Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 3): Lựa chọn lịch sử của bậc vĩ nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhưng may mắn thay, chúng ta có Linh Nhân thái hậu đang nắm quyền thay cho hoàng đế, tể tướng Lý Đạo Thành kinh nghiệm cầm quyền mấy chục năm và danh tướng lão luyện Lý Thường Kiệt nắm toàn bộ quân sự. Bộ ba hoàn hảo này có cơ hội tụ họp cũng là nhờ vào trí tuệ của Lý Thánh Tông nhiều năm trước đã an bài chuẩn bị chu đáo bảo vệ cho ngai vàng của con mình.

Xem lại Phần 2: Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 2): Sự nghiệp và binh quyền

Nhà Tống lúc này dưới thời Tống Thần Tông và tể tướng là Vương An Thạch đang thực hiện “Tân pháp” muốn chấn hưng nguyên khí quốc gia để chống lại các quốc gia du mục hùng mạnh mới nổi lên như Tây Hạ và nhà Liêu bấy giờ. Tuy nhiên “tân pháp” do họ Vương đề ra vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phái thủ cựu trong triều đình, để phân tán sự chú ý vào Tân pháp và lập chiến công quân sự lấy uy tín, Vương An Thạch đã xui vua Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt.

“Vương An Thạch nhà Tống cầm quyền, tâu [với vua Tống] rằng nước ta bị Chiêm Thành đánh phá. Quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với nước ta.” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Từ thời tự chủ nhà Đinh cho đến nhà Lý sau này, sự đề phòng của nước ta đối với kẻ địch mạnh phương Bắc chưa bao giờ lơi lỏng. Trước khi có họa xâm lăng, thì Lý Thường Kiệt cùng triều đình Đại Việt đã chuẩn bị mọi việc từ lâu để giành chiến thắng. May mắn cho nước ta lúc bấy giờ, dù Nhân Tông mới có bảy tuổi khi lên ngôi, nhưng Ỷ Lan Thái hậu lại chứng tỏ bản thân là một nhà chiến lược xuất sắc, một danh tướng nữ giới bày mưu quyết thắng ngàn dặm duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Không có sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược của Linh Nhân thái hậu cùng tài cầm binh trên chiến trường của Lý Thường Kiệt, ắt hẳn Đại Việt đã phải sáp nhập trở lại bản đồ Hoa Hạ một lần nữa. Hai đại danh tướng thiên tài một nam một nữ này quả thật là món quà quý giá vô cùng mà Thiên thượng đã an bài cho nước Nam ta vậy. Sự phối hợp của họ như áo trời không đường may, quả là kỳ tích quán cổ tuyệt kim.

Hai đại danh tướng thiên tài một nam một nữ này quả thật là món quà quý giá vô cùng mà Thiên thượng đã an bài cho nước Nam ta vậy. (Ảnh: Tổng hợp)

Đoàn kết nhân tâm, chấn chỉnh nội trị

Trong việc chống ngoại xâm thì nhân tài là yếu tố quan trọng đầu tiên. Có câu “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nếu nguyên khí mạnh ắt sẽ không sợ ngoại tà xâm lấn. Trong khi nguy cơ trùng trùng từ biên cương truyền về, khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta vẫn thành công rực rỡ và tuyển được một số nhân tài cho chính quyền.

“Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngoài các nhân tài vừa trúng tuyển thì sự đoàn kết nhất trí của triều đình còn quan trọng hơn, cần phải thu phục và thống nhất nhân tâm. Về mặt này, Lý Thường Kiệt còn tỏ ra là một người rất giỏi về chính trị và có 1 tấm lòng rộng rãi, một lòng vì đại sự. Ông đã bỏ qua hiềm khích, mời Thái sư Lý Đạo Thành về cùng cầm quyền. Động thái này đã xóa bỏ sự chia rẽ và bất mãn trong triều đình sau sự biến Thượng Dương thái hậu bị bức tử trước đây. Vì Lý Đạo Thành là thái sư trọng thần 2 triều vua, vậy mà mất quyền bính vào tay một võ tướng mới 50 tuổi, ắt cũng làm các lão thần khác trong lòng ít nhiều không phục.

Giáp Dần, [Thái Ninh] năm thứ 3 [1074], (Tống Hy Ninh năm thứ 7). Cho Lý Đạo Thành làm Thái phó bình chương quân quốc trọng sự. Xuống chiếu cho các công thần 80 tuổi đều được chống gậy ngồi ghế khi vào chầu”
(Đại Việt sử ký toàn thư)

An bài hai triều đại, dự trữ chiến lược khổng lồ

Đúng vào lúc Lý Nhân Tông chỉ mới 10 tuổi (1075), nhà Tống rục rịch chuẩn bị đem quân xâm lược Đại Việt. Điều này đã dẫn đến một chiến tích phạt Tống thành công nhất trong lịch sử của người Việt với sự chỉ huy của vị anh hùng Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên điều gì cũng có lý do của nó, thành công vĩ đại của Lý Thường Kiệt sẽ không bao giờ đến nếu ông chỉ là một tướng lĩnh xuất thân hoạn quan, dẫu cho ông tay nắm đại quyền đi chăng nữa. Bởi vì chiến tranh và chiến thắng là dựa trên tương quan của thực lực quốc gia, năng lực hậu cần và quân sự chứ không đơn giản là đo bằng những trận chiến. Trong điều kiện thông thường, kết quả chiến cuộc thường đã được định từ đầu trên tương quan lực lượng hai quốc gia. Vì thế mà Đại Việt chưa bao giờ có hy vọng có thể tiến chiếm thành công Trung Hoa, bởi vì quốc lực khổng lồ của Hoa lục cùng với sự ưu việt hơn về nền tảng văn hóa cai trị rồi sẽ nhanh chóng bài xích quân xâm lăng và đồng hóa họ. Kim, Liêu, Nguyên, Thanh là những ví dụ rất sinh động của lịch sử. Vì thế nên chủ trương của Đại Việt các đời chỉ là đánh bại quân Trung quốc ngay trên đất nước mình, hoặc tấn công chớp nhoáng gây thiệt hại nặng để Trung quốc không dám xâm lược. Lý Thường Kiệt đã lựa chọn kết hợp cả hai phương pháp là đánh phủ đầu để mua thêm thời gian chuẩn bị, sau đó đánh bại quân Tống ngay trên chiến trường Việt.

Để làm được điều này thì quốc gia nhỏ bé như nước ta phải có sự thống nhất ý chí cao độ từ trên xuống dưới trong cả triều đình và thực hiện một sự chuẩn bị hậu cần có lẽ là lớn nhất trong lịch sử. Một sự chuẩn bị khổng lồ cho 10 vạn đại quân viễn chinh có cả kỵ binh, hải quân, bộ binh đánh sâu vào nội địa nhà Tống, tấn công một lúc cả 3 châu trên một chiến trường rộng lớn hơn cả Đại Việt có vẻ là điều bất khả thi với diện tích và dân số nước ta lúc đó. Nhưng may mắn thay, chúng ta có Linh Nhân thái hậu đang nắm quyền thay cho hoàng đế, tể tướng Lý Đạo Thành kinh nghiệm cầm quyền mấy chục năm và danh tướng lão luyện Lý Thường Kiệt nắm toàn bộ quân sự. Bộ ba hoàn hảo này có cơ hội tụ họp cũng là nhờ vào trí tuệ của Lý Thánh Tông nhiều năm trước đã an bài chuẩn bị chu đáo bảo vệ cho ngai vàng của con mình. Ông vừa khiến Ỷ Lan tập quen việc điều hành chính sự, bổ nhiệm các quan lại tuyệt đối trung thành trong nội các trợ giúp cho vợ, lại cùng lúc nâng đỡ Lý Thường Kiệt khiến ông từ một vị võ quan nhỏ mà trong thời gian mới 50 tuổi đã nắm toàn bộ binh quyền.

Danh tướng Lê Phụng Hiểu - Khi sức mạnh và tinh thần thượng võ được dùng đúng chỗ
Lý Thường Kiệt khiến ông từ một vị võ quan nhỏ mà trong thời gian mới 50 tuổi đã nắm toàn bộ binh quyền. (Ảnh: Tổng hợp)

Vai trò chủ đạo của Linh Nhân thái hậu, người tư lệnh tối cao của nước ta thời đó, đã thể hiện vô cùng xuất sắc, là nền tảng của tất cả chiến công và sự trường tồn của Đại Việt từ đó về sau. Tuy nhiên chính sử hai bên lại có vẻ như cố tình làm cho lu mờ vai trò của bà. Âu cũng là một điều đáng tiếc.

Văn võ lưỡng ban, anh tài phò xã tắc

Cuộc Bắc phạt và kháng chiến chống Tống vĩ đại thành công là kết quả của sự an bài sắp đặt vô cùng tỉ mỉ trong hai triều đại và có sự đóng góp của vô số nhân tài. Điều này không được ghi rõ trong chính sử cả Trung Hoa và Đại Việt mà lại ở các sử liệu không chính thống khác.

Các sử liệu Tống và cả Việt đều không ghi chép rõ về nội các chính phủ của Đại Việt thời bấy giờ. Nhưng trong tư liệu gia truyền của hai tướng Quách Quỳ và Triệu Tiết là "Quách Thị Chinh Nam" và "Triệu Thị Chinh Tiễu Giao Chỉ Ký" lại có ghi rất đầy đủ.

Ví dụ như hai vị hoàng tử Hoằng Chân Chiêu Văn tử trận trong trận Như Nguyệt có tước vị là Trung Thành Vương và Tín Nghĩa Vương cùng 18 vị tướng khác với đầy đủ danh tính và chức vị.

Ngoài ra 2 bộ sách trên còn ghi tên sáu vị phu nhân vốn là người quen của Ỷ Lan được vua Lý Thánh Tông bổ nhiệm vào lục bộ giúp vua, sau này đã trở thành trợ lý đắc lực nhất giúp Ỷ Lan điều hành quốc gia và chuẩn bị hậu cần cho cuộc viễn chinh đánh Tống. Danh tính sáu vị phu nhân như sau:

- Binh Bộ: công chúa Thiên Thành

- Hộ Bộ: công chúa Thiên Ninh

- Hình Bộ: công chúa Động Thiên

- Lễ Bộ: Trần Ngọc Huệ phu nhân tướng Bùi Hoàng Quan

- Công Bộ: Vũ Thanh Thảo phu nhân tướng Nguyễn Căn

- Lại Bộ: Lê Ngọc Nam vương phi Tín Nghĩa Vương Lý Chiêu Văn

- Khu Mật Viên Nguyễn Thị Trinh Dung vương phi Trung Thành Vương Lý Hoằng Chân

Ngoài ra còn có rất nhiều các vị tướng quân tài giỏi đã góp phần đánh bại quân Tống cũng được ghi rất chi tiết chứ không chỉ có vài vị như trong sử của Việt và Tống sau này.
Gồm có các vị như sau:

- Bùi Hoàng Quan - Thái tử thái bảo, phiêu kỵ đại tướng quân, Gia Viễn hầu

- Dư Phi - Thái tử thiếu sư, Vũ Dực đại tướng quân, Nam Sơn hầu

- Nguyễn Căn - Quang lộc đại phu, Trấn Bắc thượng tướng quân, Tản Viên hầu

- Hoàng Kiện, Phụ quốc thái úy, Sơn Nam quốc công

- Và các tướng khác như Phạm Dật, Vũ Quang, Đinh Hoàng Nghi, Lý Đoan, Trần Ninh, Trần Di, Dương Minh, Triệu Thu, Mai Cầm, Quách Y, Ngô Ức, Tạ Duy và các vị phu nhân vợ của họ cũng tham gia tòng quân chinh chiến.

(trích “Thư viết cho tuổi trẻ tộc Việt” Trần Đại Sỹ)

Xem tiếp:

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 3): Lựa chọn lịch sử của bậc vĩ nhân