Bí ẩn: ‘Thuật xuyên tường’ của con người hiện đại thật sự có tồn tại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xưa nay chúng ta thường nghe dân gian truyền tụng về những nhân vật có công năng đặc dị với khả năng đi xuyên qua tường vách tựa như bước vào chỗ trống… điều này nghe có vẻ giống như phép thuật thần thông của Tôn Ngộ Không! Vậy thì có tồn tại hay không “Thuật xuyên tường” ở con người hiện đại? 

Xuyên tường Vạn Lý Trường Thành

Năm 1986, ảo thuật gia nổi tiếng người Mỹ David Copperfield đến Trung Quốc để thực hiện một màn biểu diễn đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành, tiến vào từ phía Bát Đạt Lĩnh của Trường Thành với tầm nhìn toàn cảnh, và thoát ra sang phía bên kia của tường thành sau khoảng một phút rưỡi. Trong hơn 30 năm, vô số người đã cố gắng phá giải phép thuật của Copperfield, nhưng cho đến tận ngày nay, vẫn chưa ai thành công.

David Copperfield. (Wikipedia)

Một số người nói rằng những chiếc thang được sử dụng trong buổi biểu diễn là chìa khóa của bí mật. Nơi Copperfield xuyên tường là một đài dựng tạm thời, trên mặt phủ một tấm vải trắng. Copperfield có thể đã có một trợ lý ẩn dưới gầm bàn từ trước. Sau khi Copperfield bước vào tấm vải trắng, hai người nhanh chóng đổi chỗ. Người trợ lý biểu diễn sau tấm vải trắng xuyên tường, khán giả chỉ thấy bóng dáng rung động tưởng anh là Copperfield. Cùng lúc đó, Copperfield bị trợ lý của mình giấu trong một chiếc thang và đẩy đi, rồi lặng lẽ di chuyển sang phía bên kia của Vạn Lý Trường Thành. Sau khi tấm vải trắng được treo lên, Copperfield nhanh chóng leo ra khỏi thang, tìm góc chiếu của ánh sáng, và thực hiện động tác từ từ chui ra khỏi bức tường. Bằng cách này, mọi người nghĩ rằng anh đã vượt qua Vạn Lý Trường Thành thành công.

Cách nói này nghe có vẻ rất chuyên nghiệp, và nó được nhiều người đồng tình, thậm chí có những ảo thuật gia còn lên sân khấu, bắt chước màn biểu diễn của Copperfield. Tuy nhiên, các đạo cụ quan trọng, như cái thang, như bạn có thể thấy trong video, rất mỏng và hẹp, và thực sự không có cách nào có thể che giấu bất kỳ ai.

Và ngay cả khi Copperfield có thể trốn trong một chiếc thang, thì anh ta sẽ vận chuyển chiếc thang sang bên kia tường thành như thế nào? Một số người nói rằng nó được nâng lên bằng cần cẩu. Vào thời điểm đó, đã có hàng trăm nghìn người Trung Quốc theo dõi 360 độ từ trên xuống dưới của Vạn Lý Trường Thành. Tất cả mọi con mắt đều dồn vào Copperfield, có thể còn chưa đủ đáng tin sao? Chỉ cần một người nhìn không thấy, liền không phục sao?

Có thể nào mọi khán giả đều là những diễn viên quần chúng, và toàn bộ màn trình diễn chỉ là những đoạn video clip cắt ghép từ mỗi phía của Vạn Lý Trường Thành sao? Khả năng này rất thấp! Thứ nhất, số lượng người xem rất đông, thật khó để “giữ mồm giữ miệng”, sẽ luôn có người nói ra sự thật. Thứ hai, một đoạn video về màn trình diễn sau đó đã được đưa vào bộ phim truyền hình CBS của Mỹ “The Magic of David Copperfield”. Người dẫn chương trình, Ben Vereen, nhìn vào máy quay với vẻ mặt rất nghiêm túc và nói rằng buổi ghi hình không sử dụng bất kỳ kỹ năng chụp ảnh nào – Không có thủ thuật máy ảnh. Trên thực tế, toàn bộ màn trình diễn chỉ được quay bằng một máy quay, và “quay một mạch từ đầu đến cuối”, không có bất kỳ dấu vết nào của việc chỉnh sửa hay chuyển cảnh. Vì vậy, về mặt kỹ thuật mà nói, xác thực không làm bất cứ can thiệp gì.

Dù thế nào đi nữa, trong thế giới phép thuật, màn trình diễn xuyên qua Vạn Lý Trường Thành của David Copperfield vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp cho đến nay. Sau anh, không có pháp thuật sư nào dám biểu diễn lại. Tuy nhiên, những năm 1980 là thời điểm của cơn sốt khí công. Một số khí công sư nói rằng đây xác thực là một màn biểu diễn công năng đặc dị. Copperfield thực sự đã đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành, nhưng anh e làm mọi người sợ hãi, vì vậy anh đã che nó bằng một tấm vải trắng khi ra vào tường thành, dùng danh nghĩa “magic” (phép thuật) để tiến hành biểu diễn.

Vậy bản thân Copperfield đã lý giải nó như thế nào? Anh cho biết màn trình diễn của mình được lấy cảm hứng từ một hòa thượng Tây Tạng. Khi vị hòa thượng được phát hiện, những mảnh xương vỡ của ông ấy đã gắn chặt trong một bức tường, tựa hồ như tan vào bức tường. Các chuyên gia tin rằng vị hòa thượng đó đã tìm cách đi xuyên qua bức tường theo một phương thức mặc tưởng nào đó, nhưng không may phép thuật đã mất linh giữa chừng và ông đã mãi mãi lưu lại trong bức tường.

Sau đó, Copperfield nói, thực ra không khó để xuyên qua bức tường. Dùng phép so sánh đơn giản, một tảng băng muốn xuyên qua một miếng bìa cứng, nghe có vẻ bất khả thi. Nhưng làm nóng tảng băng và biến nó thành nước, nước có thể thấm qua bìa cứng và chảy ra ở mặt kia. Rồi bằng cách làm lạnh nước đã thấm qua, tảng băng có thể hình thành trở lại. Bằng cách như vậy, tảng băng chẳng phải đã xuyên qua miếng bìa cứng sao? Lý thuyết này nghe có vẻ đơn giản, nhưng bằng cách nào biến mình thành “nước” để xuyên tường rồi ngưng tụ trở lại thành hình người mà vẫn bình an vô sự, thì đây là bí mật của các pháp sư.

Màn ảo thuật chấn động thế giới, David Copperfield đi xuyên qua Vạn Lý Trường Thành (Ảnh chụp màn hình)

Chuyện Vương Thất lên Lao Sơn bái sư học phép thuật…

Trong tác phẩm “Liêu trai chí dị” thời nhà Thanh có kể rằng: Vương Thất trong huyện nọ là dòng dõi nhà quan, từ nhỏ đã ngưỡng mộ Tiên đạo, Vương Thất nghe nói rằng ở trên Lao Sơn có rất nhiều Tiên nhân, liền mang theo hành lý đi đến đó tìm kiếm minh sư. Anh ta không quản khó nhọc leo lên đỉnh núi và nhìn thấy một đạo quán rất yên tĩnh, có một đạo sĩ đang ngồi trên bồ đoàn, tóc trắng áo rũ, thần thái rất ung dung tĩnh tại. Vương Thất thấy thế bèn bước tới hành lễ và nói chuyện với vị đạo sĩ này, lại thấy ngôn từ và câu chuyện của ông rất uyên minh huyền diệu. Vương Thất tỏ ý muốn xin nhận vị đạo sĩ này làm sư phụ, đạo sĩ nói:

“Sợ rằng cậu yếu đuối và biếng nhác, không chịu được cực khổ”. Vương Thất nói: “Tôi chịu được cực khổ”. Vậy là Vương Thất được ông chấp thuận nhận làm môn đồ. Buổi tối bọn họ quay về núi, vị đạo sĩ này có rất nhiều đệ tử, Vương Thất gặp mặt và hành lễ với từng người, sau đó ở lại trong đạo quán.

Sáng sớm hôm sau, đạo sĩ gọi Vương Thất đến, đưa cho Vương Thất một cây rìu, kêu anh ta cùng mọi người đi đốn củi. Vương Thất làm theo lời dạy bảo của sư phụ một cách cẩn thận. Cứ như vậy mà trôi qua hơn một tháng, trên tay và chân của Vương Thất đều nổi vết chai sạn, Vương Thất cảm thấy không thể chịu khổ thêm nữa, bắt đầu có suy nghĩ muốn quay trở về nhà.

Vào một buổi tối nọ, khi Vương Thất đi đốn củi trở về, nhìn thấy có hai vị khách đang ngồi uống rượu với sư phụ mình. Trời tối rồi mà vẫn chưa thấy có ai thắp nến. Thế là đạo sĩ cắt một tờ giấy thành hình mặt trăng, dán lên trên tường, ngay lập tức ánh sáng hiện lên tràn ngập khắp căn phòng. Các đệ tử nghe nói có chuyện kỳ lạ liền chạy qua đó xem. Một vị khách nói:

“Một đêm tuyệt đẹp như vậy, làm sao có thể một mình tận hưởng chứ?”.

Nói xong, ông ta liền lấy rượu trên bàn chia cho hết thảy mọi người cùng uống, và còn mời mọi người uống thỏa thích đến say mới thôi. Vương Thất nghĩ thầm: Có bảy tám mươi người, mà ông ta chỉ có một bình rượu nhỏ xíu, làm sao có thể mời hết được chứ? Thế là chúng đệ tử trên núi, mỗi người chạy đi tìm một cái ly cho riêng mình, ai cũng tranh giành uống trước, mọi người đều sợ hết rượu. Nhưng kỳ lạ thay, bình rượu được những người đệ tử này truyền qua truyền lại uống mấy vòng mà không thấy rượu trong bình bị vơi đi chút nào. Trong lòng Vương Thất cảm thấy rất kỳ lạ.

Một vị khách khác lại nói với sư phụ của Vương Thất rằng: “Được ngài ban ánh trăng rọi sáng, mà để ngài uống rượu suông như vậy thì quá nhàm chán rồi, tại sao không gọi Hằng Nga đến?”, nói xong liền ném chiếc đũa trong tay vào trong mặt trăng giấy dán trên tường. Sau đó một mỹ nhân từ bên trong mặt trăng bước ra, lúc đầu thấy mỹ nhân này cao không quá một thước, nhưng khi nàng bước xuống đất liền cao bằng một người bình thường. Mỹ nhân này eo thon cổ dài, múa điệu múa của Hằng Nga cung Quảng vô cùng uyển chuyển, giọng hát trong trẻo, vang vọng như tiếng sáo... Mỹ nhân hát xong liền nhảy lên trên bàn, trong lúc mọi người còn đang kinh ngạc thì nàng lại biến thành một chiếc đũa. Ba vị cao nhân vỗ tay cười lớn. Một vị khách khác lại nói: “Tối nay vui nhất, nhưng sắp không uống nổi nữa rồi, tại sao không dời bàn tiệc vào trong cung trăng để tiếp tục?”. Thế là ba người di chuyển bàn tiệc, từ từ đi vào bên trong mặt trăng…

Mọi người nhìn thấy ba vị cao nhân ngồi bên trong mặt trăng vui vẻ uống rượu, có thể nhìn thấy rất rõ râu tóc của từng người, giống như bóng người trong gương vậy. Một lúc sau mặt trăng đó dần dần tối lại, mọi người thắp nến lên, chỉ nhìn thấy một mình đạo sĩ đang ngồi trong phòng, không còn nhìn thấy hai vị khách đó nữa. Trên bàn vẫn còn thức ăn và rượu, tờ giấy đó vẫn dán ở trên bức tường. Đạo sĩ hỏi: “Uống đủ chưa hả?”. Chúng đệ tử đều đồng thanh nói: “Đủ rồi”. Đạo sĩ nói: “Uống đủ rồi thì các con mau đi nghỉ ngơi đi, đừng làm lỡ việc đốn củi vào ngày mai”. Sau đó mọi người thảy đều lui ra ngoài. Vương Thất mừng thầm trong lòng, ý nghĩ muốn quay trở về nhà từ khi ấy cũng biến mất.

Lại một tháng nữa trôi qua, Vương Thất cảm thấy cuộc sống trên núi vô cùng khổ cực, mà đạo sĩ lại không truyền thụ đạo thuật gì cho mình cả. Vương Thất không thể tiếp tục chịu đựng nữa, anh ta tới từ biệt đạo sĩ, nói:

“Đệ tử từ nơi xa mấy trăm dặm đi đến đây để theo Tiên sư học Đạo, dù không thể trường sinh, có lẽ cũng mong có chút thu hoạch để có thể an ủi được tâm cầu Đạo này của đệ tử. Bây giờ đã mấy tháng trôi qua, chẳng qua cũng chỉ là sớm tối đi đốn củi mà thôi. Đệ tử ở nhà chưa từng chịu qua khổ cực như vậy!”. Đạo sĩ mỉm cười nói rằng: “Từ đầu ta đã nói con không chịu được cực khổ, quả nhiên là vậy. Vậy thì ngày mai ta sẽ tiễn con hạ sơn”.

Vương Thất nói: “Đệ tử vất vả đã nhiều ngày, hy vọng sư phụ truyền thụ cho chút ít kỹ năng, để con không uổng một chuyến đi này”.

Đạo sĩ nói: “Con muốn học cái gì?”.

Vương Thất nói: “Con luôn thấy sư phụ đi lại, vách tường không thể cản trở, hy vọng có thể học được thuật này là đủ rồi!”. Đạo sĩ mỉm cười đồng ý.

Thế là đạo sĩ truyền thụ khẩu quyết cho Vương Thất, yêu cầu Vương Thất đọc khẩu quyết, sau khi đọc xong, đạo sĩ nói với Vương Thất: “Vào trong!”.

Vương Thất đứng trước bức tường mà còn sợ, nên lưỡng lự không dám đi vào.

Đạo sĩ lại nói: “Cúi đầu đi vào mau, đừng có nhìn lại!”

Vương Thất bèn thu hết can đảm, đến gần bức tường mấy bước, miệng đọc khẩu quyết, chạy nhanh vào trong, cảm giác trống trải như không có vật gì, quay đầu lại nhìn, quả nhiên là thấy mình đã ở bên kia tường rồi. Việc này khiến anh ta mừng quýnh!

Truyền thuật xong, đạo sĩ lại căn dặn Vương Thất rằng: “Tâm niệm nhất định phải trong sáng, nếu không pháp thuật không linh nghiệm”. Sau đó sư phụ còn tặng lộ phí để Vương Thất quay về nhà.

Vương Thất hăm hở quay trở về nhà, tự khoe khoang rằng mình đã gặp Thần tiên, dù là bức tường vững chắc cũng không thể ngăn được anh ta. Người vợ của Vương Thất không tin. Thế là Vương Thất làm như lúc đầu, miệng đọc khẩu quyết, bước ra xa bức tường vài thước, chạy nhanh lao vào, đầu anh ta đụng phải bức tường, đột nhiên ngã xuống. Người vợ vội vàng chạy đến đỡ anh ta lên, trên trán Vương Thất sưng lên một cục to bằng quả trứng gà. Người vợ không nhịn được mà bật cười, Vương Thất cảm thấy rất tức giận, anh ta buông lời oán thán vị đạo sĩ nọ rất lâu mới chịu nguôi ngoai.

Kỳ thực Vương Thất vì cố chấp nên không hề nhận ra được rằng, chính vì bản thân anh ta không chịu nghe theo lời căn dặn của sư phụ: “Phải giữ cho tâm niệm luôn trong sáng…” Ngược lại Vương Thất đã khởi tâm tự mãn và khoe khoang hiển thị, v.v… với tâm niệm bất thuần như vậy thì không còn “trong sáng” như yêu cầu của vị đạo sĩ nữa rồi, thế nên pháp thuật mới mất linh nghiệm vậy.

Đường Phong biên tập và tổng hợp

- Nguồn tài liệu tham khảo: Bài viết cùng chủ đề trên Epoch Times/ Hương Thảo biên dịch, Sound of Hope/ Châu Yến biên dịch; và một số nguồn tư liệu khác.



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn: ‘Thuật xuyên tường’ của con người hiện đại thật sự có tồn tại?