Hy hữu trong lịch sử: Bí ẩn thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn hơn 2.000 năm không hoen gỉ [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vạn vật đều không thể chịu được thử thách của thời gian, nhưng khi khai quật lên, thanh kiếm này lại không bị rỉ sét. Một thanh kiếm bằng đồng đã được chôn trong lòng đất hơn 2.000 năm, làm thế nào mà một chút vết gỉ sét cũng không có như vậy được?

Thanh bảo kiếm chôn dưới lòng đất suốt hơn 2.000 năm

Nói về Việt Vương Câu Tiễn, chắc hẳn mọi người đều biết đến câu chuyện "nếm mật nằm gai" nổi tiếng trong lịch sử. Vì để rửa nhục phục quốc, Việt Vương Câu Tiễn chấp nhận "nếm mật nằm gai", chỉ một trận đánh bại Ngô Vương Phù Sai, đã diễn xuất màn cuối cùng thời tranh Bá thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử. Câu chuyện này đã được truyền tụng hơn hai nghìn năm, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ.

Và bên người Câu Tiễn từng có một thanh bảo kiếm, sau hơn 2.400 năm nó lại xuất hiện nguyên vẹn, khiến mọi người không khỏi kinh ngạc.

Vào tháng 12 năm 1965, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hơn 600 hiện vật từ một ngôi mộ nước Sở (thời nhà Chu) ở Giang Lăng, Hồ Bắc. Trong số đó có một thanh kiếm bằng đồng dài 55,6 cm cắm trong bao kiếm gỗ sơn mài màu đen. Khi mọi người rút nó ra khỏi bao kiếm, lập tức có một cảm giác ớn lạnh. Người ta thấy thân kiếm hiện lên màu tím vàng, không có vết rỉ sét, độ sáng và màu sắc của nó giống như mới đúc.

Một nhà khảo cổ lúc cầm kiếm đã không cẩn thận, vô tình cắt ngón tay của mình khiến máu chảy. Có người thử độ sắc bén của thanh kiếm, chỉ dùng một chút sức liền có thể cắt 20 lớp giấy trắng. Các vũ khí bằng đồng cùng thời kỳ được khai quật lúc đó đều đã hoen gỉ, rất khó phân biệt nguyên mẫu. Tuy vậy, chỉ có thanh bảo kiếm này là vẫn còn nguyên vẹn như mới một cách thần kỳ.

Nhà khảo cổ lúc cầm kiếm đã không cẩn thận vô tình cắt ngón tay của mình. (Ảnh: Sound of Hope)
Nhà khảo cổ lúc cầm kiếm đã không cẩn thận vô tình cắt ngón tay của mình. (Ảnh: Sound of Hope)

Quan sát kỹ hơn, trên thân kiếm được khảm hoa văn hình thoi màu hơi đen, mặt trước lưỡi kiếm được tráng men màu xanh, mặt sau lưỡi kiếm được khảm xanh ngọc tạo thành hoa văn rất đẹp. Trên một mặt kiếm có hai hàng chữ triện khảm vàng, gồm 8 chữ: "Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm". Điều này cho thấy đây là một thanh kiếm bằng đồng của Việt Vương Câu Tiễn. Thanh kiếm từ cuối thời Xuân Thu này hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.

Mọi vật, mọi thứ đều không thể chịu được thử thách của thời gian, nhưng khi khai quật lên, thanh kiếm này lại không bị rỉ sét. Một thanh kiếm bằng đồng đã được chôn trong lòng đất hơn 2.400 năm, làm thế nào mà một chút vết gỉ sét cũng không có như vậy được?

Phân tích chữ khắc trên thanh kiếm. (Ảnh: Yutwong / Wikimedia Commons, CC BY-SA3.0)
Phân tích chữ khắc trên thanh kiếm. (Ảnh: Yutwong / Wikimedia Commons, CC BY-SA3.0)

Đầu tiên, hãy nói về chất lượng của thanh bảo kiếm này.

Địa khu nước Việt, quê hương của Câu Tiễn vốn có nguyên liệu đồng, thiếc rất tốt, hơn nữa kỹ thuật đúc đồng vô cùng tinh mỹ và phát triển. Núi Mạc Can ngày nay - địa danh du lịch nổi tiếng vùng Chiết Giang, sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì đôi vợ chồng Can Tương và Mạc Tà - bậc thầy đúc kiếm trong truyền thuyết từng sống ở nơi này. Việt Vương Câu Tiễn vì để củng cố binh lực và quốc gia, đã tập trung phát triển binh khí, cho nên mới có thể cho ra đời một thanh kiếm đồng tinh xảo như vậy.

Nói đến chất lượng của kiếm đồng, còn có kỹ thuật tổng hợp kim loại mà mọi người không thể nhìn thấy từ bề mặt của thanh kiếm. Quá trình tổng hợp kim loại là gì? Nói một cách đơn giản, thanh kiếm này được làm từ hai hợp kim đồng với các thành phần khác nhau: Mục đích là để cho thanh kiếm có tính bền dẻo tốt và không dễ dàng bẻ gãy, một ít thiếc đã được trộn thêm vào trong đồng. Để lưỡi kiếm sắc bén, thì phần lưỡi này được cho thêm nhiều thiếc hơn một chút.

Một thanh kiếm sử dụng hai loại hợp kim, do thành phần khác nhau, nên nhiệt độ nóng chảy cũng khác nhau. Vậy làm thế nào để rèn đúc nó? Những người thợ thủ công thời cổ đại đã khéo léo sử dụng sự khác biệt về nhiệt độ giữa hai hợp kim. Tức là, cán kiếm có hàm lượng đồng cao hơn và nhiệt độ nóng chảy cao hơn thì được đúc trước, sau đó mới đúc lưỡi kiếm có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn, thế là hai hợp kim hợp lại thành một, làm cho thanh kiếm đồng vừa cứng vừa sắc bén. Kỹ thuật tổng hợp kim loại này có thể nói là một sáng tạo tuyệt vời của những người thợ thủ công Trung Quốc cổ đại, đi trước thế giới hơn 2.000 năm.

Ngoài chất lượng của thanh kiếm, con mắt của các chuyên gia khảo cổ đổ dồn vào bao kiếm sơn mài màu đen. Lớp sơn mài thô có khả năng chống ẩm, chống nhiệt độ cao và chống ăn mòn. Bởi vậy, bao kiếm sơn mài đen này đã trở thành lớp bảo vệ đầu tiên của kiếm Câu Tiễn. Thanh kiếm Câu Tiễn còn có lớp bảo vệ thứ hai. Đó là chiếc quan tài đơn và nặng mà nó nằm trong đó. Các lớp của quan tài và lớp thạch cao trắng nhồi xung quanh, có tác dụng ngăn cách bên trong quan tài với không khí bên ngoài. Còn toàn bộ lăng mộ đã trở thành lớp bảo vệ thứ ba. Ba lớp bảo vệ như vậy tạo thành một điều kiện ổn định cách ly hoàn toàn với oxy, đây là cũng là bí mật giúp thanh bảo kiếm Câu Tiễn không gỉ sét trong suốt 2.400 năm.

Kiếm Việt Vương Câu Tiễn. Bộ sưu tập của Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc. (Siyuwj _ Wikipedia)
Kiếm Việt Vương Câu Tiễn. Bộ sưu tập của Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc. (Siyuwj _ Wikipedia)

Nói đến đây, hẳn là những độc giả tinh ý sẽ nhận thấy một vấn đề rằng: Nước Việt vốn nằm ở Chiết Giang, tại sao thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn lại được khai quật trong một ngôi mộ của quý tộc nước Sở ở Giang Lăng, Hồ Bắc?

Điều này liên quan đến mối quan hệ giữa hai nước Sở - Việt, từng khiến rất nhiều người quan tâm và nghiên cứu thảo luận. Chủ yếu có hai luồng ý kiến như sau:

Một thuyết là cho rằng đây là đồ cưới. Câu Tiễn từng gả con gái cho Sở Chiêu Vương, bởi vậy, thanh bảo kiếm này rất có thể là quà tặng khi ông gả con gái đến nước Sở. Về sau, Sở vương lại ban nó cho một gia đình quý tộc nào đó, thế là nó trở thành vật phẩm táng theo nhà quý tộc nước Sở này.

Một thuyết khác cho rằng đây là chiến lợi phẩm. Tức là từ năm 309 đến năm 306 trước Công Nguyên, nước Sở xuất binh đánh nước Việt và đã thu được thanh kiếm này, mang về nước Sở, cuối cùng thành vật táng theo.

Vậy rốt cuộc ý kiến nào đúng? Cho đến nay vẫn không thể kết luận.

Kiếm xuất hiện vào thời đại Hoàng Đế

Kiếm đến nay đã có mấy ngàn năm lịch sử, được thế nhân tôn là "bách binh chi tổ". Bởi vì kiếm có thể mang theo nhẹ nhàng, tạo nên thần thái, sử dụng mau lẹ, cho nên đã trở thành vật dụng được các bậc đế vương quan nhân, văn sĩ hiệp khách, thương nhân và thứ dân đều ca ngợi. Tuy vậy, rốt cuộc ai là người đã phát minh ra kiếm, đến nay vẫn là một bí ẩn chưa có lời đáp.

"Quản tử - Địa số thiên" mô tả rằng: "Xưa kia núi Cát Thiên Lư chảy ra vàng, Xi Vưu dùng để chế tạo, gọi là kiếm khải, đây là thanh kiếm đầu tiên". Một số người căn cứ theo đó mà phán đoán rằng kiếm xuất hiện vào thời đại Hiên Viên Hoàng Đế.

Cũng có người nói rằng kiếm xuất hiện vào cuối thời nhà Ân đầu nhà Chu. Trong "Dật Chu thư - Khắc Ân" ghi chép rằng, sau khi trận chiến Mục Dã (hay còn gọi là Vũ Vương phạt Trụ) giành được thắng lợi, Vũ Vương đã dùng "Khinh Lữ" chém thi thể Trụ Vương. "Khinh Lữ" này trong sách cổ được gọi là "Kiếm Danh", theo nghiên cứu thì "Khinh Lữ" trên thực tế là ngôn ngữ Đột Quyết, mà người Chu xuất thân Nhung Địch, nên càng dễ nắm giữ loại binh khí này hơn so với người Thương. Vì vậy một số người suy đoán rằng, kiếm là từ Tây Á thông qua dân tộc du mục truyền vào Trung Quốc.

Tuy vậy, cho dù kiếm là do ai phát minh ra, thì kiếm vẫn có lịch sử lâu đời, hoàn toàn xứng đáng được hậu nhân xưng là "bách binh chi tổ". Đến thời Đông Chu, phần lớn kiếm được đúc bằng đồng, chất lượng của kiếm không tệ, kỹ thuật luyện kiếm cũng dần dần tiến bộ. Trong suốt thời kỳ Xuân Thu, các nước chư hầu đã tiêu chuẩn hóa các quy tắc đúc kiếm, biến kiếm trở thành binh khí ngắn chủ yếu nhất, cũng trở thành thứ tất yếu của mọi tầng lớp trong xã hội.

Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm

Câu Tiễn, nhân vật nam chính trong câu thành ngữ "nếm mật nằm gai" vốn rất ham mê đúc kiếm. Theo"Thập di ký" ghi chép: Việt Vương Câu Tiễn cho công nhân lấy ngựa trắng trâu trắng tế Thần ở chùa Côn Ngô, dùng vàng đúc thành tám thanh tinh kiếm, thanh thứ nhất che mặt trời, thanh thứ hai ngăn nước, thanh thứ ba chuyển phách, thanh thứ tư treo tiễn, thanh thứ năm làm kinh động con nghê, thanh thứ sáu diệt phách, thanh thứ bảy chống tà, thanh thứ tám thể hiện sự mạnh mẽ chân thực. Ông còn đam mê sưu tập và trân quý những thanh kiếm nổi tiếng. Lúc ấy, Tiết Chức là người giám định bảo kiếm, khi ông nhìn thấy bảo kiếm của Câu Tiễn thì giật mình sửng sốt, nói rằng từ trước tới nay ông chưa từng nhìn thấy một bảo vật quý hiếm như vậy.

Bởi vì rất nhiều bảo kiếm nổi tiếng của Câu Tiễn lưu giữ giá trị rất cao, đồng thời mang đậm phong cách thượng võ thời cổ đại, cho nên một thanh thần binh hiếm thấy càng khiến thế nhân săn lùng. Đặc biệt là sau khi Câu Tiễn qua đời, có rất nhiều nhân sĩ từng ra sức tìm kiếm bảo kiếm của ông, nhưng từ đầu đến cuối vẫn không thu được kết quả gì. Mãi cho đến năm 1965, sau hơn 2.000 năm, mọi người mới được chiêm ngưỡng một thanh bảo kiếm Câu Tiễn còn nguyên vẹn như vậy.

Năm 1973, Nhật Bản tổ chức một cuộc triển lãm di tích văn hóa Trung Quốc, và thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn này đã được mang đến Nhật Bản để triển lãm. Đây là lần duy nhất thanh kiếm này rời khỏi Trung Quốc. Nhiều người Nhật đã đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thanh kiếm và vô cùng kinh ngạc. Có người nói rằng: Nhiều người cho rằng kiếm Nhật của Nhật Bản mạnh hơn kiếm Trung Quốc, đó là vì chưa gặp phải kiếm Câu Tiễn. Kiếm Câu Tiễn cực kỳ sắc bén, kiếm vừa rút ra khỏi bao kiếm thì ai còn dám giao tranh?

Thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn có vị trí rất cao trong các loại văn vật kiếm cổ, thậm chí bởi vì nó được bảo tồn ngàn năm không gỉ, nên còn được xưng là "thiên hạ đệ nhất kiếm". Điều này thực sự khiến mọi người không khỏi thán phục trước kỹ nghệ chế tác tinh diệu của người xưa!

Lý Tuệ
Theo Vision Times / Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Hy hữu trong lịch sử: Bí ẩn thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn hơn 2.000 năm không hoen gỉ [Radio]