Bí ẩn Kinh Dịch: 3 hiểu sai và 4 bài học từ trí tuệ Kinh Dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh Dịch là bộ kỳ thư mà nội hàm vẫn còn nhiều bí ẩn. Có rất nhiều định nghĩa về nó, vậy đâu là định nghĩa đúng, nó dạy con người những gì? 

Kinh Dịch là gì?

“Kinh” có thể hiểu là lời dạy bảo của Thần Phật, Thánh nhân, để điểm hóa cho con người khám phá ra bí ẩn của sinh mệnh, và quay trở về, vì cõi trần này vốn luôn được xem là cõi tạm.

“Dịch” không chỉ đơn giản là sự chuyển động và biến hóa của các quẻ. Có thể hiểu “Dịch” là biểu thị cho quá trình phát triển của mọi sinh mệnh, vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao la này, từ lúc khởi nguyên cho đến lúc kết thúc; tuần hoàn theo một quy luật – chính là cái mà Lão Tử gọi là Đạo, Phật gọi là Pháp.

Kinh Dịch là của Trung Quốc hay của Việt Nam?

Mỗi nghiên cứu của các học giả đều cố đưa ra những diễn giải thuyết phục để chứng minh rằng Kinh Dịch là thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu lấy bút danh Tĩnh Thủy, Kinh Dịch bắt đầu xuất hiện trước tất cả các nền văn minh trên Trái Đất này.

Nó là một di sản vỡ vụn của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, và rải rác khắp nơi trên thế giới còn sót lại sau một thảm họa hủy diệt. Người Maya, người Ai Cập cổ đại, người Khmer, Ấn Độ cổ cũng đều có những phần tri thức tương tự như Kinh Dịch.

Người Trung Hoa và Việt Nam may mắn có được nhiều mảnh vụn hơn mà thôi, và may mắn nhất là Trung Hoa đã sinh ra một Khổng Tử và Chu Công để san định và chú giải Kinh Dịch có hệ thống, nên người ta mới luôn nghĩ rằng Trung Hoa là cái nôi của Kinh Dịch.

Kinh Dịch có phải dùng để bói mệnh, xem phong thủy?

Nói nôm na, Kinh Dịch thật sự chính là một cỗ máy khổng lồ mô phỏng lại tất cả các dạng thức hoạt động và sự sống của vũ trụ, thời gian và không gian. Ví dụ gần nhất chính là các siêu máy tính lượng tử chuyên dùng để tính toán sự giãn nở của hệ ngân hà chúng ta. Vì thế trong Kinh Dịch có một phần có thể coi là “toán học vũ trụ” – một cơ chế hoàn hảo có thể tính hết mọi thứ từ quá khứ đến tương lai.

Nhỏ thì có thể tính được số mệnh một người, lớn thì có thể thấy được vận mệnh của một quốc gia, từ vài chục cho đến hàng ngàn năm sau. Biểu hiện đơn giản nhất của nó chỉ có 64 quẻ, nhưng lại bao hàm từ sinh mệnh của con người, vạn vật cho đến cả thiên thể vũ trụ.

Sơ đồ hình thành bát quái theo triết lý âm - dương
Sơ đồ hình thành bát quái theo triết lý âm - dương. (Ảnh: Wikipedia CC BY-SA 4.0)

1. Bài học về quyền lực và tiền bạc

Có 4 thứ dễ khiến con người ta biến đổi, sa đọa. Đó chính là: Quyền lực, tiền bạc, gia đình và lợi ích cá nhân.

Quyền lực là thứ đứng đầu trong tất cả dục vọng của con người. Là thứ gây mê hoặc lớn nhất, thử thách lớn nhất của toàn nhân loại. Người ta sẵn sàng hại lẫn nhau chỉ để giành quyền lực vào tay mình.

Vậy quẻ Càn Vi Thiên chỉ ra điều gì? Càn nghĩa là Trời, thuộc hành Kim. Ngoài ra nó còn tượng trưng cho Vua, quan, lãnh đạo, người chủ gia đình, quyền lực và tiền bạc (Kim). Quẻ gồm 2 quẻ đơn Càn chồng lên nhau. Quẻ trên là tượng trưng cho lãnh đạo, quẻ dưới là nhân viên. Hàm ý là địa vị trong xã hội từ trên xuống dưới đều do mệnh Trời sắp đặt, dựa trên phúc phận của mỗi người, không ai có thể vì tranh đoạt mà thay đổi được đâu.

Đồ hình quẻ Thuần Càn (ảnh: Wikipedia).

Ngoài ra, khi đối xử với nhau, tâm thái phải sáng trong vô tư. Đó là lý do vì sao hào từ của quẻ này là “Nguyên Hanh Lợi Trinh” (Nguyên đầu, Hanh thông, Lợi tốt, chính bền). Cái tâm không truy cầu chính là hợp với Thiên Đạo.

Không cần dùng đến cái gọi là kỹ năng lãnh đạo 4.0 hay nghệ thuật động viên gì cả. “Lãnh đạo” chẳng phải mang hàm nghĩa rõ ràng là lãnh trách nhiệm, dẫn dắt mọi người làm đúng theo Đạo trong mọi công việc, tình huống, chức vụ đó sao? Đó là nghệ thuật lãnh đạo cao quý nhất, tồn tại xuyên suốt hàng ngàn năm.

Người có thể lên làm lãnh đạo, nắm quyền lớn chính là đã được Trời an bài theo phúc phận. Anh ta chính là biểu hiện của quẻ Thuần Càn (Trời), tượng trưng cho Trời ở nơi mà anh ta nhận trách nhiệm lãnh đạo. Vậy anh ta nên làm thế nào? Cần phải minh bạch trong mọi việc.

Hành Kim còn tượng trưng cho tiền bạc. Người nắm quyền ắt sẽ có nhiều tiền. Vì tiền bạc là công cụ, là do Trời ban, dùng để thay Trời hành Đạo, nên tiền bạc phải minh bạch, phải dùng để tạo phúc cho người khác. Có như vậy thì mới được Thiên thượng công nhận. Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Tôi chỉ thay mặt Chúa Trời trông coi số tiền đó mà thôi”.

2. Làm trái Thiên Đạo, sẽ bị quả báo

Trong các bài học, lẽ dĩ nhiên sẽ có bài học về các hậu quả. Càn Vi Thiên là chân chính, vậy làm sai tức là làm điều bất chính. Nghĩa là lạm dụng quyền lực để kiếm tiền bất chính. Vậy hậu quả sẽ như thế nào?

Chính là quả báo sẽ đến từ Trời, chiểu theo nguyên lý Ngũ Hành, không ai có thể tránh thoát được. Vì lãnh đạo là do Trời chọn để thay Trời hành Đạo, tạo phúc cho muôn dân, nên làm sai thì ắt phải nặng hơn người khác. Quẻ thuộc hành Kim, Kim khắc Mộc, nên những người làm giàu bất chính sẽ bị bệnh nan y về gan, phổi hay về da.

Nhiều tiền bất chính quá nghĩa là Kim quá vượng, Kim vượng tất Mộc suy. Mộc lại tượng trưng cho sự phù hộ của Thần Phật, nên coi như cuộc đời tâm linh được Thần Phật bảo hộ của bạn đã chấm hết. Chưa kể Kim (tiền bất chính) còn sinh Thủy, vốn còn có nghĩa là dục vọng thấp hèn, sắc dục, sẽ khiến bạn lao đầu vào hủy diệt triệt để.

Tại sao người xưa nói con người cần “biết đủ”. Bởi tiền thuộc Kim trong ngũ hành, quẻ Càn Vi Thiên có 2 quẻ Càn Kim chồng lên nhau, tức là Thuần Kim, là đồng tiền lớn nhất trong trời đất này. Vì thế tiền chính là Trời cho, nên phúc lộc mỗi người là có hạn chứ không phải vô hạn.

Nếu tiền của tôi có hạn mà tôi muốn kiếm quá mức đó thì sao? Cái được chẳng bù cái mất: Bạn sẽ kiếm thêm được nhưng phần đó chính là tiền của người khác. Vì trong quá trình kiếm tiền để thoả mãn lòng tham, người ta sẽ làm tổn hại lợi ích của người khác, thì phải mất Đức bù cho người kia. Vì thiếu Đức chống đỡ, có thể gặp các tai họa bên trên.

"Quốc gia sắp suy bại bởi mất Đạo thì Trời trước tiên sẽ giáng thiên tai để cảnh cáo.
"Quốc gia sắp suy bại bởi mất Đạo thì Trời trước tiên sẽ giáng thiên tai để cảnh cáo. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Vậy thì ai mới xứng có nhiều tiền trên đời này? Đó là ý nghĩa ẩn ngay trong quẻ này: Chỉ có người có tư cách đạo đức và phúc phận lớn mới có tư cách có nhiều tiền. Hay nói sâu xa hơn, những người mà hiện nay có rất nhiều tiền trong tay chính là do đời trước họ đã từng tu luyện thâm sâu, nên kiếp này đắc phúc báo to lớn. Nếu người đó mà dùng tiền chỉ ích kỷ cho cá nhân, bản thân họ cũng sẽ bị tước mất phúc lộc đó.

Nên thay vì nghĩ cách kiếm nhiều tiền cho bản thân, hãy nghĩ cách làm lợi cho thiên hạ càng nhiều càng tốt.

3. Gia đình

Thời đại kim tiền thế kỷ XXI là lúc mà nhân loại chứng kiến nhiều vấn nạn nhất về gia đình. Quẻ Càn Vi Thiên chứa đựng bài học đơn giản mà sâu sắc về gia đình.

Quẻ Càn là cha, là Trời. Vậy người cha chính là “cột chống Trời” trong gia đình. Còn quẻ Càn bên dưới chính là tượng trưng cho con cái của anh ta, và cách mà anh ta nuôi nấng đứa con đó.

Nếu cho con quá nhiều tiền từ nhỏ, coi tiền như thứ quý giá nhất để cho con, thì đã đi sai lệch với Đạo của Càn Vi Thiên. Lúc đó, quẻ trở thành hình tượng Kim tổn hại Kim. Khi 2 Kim xung phá nhau thì hậu quả nghiêm trọng, vì Kim chính là sát khí và thương tật.

Chưa hết, nếu người cha đó cật lực kiếm chác, làm ăn bất chính để có tiền cho con mình tiêu xài phung phí, thì gia đình sẽ bị Kim tổn hại Kim mà dẫn đến một số hậu quả như: Con bất hiếu, bất kính cha mẹ, con bị dị tật bẩm sinh, hay tai nạn bất ngờ.

Ngoài ra, một số gia đình còn “vung tay quá trán” – đầu tư cho con cái quá mức mà không xem xét đến hoàn cảnh kinh tế gia đình. Đó cũng là đi sai với Đạo Trời của quẻ Càn Vi Thiên này. Vì lẽ Trời chính là “tùy kỳ tự nhiên” – hoàn cảnh thế nào thì chúng ta cư xử thế ấy chứ không nên cực đoan.

Ví như một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bình thường, nhưng cha mẹ nó lại nỗ lực ghê gớm để đem đến cho nó điều kiện vật chất vượt quá mức cần thiết, thì đó là việc làm tổn hại đến phúc đức tự thân của trẻ, nó được hưởng thụ cái nó không có trong mệnh, vậy phải lấy Đức của thân để bù vào. Điều này rất nguy hiểm, vì khi thiếu Đức, đường đời sau này có thể gặp bất trắc.

Ngẫm lại, thì điều kiện sống khó khăn vừa đủ mới chính là cái nôi rèn luyện nghị lực của con trẻ. Đây cũng là lý do vì sao đa số vĩ nhân của thế giới đều có tuổi thơ không hề sung sướng. Các gia tộc tỷ phú Do Thái, Đức hay Nhật, họ rất hiểu điều này, nên các thiếu gia của họ không hề được biệt đãi hay sống xa hoa từ nhỏ.

4. Thành công đến từ đâu?

Vậy chúng ta nên dạy dỗ con cái điều gì cho đúng? Càn Vi Thiên là 2 quẻ Càn chồng lên nhau còn gọi là Thuần Càn, nghĩa là một quẻ chân chính tượng trưng cho Trời. Vậy những gì dạy cho con cái tất phải thuần chính.

Các chuẩn mực này đã hình thành từ hàng nghìn năm qua trong văn hóa truyền thống của chúng ta. Người xưa chú trọng đạo đức, không như ngày nay chỉ chú trọng vào kiến thức và khoa học kỹ thuật. Đây là một nghịch lý lớn của giáo dục hiện đại. Gốc nhân nghĩa mới là cái đảm bảo cho chúng ta sống tốt đẹp và thịnh vượng lâu dài.

Sau khi đứa trẻ đó trở nên ngoan ngoãn hiếu kính, đạo đức tốt thì mới dạy cho trẻ các kiến thức khác trong đời. Nếu không có đủ đạo đức thì nó không thể thành công được. Thậm chí, nếu thành công vì lý do nào đó, thì cũng sẽ đem lại tai họa cho người khác và chính mình do sự vô đạo đức.

Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ rõ rằng, kiến thức chuyên môn chỉ chiếm 20% sự thành công. Phần còn lại đến 80% là kỹ năng ngoài chuyên môn như thái độ, giao tiếp, ý chí, tư duy, thích ứng, văn hóa…

Về lợi ích cá nhân: Đây là bài học cuối cùng, cũng là bài học khó nhất trong quẻ này. Xưa có câu: “Kẻ địch mạnh nhất của mỗi người chính là bản thân họ”.

Vì sao chiến thắng bản thân mình lại khó đến như vậy? Theo các tôn giáo nhìn nhận thì con người đã bị mê mờ trong các loại lợi ích, làm che lấp cái “chân ngã” vĩnh hằng tốt đẹp của chúng ta. Con người tự bọc mình trong lớp vỏ mà không phải ai cũng dám cởi bỏ: Lợi ích cá nhân.

Quay lại quẻ Càn Vi Thiên, đây là 2 quẻ Càn chồng lên nhau: Càn cũng thuộc Kim, tượng trưng cho tiền, vàng, của cải. Vậy tiền xếp trên tiền là núi tiền, núi vàng. Càn là Trời, tượng trưng cho lãnh đạo, cũng là quyền. Quyền xếp lên trên quyền, quyền lực tối thượng.

Hai thứ quyền và tiền vô hạn cùng một chỗ với nhau, nó có hàm ý gì?

Như đã nói ở trên, tiền và quyền chính là thuốc thử hữu hiệu để phân biệt chính – tà, ngay – gian, người tốt – kẻ xấu. Nó cũng để xem bạn có vượt qua mà trở về với chân ngã sáng trong minh bạch hay không.

Có người trong tay có tiền bạc và quyền lực vô hạn nhưng vẫn coi nhẹ. Anh ta dùng tiền để làm những việc lớn lao, giúp đỡ người khác. Hoặc cũng có khi buông bỏ hết, quyết tâm tu luyện, khiến cho đạo đức nhân loại hồi thăng, nhân tâm quy chính. Đó chính là các bậc như Lão Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus…

Khi đó, người này đã mở ra cánh cửa siêu thường mà quay về với chân ngã tiên thiên, thăng hoa sinh mệnh của bản thân mình. Họ đã đồng hóa mình với tượng quẻ Càn Vi Thiên, có thể Đắc Đạo mà quay về.

Đó cũng là bài học cuối, quan trọng nhất mà con người nên hiểu được, để có lựa chọn đúng cho bản thân, đem lại sự tốt lành nhất như quẻ Càn Vi Thiên đã triển hiện.

(Bài viết từ video của Ngẫm Radio, tổng hợp từ một số bài viết của tác giả Tĩnh Thủy)

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn Kinh Dịch: 3 hiểu sai và 4 bài học từ trí tuệ Kinh Dịch