Bí mật của thầy toán mệnh tiết lộ nguyên nhân xem chuẩn và không chuẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Toán mệnh, xem bói, là những thuật được khá nhiều người yêu thích, nhưng có ứng nghiệm hay không thì khả năng mỗi người lại khác nhau. Có một người từng trải đã nói ra bí mật này. Dưới đây là 2 trường hợp để so sánh do chính viên quan triều Thanh là Tống Vĩnh Nhạc đích thân trải qua.

Tống Vĩnh Nhạc là người sống vào triều nhà Thanh, Trung Quốc, gia cảnh giàu có, từng đảm nhiệm chức Tuần kiểm Hương Sơn và Tân An, Quảng Đông, sau thăng làm Hải Dương thừa. Ngoài làm quan ra, ông còn tinh thông y thuật. Những năm cuối đời, ông du ngoạn núi non sông hồ, tự hiệu là Thanh Thành Tử, viết sách làm thú vui. Trong sách “Diệc phục như thị”, ông đã ghi chép lại 2 sự tình toán mệnh, xem bói mà đích thân ông trải qua.

Huyện An Phúc, Hồ Nam có một người tên là Đặng Văn Hội, tinh thông thuật xem bói toán mệnh, những sự việc ông xem đều vô cùng ứng nghiệm. Tống Vĩnh Nhạc đã từng thuê thuyền đến Phong Châu (huyện Phong, tỉnh Hồ Nam ngày nay). Trên thuyền bị mất 2000 xu tiền, nhà thuyền nghi ngờ thủy thủ lấy trộm, nhưng các thủy thủy đều không thừa nhận. Lúc này vừa hay có Đặng công nổi tiếng xem bói đang ở châu thành địa phương, thế là Tống Vĩnh Nhạc cùng nhà thuyền đi xem bói.

Sau khi bày những dụng cụ xem bói xong, Đặng công hỏi nhà thuyền: “Trên thuyền của ông có người họ Chu không?”

Nhà thuyền nói: “Có”.

Đặng công lại hỏi: “Người này mặt có rỗ không”.

Nhà thuyền đáp: “Có”.

Đặng công liền phán: “Chính người này, anh ta dùng chiếc áo màu xanh lam bọc số tiền đó, đặt ở dưới nước bên cây cổ thụ cạnh chiếc cầu đá. Đến đó là lấy lại được”.

Nhà thuyền đã bị mất một chiếc áo xanh lam mấy ngày trước khi mất tiền, dù tìm thế nào cũng không thấy. Vì vậy mới đem chuyện này ra hỏi thủy thủ họ Chu, họ Chu không thể nào chối cãi được, đành cùng mọi người đến dưới gốc cây cổ thụ bên cây cầu đá, và tìm được số tiền đó.

Hễ xem bói những sự việc như mất đồ, chạy trốn, Đặng công đều nói chính xác kỳ lạ như thế này, những trường hợp chứng thực rất nhiều.

Hễ xem bói những sự việc như mất đồ, chạy trốn, Đặng công đều nói chính xác kỳ lạ như thế này. (Tranh: Secretchina)

Tống Vĩnh Nhạc cũng từng thấy những thầy nói xem bói, đối với những sự việc quá khứ thì vô cùng ứng nghiệm, nhưng xem bói những sự việc tương lai thì không ứng nghiệm. Những người này vốn không phải là tinh thông thuật số, chẳng qua là dùng thủ thuật dẫn dụ, và những lời sáo ngữ để mưu sinh mà thôi.

Tống Vĩnh Nhạc từng tá túc ở trong miếu Quan Đế thành phố Tân (thành phố Tân, Hồ Nam ngày nay), ông ở cùng với một người họ Trần. Người này sinh sống bằng nghề toán mệnh, người vùng này gọi ông là thầy bói Trần.

Một ngày mưa to gió lớn, cả ngày mưa lớn không ngừng. Có một người đàn ông chừng ngoài 50, đội mưa tìm đến, thỉnh cầu thầy bói Trần xem bói cho bệnh tật.

Thầy bói Trần bày dụng cụ xem bói ra, sau đó hỏi: “Tiên sinh từ phía nam đến phải không?”

Người đó nói: “Vâng”.

Thầy bói Trần lại hỏi: “Con trai ông bị bệnh?”

Người kia đáp: “Vâng”.

Tiếp theo, thầy bói Trần lại hỏi: “Mấy ngày nay bệnh tình trầm trọng, uống thuốc không có hiệu quả, đúng không?”

Người đó lại đáp: “Vâng”.

Cuối cùng, thầy bói Trần nói: “3 ngày sau sẽ khỏi”.

Người kia kinh ngạc, coi thầy bói Trần như là Thần, đặt tiền cảm tạ rồi ra về.

Sau đó, Tống Vĩnh Nhạc có hỏi thầy bói Trần: “Làm thế nào mà ông biết trước được như vậy, thực sự là linh nghiệm như thế này sao?”

Thầy bói Trần cười rồi nói: “Ông không xem hướng gió hôm nay à” Cả ngày gió bắc, người này lưng khô ngực ướt, ắt là đi ngược chiều gió, do đó biết ông ấy từ phía nam đến”.

Họ Tống lại hỏi: “Sao ông biết là con trai ông ta bị bệnh?”.

Thầy bói Trần nói: “Con cái yêu thương cha mẹ không bằng cha mẹ yêu thương con cái. Nếu không phải vì lo lắng đến bệnh của con trai thì ai dám đội mưa to gió lớn đến đây xem bói?”.

Họ Tống lại hỏi: “Vậy tại sao ông lại biết con trai ông ta mắc trọng bệnh, uống thuốc không có hiệu quả?”.

Thầy bói nói: “Tôi thấy tinh thần ông ta hoảng hốt, ắt sẽ là bệnh nặng uống thuốc không có hiệu quả, không có cách nào giải quyết, do đó mới tìm đến xem bói”.

Họ Tống lại hỏi tiếp: “Sao ông biết là anh con trai ông ta sau 3 ngày sẽ khỏi bệnh?”

Thầy bói trả lời rằng: “Điều này bất quá cũng chỉ là thuận miệng nói ra mà thôi, chỉ cần có một hai điều nói ra khiến ông ta tin lúc đó là được, ai còn kỳ kèo xem những việc sau này có ứng nghiệm hay không. Hơn nữa, sau 3 ngày, nếu anh con trai ông ta khỏi bệnh thì chứng minh rằng tôi xem bói chuẩn xác, còn nếu sau 3 ngày anh ta chết, thì ông ấy nghĩ, những điều trước tôi nói đúng, ắt sẽ cho rằng tôi biết con trai ông ấy sẽ chết, chẳng qua là không muốn nói rõ ra mà thôi, do đó nói thành lời nói ngược. Đối với tôi mà nói, vẫn không bị mất danh tiếng thần toán”.

Họ Tống cười và nói: “Ông rêu rao rằng mình là thần toán, thì ra là ‘thần’ ở chỗ này”.

Thầy bói Trần nói: “Ông thấy trong thiên hạ có mấy người thực sự dựa vào tài năng để bói toán không? Phàm là toán mệnh xem bói, đều không thể thiếu được những thủ thuật như thế này. Có thể làm được như thế thì chính là ‘thần’ rồi. Ngoài những cái đó ra, chẳng có gì gọi là ‘thần’ cả”.

Họ Tống nói: “Như thế thì những người gọi là ‘thần toán’ trong thiên hạ, thì giờ đây tôi đã biết rồi”.

Từ những ghi chép trên có thể thấy, tác giả Tống Vĩnh Nhạc lần thứ nhất thấy những việc mà Đặng công bói toán, không phải là thủ thuật dẫn dụ, nói lời sáo ngữ để đoán ra. Bởi vì sau khi Đặng công bày dụng cụ xem bói ra, là trực tiếp dựa vào phân bố của thẻ nói ra 3 đặc điểm của người lấy trộm tiền: Thứ nhất là ho Chu; thứ 2 là mặt rỗ; thứ 3 là tiền mất được bọc bởi một chiếc áo xanh lam, đặt dưới nước dưới gốc cây cổ thụ bên cây cầu đá. 3 đặc điểm này cái gì cũng cụ thể, mà sau đó hoàn toàn ứng nghiệm.

Những điều này không thể nào từ lời nói, vẻ mặt, dáng vẻ của nhà thuyền mà đoán ra được. Dó đó Đặng Văn Hội là người xem bói được chân truyền, có chân tài thực học, nhưng những người như thế này rất ít, chỉ có thể gặp mà không thể cầu được. Trong xã hội hiện đại, loại người như thế này e rằng đã thất truyền rồi, chỉ là không biết trong núi rừng có còn hay không.

Lần thứ 2, Tống Vĩnh Nhạc tá túc trong đền Quan Thánh, gặp người xem bói họ Trần. Theo những gì chính ông Trần tự nói, là thủ thuật dựa vào dẫn dụ, sáo ngữ đoán ra, và bản thân ông ấy cho rằng đại đa số những người xem bói toán mệnh đều sử dụng thuật này, làm được như thế thì cũng ‘thần’ rồi, không dựa vào những thứ đó thì chẳng có gì có thể làm ‘thần toán’ được. Loại người như thế này là thường thất nhất.

Sau này, trên giang hồ xuất hiện 4 cuốn sách ‘bí kíp’ như “Anh diệu thiên”, “Quân mã thiên”, “Trát phi thiên: và “A bảo thiên”, đều là dùng thuật dò đoán tâm lý người mà đoán ra. Tuy trong đó cũng có rất nhiều kinh nghiệm và khẩu quyết, và một số điều chân truyền có thể tham khảo, nhưng về cơ bản, đều là dựa vào quan sát lời nói, sắc mặt, và thuận theo tâm lý khách hàng, từ đó đạt được mục đích mưu lợi cầu tài. Do đó mới có kết cục “quá khứ rất ứng nghiệm, tương lai lại không ứng nghiệm”.

Tường Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật của thầy toán mệnh tiết lộ nguyên nhân xem chuẩn và không chuẩn