Bí ẩn toà tháp có độ nghiêng vượt xa tháp nghiêng Pisa, 300 năm không đổ!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên núi Thiên Mã ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, có một tháp nghiêng, độ nghiêng vượt xa tháp nghiêng Pisa ở Ý. Tại sao nó nghiêng vậy mà không đổ? Các nhà khoa học và dân gian đưa ra những lý giải riêng, nhưng bí ẩn thực sự là gì?

Tháp nghiêng Pisa phiên bản Trung Quốc

Nhắc đến tháp nghiêng, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là toà tháp nghiêng Pisa của Ý. Nhưng ít ai biết rằng Trung Quốc cũng có tháp nghiêng, hơn nữa nó còn nghiêng hơn cả Pisa. Ở quận Tùng Giang, Thượng Hải, có một ngọn núi nhỏ, hai đỉnh của nó ở phía bắc và phía nam, nhìn từ xa giống như một con ngựa đang phi nước đại. Vì vậy, nó được gọi là núi Thiên Mã.

Trong truyền thuyết, vào thời Xuân Thu, bậc cao thủ rèn kiếm - Can Tương từng rèn kiếm ở đây. Do đó, trước kia núi Thiên Mã còn được gọi là Can Sơn. Núi Thiên Mã cao hơn 98m so với mực nước biển. Nó chỉ có thể được coi là giải đất đồi núi ở phía nam sông Trường Giang. Mặc dù nơi đây phong cảnh non xanh nước biếc nhưng điều này không có gì lạ thường ở Giang Nam. Thế nhưng núi Thiên Mã vẫn luôn thu hút vô số văn nhân, mặc khách đến chơi. Nguyên do là trên núi có một ngôi chùa Phật giáo tên là chùa Viên Trí Giáo.

Phía sau ngôi chùa này có một toà tháp kỳ lạ, gọi là Hộ Châu tháp. Thân của tháp là kết cấu gạch, có 7 tầng và chiều cao khoảng 20m. Tòa tháp nổi tiếng khắp gần xa này khá đặc biệt bởi vì nó nghiêng về phía đông nam. Trông nó như tháp nghiêng Pisa phiên bản Trung Quốc. Nó thực sự còn nghiêng hơn cả tháp nghiêng Pisa ở Ý, thậm chí còn nghiêng hơn tháp nghiêng Pisa khi nghiêng nhất ở 5.5 độ.

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, chính phủ Ý đã tiêu tốn rất nhiều tài lực để tu sửa tháp Pisa. Cuối cùng cũng kéo nó bớt nghiêng được một chút, khoảng 1 độ. Thế nên, độ nghiêng hiện nay của tháp Pisa là khoảng 4 độ. Còn theo đo đạc vào năm 2015, tháp Hộ Châu này ở Trung Quốc, lại có độ nghiêng đáng kinh ngạc tới 7,6 độ. Đáng lo ngại hơn nữa là góc Tây Bắc của chân tháp Hộ Châu còn có một lỗ hổng lớn rộng hơn 2m. Nó khiến cho toà tháp càng thêm đáng sợ.

tháp Hộ Châu có độ nghiêng đáng kinh ngạc tới 7,6 độ. (Wikipedia)

Vì sao tháp Hộ Châu nghiêng như thế mà không đổ?

Theo cuốn địa chí “Can Sơn Chí” của nhà Thanh, năm 1157, một vị tướng của triều đại Nam Tống, tên là Chu Văn Đạt, đã xây dựng tháp Hộ Châu. Mục đích xây toà tháp này là để lưu trữ viên “xá Lợi Phật ngũ sắc” mà Tống Cao Tông ban thưởng cho ông.

Xá lợi Phật là một vật thể đặc biệt còn sót lại sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn và được hoả táng. Vậy làm thế nào xá lợi Phật lại đến được đây?

Hành trình xá lợi Phật tới tháp Hộ Châu

Theo ghi chép của “Trường A Hàm Kinh”, vào 2500 năm trước, tộc người Mạt La của Ấn Độ cổ đại nhìn thấy xá lợi Đức Phật để lại sau khi nhập Niết Bàn, đã xuất ra một nguyện vọng. Họ muốn xây một tự viện để thờ phụng xá lợi của Đức Phật ngay tại nơi hoả táng. Tự viện này chính là Niết Bàn tự.

Nhưng lúc đó tám quốc vương đến và yêu cầu chia mỗi người một phần xá lợi. Nhưng không chỉ các quốc vương nơi nhân gian muốn lấy được xá lợi Phật, ngay cả Thiên Chủ Đế Thích Thiên của Đao Lợi Thiên và ba vị Long Vương cũng đến đòi phần.

Vì vậy xá lợi của Đức Phật để lại được chia thành ba phần lớn: một cho Thiên nhân - cũng chính là Thần tộc; một cho Long tộc, và còn lại cho con người. Phần được chia cho con người lại được chia đều cho 8 vị vua. Tám vị vua này mừng rỡ vô cùng, mỗi người đều xây một tháp Phật để thờ xá lợi Phật.

200 năm sau, vua Ashoka của Vương quốc Magadha ở Bắc Ấn Độ lên ngôi. Ông đã khai sáng ra triều đại Maurya danh tiếng lẫy lừng. Vua Ashoka nam chinh bắc chiến, đã thống nhất toàn bộ Tiểu lục địa, ngoại trừ Nam Ấn Độ. Ông đã kiến lập nên một đế chế rộng lớn. Nhưng khi tới tuổi trung niên, ông đột nhiên chán ghét chiến tranh và trở thành một tín đồ Phật giáo chuần thành.

Khi đó cả 6 vương quốc đều bị vua Ashoka chinh phục, ông đã lấy xá lợi Phật từ bảo tháp của 6 nước đó. Rồi ông chia chúng thành 84000 phần, đóng gói cất vào từng hộp quý. Những chiếc hộp này được các đoàn tăng lữ do ông phái đi tặng các nước để hoằng dương Phật Pháp.

Ashoka's visit to the Ramagrama stupa Sanchi Stupa 1 Southern gateway.jpg
Vua Ashoka. (Wikipedia)

Sách sử “Lịch đại Tam bảo ký” của nhà Tùy đã ghi chép đầy đủ về quá trình cung thỉnh xá lợi Phật đến Trung Nguyên. Chuyện kể rằng, vào năm 246 TCN, tăng nhân Thích Lợi Phòng dẫn đầu đoàn hộ tống 19 xá lợi Phật từ Ấn Độ tới Trung thổ.

Sau hành trình ba năm gian nan, cuối cùng vào một ngày năm 243 TCN, tăng đoàn đã đến đô thành Hàm Dương của nước Tần lúc bấy giờ.

Khi họ đến, trời đã tối muộn, không kịp vào cung Hàm Dương bái kiến vua Tần. Sớm nhất phải đợi tới sáng ngày hôm sau. Các tăng nhân đã kiệt sức sau chặng đường dài, nên họ nghỉ ngơi trong một hẻm núi bên ngoài thành phố Hàm Dương. Nơi này gần chùa Pháp Môn ngày nay ở Tây An.

Đột nhiên bầu trời xuất hiện với những đám mây ngũ sắc. Tăng nhân Thích Lợi Phòng thấy vậy rất vui mừng, bởi vì theo ông đó là điềm lành, dường như nhiệm vụ này sắp hoàn thành xuất sắc. Đúng lúc đó, chợt ông thấy từ xa xa đang tiến tới một vị trưởng lão. Người này toàn thân trong suốt, toả ra ánh sáng vàng. Ông vừa đi, vừa dừng, khi đến một sườn núi cao, ông đứng yên bất động, trông có vẻ như đang triệu hoán tăng nhân Thích Lợi Phòng. Vị tăng nhân đứng dậy, đi về phía trưởng lão. Trưởng lão nói hiện giờ không được dâng biếu xá lợi, cần chờ cho đến khi nhiều người tín phụng Phật Pháp. Chỉ khi đó mới có thể để cho linh cốt xuất hiện. Nói xong, trưởng lão hoá thành ánh sáng vàng, biến mất không dấu tích.

Sau khi bình tĩnh trở lại, tăng nhân Thích Lợi Phòng chợt thấy nơi mình đang đứng lồi lên thành một ụ đất lớn. Nó giống như phong thổ (chỉ gò đất cao đắp lên mộ của bậc hoàng đế). Vị tăng nhân không khỏi chấn động, ông nghĩ vị trưởng lão này ắt hẳn là Tiên nhân chỉ đường cho họ. Ông vội quay trở về chỗ hẻm núi, tường thuật lại cho tăng đoàn về cuộc gặp gỡ kỳ lạ vừa rồi, đồng thời chuyển lời dặn dò của trưởng lão. Ông hỏi ý kiến mọi người, nhưng mỗi người một ý.

Có người cho rằng họ là sứ giả của vương triều, mục đích của chuyến đi để cho vua vùng Trung Thổ tiếp nhận Phật Pháp và xá lợi. Tới nơi rồi mà không đưa ra xá lợi thì chẳng phải bao công sức vừa rồi của họ đều lãng phí? Có người lại cho rằng trưởng lão đó là ma biến hình để lừa gạt họ. Lại có người cho rằng trưởng lão là do Đức Phật biến hình, tới chỉ dẫn họ.

Cuối cùng, là trưởng đoàn, nên tăng nhân Thích Lợi Phòng lên tiếng. Ông đề nghị chôn xá lợi dưới ụ đất lớn, đợi sau khi gặp Tần Vương sẽ quyết định.

Ngày hôm sau, ông cùng tăng đoàn tới yết kiến Tần Vương Doanh Chính mới có 16 tuổi. Đợi tăng nhân trình bày lý do viếng thăm, Tần Vương không nói gì. Tướng quốc Lã Bất Vi, đang đứng ở bên cạnh, đã lên tiếng khiển trách nghiêm khắc: “Thích Lợi Phòng, ngươi thật to gan, dám nói lời xằng bậy, lừa gạt mọi người, phá hoại cơ nghiệp Đại Tần của chúng ta”.

Sau đó không đợi Tần Vương nói, ông ta lệnh cho thị vệ tịch thu hành lý của các tăng nhân, gồm tất cả kinh sách và vật phẩm Phật giáo, tuyệt đối không cho họ truyền Pháp. Các tăng nhân bị giam trong đại lao, nhưng không ai thấy đau buồn, ngược lại họ chỉ thấy vui mừng vì may mắn thay, xá lợi Phật đã được cất giấu. Nếu không, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi.

Khi mọi người vẫn đang hân hoan, đột nhiên cánh cửa phòng giam "cạch" một tiếng, mở ra. Một người đàn ông mặc đồ hoàng cung bước vào. Người này nói rằng anh ta được Tần Vương phái đến để giải thoát cho họ, rồi giục họ mau rời đi, không được chậm trễ.

Các tăng nhân không chần chừ, lập tức vội vã rời khỏi phòng giam. Họ đi cả đêm để quay trở lại khe núi nơi chôn giấu xá lợi. Họ ưu tư và băn khoăn không biết nên quay lại bẩm báo tình hình với vua Ashoka hay tìm cách ở lại chờ ngày Phật Pháp truyền khắp Trung Thổ mới lấy xá lợi Phật ra.

Kết quả sau khi bàn bạc là, tất cả tăng nhân đều ở lại. Nhưng mỗi người tự chọn cho mình một con đường truyền Pháp. Rồi hàng năm vào ngày Đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, họ sẽ trở lại đây để gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm truyền Pháp.

Nhưng khi đó, họ không biết rằng lần ra đi này là lời vĩnh biệt.

Trong lúc loạn lạc cuối thời Chiến Quốc, không có tăng nhân nào có thể thành công trở lại hẻm núi này. Câu chuyện về các tăng nhân cũng chỉ lưu truyền trong dân gian.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, chớp mắt đã hơn 300 năm, Hoàng đế của Trung Nguyên vào thời điểm này là Hoàng đế Lưu Trang nhà Đông Hán.

undefined
Hán Minh Đế Lưu Trang. (Wikipedia)

Một ngày vào năm 64 sau Công Nguyên, khi Lưu Trang đang ngủ, ông mơ thấy một vị Thánh nhân từ trên trời giáng xuống, đứng trong khu vườn của ông. Vị Thánh nhân này có y phục màu vàng, dường như muốn nói lời gì đó. Lưu Trang vội vàng chỉnh tề áo quần, chuẩn bị ra nghênh đón. Lúc này đột nhiên, vị Thánh nhân hoá thành ánh sáng vàng, biến mất. Lưu Trang lớn tiếng gọi theo thì tỉnh giấc, mới biết rằng đó là giấc mộng Nam Kha.

Lưu Trang lập tức triệu tập cao thủ giải mộng tới phân tích xem giấc mơ này là điềm tốt hay xấu? Nhân vật này chính là Phó Nghị, một thầy bói nổi tiếng. Ông bấm ngón tay tính toán rồi cho biết ở phương Tây có một Thánh nhân đắc đạo, gọi là Phật Đà. Giấc mơ này đã nói rõ với Minh Đế rằng nếu Phật Pháp được du nhập từ Tây Vực sẽ khiến quốc vận hưng thịnh.

Nghe vậy Minh Đế rất vui mừng, mau chóng phái người đi tìm đệ tử của Phật Đà. Vậy là, tới lúc đó Phật Pháp mới chính thức tiến vào Trung Nguyên. Năm 68 sau công nguyên, ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc, chùa Bạch Mã, đã được xây dựng xong.

Nhưng lúc này xá lợi xương Phật vẫn được giấu trong khe núi bên ngoài thành phố Hàm Dương. Thời cơ để nó xuất hiện có vẻ chưa chín muồi. Lại trải qua 80 năm nữa, An Thế Cao, một cao tăng của An Tức Quốc ở Tây vực, đến Trung Nguyên.

Một hôm, trời nhá nhem tối An Thế Cao đang nghỉ ngơi trong túp lều bỏ hoang trong ngôi làng ngoại thành của Hàm Dương, chợt ông nhìn thấy bên ngoài ngôi nhà một luồng ánh sáng đỏ từ mặt đất xung thẳng lên bầu trời. An Thế Cao lập tức nhận ra có thể có kho báu được chôn ở nơi ánh sáng xuất hiện.

Ông chạy ngay tới để nhìn kỹ hơn. Hóa ra ông đang đứng trên một gò đất lớn. Nó làm ông nhớ ngay tới tin đồn về câu chuyện nhóm tăng nhân Thích Lợi Phòng chôn giấu xá lợi. Thế nên, An Thế Cao bắt đầu đào chỗ gò đất, cuối cùng đã tìm ra xá lợi xương Phật bị chôn vùi hơn 300 năm.

Khi Hoàng đế Lưu Chí của nhà Đông Hán nghe tin xá lợi Phật được tìm thấy trên chính mảnh đất của mình, đã vô cùng xúc động. Ông nhanh chóng cho xây tháp Phật thờ xá lợi ở bên hẻm núi nơi phát hiện di vật.

Tại đây, ngôi chùa Phật giáo thứ hai thời nhà Hán được xây dựng để cất giữ xá lợi xương ngón tay của Đức Phật, chính là chùa Pháp Môn nổi tiếng. Sau đó, các tu viện lần lượt mọc lên ở Trung Nguyên và Phật Pháp phát triển hưng thịnh ở nơi này.

Đến triều Tống, Tống Cao Tông Triệu Cấu cũng nhận được một phần xá lợi Phật, và đã ban tặng nó cho tướng quân họ Chu với hy vọng tướng quân có thể bảo vệ bình an cho đại Tống. Vì vậy, tướng quân Chu cung kính xây bảo tháp này để thờ xá lợi Phật.

Theo địa phương chí “Kiền Sơn Chí”, từ khi chùa hoàn thành, vào ban đêm đôi khi có ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ nơi đây. Đến năm Sùng Trinh triều đại nhà Minh, chính quyền địa phương từng tu sửa chùa, khi bình ngọc đựng xá lợi xương Phật được lấy ra, nó toả ra hào quang rực rỡ cao vạn trượng. Vì vậy Phật tháp này còn được gọi là “Hộ Châu Bảo Quang tháp”, gọi tắt là tháp Hộ Châu.

Hộ Châu tháp

Ban đầu tháp có tạo hình lầu các 7 tầng. Lớp trong cùng là kết cấu gạch, tương đương với lõi tháp, bên ngoài bọc lớp gỗ. Đỉnh tháp có cột bằng gỗ, ngoài ra bên trong tháp gạch còn có cầu thang gỗ. Trên 7 tầng tháp, mỗi tầng đều có mái hiên cong vút, có ban công và lan can bằng gỗ nhô ra.

Nhưng tháp Hộ Châu ngày nay lại chỉ còn là một tòa tháp gạch trần. Bởi vì dưới thời trị vì của Hoàng đế Càn Long nhà Thanh vào thế kỷ 18, đã xảy ra một vụ hoả hoạn làm cháy hết lớp kết cấu gỗ bên ngoài của tháp, chỉ còn lại một lớp lõi tháp bằng gạch. Khi ngọn lửa được dập tắt, trụ trì chùa Viên Trí Giáo vội đến thì chết lặng khi chứng kiến toàn bộ kết cấu gỗ lớp ngoài của chùa đã bị đốt cháy. Bi kịch hơn là chiếc bình ngọc thờ xá lợi Phật cũng biến mất.

Do vậy, sau đó trong “Kiền Sơn Chí” không còn có ghi chép nào về xá lợi xương Phật nữa. Điều kỳ lạ là dù xá lợi xương Phật không còn nữa, nhưng hiện tượng phát sáng bí ẩn vào ban đêm xuất hiện thường xuyên hơn. Thế là tháp Hộ Châu bị lão Vương - một người dân sống trong làng gần Kiền Sơn dòm ngó. Ông ta vốn là kẻ hay đi trộm mộ. Những bảo bối trong tòa tháp làm ông ta rất thèm muốn. Nhưng vì trước đây trong chùa có xá lợi xương Phật, ông ta sợ bị sét đánh nên không dám động đến. Khi nghe nói rằng xá lợi xương Phật đã biến mất, nhưng vẫn xuất hiện ánh hào quang, lão Vương lẩm bẩm liệu còn có kho báu khác trong tháp chăng.

Vì vậy vào một đêm tối đen gió lớn, ông ta mang theo công cụ đi đến tòa tháp, phát hiện phía đáy tháp có một vài viên gạch dường như đang phát sáng. Ông vội cạy viên gạch ra, quả nhiên trong đó tìm thấy một viên gạch rỗng, bên trong là một đồng xu cổ sáng bóng. Lão Vương bọc đồng xu lại, mừng rỡ quay về nhà. Tới nhà, ông ta mang bảo bối ra khoe với vợ. Bà vợ rất tò mò, chạm tay vào đồng xu và chẳng lâu sau, vợ ông có thai.

Điều này khiến Lão Vương vui mừng khôn xiết, bởi vì họ hiếm muộn đã nhiều năm. Dù họ đã dùng nhiều cách, cầu xin Thần linh nhưng vẫn không có kết quả. Thế mà khi chạm vào báu vật thần kỳ này, thì điều ước lại thành sự thật. Bà vợ đã hạ sinh một cậu bé kháu khỉnh. Đây thực sự là một đồng xu như ý diệu kỳ. Vì vậy, Lão Vương bắt đầu thờ đồng xu, lại còn đi khoe khoang khắp nơi.

Vậy là lời đồn về đồng xu như ý ngày một lan rộng, từ đó có vô số "lão Vương" như thế cứ chọn dịp đêm không trăng gió lớn đi đào tìm bảo bối. Chính quyền thời đó lại chưa có ý thức về bảo vệ văn vật, chẳng mấy chốc tầng đáy của tòa tháp đã bị đào một khoảng trống lớn, mà tin tức về việc tìm thấy bảo bối thì chẳng thấy đâu.

Nhưng ngay sau đó lại xuất hiện truyền thuyết kỳ lạ rằng, bảo bổi trấn yểm của toà tháp ở bên trong đó đã bị trộm mất, nên tòa tháp này chẳng mấy chốc sẽ sụp đổ. Vì vậy, sự nhiệt tình của những kẻ săn kho báu cũng giảm mạnh và cuộc truy tìm bảo vật cũng chấm dứt. Phía đáy tháp bị khoét một lỗ rất lớn, đến mùa mưa nước lại tràn vào, khiến thân toà tháp cứ từ từ nghiêng. Tư thế nghiêng này vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Nó nghiêng hơn 3 độ so với tháp nghiêng Pisa ở Ý.

Tháp nghiêng Pisa

Nói về tháp nghiêng Pisa, nó vốn không được thiết kế nghiêng như vậy. Tháp nghiêng Pisa phải chính xác là Tháp chuông Pisa. Đây là tòa nhà tháp chuông phụ của nhà thờ Pisa.

Tháp nghiêng Pisa phải chính xác là Tháp chuông Pisa. Đây là tòa nhà tháp chuông phụ của nhà thờ Pisa (Ảnh chụp màn hình)
Tháp nghiêng Pisa phải chính xác là Tháp chuông Pisa. Đây là tòa nhà tháp chuông phụ của nhà thờ Pisa (Ảnh chụp màn hình)

Nhìn hình ảnh trên có thể thấy, bên cạnh nhà thờ thẳng đứng, uy nghiêm, là một tòa tháp nghiêng lệch hẳn. Thật là lạc lõng!

Nếu thực sự có ai đó cố tình làm xấu đi thiết kế như thế này, thì trong thời đại mà toàn dân tín ngưỡng vào tôn giáo, người dân Pisa chắc chắn sẽ không tha cho kẻ đó. Vậy có lẽ nên coi tháp nghiêng Pisa là một công trình lỗi.

Trước khi thi công, kiến trúc sư đã không khảo sát ra được nền móng của toà tháp có kết cấu địa chất không đồng đều, cũng như không lường trước được độ mềm của lớp đất. Ngoài ra, bản thân chất liệu đá cẩm thạch của tòa tháp cũng rất nặng, do đó không lâu sau khi xây xong, toà tháp xảy ra hiện tượng bị nghiêng.

Tháp nghiêng Pisa được khởi công vào năm 1173 sau Công nguyên, và hoàn thành vào năm 1372. Nó đã được xây dựng trong 200 năm. Việc các tòa nhà lớn ở châu Âu thời Trung cổ được xây dựng trong nhiều thập kỷ hoặc hàng trăm năm là điều rất bình thường. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn và nhân lực.

Nhưng tháp nghiêng Pisa vừa phải xây dựng, vừa được điều chỉnh thiết kế, lại cần phải giải quyết vấn đề bị nghiêng. Đây là nguyên do chính khiến cho thời gian xây dựng của nó kéo dài tới 200 năm. Trong đó thời gian đóng cửa tạm thời kéo dài đến gần một thế kỷ.

Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ xây dựng và đo lường, mới thúc đẩy việc hoàn thiện toà tháp.Vì vậy, sự xuất hiện của Tháp nghiêng Pisa mà chúng ta thấy ngày nay là kết quả của quá trình liên tục bảo trì và điều chỉnh.

Tháp nghiêng Pisa được tu sửa gần đây nhất là vào năm 1990. Cuộc đại tu này toàn bộ kéo dài 11 năm. Khi đó các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau đều tề tựu lại. Tất cả công nghệ tiên tiến đều được áp dụng, nhờ đó thân tháp mới được kéo thẳng thêm một chút, khoảng 44 cm. Năm 2001, tháp nghiêng Pisa được mở cửa trở lại. Nhưng nó chỉ có thể tồn tại khoảng 300 năm ở trạng thái lý tưởng nhất như bây giờ.

Tháp Hộ Châu nghiêng vài trăm năm cũng không đổ

Còn tháp Hộ Châu ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc chưa bao giờ trải qua sửa chữa toàn diện và chuyên nghiệp.

Trải qua lần hoả hoạn và bị đào tìm kho báu để lại một lỗ hổng lớn ở đáy tháp, tháp Hộ Châu đã bị nghiêng gần 300 năm. Nhìn tháp nghiêng Pisa, các chuyên gia Trung Quốc rất lo lắng cho tháp Hộ Châu, bởi không biết một lúc nào đó nó có thể bất ngờ đổ sập.

Vì vậy từ những năm 1980, các chuyên gia đã tiến hành đại tu toàn diện tòa tháp Hộ Châu. Lần kiểm tra và tu sửa này lại càng khiến mọi người ngạc nhiên.

Tháp Hộ Châu khác hoàn toàn với tháp nghiêng Pisa. Dù tháp Hộ Châu bị nghiêng và có một lỗ lớn ở dưới đáy toà tháp, nhưng bản thân toà tháp hoàn toàn ổn định, không hề phải lo lắng về việc nó bị sụp đổ. Các chuyên gia kiến ​​trúc đã kết luận rằng tháp Hộ Châu có nghiêng vài trăm năm cũng không đổ với hai lý do chính.

Một là thân tháp sử dụng vật liệu cường độ cao tương tự như bê tông cốt thép hiện đại - bê tông cổ đại. Ngay từ thời Nam Bắc triều, thợ thủ công Trung Quốc đã phát minh ra một loại hồ vôi gạo nếp. Nó có thể được gọi là vua của bê tông cổ đại. Phương pháp chế tạo nó là nấu gạo nếp thành cháo, đánh nó lên thành dạng hồ, rồi trộn nó với cát vôi để trở thành bê tông. Bê tông thời cổ làm theo cách này mặc dù đắt tiền nhưng nó rất bền. Nhiều kiến trúc quan trọng trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều sử dụng loại bê tông này. Trường Thành cũng đã sử dụng loại bê tông này.

Lý do thứ hai là thân tháp có hình bát giác. Mỗi tầng có tám mặt, cách mỗi mặt lại mở một cửa vòm. Điều này vừa giúp tiết kiệm gạch, vừa làm giảm trọng lượng của tháp. Trên các bức tường cùng hướng, cửa ở hai tầng liền kề không mở, do đó mỗi bức tường không có cửa sẽ hoạt động như một bức tường chịu lực. Và lực tác dụng lên thân tháp cũng rất đồng đều nên dù có nghiêng khá nghiêm trọng, nhưng toà tháp vẫn rất cân bằng.

Tất nhiên, chuyên gia có quan điểm của chuyên gia. Người dân địa phương lại có ý kiến ​​​​khác. Nơi đây có lưu truyền một câu chuyện như thế này: Cách 20m về phía đông của tháp, từng có một cây bạch quả cổ thụ rất lớn. Cành chính của cây cổ thụ trông giống như móng vuốt của con rồng đang vươn về phía tây, như bắt lấy thân tháp Hộ Châu. Nguồn gốc của cây bạch quả hình móng vuốt rồng này không hề tầm thường. Người dân địa phương nói rằng đây thực sự là bàn tay của Thần núi. Chính nhờ nó nâng đỡ tháp Hộ Châu nên toà tháp đã có thể đứng hàng trăm năm mà không bị sụp đổ.

Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải thấy tháp nghiêng Pisa ở Ý cao 54,8m, hơn gấp đôi tháp Hộ Châu; thân tháp Pisa được làm bằng đá cẩm thạch, nặng hơn nhiều tháp Hộ Châu. Sau khi trọng tâm nghiêng, nguy cơ sụp đổ tất nhiên là lớn hơn.

Vậy rốt cuộc tháp Pisa của Ý và tháp Hộ Châu của Trung Quốc, cái nào bền vững hơn, cái nào thể hiện thiết kế và trình độ xây dựng tuyệt vời hơn? Để trả lời câu hỏi này, ngoài việc so sánh trọng lượng của tháp và góc nghiêng, còn cần cường độ của vật liệu xây dựng, tình trạng đất móng nhà, điều kiện khí hậu và gió, v.v. Vì vậy để trả lời được câu hỏi này không đơn giản.

Các tòa nhà có kết cấu bằng gạch và gỗ tất nhiên nhẹ hơn so với các tòa nhà bằng đá, nhưng cũng dễ hút ẩm, gió và dẫn tới bong tróc. Ở vùng mưa Giang Nam của Trung Quốc, kiến trúc xây bằng gạch và gỗ có vấn đề riêng của nó. Một khi phong hóa, dễ gây ra lực không đồng đều cục bộ, gây thêm thiệt hại cho các cấu trúc chịu lực. Vì vậy, tháp Hộ Châu còn có nhiều bí ẩn cần được giải đáp.

Theo Wenzhao

Minh Thanh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn toà tháp có độ nghiêng vượt xa tháp nghiêng Pisa, 300 năm không đổ!