân hồi: Bé gái chưa đầy 1 tuổi đã nhận ra người cha kiếp trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Maria ốm nặng và cảm thấy mình sắp ra đi, cô nói với người bạn thân Ida đến thăm bằng giọng nói trang trọng và nghiêm túc: Thứ nhất, cô sẽ tái sinh làm con gái của Ida; Thứ hai, sau khi chuyển sinh và biết nói, cô sẽ kể rất nhiều về hoàn cảnh trong kiếp này, để Ida biết rằng cô đã được đầu thai.

Kể từ khoảng những năm 1960, nghiên cứu về luân hồi đã có những bước phát triển nhảy vọt, và từ những năm 1980 nó đã cho thấy kết quả rõ ràng.

Giáo sư I. Stevenson của Đại học Virginia là một trong những người sáng lập chính trong nghiên cứu về luân hồi ở phương Tây hiện nay. Ông đã sử dụng khá nhiều phương pháp nghiên cứu truyền thống với các trình tự bao gồm: phát hiện đối tượng, trực tiếp thu thập chứng cứ, điều tra và theo dõi, xác minh tính xác thực của trường hợp. Phương pháp này được xác thực là đáng tin cậy, mọi người đều có thể hiểu được nó, vì vậy nó có tính khách quan và đáng tin cậy cao. Một số trường hợp được đưa ra đã khiến mọi người kinh ngạc và rất có tính thuyết phục. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này là việc quan sát, theo dõi thường mất vài năm hoặc lâu hơn, hơn nữa cần tới thực địa để khảo sát nên khá tốn kém chi phí.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về trường hợp được Giáo sư Stevenson tập hợp trong cuốn sách “Hai mươi trường hợp luân hồi” của ông .

Câu chuyện về Maria - con gái của chủ nông trang

Ở tỉnh Rugolandeso, cực nam của Brazil, trong gia đình ông chủ nông trang giàu có, Oliwa, đón chào một bé gái chào đời. Đứa trẻ được đặt tên là Maria Januaria de Oliveiro, nhưng mọi người gọi cô bé là Sinha, hay Sinha Sinha.

Những ai đã từng đến các trang trại ở Châu Mỹ đều có thể biết rằng các trang trại ở đó rất to, có thể nói là mênh mông bát ngát. Vì vậy, khi Maria lớn lên, cô thường đi chơi đến ngôi làng Dom Vriesa đông vui, nhộn nhịp cách nhà 20 km. Dần dần, cô và Ida Lorenz, vợ của một giáo viên tiểu học trong làng, trở thành bạn tốt của nhau .

Khi đến tuổi kết hôn, Maria đã trải qua hai mối tình sâu đậm khó quên, nhưng lần nào, người cha cứng đầu và nghiêm khắc của cô cũng ‘phá đám’ đôi trẻ. Một chàng thanh niên rất yêu thương Maria thậm chí vì thế mà vô cùng đau khổ, tuyệt vọng và đã tự tử. Sau cú sốc đó, Maria đã thay đổi; một Maria vốn cởi mở, vui vẻ trở nên buồn rầu, trầm mặc, ít nói. Lúc này, người cha của cô bắt đầu lo lắng trước sự thay đổi quá lớn của con. Ông sắp xếp cho Maria tham gia các hoạt động xã hội khác nhau, thậm chí còn cho cô đến thành phố biển Pilot để tham gia lễ hội hóa trang.

Maria vốn cởi mở, vui vẻ trở nên buồn rầu, trầm mặc, ít nói. (Ảnh: pexels)
Maria vốn cởi mở, vui vẻ trở nên buồn rầu, trầm mặc, ít nói. (Ảnh: pexels)

Nhưng tình trạng của Maria vẫn không có thay đổi, cô ngày càng không quan tâm tới bất kỳ điều gì, tự hủy hoại bản thân. Cô cố tình dầm mình trong giá lạnh, giày vò bản thân, như để trừng phạt mình. Thậm chí, cô điên cuồng đắm mình trong các lễ hội và khiến cơ thể kiệt quệ. Cuối cùng, Maria mắc bệnh lao, cổ họng bị nhiễm trùng và giọng nói khàn khàn. Vài tháng sau, cô ấy qua đời khi tuổi vẫn còn trẻ.

Khi Maria ốm nặng và cảm thấy mình sắp ra đi, cô nói với người bạn thân Ida đến thăm bằng giọng nói trang trọng và nghiêm túc: Thứ nhất, cô sẽ tái sinh làm con gái của Ida; Thứ hai, sau khi chuyển sinh và biết nói, cô sẽ kể rất nhiều về hoàn cảnh trong kiếp này, để Ida biết rằng cô đã được đầu thai.

Ida bán tín bán nghi, đã kể với chồng mình - anh Lorenz tất cả những gì Maria nói. Nhưng họ không nói với bất kỳ ai khác, và chỉ quyết định quan sát xem sự việc sẽ diễn ra như thế nào.

Vài tháng sau khi Maria qua đời, Ida hạ sinh một bé gái và đặt tên là Marta Lorenz. Từ sớm, cô bé đã có những biểu hiện như mình chính là Maria.

Khi Marta chưa đầy một tuổi, một ngày nọ, cha của Maria, ông Oliwa, đến thăm nhà Lorenz, và trùng hợp cùng lúc đó, một người quen khác của gia đình Lorenz, ông Vaventi, cũng đến thăm. Ông Vaventi rất thích cô bé Marta và mỉm cười với Marta. Nhưng Marta ngay lập tức đi về phía ông Oliwa. Ông Oliwa hà khắc không nhiệt tình với Marta, và thậm chí còn từ chối không để cô bé đến gần mình. Tuy nhiên, cô bé Marta không bận tâm. Cô bé tiến tới, vuốt ve bộ râu của Oliwa và nói: “Bố, con chào bố”. Ban đầu, việc này không gây sự chú ý đối với ông Oliwa, mãi tới 11 năm sau, có người nói với ông rằng Marta có thể chính là Maria chuyển sinh. Ông hồi tưởng lại tình tiết cô bé Marta từng gọi mình là bố, và ông cho rằng điều đó có thể là sự thật.

Theo thời gian Marta dần lớn lên, Ida để ý và ngày càng phát hiện ra cô con gái Marta rất có thể là Maria chuyển sinh. Khi Marta được hai tuổi rưỡi, một ngày nọ khi cô bé và chị gái Lola giặt quần áo xong ở một con sông nhỏ gần nhà, trên đường về nhà, cô bé nói với chị gái: “Lola, hãy cõng em trên lưng đi”. Lola đáp: “Em đã đi được giỏi rồi, không cần chị cõng em nữa”.

Lúc này Marta nói, “Khi em lớn và chị còn nhỏ, em thường cõng chị trên lưng”.
“Em lớn từ khi nào?” Lola cười hỏi.

Marta trả lời: “Lúc đó em không sống ở đây; em sống ở rất xa, nơi có nhiều bò đực, bò cái, những cây cam, và nhiều động vật như dê, nhưng chúng không phải là dê”. Thực ra, Marta nói tới là những chú cừu được nuôi ở trang trại nơi Maria sống.

Một người chị khác của Marta nói đùa rằng: “Vậy lúc đó em có một người hầu da đen như chúng ta bây giờ không?” Marta không ngượng ngùng gì và đáp: “Không. Nơi em từng sống ở đó, cô hầu da đen đã rất lớn tuổi rồi, và cả người đầu bếp da đen; nhưng có một cậu bé da đen. Một ngày cậu ấy quên lấy nước, cha em đã đánh cậu ấy”.

Ông Lorenz ở bên cạnh đang nghe cuộc trò chuyện của các cô con gái, nhanh chóng nói: “Cha chưa bao giờ đánh cậu bé da đen, và con gái nhỏ của ta”.
Marta nói một cách rất tự nhiên: “Đó là người cha khác của con đã đánh cậu bé da đen. Cậu ấy đã cầu cứu con: ‘Sinha Sinha, giúp tôi với!’ Con nói với cha đừng đánh, và cậu ấy chạy ra ngoài lấy nước”.

“Sinha hay Sinha Sinha này là ai?”, ông Lorenz hỏi.

Marta trả lời: “Là con ạ. Lúc đó con có một cái tên khác là Maria, và con vẫn còn một tên khác mà con không thể nhớ được”. Tên đầy đủ của Maria là Maria Januaria de Oliveiro.

Mẹ của Marta, Ida, cũng đã kiểm tra chéo cô bé. Có lần, cô cố tình hỏi Marta: “Khi mẹ đến trang trại của bố con, con đón tiếp mẹ như thế nào?”

Marta nói, cô chuẩn bị cà phê và đợi trước nhà, bật máy quay đĩa đặt trên tảng đá để nghe. Ida thốt lên: “Con nói hoàn toàn chính xác”.

Mẹ Ida lại hỏi Marta về việc Maria đã nói gì với mình trong lần cuối cùng cô đến thăm Maria. Ở đây, Ida đã cố tình dùng từ “nói” với Marta. Trên thực tế, Maria đã không thể nói nên lời vì tình trạng nhiễm trùng cổ họng ngày càng trầm trọng.

Vậy Marta đã trả lời như thế nào? Cô nói nhỏ vào tai mẹ Ida, và chỉ vào cổ họng mình, biểu thị rằng cô không thể phát ra âm thanh. Chỉ có Ida biết được chuyện này.

Trong những năm tiếp theo, Marta đã đưa ra 120 tuyên bố về cuộc đời của Maria và những người Maria biết. Ông Lorenz - cha của Marta đã lưu giữ ghi chép chi tiết về những điều này. Trong đó, có một số sự việc cả cha và mẹ cô ở kiếp này đều không biết, nhưng về sau nó đã được chứng minh là đúng.

Marta thường bày tỏ mong muốn được trở về thăm ngôi nhà kiếp trước. Khi cô 12 tuổi, cha mẹ đã đưa cô đến đó. Ngay khi đến nơi, cô nhận ra chiếc đồng hồ trên tường và nói rằng nó thuộc về mình, và mặt sau đồng hồ có tên cô được khắc bằng chữ vàng. Có lẽ vì nguyện vọng đã được hoàn thành nên kể từ đó, Marta hiếm khi nói về tiền kiếp của mình. Nhưng cô không hề quên chúng.

Marta thường bày tỏ mong muốn được trở về thăm ngôi nhà kiếp trước. (Ảnh: pexels)
Marta thường bày tỏ mong muốn được trở về thăm ngôi nhà kiếp trước. (Ảnh: pexels)

Một lần, một người họ hàng của gia đình Oliwa nghe nói câu chuyện của Marta, đột nhiên đến nhà Lorenz hỏi Marta: “Nếu cô thực sự là Sinha, hãy nói xem mối quan hệ giữa chúng ta là như thế nào?”. Marta liền nói: “Cô từng là chị họ và là mẹ đỡ đầu của cháu”. Trong khi người phụ nữ này hoàn toàn là người xa lạ với Marta và gia đình cô.

Do kiếp trước Maria coi thường và phá hoại sức khỏe bản thân khiến cô bị viêm phổi, viêm thanh quản và dẫn tới cái chết. Điều này thể hiện rất rõ trong kiếp này của cô. Trước tiên, đó là cô thường xuyên bị cảm lạnh và viêm phế quản, nhưng những đứa trẻ khác trong gia đình Lorenz lại không mắc phải căn bệnh này. Thứ hai, khi mắc hai chứng bệnh này, Marta luôn cảm thấy mình như sắp chết. Thứ ba là khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cô chỉ muốn hủy hoại chính mình. Cô thú nhận với Giáo sư Stevenson rằng, mặc dù bản thân chưa bao giờ tự sát, nhưng nếu có súng, cô có thể đã làm việc đó.

May mắn thay, Marta đã không tự tử và có mang theo những tính cách tốt đẹp của kiếp trước. Ở kiếp trước, nhiều người nhớ rằng cô là người tốt bụng và giàu lòng nhân ái. Cô từng cầu xin cha mình tha không trừng phạt cậu bé da đen. Trong kiếp này, cô vẫn lưu giữ tính cách đó. Hơn nữa, vì cô đã trải qua một lần sinh tử luân hồi nên có thể chia sẻ thấu hiểu nỗi buồn cùng những người khác.

Stevenson viết: Có lần, một phụ nữ đến nhà Lorenz phỏng vấn đã không khỏi xót xa trước cái chết của cha mình và nói: “Ôi, người chết sẽ không bao giờ trở lại”. Nghe vậy, Marta nói: “Đừng nói vậy, nhìn xem, không phải tôi đã sống lại rồi sao?".

Một doanh nhân người Đức luôn muốn bắn chết mình

Những trường hợp trải nghiệm và tình cảm của kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp này vốn không phải chỉ có một. Giáo sư Stevenson đã ghi lại trường hợp của một người Đức.

Doanh nhân người Đức Ruprecht Schultz sinh vào cuối thế kỷ 19. Từ nhỏ, khi không vui, ông hay có thói quen làm dáng tay như hình khẩu súng lục và tự nói trong đầu rằng: “Ta sẽ bắn chính mình”.

Thế chiến II bùng nổ, tiệm giặt là của Schultz ở Berlin làm ăn thua lỗ. Ông thường đến văn phòng để kiểm tra sổ sách và suy nghĩ về những vấn đề tài chính khó khăn. Khi đi đến két sắt ở hành lang để lấy sổ sách, ông thường có cảm giác dường như trước đây đã xảy ra sự việc này.

Có lẽ đó là một tình huống tương tự đã truyền cảm hứng cho ký ức tiền kiếp của Schultz. Ông nhớ rằng, kiếp trước mình từng là một doanh nhân, và có thể đã kinh doanh liên quan đến gỗ và vận tải biển. Thật trùng hợp, trong kiếp này ông cũng thích những con tàu.

Tình cảm của kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp này. (Ảnh: pexels)
Tình cảm của kiếp trước ảnh hưởng đến kiếp này. (Ảnh: pexels)

Schultz nhớ rằng, mình từng bị tổn thất tài chính nghiêm trọng trong kiếp trước. Ông nhìn thấy chính mình ở kiếp trước thường hay đi đến két sắt ở hành lang để lấy sổ sách. Cuối cùng, khi cảm thấy quá tuyệt vọng với cuộc sống, ông đã lấy một khẩu súng, bắn vào đầu mình và kết thúc sinh mệnh.

Schultz cảm thấy bản thân đã từng sống ở một thị trấn gần cảng ở Đức. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Stevenson đã xác định được 9 thị trấn ven biển Đức và tìm đến quản lý các địa phương đó để hỏi thông tin về những cư dân nơi đó đã qua đời t. Cuối cùng, họ tìm thấy một thị trấn tên là Wilhelmshaven rất phù hợp với mô tả của Schultz. Người mà ông mô tả ở kiếp trước tên là Helmut Kohler.

Kohler sở hữu một công ty vận chuyển biển. Ông tin rằng, thuế gỗ sẽ tăng nên đã mua một lượng lớn gỗ từ nước ngoài. Không ngờ thuế gỗ không tăng mà lại giảm, vì thế ông đã lâm vào khủng hoảng tài chính. Ông cảm thấy mọi thứ như sụp đổ hết. Ông cố gắng yêu cầu kế toán lập sổ sách giả, hy vọng bù đắp khoản lỗ. Nhưng kế toán rất hoảng sợ, và đã bỏ trốn cùng hới phần lớn số tiền của công ty. Kohler cảm thấy tuyệt vọng đã chọn cách dùng súng tự vẫn vào một ngày nghỉ.

Schultz sau đó đã tìm thấy con trai của Kohler, người vẫn còn sống vào thời điểm đó. Người con trai nói với Schultz rằng, tình hình tài chính của Kohler không tệ như bản thân ông nghĩ. Chỉ cần Kohler bán tài sản của mình, ông ấy có thể thanh toán hết các khoản nợ và có thể sống thoải mái phần đời còn lại của mình.

Trong kiếp này, Schultz rất thận trọng và bảo thủ đối với tiền bạc. Ông tin rằng điều này có nguồn gốc liên quan tới những trải nghiệm ở kiếp trước. Sau Thế chiến II, vì Berlin bị chia cắt thành Đông và Tây Berlin, Schultz lại bị mất đi tài sản của mình. Tuy nhiên, Schultz không khốn khổ như Kohler ở kiếp trước. Thay vào đó, ông và vợ chuyển đến Frankfurt sau khi nghỉ hưu và sống hết quãng đời thanh thản cho đến năm 80 tuổi. Có lẽ vì ông đã thăm người con trai kiếp trước của mình và thấy rằng, đáng lý kiếp trước ông không phải tự sát. Chỉ cần có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thời lúc đó, là sẽ qua đi, ông có thế tiếp tục cuộc sống mới và lần này Schultz đã học được kinh nghiệm quý giá.

Trên đây là những câu chuyện có thật về kiếp trước đều có ảnh hưởng đến kiếp này. Dường như nhân quả mà Phật gia từng giảng không phải là không có nguyên do. Điều may mắn là họ có thể rút ra được những bài học một cách chính diện, và đối mặt với cuộc sống một cách tích cực hơn. Việc duy trì một thái độ lạc quan, thiện lương và tích cực, chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

Huy Hải
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện luân hồi: Bé gái chưa đầy 1 tuổi đã nhận ra người cha kiếp trước