Bí mật cái chết của Hổ tướng Tam Quốc Quan Vũ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quan Vũ lại thất bại ở Mạch Thành 1800 năm trước, câu chuyện chiến bại mất mạng của ông luôn là đề tài tranh cãi của đông đảo người đời sau. Chỉ Mi Phương và Sĩ Nhân phản bội có thể khiến Quan Vũ đến mức thất bại mất mạng hay không?

Mỗi nhân vật trong Tam Quốc được khắc họa đặc trưng tính cách rõ ràng, độc đáo riêng. Những tính cách đó đã quyết định sự phát triển diễn biến cuộc đời sau này của họ. Quan Vũ có thể nói là một người có tính cách đặc trưng rõ nét nhất trong đó, ai nấy đều bị nhân cách của Quan Vũ cuốn hút và khuất phục. Sau khi qua đời, Quan Vũ dần dần được Thần hóa, dân gian thường gọi là Quan Công. Triều đình nhà Thanh tôn thờ ông là Võ Thánh, sánh ngang với Khổng Tử.

Quan Vũ tên chữ là Vân Trường, là người Giải Lương, Hà Đông, là danh tướng nước Thục trong những năm cuối thời nhà Đông Hán. Quan Vũ nghĩa khí át mây trời, Thần dũng không gì sánh nổi, lập vô số chiến công cho nước Thục, được người đời ca ngợi là Chiến Thần. Rất nhiều câu chuyện của Quan Vũ đã trở thành huyền thoại như "Ôn tửu trảm Hoa Hùng" (Rượu vẫn còn nóng đã trảm được Hoa Hùng); "Quá ngũ quan trảm lục tướng" (Qua 5 ải chém 6 tướng); "Đơn đao phó hội" (một mình một đao đến dự hội); "Thủy yểm thất quân" (Dẫn nước nhấn chìm 7 cánh quân); "Quát cốt liệu thương" (Cạo xương chữa vết thương)... Những giai thoại này đã được dân gian truyền miệng, say sưa kể lại. Từ những câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu được Quan Vũ anh dũng oai phong như thế nào, quả không hổ danh là mãnh tướng có một không hai thời Tam Quốc.

Quan Vũ nghĩa khí át mây trời, Thần dũng không gì sánh nổi, lập vô số chiến công cho nước Thục
Quan Vũ nghĩa khí át mây trời, Thần dũng không gì sánh nổi, lập vô số chiến công cho nước Thục. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Nhưng Quan Vũ lại thất bại ở Mạch Thành 1800 năm trước. Câu chuyện chiến bại mất mạng của ông luôn là đề tài tranh cãi của đông đảo người đời sau. Chỉ Mi Phương và Sĩ Nhân phản bội có thể khiến Quan Vũ đến mức thất bại mất mạng hay không? Hai người này nắm quyền bính trong tay không nhiều, các văn thần võ tướng của Kinh Châu đều đã đi đâu hết? Bách tích Kinh Châu lúc đó làm gì? Tại sao chỉ mất một quận mà lại đi đầu hàng nước Ngô? 7 quận của Kinh Châu đều đầu hàng nước Ngô sao? Những vấn đề này vẫn luôn là ẩn đố đối với mọi người, mà tác giả cũng không cho chúng ta bất cứ lời giải đáp nào. Mỗi người lý giải một lẽ, cho đến tận ngày nay, tức 1800 năm sau, chúng ta mới hiểu được nguyên do sự tình, hiểu được một phần chân tướng khi đó từ một tấm thẻ tre được khai quật ở Tẩu Mã Lâu, Trường Sa, Hà Nam gần đây.

Tháng 6 năm 1996, một đội thi công thành phố Trường Sa khi thi công một trung tâm thương mại dưới lòng đất thì một công nhân đào đất phát hiện ra một thẻ tre. Trên thẻ tre viết rất nhiều chữ, nhưng người công nhân này không hiểu thể loại chữ đó, thế nên không biết trên thẻ tre viết gì. Tuy nhiên người công nhân này hiểu rất rõ mức độ quý giá của thẻ tre này, thế là anh lập tức giao cho người đội trưởng phụ trách thi công khi đó. Người đội trưởng lại giao nộp lên lãnh đạo, thẻ tre được chuyển dần lên, cuối cùng chuyển đến Cục Văn vật thành phố Trường Sa.

Sau khi phán đoán sơ bộ, Cục Văn vật dẫn đoàn khảo cổ đến hiện trường và tiến hành công tác khai quật tầng sâu. Họ đã phát hiện ra những văn bản thẻ tre thời Hán với quy mô lớn, có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quan trọng. Sau này các chuyên gia gọi các văn bản thẻ tre này là "Trường Sa Tẩu Mã Lâu Ngô giản" (Thẻ tre nước Ngô ở Tẩu Mã Lâu, Trường Sa). Những thẻ tre này đã ghi chép tường tận tình hình Kinh Châu của nước Ngô thời Tam Quốc, từ năm Gia Hòa thứ nhất đến năm Gia Hòa thứ 6. Còn chiếc thẻ tre được người công nhân phát hiện đầu tiên đó đã được các chuyên gia đọc. Trên thẻ viết thời kỳ Quan Vũ cai quản Kinh Châu năm Kiến An thứ 24 về trước, tất cả danh tính người dân bậc thượng, trung và hạ đều được ghi vào sổ sách. Người dân ở các bậc khác nhau không có giao lưu qua lại với nhau. Mãi cho đến năm Quan Vũ chết thì giữa những nhóm người dân đó đã xảy ra sự kiện xâm phạm lẫn nhau nghiêm trọng.

Quan Vũ thất bại hoàn toàn không phải do Mi Phương và Sĩ Nhân đầu hàng nước Ngô
Quan Vũ thất bại hoàn toàn không phải do Mi Phương và Sĩ Nhân đầu hàng nước Ngô. (Ảnh chụp màn hình Tam Quôc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Các chuyên gia lại căn cứ vào những ghi chép trong Tam Quốc Chí, miêu tả Lã Mông lén đánh Kinh Châu, kết hợp lại đã rút ra kết luận rằng: Bởi vì Lã Mông đã mua chuộc được Mi Phương và Sĩ Nhân, dẫn đến nội bộ Kinh Châu xảy ra sự đổ vỡ nghiêm trọng. Sau khi Quan Vũ biết tin, vội vàng sai người đến chỗ Lã Mông hỏi han tình hình. Sau khi được biết người nhà ở Kinh Châu đều được bình an, các binh sĩ dưới quyền Quan Vũ không còn lòng nào chiến đấu nữa. Quan Vũ thất bại hoàn toàn không phải do Mi Phương và Sĩ Nhân đầu hàng nước Ngô, truy xét nguồn gốc chính là mâu thuẫn nội bộ Kinh Châu. Mâu thuẫn này khiến nội bộ Kinh Châu dao động bất an, từ đó khiến binh sĩ mất tinh thần chiến đấu.

Sự khác biệt giữa giàu và nghèo quá lớn, số lượng người nghèo bậc thấp quá nhiều khiến cho nội bộ mâu thuẫn, mà mâu thuẫn này thì không thể nào giải quyết được. Một khi xuất hiện ngòi dẫn lửa thì sẽ tạo ra cục diện không thể nào kiểm soát nổi. Đó chính là nguyên nhân thực sự khiến Quan Vũ thất bại.

Trung Hòa
Theo SOH

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Bí mật cái chết của Hổ tướng Tam Quốc Quan Vũ