Bí mật của thiền định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Patrick Jones - chuyên gia về bệnh tâm thần viết một bài báo ‘Thiền định có thể sáng tạo ra các siêu anh hùng?’ (Mindfulness training: Can it create superheroes?), đăng trên tờ báo về thần kinh học ‘Frontier in Psychology' rằng, tâm lý học sinh ra từ Phật giáo tràn đầy năng lượng chính, và có ý nghĩa rất tích cực đối với tiềm ý thức của con người.

Thiền định và minh tưởng

Trước hết, chúng ta hãy cùng đọc một đoạn hồi ký sau:

“Đã lâu tôi không có tin tức gì của Richard, một hôm khi tôi đang ngủ, đột nhiên nhìn thấy một người Trung Quốc đứng ở bên cạnh giường, người này khoác chiếc áo bào dài màu xanh thẫm, hai tay bắt chéo trước ngực. Ông ấy ghé đầu xuống sát tôi, tôi có thể nhìn thấy rõ từng nếp nhăn trên khuôn mặt của ông. Tôi biết ông ấy là ai, và cũng biết điều đó có ý nghĩa gì”.

Đây là một trích đoạn hồi ký trong cuốn tự truyện ‘Ký ức, giấc mơ, suy ngẫm’ (Memories, Dreams, Reflections) của nhà tâm lý học Carl Jung. Người đàn ông Trung Quốc mà ông Jung mơ thấy tên là Uý Lễ Hiền, thực ra không phải là người Trung Quốc mà đúng là người Đức. Tên tiếng Đức của ông là Richard Wilhelm, Trưởng khoa Hán học trường Đại học Frankfurt, Đức. Jung và nhà Hán học này là bạn hơn 20 năm của nhau. Vài tuần sau giấc mơ này của ông Jung, ông Richard đã qua đời.

Bí mật của bông hoa vàng

Năm 1900, Richard Wilhelm 27 tuổi, lần đầu tiên đặt chân tới đất nước Trung Quốc, và lập tức say mê với văn hoá của đất nước này, đặc biệt là văn hoá tu luyện Đạo gia. Ông đã ở lại Trung Quốc 21 năm. Để tìm ra văn hoá Đạo gia đích thực, ông đã tới núi Lao Sơn, và thực sự gặp được Đạo sĩ Lao Sơn, tu tập phương pháp tu luyện đích thực của Long Môn phái thuộc Toàn Chân giáo. Hơn nữa, ông còn có được cuốn bí kíp Đạo gia. Tương truyền cuốn sách là khẩu thụ của Thuần Dương Chân nhân Lã Động Tân, và được tổ sư Toàn Chân Phái Vương Trùng Dương thời Tống ghi chép lại thành sách.

Sau khi quay trở về Đức, Richard nhanh chóng dịch cuốn kinh điển Đạo gia này, tiêu đề của cuốn sách là ‘Bí mật của Hoa Vàng’ (The Secret of the Golden Flower). Sau đó, ông không thể kìm được sự phấn khích, nhanh chóng gửi bản dịch cho người bạn là Carl Jung. Ông Jung đọc bản thảo xong, quá vui mừng vì nội dung đó đã giúp ông giải đáp những nghi hoặc bao năm qua, nên đã giúp Richard đưa bản thảo đi xuất bản. Cuốn sách này đã trở thành tác phẩm về Đạo gia nổi tiếng nhất phương Tây đầu thế kỷ 20, đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Tên tiếng Trung của cuốn sách là ‘Thái kỷ kim hoa tông chỉ’.

Mặt bìa cuốn sách "The Secret of the Golden Flower:"

Ông Carl Jung vui mừng tới vậy, vì đúng thời điểm đó, ông đang tạo ra lý luận tâm lý học của riêng mình, gọi là ‘chuyển đổi bản thân và chủ động tưởng tượng’. Lý luận này nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực ra dịch một cách dễ hiểu là, tìm cách phát huy hết sức trí tưởng tượng để cảm nhận được nơi sâu nhất trong nội tâm, và sau đó nói điều đó ra. Ông sáng tạo ra lý luận này với mục đích ứng dụng trong điều trị tâm lý. Ông Jung nhận định rằng, trong tiềm ý thức của con người chứa rất nhiều tư tưởng, hoặc ấn tượng ẩn giấu. Thông thường những thứ này không nhảy vào trong tâm trí chúng ta, tạm thời không nghĩ ra, nhưng chúng đã lắng đọng lại nơi chiều sâu của ý thức, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các hành vi sau này của chúng ta. Nhiều quyết định trong tương lai của chúng ta đều được hình thành một cách vô ý thức trên cơ sở của quan niệm tiềm ý thức.

Trước khi đọc được ‘Thái kỷ kim hoa tông chỉ’, Carl Jung từ sớm đã tiếp xúc với ‘Kinh dịch’, nhưng ông cảm thấy ‘Kinh dịch’ dường như chưa phải là con đường đúng để có thể giúp ông tìm cách mở ra đôi cánh tưởng tượng. Trong khi đó, cuốn ‘Thái kỷ kim hoa tông chỉ’ khiến ông cảm thấy đã tìm ra hướng đi, bởi vì nó đã giới thiệu về cách đả toạ vô cùng thu hút ông. Ông cho rằng, nếu như con người có thể tĩnh xuống được trong khi ngồi thiền đả tọa, bản tính của ý thức con người sẽ có thể cảm nhận được tiềm ý thức của bản thân, sẽ có cách tiếp xúc được với phần ý thức bị đóng kín. Vì thế, Jung bắt đầu thử dùng phương pháp ngồi thiền để trị liệu cho các bệnh nhân tâm lý. Thực ra phương pháp đả toạ ông Jung sử dụng, chính là phương pháp tu hành trong Phật gia và Đạo gia. Phương pháp này trong Đạo gia gọi là ‘đả toạ’ hoặc ‘nội quan’, trong Phật giáo gọi là ‘thiền định’, chỉ có điều trong Đạo gia và Phật gia chúng không được dùng để cảm nhận tiềm ý thức, nó được gọi là tu luyện.

Đả tọa của Đạo gia

Phương pháp đả toạ thông thường của Đạo gia là hai chân ngồi xếp bằng, hai tay xếp chồng nhau, ngón cái của một tay ấn chặt vào lòng bàn tay của tay kia - chính là vị trí của huyệt lao cung, hai tay xếp chồng lên nhau che phía bụng dưới, ở chỗ dưới rốn khoảng 3 tấc - vị trí của đan điền. Sau đó sẽ tĩnh tĩnh ngồi tọa, loại bỏ các suy nghĩ, mắt nhìn mũi, mũi nhìn mồm, mồm hỏi tâm.

Phương pháp đả toạ thông thường của Đạo gia là hai chân ngồi xếp bằng. (Ảnh minh họa: trithucvn)

Dĩ nhiên các môn phái Đạo gia khác nhau có phương pháp ngồi thiền riêng của mình nhưng biểu hiện ra đều không khác trên là mấy. Có thể có người nói rằng cách này xem ra rất đơn giản nhưng thực ra không hề đơn giản. Nhìn bề ngoài, người ngồi đả tọa trong Đạo gia trông như đang ngủ nhưng thực ra mục đích đả tọa là thông mạch, chính là đánh thông đường thông đạo năng lượng trong cơ thể mà mắt thường không nhìn thấy, khiến cho tất cả kỳ kinh bát mạch của cơ thể kết nối với nhau, tạo ra chân khí - nói cách khác là một loại năng lượng vô hình bên trong cơ thể có thể lưu chuyển thông suốt không bị ngăn trở. Và nhờ đó con người sẽ đạt được hiệu quả trường xuân mãi mãi, tuổi thọ kéo dài. Trong sách cổ thường nói tới ‘hạc phát đồng nhan’ (tóc hạc, sắc mặt trẻ thơ) chính là ý này, ‘hạc phát’ là tóc đều bạc trắng nhưng dung mạo thì như thanh niên 17-18 tuổi.

Cuốn ‘Thái kỷ kim hoa tông chỉ’ mà ông Carl Jung có được chính là sách hướng dẫn thực hành đả toạ tu hành. Trong một số câu chuyện của Đạo gia, thời gian đả toạ cực kỳ dài, thậm chí hơi thở và nhịp tim của người tu hành gần như ngừng lại. Vì để tránh bị hiểu lầm là đã chết mà bị đem đi chôn hoặc hoả táng, nên người tu Đạo thường chọn nơi hẻo lánh, không bóng người, để đả toạ và tu hành.

Việc đả tọa trong Đạo gia là để quán thông sự vận hành của chân khí, đạt được trường sinh. Vậy còn thiền định trong Phật gia thì sao? Cũng là để giải thoát, siêu xuất khỏi lục đạo luân hồi. Thiền định là con đường duy nhất để đạt tới cảnh giới niết bàn cực lạc.

Thiền định của Phật gia

Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ dưới cội Bồ Đề, Ngài đã truyền ra Pháp của mình, tổng kết lại chính là ở ba chữ ‘giới, định, huệ’. ‘Giới’ là loại bỏ các dục vọng, yêu cầu đệ tử xuất gia có cuộc sống cấm dục vô cùng kỷ luật của các tăng nhân. ‘Định’ chính là chỉ thiền định, còn ‘huệ’ là chỉ kết quả đạt được đại trí đại huệ, siêu xuất khỏi sinh tử. Có người sẽ hỏi nếu cấm dục thì sống còn ý nghĩa gì. Kỳ thực, bản thân quá trình thiền định là có niềm hạnh phúc trong đó, trong Phật giáo được gọi là ‘thiền duyệt’ hoặc ‘tam muội lạc’.

Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ dưới cội Bồ Đề, Ngài đã truyền ra Pháp của mình, tổng kết lại chính là ở ba chữ ‘giới, định, huệ’ (Ảnh: Miền công cộng)

‘A Hàm Kinh’ được xem như một trong những kinh điển thể hiện trung thành nhất những lời dạy của Đức Phật khi còn tại thế. Trong cuốn kinh có nói về cảm thụ với thiền định vô cùng mỹ diệu như sau:

Xứ xứ nhuận trạch
Xứ xứ phô duyệt
Cử thân sung mãn
Vô bất mãn xứ

Tạm dịch:

Khắp nơi tươi tắn
Khắp nơi tươi vui
Nhấc người tràn đầy
Nơi nơi tràn đầy

Nó giống như mỗi tế bào được thư giãn, chìm đắm trong cảm giác thư thái, êm đềm. Cảm thụ trong thiền định không chỉ mỗi người mỗi khác, không chỉ là một sự khác biệt chủ quan, nó cũng có tiêu chuẩn khách quan, chính là tùy theo sự khác nhau của cảnh giới tầng thứ sẽ có cảm thụ khác nhau. Các tông phái trong Phật giáo đối với cảm thụ về thiền định có sự phân chia tầng thứ rất chi tiết.

Tổ sư của Thiên Thai Tông - đại sư Trí Khải phân cảnh giới của thiền định thành 3 tầng là: thế gian thiền, xuất thế gian thiền, và xuất thế gian thượng thượng thiền. Chúng ta thường nghe nói tới ‘tứ thiền bát định’ thực ra vẫn thuộc về phạm trù ‘thế gian thiền’. Về cơ bản logic rất đơn giản, nó giống như quá trình tích luỹ và thăng cấp, khi đạt được các trình độ khác nhau trong thiền định, sẽ có thể tiến vào tầng Trời của tầng thứ đối ứng khác nhau, có thể cảm nhận được các loại sự vật kỳ diệu của tầng Trời đó. Người tu luyện cần dựa vào việc liên tục thiền thật sâu, đưa bản thân lên cao từng tầng từng tầng.

Tam giới phân thành Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới. 6 tầng Trời của Dục giới là Thiên giới gần với con người nhất, và điều đầu tiên thiền định cần đạt được là Dục giới định. Tới bước này có nghĩa là suy nghĩ của người tu luyện đã thoát ly khỏi trạng thái phàm phu tục tử, vạn mã phi nước đại, đạt tới sự thanh tĩnh sơ cấp, vượt qua được ngưỡng thứ nhất hướng tới Thiên giới, nó đối ứng với tầng Trời của Dục giới gần con người nhất. Nếu như vào thời khắc nào đó bạn đột nhiên không cảm thấy có thân thể, chỉ có một ý thức, biết rằng bản thân đang đả toạ ở đó, thì có nghĩa là bạn đã hoàn thành một bước lớn, và bước vào giai đoạn thăng cấp.

Người tu hành trong Dục giới định cảm nhận được sự vui mừng, chính là cảm thụ cuộc sống của Thiên nhân ở Dục giới Thiên. Tiếp tục thăng cấp sẽ tới 18 tầng Trời của Sắc giới. Ý thức của một người ở tiêu chuẩn nào cũng sẽ tương ứng bước vào một tầng Trời đó.

Đầu tiên là Tam Thiên sơ thiền Sắc giới: Phạn Thiên, Phạn chúng Thiên, Đại phạn Thiên; sau đó là Tam Thiên nhị thiền: Thiếu quang Thiên, Vô lượng quang Thiên, Quang âm Thiên; lại thêm bước nữa sẽ thăng lên Tam Thiên tam thiền bao gồm: Thiếu tịnh Thiên, Vô lượng tịnh Thiên, và Biến tịnh Thiên. Tới lúc này, người tu hành có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc huyền diệu, rất khó mô tả bằng ngôn ngữ, và đã đề cao lên một tầng so với Sắc giới định. Người tu hành cứ như thế nâng cao lên từng cấp một cho tới khi vượt ra ngoài Tam giới và đạt tới cảnh giới cực lạc của Niết bàn.

Tuy nhiên đối với người thông thường, những sự việc này cảm thấy quá xa vời. Đối với phần đông mọi người, bước đầu tiên cần làm đó là vứt bỏ tạp niệm, khi ngồi tọa tư thế cần tự nhiên, ngay ngắn giống như đập hồ chứa nước chặn lại những tạp niệm tuôn trào như dòng nước, thì mới nói tới các bước tu hành tiếp theo. Đây mới chỉ gọi là ‘thô tâm trụ’, là giai đoạn chuẩn bị sơ bộ cho bắt đầu học thiền định.

Thiền định cũng chính là sự cảm nhận vi diệu trong khi thiền định sâu, chỉ có người đó khi tới bước đó mới hiểu được. Tuy nhiên thông qua các thí nghiệm khoa học hiện đại, một số chỉ số thí nghiệm có thể phản ánh ra sự khác biệt giữa người thiền định sâu và người thông thường.

Thiền định tĩnh tâm giúp bộ não thay đổi tích cực xảy ra chủ yếu ở thùy trán và thùy đỉnh.
Thiền định cũng chính là sự cảm nhận vi diệu trong khi thiền định sâu, chỉ có người đó khi tới bước đó mới hiểu được. (Ảnh minh hoạ: Falundafa)

Nhận thức của khoa học đương đại về thiền định

Vào những năm 80 thế kỷ trước, chuyên gia về bệnh tim của Đại học Y, Harvard - ông Herbert Benson, đã từng làm kiểm tra liên quan tới đả toạ. Giáo sư Benson thường đi tới ngọn núi xa xôi của dãy Himalaya ở miền Bắc Ấn Độ, tại đây ông đã kiểm tra theo dõi sự thay đổi cơ thể khi đả tọa của 100 tăng nhân. Ông phát hiện ra rằng, khi ở trong trạng thái nhập định thâm sâu, có thể kiểm soát được lượng khí oxy hít vào của bản thân, khống chế được nhiệt độ thân thể, và thậm chí cả sóng điện não. Đây là điều mà người thông thường hoàn toàn không thể làm được. Thí nghiệm này khiến ông Benson vô cùng kinh ngạc, sau này ông đã viết cuốn sách ‘The relaxation response” (Phản ứng thư giãn) và đã phát minh ra thuật thiền thư giãn.

Năm 2013, bà Maria Kozhevnikov - giáo sư khoa Thần kinh của Đại học quốc lập Singapore, sau khi xem được kết quả thí nghiệm của giáo sư Benson, đã bán tín bán nghi, và bà đã tự tiến hành nghiên cứu đối với các cao tăng của Tạng truyền Phật giáo. Lần nghiên cứu này của bà cũng chứng nghiệm được phần lớn kết quả quan sát của giáo sư Benson, ngoài ra bà còn dùng một thiết bị tiên tiến và phát hiện ra rằng, khi những nhà tu hành này đả toạ, họ có thể kiểm soát được thân nhiệt của họ, thậm chí có tăng nhân có thể làm cho thân nhiệt cao bằng nhiệt độ nước sôi. Điều này có nghĩa là tăng nhân có khả năng kiểm soát một loại năng lượng ảnh hưởng tới nhiệt độ cơ thể mà khoa học hiện nay không giải thích được.

Chuyên gia siêu tâm lý học của Anh - Serena Roney Dougal, cũng đã làm một thí nghiệm trong thời gian dài với đối tượng là các tăng nhân ở độ tuổi khác nhau, và thời gian luyện thiền định của họ cũng dài, ngắn khác nhau. Ông giấu một vật vào trong một thùng chứa đóng kín, sau đó để cho các tăng nhân trong trạng thái thiền định tìm và xác định hình dạng vật được cất giấu kia. Kết quả cho thấy những tăng nhân luyện thiền định thời gian lâu thường có tỷ lệ tìm được vật cất giấu cao hơn. Loại siêu năng lực này thường được gọi là công năng thiên nhãn thấu thị hoặc dao thị.

Những kết quả nghiên cứu này giống như quả bom khai nổ trong giới tâm lý học. Trong khoa học đương đại, tâm lý học là một chủ đề khá mở, nó gần hơn với triết học và huyền học truyền thống, do đó vượt qua nhận thức ban đầu tương đối dễ dàng, nên có nhiều chuyên gia tâm lý và chuyên gia bệnh thần kinh, đã theo dõi và phát minh ra nhiều trường phái sử dụng thiền định, để điều trị các bệnh tâm thần.

Thực ra nhà tâm lý Carl Jung đề cập ở trên là người đi tiên phong trong sử dụng thiền định điều trị bệnh tâm thần. Thậm chí, ông còn đi xa hơn rất nhiều nhà tâm lý học sau này, bởi vì ông nhận định rằng, người bệnh chỉ sau khi hiểu được cốt lõi tinh thần đằng sau việc tập luyện thiền định, lý giải được triết lý tu luyện, họ mới có thể thực sự được chữa trị.

Ông Patrick Jones - chuyên gia về bệnh tâm thần rất đồng ý với ý kiến của ông Carl. Năm 2019, trong một bài viết của đăng trên tờ báo về thần kinh học ‘Frontier in Psychology’, ông có nói rằng, tâm lý học sinh ra từ Phật giáo tràn đầy năng lượng chính, và có ý nghĩa rất tích cực đối với tiềm ý thức của con người. Ông chủ trương rèn luyện những suy nghĩ ngay chính thông qua thiền định, để truyền năng lượng tươi sáng, mạnh mẽ cho tiềm ý thức. Ông cũng cho rằng, nếu như có thể học hỏi được kinh nghiệm thiền định trong Ấn Độ giáo, hoặc Phật giáo, thì sẽ có lợi cho phát triển chủ nghĩa anh hùng (nâng cao đạo đức), do đó bài viết trên của ông cũng có tiêu đề là ‘Thiền định có thể sáng tạo ra các siêu anh hùng?’ (Mindfulness training: Can it create superheroes?). Điều này nghe có vẻ hơi quá, nhưng tất cả những thần thông được đề cập trong Phật giáo như: Thiên nhĩ thông, Thiên nhãn thông, Tha tâm thông, còn cả thân thể kim cang bất hoại. Và siêu anh hùng chẳng phải cũng là những người sở hữu các khả năng đặc biệt đó sao?

Minh An
Theo Wenzhaostudio



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật của thiền định