Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 6): Kế hoạch phục thù của Tống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến chớp nhoáng tiên phát chế nhân của Lý Thường Kiệt thành công rực rỡ, đã đập tan những chuẩn bị xâm lăng của quân Tống. Tuy nhiên với quốc lực khổng lồ và sự quyết tâm thu phục nước ta để thị uy thiên hạ, nhà Tống đã nhanh chóng xây dựng lại lực lượng xâm lăng kỹ càng hơn và bội phần nguy hiểm hơn, do đã rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó. Áp lực đè nặng lên nước ta vô cùng lớn.

Xem lại: Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 5): Công hạ thành Ung Châu

Quyết diệt Giao Chỉ, ra uy bốn phương

Thực chất nhà Tống từ khi Tống Thần Tông lên nắm quyền, áp dụng biến pháp của Vương An Thạch trong một thời gian ngắn trở nên cường thịnh hơn trước, muốn đánh bại một nước nào đó để lập uy với thiên hạ, rửa cái nhục thua sút trước Liêu và Hạ. Do đó Vương An Thạch và Tống Thần Tông đã chọn Đại Việt làm nơi để thực hiện chiến lược đó vì cho rằng nước Nam ta là yếu hơn so với Liêu, Hạ. Nhưng nhà Lý đã làm đảo lộn hết chiến lược của Tống với nước cờ “tiên phát chế nhân” đánh thẳng vào Khâm, Liêm, công hạ thành Ung Châu, chính là các cứ điểm quan trọng nhất để quân Tống xuất phát đánh nước ta. Vì thế mà vua Tống và triều thần phải chuẩn bị một kế hoạch khác để đánh nước ta, nhưng kỹ lưỡng chu đáo và đầu tư nhiều hơn so với dự kiến. Họ quyết tâm phải thắng để lấy lại uy tín của thiên triều.

“Lúc quân ta diệt được Giao Chỉ, uy ta sẽ có. Rồi ra bá cáo cho Thiểm Tây biết, quân dân Thiểm Tây sẽ có thắng khí. Với khí thắng ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Mà nếu nuốt nước Hạ thì còn ai dám quấy nhiễu Trung quốc nữa?”
(Hoàng Xuân Hãn-Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý)

Binh hùng mã tráng, chuẩn bị chu đáo

Hai danh tướng thời đó là Quách Quỳ và Triệu Tiết được đề cử cầm quân đánh nước ta. Quách Quỳ làm Nguyên soái, Tuyên huy nam viện sứ. Triệu Tiết làm An Nam đạo hành doanh, mã bộ quân đô tổng quản chiêu thảo sứ, kiêm Tuyên phủ sứ Kinh Hồ Quảng.

Đánh bại Quan Vũ, khiến Tôn Quyền đại bại, ông mới xứng là đệ nhất danh tướng Tam Quốc
Hai danh tướng thời đó là Quách Quỳ và Triệu Tiết được đề cử cầm quân đánh nước ta. Quách Quỳ làm Nguyên soái, Tuyên huy nam viện sứ. (Ảnh minh họa tổng hợp)

Quách Quỳ là danh tướng nổi tiếng đã từng chiến đấu với Tây Hạ và trấn giữ biên thùy Tây Bắc thời gian dài. Ông ta được đem theo các thủ hạ là 9 trong số 12 tướng lãnh lừng danh chiến trường Tây Bắc cùng đánh nước ta. Triệu Tiết là một tướng lĩnh văn võ toàn tài, vốn là cận thần của vua Tống, cũng lăn lộn nhiều năm ở chiến trường Tây Bắc chiến đấu với Tây Hạ và lập nhiều công trạng. Hai tướng chỉ huy quân số tổng cộng có 30 vạn đại quân, trong đó có 10 vạn binh chính quy và 1 vạn kỵ binh, chưa kể 20 vạn bảo binh kiêm vai trò vận chuyển lương thảo quân nhu. Con trai Tô Giam là Tô Tử Nguyên làm tuần kiểm và Dương Tùng Tiên làm Chiến trạo đô giám huy động dân chài ven biển miền Nam gia nhập thủy quân đánh nước ta.

Ngoài ra để phòng bệnh dịch cho quân đội, Hàn Lâm Y Quan Viện của vua Tống phải làm ra 57 bài thuốc trị lam chướng cho quân đội, yêu cầu binh lính giữ vệ sinh và phòng ngừa bệnh trên đường hành quân. Ngoài ra vua Tống còn chu đáo dặn các lộ Quảng Đông, Giang Tây, Phúc Kiến phải cẩn thận đề phòng gián điệp. Trong cuộc chiến tranh Tống Việt thời Lý, gián điệp của nhà Lý được xem là một thành công lớn đem lại ưu thế cho quân Lý trước quân Tống. Lý Thường Kiệt có thể thành công tung hoành đánh phá Ung, Khâm, Liêm là nhờ vào sự tinh nhuệ và số lượng nhiều đến khó lường của đoàn quân này trải khắp biên giới và các tỉnh ở Trung Hoa thời đó.

Tống còn tận dụng các lực lượng thổ binh sát biên giới, dùng lợi nhử, dùng thế lực uy hiếp mà chiêu dụ họ sang đánh nước ta. Sau thời gian dài chuẩn bị chu đáo từ lương thảo, binh lực, thuốc men đến hậu cần, cuối năm 1076 đến đầu năm 1077 quân Tống mới tiến quân đánh nước ta. Cánh quân trên bộ do Quách Quỳ thống lãnh xuất phát từ Ung Châu tiến vào Đông Bắc Đại Việt. Thủy quân xuất phát từ Lôi Châu men biển vào cửa Bạch Đằng gồm 2 hạm đội, hạm đội 1 do Lưu Sơ và Hứa Ngạn Tiên chỉ huy đi về phí Chiêm Thành đánh thốc lên, hạm đội 2 do Dương Tùng Tiên và Tô Tử Nguyên lo tiếp tế lương thực từ Giang Tô, Phúc Kiến qua Đại Việt. Hạm đội thứ hai này sẽ phối hợp với Quách Quỳ chở quân vượt sông tấn công Thăng Long.

Với sự chuẩn bị chu đáo và binh lực hùng hậu, những tưởng người Tống có thể san bằng nước Nam lần này. Nhưng trời không chiều kẻ bạo ngược, trước khi Quách Quỳ lên đường, vua Tống đã dặn một câu mà đã vận vào cái kết cục của cuộc chiến sau này: “Theo Thạch Giám, giặc Giao Chỉ mạnh gan, liều chết chỉ kém nước Hạ mà thôi. Việc động binh lần này rất can hệ đến sự an nguy của Lưỡng Quảng. Bốn phương nhìn về, nếu không thắng hẳn bất tiện cho nước đó, nên cẩn thận…”

Sau quả thật là quân Tống bị bức đến nỗi phải nghị hòa, thương vong lớn mà lủi thủi về nước để không làm ảnh hưởng đến “an nguy của Lưỡng Quảng”, quả thật là số trời an bài vậy.

Xem tiếp:

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật cuộc đời Lý Thường Kiệt (Phần 6): Kế hoạch phục thù của Tống