Bí ẩn: Lửa ma thuật của người Hy Lạp thiêu rụi 2.500 chiến thuyền Ả-rập [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để có một loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt như ngọn lửa Hy Lạp, cần có sự xuất hiện của một người thợ tài ba. Màu xanh lam Maya, dùng màu nhuộm và một ít bùn trộn lại mà không bị phai trong hàng nghìn năm và bách độc bất xâm, dù cho các màu sắc hóa học hiện đại có độ ổn định cao nhưng vẫn còn thua xa.

Xích Bích hỏa công, Chu Du đại phá quân Tào

"Đại Giang Đông Khứ, lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật.
Cố luỹ Tây biên, nhân đạo thị Tam Quốc Chu Lang Xích Bích"

Dịch thơ (bản dịch của Phan Lang):

Sông dài băng chảy về đông
Sóng trào cuốn hết anh hùng xưa nay
Mờ mờ lũy cũ phía tây
Tam phân Xích Bích hùng tài Chu Lang

Vào thời Bắc Tống đại văn hào Tô Thức đã viết ra câu thơ này. Trận Xích Bích trong bài thơ là một trong những trận chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Chu Du anh hùng tuấn kiệt:

Anh hùng tư cách ra vào ung dung
Quạt là khăn lụa thong dong
Phá tan giặc mạnh đương trong nói cười
Giặc kia khói diệt tro bay

Để phá tan đạo quân trăm vạn của Tào Tháo, Chu Du chỉ cần dùng mười mấy chiếc thuyền nhỏ, dùng hỏa công để tấn công, đều dựa vào gió Đông Nam do Gia Cát Lượng tính toán.

Trận Xích Bích - Chu Du dùng hỏa công đại phá quân Tào (Hình Baidu)

Tuy nhiên, Gia Cát Lượng dù là một người trên thông thiên văn dưới tường địa lý, đôi khi tính toán cũng không chính xác. Trong một trận hỏa công khác, Gia Cát Lượng dự định thiêu đốt đội quân Tư Mã Ý ở thung lũng từ phía trên, nhưng không ngờ vì một cơn mưa mà phá vỡ thế trận. Gia Cát Lượng đành thở dài: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, đành bất lực để Tư Mã Ý và con trai thoát nạn.

Đúng vậy, điểm yếu lớn nhất của hỏa công là khi gặp nước. Trên đời này có lửa nào không sợ nước? Tưởng chừng không có, nhưng nó lại thật sự tồn tại.

Đó chính là vũ khí bí mật của Đế chế Byzantine ở châu Âu thời trung cổ, ngọn lửa Hy Lạp, là nguyên mẫu của trận cháy rừng trong phim “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones). Chúng ta đã thấy trong phim “Trò chơi vương quyền”, cháy rừng không chỉ không sợ nước mà còn cháy khi tiếp xúc với nước, ngọn lửa đó rất mạnh và khó dập tắt. Và ngọn lửa Hy Lạp ngoài đời cũng không hề kém cạnh.

Ngọn lửa Hy Lạp nhiều lần lập kỳ công

Nói đến lửa Hy Lạp, trước tiên hãy nói về lịch sử của Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine, còn được gọi là Đế chế Đông La Mã, nằm trên bờ Biển Đen ở Đông Nam Châu Âu và ở ngã ba của lục địa Á-Âu, là chế độ quân chủ lâu đời nhất ở Châu Âu vào thời Trung Cổ, kéo dài đến 11 thế kỷ, từ sự phân chia của Đế chế La Mã giữa phương Đông và phương Tây vào năm 330 sau Công nguyên, cho đến sự tiêu diệt của Đế chế Ottoman vào năm 1453.

Hoàng đế khai quốc Constantinople có công tích lớn nhất khi tại vị là đã ban hành Lệnh ân xá Milan vào năm 313 để hợp pháp hóa Cơ Đốc giáo, từ đó chấm dứt cuộc đàn áp kéo dài 300 năm đối với các tín đồ Cơ Đốc. Điều này đã làm cho đức tin Cơ Đốc giáo trở thành một đặc điểm quan trọng của Đế chế Byzantine. Trên thực tế, sau sự trỗi dậy của đế chế Hồi giáo Ả Rập vào thế kỷ thứ 7, thành Byzantium luôn là pháo đài trọng yếu của các quốc gia Cơ Đốc giáo ở châu Âu chống lại sự xâm lược của các quốc gia theo tín ngưỡng Hồi giáo, tất cả là do vị trí địa lý đặc biệt của nó.

Vào khoảng năm 670, Đế chế Ả Rập mở rộng rất nhanh, đã thành lập một hạm đội hung hãn. Năm 678, hạm đội hùng hổ xông thẳng vào kinh đô Constantinople của Byzantine, định nuốt chửng “con cá nhỏ” vào bụng, rồi phóng thẳng vào châu Âu để càn quét.

Ngọn lửa Hy Lạp xuất hiện

Vào ngày 25 tháng 6 năm 678, một vài ngày sau khi bị bao vây, hạm đội Ả Rập đã phát động một cuộc tổng tấn công vào Constantinople. Hải quân Byzantine đưa một số thuyền nhỏ ra chiến đấu, nhưng khi những con thuyền nhỏ tiến đến gần thì bất ngờ bắn ra những ngọn lửa kỳ lạ, những ngọn lửa đó bắn vào các con thuyền nhanh chóng làm bùng lên một ngọn lửa cuồn cuộn, ngọn lửa đó rơi xuống biển vẫn không dập tắt được, trái lại còn bùng cháy dữ dội hơn, như một con rắn lửa xông đến các chiến thuyền khác. Người Ả Rập chỉ biết đứng ngây ra, họ chưa từng thấy ngọn lửa có thể cháy trong nước bao giờ, phải chăng quân địch dùng yêu thuật?

Khi định thần trở lại thì lửa đã cháy ngút trời, hai phần ba số tàu chiến đã bị thiêu rụi. Chỉ huy hạm đội Ả Rập Fahdalas vội vã ra lệnh lui quân nhưng đã quá muộn. Trong lúc bối rối chạy trốn, họ đã bị tấn công bởi một trận mưa to gió lớn, và bị hải quân Byzantine truy đuổi, gần như toàn bộ đội quân bị tiêu diệt. Quân đội Ả Rập phải chịu thất bại thê thảm nhất kể từ đầu cuộc "thánh chiến" và buộc phải ký hiệp ước hòa bình kéo dài 30 năm với Byzantium.

Quân đội Ả Rập khiếp sợ gọi "vũ khí ma quỷ" này là "lửa Hy Lạp", vì người Byzantine nói tiếng Hy Lạp vào thời điểm đó. Người Byzantine tự gọi vũ khí của mình là “lửa của biển”. Tương truyền, công thức tạo ra ngọn lửa này được cho là do một người thợ thủ công người Syria tên là Galinikos sáng tạo dành riêng cho hoàng đế Byzantine vài năm trước. Thành phần chính là dầu mỏ được sản xuất ở khu vực Tiểu Á vào thời điểm đó.

Minh họa một con tàu thế kỷ 12 sử dụng lửa Hy Lạp -wiki-công cộng

Tuy nhiên, thành Byzantium là một vùng đất hiền hoà và tốt bụng, cũng tương đối giàu có, và không bao giờ giành miếng ăn của người khác. Vì vậy, mặc dù hoàng đế Byzantine vô tình đoạt được thanh kiếm rồng, nhưng lại không có tham vọng thống trị ai, chỉ cất giấu ở sân sau phòng khi khẩn cấp. Đây là điều tuyệt mật, không có ghi chép lại. Không ngờ lần này lại phải đem nó ra dùng.

39 năm sau, những người Ả Rập quên đi nỗi đau chiến bại đã quay trở lại. Họ có 2.560 hạm đội đã đến bao vây thành phố, số lượng hơn 2.000 chiến thuyền này đủ để xây dựng một vương quốc trên biển. Thủy quân của Tào Tháo năm xưa so với hạm đội này giống như trẻ con đọ sức với người lớn.

Đáng tiếc cho hải quân Ả Rập, ngọn lửa của đại dương lại một lần nữa bùng lên. Bạn thử đoán xem cuối cùng còn bao nhiêu chiến thuyền quay trở về? Chỉ còn 5 con thuyền.

Trong 700 năm kể từ đó, ngọn lửa Hy Lạp đã nhiều lần lập công lớn để đế quốc Byzantium được lưu truyền qua hàng nghìn năm. Trong thời đại chiến tranh liên miên ở các nước Tây Âu, thành Byzantium là điểm sáng duy nhất ở châu Âu thời Trung cổ, đặc biệt là thủ đô Constantinople, nơi có nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo, kế thừa nền văn hóa cổ đại từ thời Hy Lạp cổ đại. Ở đây, có vô số các tác phẩm nghệ thuật như sách cổ quý giá, các cuốn sách viết tay, các bảo vật quý hiếm, đồ thổ cẩm và đồ thủ công bằng vàng bạc từ khắp nơi trên thế giới.

Thật đáng tiếc, một vương quốc dù trường tồn thế nào cũng không thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Vào tháng 5 năm 1453, thế giới Hồi giáo, kẻ liên tiếp thất bại, đã đến khiêu chiến Byzantium. Lần này là người Thổ Nhĩ Kỳ, họ mang đến khẩu pháo của Orban với tầm bắn lên đến 1 dặm Anh (1.6km). Bị pháo kích liên tục, ngọn lửa Hy Lạp cũng mất dần sức mạnh. Ngày 29 tháng 5 năm 1453, Constantinople bị chiếm, vị Hoàng đế cuối cùng Constantine XI chết trong trận chiến, Đế chế Byzantine bị tiêu diệt, và công thức lửa Hy Lạp cũng biến mất.

Cuộc bao vây Constantinopolis năm 1453 - wiki- công cộng

Vào đêm thất thủ thành phố rất vắng vẻ, các quý tộc và học giả của Constantinople đã bỏ trốn và lưu vong ở các nước Tây Âu, đồng thời đem đi các tài liệu cổ quý giá, khiến cho nền văn minh huy hoàng cổ đại thời Plato và Aristotle, Alexander và Caesar, một nền văn minh cổ đã mất, được tái hiện. Người ta nói rằng, chính những tài liệu này đã nuôi dưỡng mảnh đất của thời kỳ Phục hưng, và những bậc thầy trẻ tuổi đã rút ra những bài học sâu sắc, làm cho nền văn minh châu Âu lại rực rỡ huy hoàng một lần nữa.

Màu xanh lam Maya sống động có thể ổn định trong thời gian dài

Vậy nói đến thời kỳ Phục hưng, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên? Vâng, những bức tranh nổi tiếng. Vậy tiếp theo đây, chúng ta sẽ kể một câu chuyện thú vị về những bức tranh nổi tiếng.

Trong thế giới tự nhiên nhiều màu sắc như vậy, màu sắc nào trường tồn nhất? Đó là màu xanh lam của bầu trời. Dù là những đụn mây nối liền nhau hay cầu vồng, màu xanh thiên thanh phía sau luôn luôn sâu lắng và tĩnh lặng. Nhưng ở thời cổ đại thì ngược lại, sắc xanh này rất dễ bị phai nhạt. Ở thời kỳ Phục hưng, chỉ có màu xanh duy nhất được tìm thấy có thể duy trì sắc diện đẹp đẽ lâu dài, đó là ultramarine chiết xuất từ loại đá bán quý lapis lazuli. Lapis lazuli được khai thác ở Afghanistan, và quá trình chiết xuất rất phức tạp. Vì vậy, ở châu Âu vào thời điểm đó, màu xanh lam ultramarine đắt hơn vàng. Nó chỉ được sử dụng cho các vị chính khách và nhà lãnh tụ, chẳng hạn như áo choàng của Đức Mẹ Maria.

Vì vậy, nếu để ý, bạn sẽ thấy trong những bức tranh nổi tiếng của thời kỳ Phục hưng, màu xanh lam không được sử dụng nhiều. Ví dụ, trong tác phẩm "The Sistine Madonna" của Raphael, mặc dù chiếc áo choàng của Madonna có màu xanh lam nhưng bầu trời phía sau lại được che phủ một cách khéo léo bằng những đám mây trắng và ánh sáng vàng. Đối với tác phẩm "The Creation of Adam" của Michelangelo, bầu trời sáng đến mức gần như có màu trắng chì.

Bức tranh Sistine Madonna của Rafael. (Miền công cộng Wikipedia)

Nhưng chúng ta hãy nhìn lại bức tranh “Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội” (Inmaculada Concepción) do họa sĩ người Tây Ban Nha Baltasar de Echave Ibía vẽ vào thế kỷ 17. Không chỉ chiếc áo choàng màu xanh của Đức Mẹ rất bắt mắt, mà gần như toàn bộ bức tranh dường như được ngâm trong màu xanh lam. Tại sao họa sĩ này lại giàu có như vậy? Người họa sĩ này không thực sự giàu có, nhưng ông lại sống ở Tân Tây Ban Nha, nay là Mexico, và màu xanh lam là màu thường được sử người Maya bản địa sử dụng. Nó rất dễ kiếm mà cũng không đắt. Bức tranh này hiện nằm trong Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Mexico.

bức tranh “Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội” (Inmaculada Concepción) do họa sĩ người Tây Ban Nha Baltasar de Echave Ibía vẽ vào thế kỷ 17

Về sau, người ta gọi đây là màu xanh lam Maya. Màu xanh Maya là màu gần với bầu trời nhất trong số nhiều các sắc xanh, nên còn được gọi là màu xanh của bầu trời. Người Maya vô cùng ngưỡng mộ và yêu thích màu xanh lam này, nó được dùng để bôi lên các lễ vật hiến tế cho các vị thần, và nó được sử dụng nhiều trong các bức tranh tường. Các bức bích họa màu xanh lam được các nhà khảo cổ học phát hiện tại tàn tích của người Maya có niên đại từ năm 300 sau Công nguyên. Một số đã trải qua mưa gió và các màu khác bị mờ đi. Chỉ có màu xanh lam tuyệt đẹp của người Maya vẫn có thể phân biệt được rõ ràng. Ví dụ, trong bức tranh tường mô tả cảnh chiến đấu, nhiều chỗ trên bức tranh bị lốm đốm, nhưng màu xanh lam tươi sáng của người Maya vẫn rất tươi mới.

Màu xanh lam Maya không chỉ rực rỡ và tươi mới hơn so với màu xanh được các họa sĩ châu Âu sử dụng, mà nó còn có độ bền lâu dài, thậm chí lên đến hàng trăm năm. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, nó cũng rất tốt trong việc chống lại các vấn đề xâm nhiễm hóa học khác nhau từ môi trường, bao gồm cả chất axit và kiềm mạnh. Thật không may mắn, một vài thế kỷ trước, cùng với sự sụp đổ của nền văn minh Maya, màu xanh lam Maya hàng nghìn năm tuổi và công thức chế tạo ra nó đã biến mất một cách bí ẩn.

Vào những năm 1950, các nhà khoa học cuối cùng đã xác định được thành phần của màu xanh lam Maya. Nó thực sự rất đơn giản, đó là màu chàm, thường được dùng làm thuốc nhuộm và một loại đất sét hiếm gọi là Palygorskite. Nhưng hai thành phần được trộn như thế nào và sử dụng tá dược gì thì vẫn còn là một ẩn số.

Đây là hai câu chuyện ngắn về màu xanh lam bầu trời và ngọn lửa đại dương.

Ấn tượng trước đây của tôi là, cổ nhân dù thông thạo văn thơ, hội họa hơn người, nhưng lại luôn tụt hậu về tri thức khoa học, xã hội cổ đại còn cần rất nhiều cải cách. Nhưng bây giờ, nó dường như không phải như vậy. Để có một loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt như ngọn lửa Hy Lạp, cần có sự xuất hiện của một người thợ tài ba. Màu xanh lam Maya, dùng màu nhuộm và một ít bùn trộn lại mà không bị phai trong hàng nghìn năm và bách độc bất xâm, dù cho các màu sắc hóa học hiện đại có độ ổn định cao nhưng vẫn còn thua xa.

Chúng ta hãy thử mở mang đầu óc và suy nghĩ về việc này, có thể người xưa dùng các phương pháp khoa học khác nhau? Có thể họ tiến bộ hơn chúng ta rất nhiều, nhưng họ đã cùng với nền văn minh của mình tan theo làn gió, cũng không thể để lại gì cho thế hệ sau.

Huy Hải
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn: Lửa ma thuật của người Hy Lạp thiêu rụi 2.500 chiến thuyền Ả-rập [Radio]